Tháng 5/2014, thông qua tòa án Pháp, 26 công ty hóa chất ở Mỹ nhận được đơn khởi kiện đòi thừa nhận tác hại của chất độc hóa học họ đã cung cấp cho quân đội Mỹ gây ra cho sức khỏe con người trong chiến tranh Việt Nam những năm 1960-1970. Nguyên đơn là một phụ nữ Pháp gốc Việt, bà Trần Tố Nga. Ở tuổi 75, mang trong người đủ thứ bệnh có thể bộc phát bất kỳ lúc nào do ảnh hưởng chất độc da cam, sức khỏe yếu song ý chí bà Nga không hề yếu đuối.
Trước đây, bà Nga nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn xã Việt Nam, bị nhiễm chất độc da cam trong thời kỳ kháng chiến. Cả ba người con gái của bà đều nhiễm độc, trong đó con gái đầu đã mất khi mới 17 tháng tuổi, hai người con và cháu ngoại của bà cũng mắc nhiều bệnh do ảnh hưởng của dioxin.
Sau 6 năm trời ròng rã theo đuổi 19 phiên tòa tại Pháp để kiện 26 tập đoàn hóa chất của Mỹ, hôm 29/6, Thẩm phán phiên tòa thứ 19 quyết định sẽ mở phiên tòa đại hình Evry vào ngày 12/10/2020. Vì thế, bà Trần Tố Nga rất mong muốn được cộng đồng chung tay giúp lan tỏa thông tin, cùng lên tiếng đòi công lý cho nạn nhân da cam, đòi người làm tội phải nhận tội. Dưới đây là nội dung lá thư của bà Nga được đăng trên trang Facebook cá nhân:
Bà Trần Tố Nga, người đang theo đuổi vụ kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ đã cung cấp hóa chất phục vụ quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
"Gửi các bạn,
Ngày 29 tháng 6, thẩm phán phiên tòa thứ 19 về vụ kiện da cam đã quyết định mở phiên xử tại tòa đại hình Evry vào ngày 12 tháng 10 năm 2020.
Đã mười hai năm từ khi quyết định kiện, đã sáu năm từ khi khởi kiện và có phiên tòa đầu tiên, cuối cùng thì sự kiện mong đợi cũng thực sự bắt đầu. Cám ơn các bạn trong sáu năm qua đã không ngừng động viên, ủng hộ. Nhưng hôm nay, để được mọi người cùng đồng lòng, cùng nhau đi đến đích cuối cùng của cuộc chiến đấu đầy cam go này, cho phép tôi được nói với các bạn những lời từ tâm can.
Làm giao liên Sài Gòn từ năm 8 tuổi, vỏn vẹn 12 năm sống với ông bà từ đó xa nhà, làm HSMN (học sinh miền Nam) trong tình yêu thương của nhân dân, thầy cô và bạn bè. Sau đó làm bạn trên đường Trường Sơn, làm đồng chí cùng chung chiến hào, sống chết bên nhau, rồi vào tù chịu roi đòn tra tấn, mỗi giai đoạn quan trọng của đời tôi được gói trong mười năm. Mười năm ở miền Bắc, mười năm trong chiến tranh. Ngày 30/4/1975, tôi ôm con ra khỏi tù với ký ức về người mẹ mất tích, về những người bạn đã để lại tuổi xuân ở một nơi nào đó trên mảnh đất còn quá nhiều hố bom, quá nhiều vết tích tàn phá của chất độc da cam.
15 năm làm cô giáo đầy sóng gió và hơn hai mươi năm lang thang nhiều nơi, nhiều xứ để thay người đã mất góp chút sức cuối đời hoàn thành lời thề: vì hạnh phúc của Nhân Dân. Đến giờ này, lời nguyện ấy vẫn còn tươi xanh.
Một tuần lễ thăm các gia đình nạn nhân da cam đã cho tôi biết những đau khổ cùng cực và ý chi sống mạnh mẽ, tấm lòng nhân ái của những con người thân thể quặt quẹo, nói không ra tiếng nhưng biết lau nước mắt cho người nguyên lành. Một câu hỏi dằn vặt tôi: khi thế hệ cha mẹ chết đi rồi, ai sẽ là người chăm sóc họ khi Nhà Nước cũng đang còn quá nhiều khó khăn? Ai?
Bà Trần Tố Nga đi bộ đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 8/2015. Nguồn: Báo ảnh Việt Nam.
Bởi lẽ đó, khi trong Tòa án Lương tâm Quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam năm 2009, luật sư William Bourdon và nhà văn Andre Bouny yêu cầu tôi đứng kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam rải trên lãnh thổ Việt Nam, tôi đã không từ chối. Tôi không từ chối sau khi tôi hiểu rằng, lúc bấy giờ, tôi là trường hợp duy nhất có thể kiện và vì vậy là cơ may cuối cùng cho các nạn nhân da cam Việt Nam và tất cả các nạn nhân da cam trên thế giới vì tôi hội đủ ba điều kiện: Tôi đang ở Pháp là nước duy nhất có luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình, tôi có quốc tịch Pháp sau khi nhận huân chương Bắc đẩu Bội tinh, và may mắn hơn, tôi là nạn nhân chất độc da cam.
Một câu hỏi được đặt ra: Vụ kiện sẽ rất lâu dài, rất gian nan, liệu tôi có đủ gan, đủ sức đi tới cùng, hay nên chăng chọn một giải pháp ngắn và đơn giản hơn: hòa giải và nhận bồi thường. Chúng tôi đã nói KHÔNG với giải pháp này.
2009 - 2011, hai năm để thuyết phục, hai năm để xóa nghi kỵ, hai năm chịu đựng những hiểu lầm để đạt được sự đồng thuận, cuối cùng tôi mừng rớt nước mắt khi cầm tờ kết quả xét nghiệm chỉ rằng nồng độ dioxin trong máu của tôi cao hơn tiêu chuẩn qui định. Có thể kiện rồi! Nhưng lại chưa thể!
2011 - 2013, thêm hai năm chờ đợi cho bộ luật của Pháp quay về cho phép các vụ kiện quốc tế. Và tháng 3 năm 2013, khi chúng tôi được phép kiện, khi hồ sơ bắt đầu nghiên cứu từ 2009 đã hoàn chỉnh thì cần có 35.000 euro để được một dịch giả nhậm thệ quốc tế dịch 30 trang tài liệu từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, trong khi chúng tôi không có một đồng nào.
Các bạn Pháp trong một cuộc họp nhỏ, nghe nói về vụ kiện lúc ấy còn đang giữ trong vòng khép kín để đối phương chưa bị đánh động, dù không biết tôi là ai nhưng chỉ trong vòng một tuần, các bạn đã gởi cho tôi 16.000 euro. Cảm động hơn nữa, các anh chị Việt Kiều từ bất cứ nguồn nào từ đó đã không buông tay, cùng đi tới. Hòa hợp dân tộc đã được vụ kiện giúp thực hiện. Số tiền còn lại do từ Việt Nam gởi qua vừa kịp cho chúng hoàn tất thủ tục.
14 tháng 5 năm 2013, Tòa đại hình Evry đã chấp nhận đơn của Trần Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đúng một ngày trước khi chúng tôi mất thời hiệu kiện được luật qui định là 5 năm từ khi tuyên bố là nạn nhân chất độc da cam. Lại chờ đợi!
Tháng 4 năm 2014, tôi nhận được thông báo Tòa mở phiên đầu tiên với danh sách hầu tòa của 19 công ty, tập đoàn hóa chất Mỹ đã từng sản xuất chất khai hoang trong chiến tranh Việt Nam. Đêm hôm đó, cũng như đêm vừa qua, tôi không ngủ được khi thấy đứng đầu danh sách là hai tập đoàn được gọi là người khổng lồ thế giới trong ngành sản xuất hóa chất: Monsanto và Dow Chemical, cũng là hai tập đoàn chủ yếu sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh. Họ chưa một lần ra hầu ở bất cứ tòa án nào ở nhiều nước.
Từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 6 năm 2020, tròn 6 năm trôi qua với 19 phiên tòa, với rất nhiều khó khăn, trở ngại vô lý do đối phương không ngừng gây ra. Trong sáu năm ấy, tôi cũng đã trải qua nhiều cơn bệnh ngặt nghèo, tuổi đã ngấp nghé 80, nhưng từ một người đơn lẻ, hôm nay tôi đã có được hàng ngàn , hàng chục ngàn người từ nhiều nước trên thế giới làm bạn đồng hành, không cho phép tôi có, dù một phút nản lòng, sờn chí. Mà nản sao được khi trước mắt tôi luôn hiện hình ảnh các nạn nhân da cam, ánh mắt hy vọng, trông đợi của họ. Nản sao được khi mình đã tự nhận là đại diện của hàng triệu người đã ngã xuống.
Vậy thì, các bạn ơi!
Hơn lúc nào hết, vụ kiện chất độc da cam của Trần Tố Nga cần đến sự chung tay, góp sức của mỗi một người trong chúng ta, vì dù nó có mang tên của một người thì đây vẫn là cuộc chiến đấu vì công lý, vì lẽ phải của mỗi người cho những người bất hạnh hơn mình.
Cuộc chiến khốc liệt, mà có cuộc chiến nào không khốc liệt dù trong thời nào, đang đi những trận cuối chưa biết kết thúc lúc nào và như thế nào. Nhưng đây là cuộc chiến đấu cuối cùng, là cơ may cuối cùng, để cho thảm họa da cam không bị rơi vào quên lãng, để cho thế giới nhận rõ tội ác quá khứ để chặn đứng tội ác thuốc trừ sâu hôm nay, để người gây tội ác ít ra cũng phải thừa nhận tội ác và đền bù tội ác cho nhân loại, cho các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của họ.
Chính vì vậy, từ đây đến ngày xử của tòa, xin các bạn mỗi người giúp lan tỏa thông tin để cả thế giới và các thẩm phán của Tòa hiểu rằng cả Việt Nam đang lên tiếng đòi công lý cho nạn nhân da cam, đòi người làm tội phải nhận tội .
Xin các bạn, bằng cách của mình, nói với người thân, với tất cả các bạn của mình, những người ở kế bên mình thông tin về một vụ kiện ở trên đất Pháp nhưng vì chính những nạn nhân Việt Nam mà đã kiên trì diễn ra trên mười năm nay và sẽ còn kéo dài với hy vọng cuối cùng là sự thật được thừa nhận.
Các bạn giúp chia sẻ thư này cho tất cả những người bạn và những người bạn của bạn tiếp tục chia sẻ. Ngày 18/8 là ngày Nạn nhân Chất độc Da cam, họ sẽ ấm lòng hơn nhờ các bạn!
Kính,
Trần Tố Nga".