1. Hội trường rộng lớn của lễ trao giải thường niên LPL dễ khiến người ngồi bên trong đó cảm thấy nhỏ bé. Trên sân khấu rộng lớn, những màn hình LED sáng choang đang chiếu liên tục những đề cử của giải thưởng MVP của LPL 2020. SofM Lê Quang Duy, mặc một bộ suit chỉn chu, ngồi ngay ngắn giữa các đồng đội trong team Suning của mình. Ngày hôm nay, SofM được đề cử cho 3 giải thưởng của LPL 2020, bao gồm: Ngoại binh hay nhất, Đi rừng xuất sắc nhất, và Tuyển thủ xuất sắc nhất (MVP).
Nói một chút về giải thưởng MVP của LPL. Nếu bóng đá có Quả bóng vàng để tri ân cho cầu thủ xuất sắc của mùa giải, thì MVP (Most Value Player) cũng vậy. Và nếu Premier League là giải đấu khắc nghiệt nhất cấp CLB quốc gia, thì LPL cũng là giải đấu đỉnh cao bậc nhất của cộng đồng chơi Liên Minh Huyền Thoại thế giới. Điều này cho chúng ta một phép tính bắc cầu: MVP của LPL sẽ được nhìn nhận như một trong những tuyển thủ danh giá nhất thế giới.
Và cái giây phút đó cũng đến, hai MC chậm rãi bóc phong bì chứa cái tên đang được hàng trăm nghìn con người nín thở chờ đợi. Trung Quốc luôn là sân chơi hội tụ những cái tên sừng sỏ nhất thế giới, điều này càng khiến khán giả LMHT quan tâm đến cái tên được xướng lên đêm nay. Đó chắc chắn, phải là một game thủ toàn diện và đột phá, cái tên đó phải cực kỳ thuyết phục và khiến tất cả phải ngả mũ tán dương.
SofM
Cả khán phòng sáng bừng lên trong chốc lát, và những tấm LED trên sân khấu hiện lên hình ảnh một chàng trai Việt Nam, đeo kính cận với gương mặt hiền lành. Tiếng hò reo từ những người đồng đội xung quanh trái ngược với vẻ thoáng ngỡ ngàng trên gương mặt SofM. Rất nhanh, cậu lấy lại vẻ bình tĩnh vốn có, mỉm cười ngượng nghịu tiến lên sân khấu nhận giải. Với chiếc cúp MVP của LPL 2020, cúp Ngoại binh hay nhất và cúp Đi rừng xuất sắc nhất - SofM đã có một đêm trao giải thắng lợi, kết lại cho 1 năm giấc mơ thành sự thật không chỉ với riêng SofM, mà còn là của cả cộng đồng game thủ Việt Nam.
Cái năm mà rốt cuộc, chúng ta cũng được thấy một tuyển thủ Việt đặt chân vào trận Chung kết tổng của giải đấu CKTG, và trở thành một trong những cái tên chói sáng nhất làng eSport vốn là lãnh địa của các cường quốc về game như Trung và Hàn.
2. “Tôi là một người bình thường. Không có năng khiếu nổi trội gì. Thậm chí, còn khá lười”. SofM tự nói về bản thân mình khi chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện.
SofM đã chuyển tới Trung Quốc được 4 năm. Năm 2016, sau khi đã đạt thành công nhất định định và trở nên nổi tiếng ở Việt Nam, SofM quyết tâm ra nước ngoài thi đấu để theo đuổi đến cùng giấc mơ được phát triển tối đa. Có 2 lựa chọn khi đó: Sang Mỹ hoặc sang Trung Quốc. SofM chọn Trung Quốc vì một lý do đơn giản: Gần nhà. Hơn nữa, Trung Quốc cũng sở hữu một nền eSport vô cùng phát triển, có văn hóa gần gũi và không mất nhiều thời gian thích nghi.
“Lý do tôi lựa chọn ra nước ngoài thi đấu là bởi tôi muốn học và tìm hiểu về LOL rõ hơn. Môi trường chuyên nghiệp ở đây giúp tôi chơi tốt hơn, và quen dần hơn với hệ thống giải đấu và nền thể thao điện tử phát triển như một ngành công nghiệp”, SofM nói. “Khó khăn lớn nhất với không chỉ tôi, mà còn là cả các game thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu là ngôn ngữ. Thứ hai là lối sống, khi việc giao tiếp trở nên rất khó khăn. Khi xa nhà, việc ăn uống và phải sinh hoạt trong một nếp sống xa lạ trở thành thử thách”.
Thời điểm sang Trung Quốc thi đấu, SofM đang thi đấu cho team Full Louis - một tên tuổi lớn của LMHT miền Bắc. Thật ra, đây là đội game mà SofM gắn bó từ những ngày đầu mới chập chững làm quen với LMHT. Dù là một đội game kỳ cựu, thế nhưng việc tài năng của SofM ngày một phát triển vượt trội, đã khiến ngay cả những đồng đội cũng không thể theo kịp. LMHT vốn là một game đồng đội với sự tham gia của 5 người/ đội và mỗi người lãnh một vai trò tối quan trọng khác nhau. SofM có thể chơi hay và “gánh team” ở bất cứ vị trí nào khi phát triển tối đa kỹ năng trong mọi vai trò. Với khả năng thiên bẩm, nhanh chóng, SofM trở nên lạc lõng ngay trong đội hình của team mình. Và dù cậu có cố gắng để xuất sắc cỡ nào, thì chỉ với khả năng của một mình SofM cũng không thể chạm được tới những mục tiêu mà chính cậu ao ước.
SofM buộc phải đưa ra lựa chọn để tiếp tục tiến về phía trước, gần hơn với giấc mơ của mình: Có mặt trong một trận CKTG. Và để làm được điều đó, cậu phải ra nước ngoài, phải bước vào một môi trường chuyên nghiệp thực sự, phải bao quanh mình bằng bầu không khí và những sự cọ xát tàn khốc của một đấu trường đích thực. SofM buộc phải nói lời chia tay với những người đồng đội mà cậu gắn bó đến những giây phút cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu ở Việt Nam.
3. Ở ngoài đời, SofM là một chàng trai hiền lành và có phần rụt rè. SofM ít nói, cũng không có thói quen nói nhiều về bản thân, thậm chí chỉ thoải mái khi cùng chia sẻ về game. Cuộc sống đời thường của SofM cũng vậy, chỉ xoay quanh việc luyện tập và thỉnh thoảng ra ngoài chơi cùng các đồng đội. Quần áo chỉ vài bộ là đủ, việc cắt tóc đã có gaming ở Trung Quốc lo mỗi khi vào giải đấu cần phải làm hình ảnh cho các tuyển thủ. Mọi thứ đều vô cùng đơn giản, bạn gọi là nhàm chán cũng được. Nhưng với SofM, đó là sự tôi luyện cần thiết để đạt được đỉnh cao trong con đường mình theo đuổi.
“Tôi nghĩ rằng, tố chất để trở thành một người chơi eSport chuyên nghiệp là kỹ năng, sau đó là tư duy, sự chăm chỉ và nhẫn nại. Bạn buộc phải bắt kịp môi trường chuyên nghiệp, vì đó là một cuộc sống vô cùng khắc nghiệt”. SofM thẳng thắn chia sẻ. “Lần đầu tiên khi đặt chân đến Trung Quốc, tôi ngạc nhiên vì mọi thứ ở đây nghiêm ngặt hơn những gì mình tưởng tượng rất nhiều”.
Trong suốt 1 mùa giải đầu tiên, dù gaming có phiên dịch viên riêng cho các ngoại binh, nhưng áp lực của việc không thể giao tiếp một cách tự nhiên và thoải mái khiến cho SofM không hòa nhập được với cuộc sống ở Trung Quốc. Lịch luyện tập dày đặc và những áp lực khủng khiếp của giải đấu khốc liệt bậc nhất thế giới đẩy chàng thanh niên mới chỉ 18, 19 tuổi phải đối mặt với sự cô đơn và lạc lõng cùng cực. Cậu thậm chí đã nghĩ đến chuyện về nước và sống một cuộc sống đơn giản hơn. Nhưng giấc mơ CKTG và những khát vọng chinh phục đỉnh cao là thứ kéo SofM tiến về phía trước trong suốt những ngày khó khăn tưởng chừng như bỏ cuộc đó. Cậu lên kế hoạch tìm cho mình một giải pháp. Ok, nếu bây giờ ngôn ngữ là rào cản. SofM sẽ học tiếng Trung Quốc để có thể phá tan cái rào cản đó.
Dù vậy, SofM vẫn cho rằng đó là một sự đánh đổi cần thiết để chạm đến đỉnh cao: “Ở Việt Nam, chúng ta chưa làm quen với việc để trở thành một người chơi eSport chuyên nghiệp sẽ vất vả như thế nào. Mọi người đều dễ dàng và không khắt khe với bản thân”. Chàng trai sinh năm 1998 nhún vai qua webcam.
4. Để đạt được trình độ như hiện tại, SofM không chỉ là một game thủ có năng khiếu thiên phú, mà cậu còn phải trải qua một quá trình dài khổ luyện. Ở ngoài đời, SofM là kiểu người mà nếu đã quyết tâm theo đuổi cái gì, cậu phải làm nó đến cùng, và làm cho ra trò. Khi đi học, SofM vốn là một học sinh giỏi. Nhưng khi đã quyết định chọn game, cậu bỏ tất cả và toàn tâm toàn ý cho chỉ game mà thôi.
Câu chuyện của SofM từng theo một motive điển hình của các game thủ Việt Nam: Trốn học chơi game - Bị phụ huynh phát hiện - Bị cấm - Lại trốn học chơi game tiếp - Lại cấm. Cho đến một ngày nọ, SofM quyết tâm trốn thêm một buổi học nữa để tham dự một giải đấu game cùng team Full Louis. Dĩ nhiên, cậu không nhận được sự đồng ý của bố mẹ. Một người đồng đội trong team đã tìm đến tận nhà của SofM, gặp mẹ cậu và tìm mọi cách thuyết phục cô cho SofM được nghỉ buổi học ngày hôm đó để đi thi đấu cùng team. Anh đã nói rằng: Con của cô có một năng khiếu thiên bẩm. Nếu ngày hôm nay, chúng cháu thua, cháu sẽ đưa em về nhà và không bao giờ cho em chơi game nữa.
Mẹ của SofM miễn cưỡng đồng ý. “Dù sao, nếu không cho đi, nó cũng sẽ tự trốn đi mà thôi. Thà rằng sau đó những người này giữ lời hứa và dắt nó về nhà.”, bà nghĩ.
Thế nhưng, mọi chuyện sau đó đi ngược với những dự đoán của bà. Ngày hôm đấy, SofM trở về với chức Vô Địch Hành Trình Huyền Thoại 2013, giải đấu lớn nhất cấp Quốc Gia lúc bấy giờ. Đó cũng là lúc, mẹ SofM buộc phải tin rằng: Cái lắc đầu không còn có thể cản được sự quyết tâm của con trai mình nữa.
Và những gì diễn ra sau đó là lịch sử.
5. Trong làng game Việt Nam chưa từng tồn tại một hình tượng đặc biệt nào giống như SofM. Với mỗi tựa game đều sẽ có một lượng fan riêng, và mỗi nhóm fan lại có những thần tượng của chính tựa game đó. Thế nhưng, SofM đơn giản là nhận được sự ngưỡng mộ và ủng hộ của tất cả cộng đồng người chơi game, từ tất cả những tựa game trên thị trường, kể cả là DotA 2 - tựa game đối thủ của LMHT.
Sự ngưỡng mộ tuyệt đối này đến từ nhiều thứ. Đầu tiên là bởi SofM vốn là một game thủ toàn diện. Cậu chơi hay nhất là LMHT, nhưng cũng là một game thủ cừ khôi trong DotA 2 hay CS: Go. Không phải khoa trương khi đặt cho SofM danh xưng thần đồng. Bởi thật sự chưa từng có tiền lệ về một game thủ xuất sắc ở tầm cỡ này trong lịch sử eSport Việt Nam. Hoặc giả, đã từng có, nhưng họ chưa từng có đủ sự quyết liệt để theo đuổi đến cùng cái khát vọng đỉnh cao, giống như cái cách mà SofM đã và đang làm.
Thứ 2, có lẽ đến rất nhiều từ tính cách. Game thủ vốn là những người rất dữ dội và họ không ngần ngại bày tỏ những cảm xúc tiêu cực nhất. SofM thì ngược lại. Cậu duy trì một lối ứng xử khá kín đáo và khiêm nhường. Không thường nói về bản thân và cũng không bao giờ thể hiện sự giận dữ khi gặp kết quả không tốt. Ở ngoài đời, SofM cũng được nhận xét là hiền lành, “một chỗ dựa vững vàng cho những người xung quanh”, “bình tĩnh và vô cùng tình cảm”.
Dù là người lựa chọn ra đi để sang nước ngoài thi đấu, thế nhưng SofM vẫn luôn hướng về những người đồng đội cũ. Với cậu, đó là một quyết định bất đắc dĩ nhưng cần thiết để phát triển bản thân. “Nỗi sợ lớn nhất của tôi khi ra nước ngoài thi đấu là phải xa đồng đội. Trước đây, tôi cũng nhận được rất nhiều lời mời, nhưng đều từ chối vì không muốn rời team cũ. Tôi luôn cảm thấy mình có trách nhiệm với họ. Thời gian đầu khi sang Trung Quốc với tôi vô cùng khó khăn. Trong suốt 1 năm đầu tiên, việc tôi làm thường xuyên là xem tin tức về team cũ của mình, xem cuộc sống của họ hiện tại như thế nào”, SofM thì thầm bộc bạch.
Cái ngày SofM chính thức ghi tên mình vào danh sách thi đấu trận CKTG cùng Suning cũng là ngày mà cộng đồng game thủ Việt Nam vỡ òa trong niềm tự hào, tựa như giấc mơ của hàng triệu con người cùng thành sự thật. Chưa bao giờ, Việt Nam đóng góp đại diện trong trận Chung kết danh giá nhất hành tinh. Và chưa bao giờ, một giấc mơ riêng lại đại diện cho nhiều người đến thế.
Ở Suning, SofM đã cùng đồng đội viết nên một câu chuyện cổ tích ở LPL, khi đưa một team tầm trung “phá đảo” giải đấu danh giá bậc nhất này, bước vào một trận CKTG sòng phẳng với cái tên hàng đầu LMHT thế giới: Damwon.
Nhưng ở Việt Nam, câu chuyện cổ tích mà SofM viết cho cộng đồng game thủ còn phi thường hơn thế. Đó là câu chuyện về một cậu bé giản dị đến từ Cầu Giấy, đã đi một chặng đường thật dài để chạm tay vào cột mốc cao nhất mà mình có thể mơ tới.
“Tôi thấy game thủ Việt Nam có rất nhiều người giỏi. Họ có kỹ năng và tư duy tốt. Cái họ thiếu chỉ là cơ hội và sự quyết tâm để tiến xa hơn”, SofM chia sẻ. “Nếu có thể, tôi cũng mong mình góp phần gì đó giúp thúc đẩy cộng đồng eSport nói chung và game MOBA nói riêng tại Việt Nam”.
Ở thời điểm hiện tại, thành công của SofM là niềm cảm hứng cho cả một cộng đồng game thủ. Ngay cả những người không theo dõi về game cũng đã biết đến câu chuyện về chàng trai có gương mặt hiền khô đã đạt được những gì trên con đường của mình. Mức lương 5,5 tỷ mà mọi người truyền tai nhau chỉ là một phần trong sự ngưỡng mộ. SofM xứng đáng nhận được tình cảm và sự trân trọng lớn lao đó. Cậu đã nỗ lực rất nhiều vì giấc mơ của mình, và giờ là lúc câu chuyện của cậu cần được lắng nghe.
Sau tất cả, SofM vẫn là một chàng trai 22 tuổi, giản dị và chân thành. Tôi hỏi cậu liệu còn giấc mơ nào cậu chưa chinh phục được không? SofM chỉ bẽn lẽn trả lời về điều còn trăn trở duy nhất của mình. Và đó là câu trả lời mà tôi không biết nên chúc cậu hoàn thành nó như thế nào, nhưng tôi tin rằng đó là câu trả lời nói lên trọn vẹn con người đáng mến của SofM. Dù chưa từng nâng cúp, nhưng luôn là nhà vô địch trong lòng người hâm mộ.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu Kỳ Việt Nam.
Từ ngày 13/1/2021, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2020 đã chính thức mở.
Hiện nay, SofM đang là đề cử có mặt trong hạng mục Nhân Vật Truyền Cảm Hứng của WeChoice Awards. Nếu thấy ấn tượng với những hoạt động của SofM trong năm vừa qua, truy cập wechoice.vn để bình chọn ngay hôm nay!
Diệp Nguyễn, Nam Thanh, An Anh Vũ
18/01/2021