Sau dịch, những gánh lề đường nổi tiếng với thu nhập khủng từng khiến dân công sở “phát hờn” giờ ra sao?

BÍCH LOAN | 21-05-2022 - 18:58 PM

(Tổ Quốc) - Sau dịch, nhiều người tò mò liệu những hàng gánh lề đường nổi tiếng với mức thu nhập khủng vẫn còn trụ vững hay đã biến mất?

Buôn bán vỉa hè, gánh lề đường là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đặc biệt là ở Sài Gòn. Bạn dễ dàng bắt gặp hoặc được bạn bè mách nước cho những gánh đồ ăn siêu ngon, siêu nổi tiếng mà đôi khi phải xếp hàng đợi từ sớm mới được thưởng thức. Tuy nhiên, sau dịch nhiều người tìm đến những địa điểm quen thuộc lại không thấy người bán đâu hoặc có nhiều thay đổi hơn về món ăn khiến dân tình không khỏi bất ngờ. 

    “NGÔI SAO VỤT SÁNG” - MÂM CUA HẤP LỀ ĐƯỜNG CỦA DÌ BA TỪNG GÂY KINH NGẠC KHI ĐẠT ĐẾN 1 TRIỆU ĐỒNG/KG GIỜ RA SAO? 

Mâm cua với giá đắt đỏ từng gây chú ý một thời

Cách đây tầm 4 năm, mâm cua của Dì Ba nổi như cồn! Chưa đến giờ bán mà đã thấy người xếp hàng đợi mua đông đen. Hễ Dì Ba vừa đặt cua vào vị trí là sau 5 -10 phút sau hết sạch. Không những thế, ngày càng có nhiều kênh báo rồi Food Reviewer và Youtuber tìm đến để ghi hình và trải nghiệm, đỉnh cao là "mâm cua dì Ba" còn được lên cả báo Trung Quốc như một “hiện tượng”. Khách hàng đến mua bởi chất lượng thịt cua tươi, chắc, gạch nhiều kèm thêm muối ớt hết sẩy! 

Mỗi lúc dì Ba bưng cua đến, con nào con nấy chất lượng, đỏ au, nóng hổi được bày biện lên mâm cực hấp dẫn. Tất nhiên, mâm cua ngon, phủ sóng đến nhiều khách hàng thì phải có điểm đặc biệt. Ngay từ công đoạn lựa cua đã được dì kiểm tra rất kỹ. Mỗi con cua đều được dì tự tay chọn từ vựa cua ở chợ Hoà Bình từ 7h sáng. Đến công đoạn làm sạch và chế biến để cho ra thành phẩm xuất sắc. Đầu tiên, là dùng bàn chải chà sạch rồi nhúng qua vài lần nước rồi mới xếp vào nồi hấp. Trong quá trình hấp, dì cho cua lớn và cua nhỏ vào hai nồi hấp riêng. Tiếp đó, dùng khăn sạch lau khô, bôi dầu ăn lên mình cua cho thật bóng. Cuối cùng, dùng bao ni long bọc cua lại để tránh bụi trong lúc đi xe ôm đến điểm bán. 

Thời điểm đó, dì bán giá đến 650.000 đồng/kg cua thịt, 1 triệu đồng/kg cua cốm, mỗi ngày bán được 130kg cua, trung bình 4 con/kg, mỗi con giá từ 200.000 – 250.000 đồng, trừ hết chi phí mỗi con cua dì Ba lời khoảng 70.000 đồng. Với mức thu nhập và hình thức vỉa hè khiến nhiều người “trầm trồ” không ngớt và cũng mừng cho dì vì có được nguồn thu ổn định cho cuộc sống neo đơn.

Ảnh: @phamtrinhnhi, @diadiemanuong

“ Sau dịch, mâm cua thưa thớt khách, ngày bán rất chậm chỉ được 5kg cua, có ngày ngồi 7 tiếng đồng hồ mà mâm cua vẫn chưa bán hết. ” 

Tình hình này cũng một phần vì trải qua đợt dịch nên đời sống chi tiêu của người dân “thắt chặt” hơn rất nhiều. Người dân chọn lựa những món ăn thiết yếu, đơn giản hơn để tiết kiệm bớt chi phí cho những ngày phải ở nhà không đi làm được. Giá cả của cua chất lượng thì lại có phần tăng nhẹ so với trước, cụ thể: 1,1 triệu đồng/kg cua ốp, 1 triệu đồng/kg cua gạch và 950.000 đồng/kg cua thịt. Chỉ còn vài khách quen ghé đến ủng hộ, nhiều lúc bán không hết, dì phải mang về hấp nóng lại và bán giá thấp hơn vào hôm sau. 

    MÂM ỐC DỪA “ĐẠI GIA” BÊN HÔNG CHỢ BẾN THÀNH VỚI GIÁ 120.000/ LON LIỆU VẪN CÒN TRỤ VỮNG?

Ảnh: @diadiemanuong, @streetfoodthaovy

Hàng ốc của chị Phượng từng gây tranh cãi với mức giá “đắt xắt ra miếng” nhưng toàn xế hộp đến mua và điều lạ lùng hơn nữa là chỉ bán duy nhất 1 món đó chính là ốc dừa. Gánh ốc đơn sơ, chỉ có mâm ốc được bày bán bên trên vỉa hè nhỏ sau lưng chợ Bến Thành. Mỗi ngày bán từ lúc 7h sáng đến khoảng 15h, với giá 120.000 đồng/lon (3 lạng) và 400.000 đồng/kg, chị vẫn bán hết sạch. Ở mức giá này, chắc chắn không phải ai cũng sẵn sàng chi trả để thưởng thức loại ốc xào chỉ đúng một hương vị này đâu! 

Vậy điều đặc biệt nào làm nhiều người mê mệt món ốc này. Đầu tiên, dễ nhận ra nhất chính là kích cỡ của loại ốc dừa, chị luôn chọn dạng to (so với các hàng ốc khác) và đặc biệt ở khâu chế biến, nêm nếm thật ngon, thật "bắt vị". Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị beo béo của thịt ốc thêm vị mặn, ngọt và cay cay và bùi bùi của bơ, thơm lừng vị cốt dừa. 

Ảnh: @triptrip, @congthucmonngon

“Tuy với mức giá cao nhưng khách quen vẫn luôn ghé ủng hộ, đôi khi còn có khách ship đi nước ngoài và bí quyết nằm ở công thức gia truyền”

Tính đến thời điểm hiện tại, hàng ốc này đã có ở đó được hơn 60 năm, truyền qua 2 đời với người tiếp nhận. Nhờ kinh nghiệm chọn lựa ốc to, tươi ngon và không thể thiếu hương vị đậm đà từ cách chế biến mà mâm ốc này vẫn trụ được qua đợt dịch khó khăn. Có thể nói, mâm ốc của chị là "đặc sản" của chợ Bến Thành mà ai cũng phải thử ít nhất một lần.

    MÂM BA KHÍA CÀ MAU HẤP ĐÓNG CỬA VÌ DỊCH, PHẢI DỌN ĐẾN NƠI MỚI NHƯNG DOANH THU VẪN TĂNG ĐỀU ĐỀU

Đây là hàng ba khía hấp hiếm hoi tại Sài Gòn, dạo trước dịch được dân tình lùng sục lại còn được lên nhiều trang báo. Anh Lâm, chủ quán có tận 2 hàng, nằm ở Dương Bá Trạc, Quận 8 và Vĩnh Khánh, Quận 4. Mâm ba khía hấp hấp dẫn khách bởi lúc nào mua cũng nóng hổi, thơm phức, thịt ba khía cực chắc, chấm với nước chấm có 1-0-2 là bao ghiền. Mặc dù ở giai đoạn dịch nhưng mỗi tháng hàng ba khía này vẫn kiếm "nhẹ nhàng" 400 triệu. Con số này đã là cực cao cho một hàng chỉ là một chiếc xe đẩy bán vỉa hè mà thôi! 

Hàng ba khía hấp ngày càng phát đạt sau đại dịch

Vậy để hút khách đến hàng ba khía đơn sơ thế này thì chắc chắn người bán phải thật sự bỏ cả tâm vào món ăn. Được biết, ở khâu nhập hàng, ba khía được anh chủ nhập trực tiếp từ Cà Mau mỗi ngày; đặc biệt, ba khía ở vùng Rạch Gốc Cà Mau sẽ chắc thịt, có nhiều gạch son thơm ngon hơn những vùng khác. Đồng thời, khâu sơ chế phải mất hàng giờ làm sạch chứ chẳng đùa! 

“Đổi địa chỉ sau dịch, khách đông hơn vì thích thú menu mới với sốt me và rang muối ớt cực bắt vị.”

Dạo gần đây, có khá nhiều Tiktoker lùng được địa chỉ mới và nhờ vậy mà hàng ba khía lại được nhiều khách ghé đến mua ủng hộ. Ba khía hấp vẫn giữ được vị tươi, ngọt chấm cùng muối ớt thần thánh còn loại sốt me thì có vị chua ngọt đặc biệt; cuối cùng là rang muối ớt với vị cay, đậm đà. Hiện tại, anh bán ba khía với giá 20.000 đồng/100 gram và 190.000 đồng/kg, mỗi ngày doanh thu anh bán được dao động từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Theo anh chia sẻ, thì hàng mới này anh bán được hơn rất nhiều, khách ghé mỗi lúc một đông nên anh vui lắm! 

    HÀNG BÁNH CANH CUA TẬN 300.000/ TÔ GÂY TRANH CÃI MỘT THỜI, DÂN TÌNH TÒ MÒ SAU DỊCH CÓ GIẢM GIÁ HAY KHÔNG?

Hàng bánh canh cua có giá bằng ăn ở nhà hàng cao cấp

Có một thời, tầm đâu 2018, cư dân mạng thi nhau bàn tán về hàng bánh canh núp hẻm với mức giá “đắt xắt ra miếng” tận 300.000/ tô chắc hẳn ai cũng nhớ. Có nhiều thực khách từ các quận xa đổ về vì quá tò mò tô bánh canh này liệu có gì mà giá cao đến thế! Giai đoạn đó, khách ra vô nườm nợp và phải chờ đợi rất lâu mới được thưởng thức. Chỉ là hàng vỉa hè, khác đến ngồi trên những ghế lúp xúp đặt sát tường. 

Được biết, một tô bánh canh có mức giá cao vì gồm toàn bộ các topping như: giò heo, chả cá thác lác, tôm và càng cua rất to và cực chất lượng. Bà Loan chủ quán chia sẻ rất kỹ tính trong việc chọn nguyên liệu, đồng thời nhờ kinh nghiệm bán hơn 30 năm mà nước dùng đã được gia giảm để cho ra tô bánh canh cuối cùng đậm đà hương vị! 

“Dù sau hơn 30 năm hay sau dịch, tô bánh canh cua vẫn giữ đúng mức giá cũ và chất lượng xứng đáng.”

Theo như cô chia sẻ: “Lúc trước có khách từ nhiều nơi đổ về như: Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng rồi các tỉnh miền Tây ghé đến thưởng thức nhưng sau dịch, lượng khách đến ăn có phần giảm hơn và tỉ lệ khách chọn tô có mức giá cao cũng giảm theo.” Tuy nhiên, mức giá cho một tô 300.000 vẫn giữ như cũ và chất lượng từ món ăn vẫn rất ổn định. Càng cua với size rất lớn, được bà Loan luộc, bóc sạch vỏ, khi ăn thịt rất ngọt, cảm nhận được vị tươi, săn chắc. Kết hợp với những topping đi kèm ăn no căng cả bụng. 

Ảnh: @phunnsfood, @thanhhoa.96.24

    GÁNH BÚN RIÊU “SANG CHẢNH” SÁT CHỢ BẾN THÀNH, SAU DỊCH DỜI ĐI ĐÂU MÀ TÌM HOÀI KHÔNG THẤY! 

Hàng bún riêu nườm nượp khách tại chợ Bến Thành - Ảnh: @trangnhimtron

Chỉ là gánh bún riêu vỉa hè ngay trước cửa Đông chợ Bến Thành nhưng luôn hút khách ghé, thậm chí có cả nhiều nghệ sĩ nữa. So với giá một tô bún riêu gánh vỉa hè chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng/tô thì ở đây có giá đến 55.000 đồng/tô lại còn phải xếp hàng chờ đợi đến lượt mình. 

Ảnh: @vietnamesegod

Chính nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà đã níu chân bao nhiêu thực khách ở lại. Nước lèo ở đây rất ngon, có vị ngọt thanh, không bị quá mặn và cũng không quá nhạt. Đặc biệt, các món ăn kèm như huyết, chả cua đều được gia đình tự làm. Tất cả tinh túy theo công thức gia truyền được bà ngoại trong gia đình truyền lại hơn 40 năm nay để cho ra thành phẩm tô bún riêu siêu chất lượng. Về sau, khi mức thu nhập khá ổn, gánh bún riêu nâng cấp mặt bằng lên một quán nhỏ nằm ở đường Phan Bội Châu cũng ngay khu chợ Bến Thành.

“Sau dịch, gánh bún riêu không còn view chợ Bến Thành nữa bù lại quán có không gian rộng rãi, thoáng đãng hơn".

Vì đợt dịch khá khó khăn nên bà Liên, chủ quán bún riêu đành ngậm ngùi dời quán về số 163 Lê Thánh Tôn Quận 1. Lượng khách ghé đến ban đầu có vẻ không được ổn vì nhiều người còn bối rối không biết đây có phải quán gốc ở khu chợ nhưng về sau nhờ có nhiều trang báo tìm đến đưa tin và thời buổi giao hàng phát triển nên quán vẫn duy trì được đến giờ. Tuy vậy, dù có dời đi đâu thì hương vị thơm ngon, đặc trưng của quán vẫn giữ nguyên từ lúc còn là gánh vỉa hè đến quán nhỏ hay dời đến nơi có mặt bằng rộng rãi hơn. 

Dù có nhiều khó khăn vì khoảng thời gian sau dịch nhưng không thể phủ nhận sức hút của những hàng vỉa hè dù có mức giá khá cao và chất lượng vẫn không hề thấp. Đồng thời, đây cũng là nét văn hóa ẩm thực thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước khi nhắc đến Sài Gòn. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM