Samsung bị tố đánh tráo sản phẩm, lừa dối khách hàng mua ổ cứng SSD

Bảo Nam | 28-08-2021 - 11:46 AM

(Tổ Quốc) - Sau Crucial và Western Digital, Samsung là nhà sản xuất SSD mới nhất bị bắt quả tang đã lừa dối khách hàng của mình.

Cách đây vài tuần, cả hai thương hiệu nổi tiếng về ổ cứng là Crucial và Western Digital đã bị phát hiện đã thực hiện hành vi tráo đổi chip TLC NAND được sử dụng cho một số sản phẩm SSD của mình bằng chip QLC NAND có chất lượng kém hơn, mà không cập nhật thông số kỹ thuật cho cộng đồng hoặc người sử dụng. Đây là hành động được cho là "không thể chấp nhận được", khiến cộng đồng dậy lên một làn sóng phản đối, nhiều trang công nghệ thậm chí thẳng thừng khuyến nghị độc giả nên mua SSD của Samsung hoặc Intel, thay cho Western Digital hoặc Crucial.

Nhưng, dường như Samsung cũng không phải là một lựa chọn hợp lý ở thời điểm này. Theo một phát hiện mới đây, Samsung đã không hoán đổi chip nhớ TLC bằng QLC, nhưng đã hoán đổi bộ điều khiển ổ đĩa và chip TLC bằng một bộ điều khiển ổ đĩa khác kém hơn, cùng một dòng chip TLC khác.

Samsung bị tố đánh tráo sản phẩm, lừa dối khách hàng mua ổ cứng SSD - Ảnh 1.

Ổ cứng bên trên ghi ngày sản xuất 4/2021, cái bên dưới ghi ngày sản xuất 6/2021.

Báo cáo được ghi nhận bởi Computerbase.de, dựa trên báo cáo của kênh YouTube có tên 潮 玩 客, sau khi so sánh hai phiên bản khác nhau của SSD Samsung 970EVO Plus. Cả hai ổ cứng đều được gắn nhãn dán giống nhau, tuyên bố chúng là 970EVO Plus, nhưng lại có một số bộ phận bên trong khác nhau.

Ổ cứng phía trên có nhãn MZVLB1T0HBLR, được trang bị bộ điều khiển Phoenix (S4LR020) và 3D-TLC-NAND với mã định danh K9DUGY8J5B-DCK0, thuộc thế hệ 96 lớp. Ổ cứng bên dưới có số sản phẩm là MZVL21T0HBLU, được trang bị bộ điều khiển Elpis (S4LV003) và 3D-NAND với mã định danh K9DUGY8J5B-CCK0. NAND cũng có thể là TLC NAND 96 lớp, nhưng cũng có thể ở một định dạng thiết kế khác.

Samsung bị tố đánh tráo sản phẩm, lừa dối khách hàng mua ổ cứng SSD - Ảnh 2.

Thông số hai ổ cứng sau khi bóc nhãn dán.

Bao bì của hai phiên bản này cũng khác nhau đôi chút. Một đặc điểm phân biệt khác là phiên bản firmware: phiên bản cũ là phiên bản 2B2QEXM7 và phiên bản mới là 3B2QEXM7.

Về cơ bản, cùng là SSD 970EVO Plus, nhưng hai ổ cứng sử dụng linh kiện khác nhau, và một trong số đó sử dụng bộ điều khiển Phoenix là cũ hơn. Nhưng trong các thử nghiệm, nó lại cho hiệu suất hoạt động tốt hơn.

Samsung bị tố đánh tráo sản phẩm, lừa dối khách hàng mua ổ cứng SSD - Ảnh 3.

Kết quả thử nghiệm của ổ cứng sử dụng bộ điều khiển Phoenix bên trái, Elpis bên phải.

Thử nghiệm được áp dụng cho hai SSD này yêu cầu chúng giữ vững khả năng hoạt động ổn định trong bài kiểm tra 200GB. SSD dùng bộ điều khiển Elpis ban đầu thể hiện hiệu suất nhanh hơn, nhưng khi đạt mốc 120GB, hiệu suất ngay lập tức giảm xuống còn 50% so với trước. Đồng nghĩa với việc tốc độ ghi trong thời gian thực thay đổi, ổ Phoenix có tốc độ 1,58GB/s còn Elpis ở tốc độ 830MB/s.

Một số người có thể cho rằng vấn đề không quá lớn, bởi 800GB/s vẫn còn rất nhanh, hay mọi người thường không sao chép nhiều hơn 120GB dữ liệu cùng một lúc. Hoặc công nghệ vẫn là TLC NAND, chứ không phải bị thay bằng QLC NAND như ổ cứng của Crucial và Western Digital.

Samsung bị tố đánh tráo sản phẩm, lừa dối khách hàng mua ổ cứng SSD - Ảnh 4.

Tốc độ khác biệt hai ổ cứng sau khi đạt mốc 120 GB.

Đáng tiếc, vấn đề không chỉ như vậy.

Bộ nhớ cache 120GB có vẻ như là đủ cho hầu hết các trường hợp, nhưng nó không phải là bộ nhớ cache thực sự. Nó là NAND TLC (hoặc QLC) trống được sử dụng như một bộ đệm ghi SLC. Nghĩa là càng ít dung lượng trống trên ổ đĩa của bạn, bạn càng có ít bộ nhớ cache. Ổ đĩa không thể cung cấp cho bạn 120 GB SLC mà không có khoảng 360 GB TLC trống (hoặc 480 GB QLC) và dung lượng bộ nhớ cache mà nó có thể cung cấp cho bạn tại bất kỳ thời điểm nào sẽ phụ thuộc vào số lượng dữ liệu bạn đã ghi gần đây vào ổ đĩa. Bộ nhớ cache SLC 120GB đó là lớn nhất và nhanh nhất, khi ổ đĩa mới và gần như trống rỗng. Khi ổ đĩa đã đầy và đạt đến 2/3 dung lượng, tổng dung lượng bộ nhớ cache và hiệu suất tổng thể của ổ đĩa đều sẽ bắt đầu giảm.

Samsung bị tố đánh tráo sản phẩm, lừa dối khách hàng mua ổ cứng SSD - Ảnh 5.

Bao bì phiên bản cũ bên trái, bản mới hơn bên phải.

Đại dịch, thiếu hụt nguồn cung hay làn sóng khai thác tiền mã hóa bằng SSD... không phải là lý do buộc Samsung phải viết “970 EVO Plus” trên cả hai sản phẩm. Các sản phẩm này không tương đương nhau.

Khi một nhà sản xuất gửi một sản phẩm cho những người đánh giá (reviewer) và một sản phẩm khác cho khách hàng, họ làm tổn hại lòng tin giữa cộng đồng. Người dùng phổ thông tin tưởng vào các reviewer hay trang công nghệ, nhưng cuối cùng họ lại nhận được một sản phẩm hoàn toàn khác.

Sản phẩm không phải là vấn đề. Nói dối do thiếu sót, giảm hiệu suất mới là vấn đề.

Tham khảo extremetech

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM