Chi tiêu sạch tiền trong những tháng đầu
Tường Vy (21 tuổi) chia sẻ rằng khoảng thời gian đầu khi lên TP. Hồ Chí Minh học, đã có thời gian cô bạn thường xuyên chi sạch tiền. "Có lúc chỉ mới giữa tháng mà mình chỉ còn vài trăm nghìn để trang trải đến cuối tháng nên lo lắm, phải ăn uống tiết kiệm ngay lập tức. Có lần mình còn chi sạch tiền mà không biết, tháng đó khó khăn và hoang mang vô cùng".
Khi còn ở quê gia đình chăm sóc rất kỹ đến từng bữa ăn nên không phải tự chuẩn bị từng bữa bao giờ. Đến khi sống tự lập, học đại học 1 mình, cô bạn khá lười nấu ăn nên thường xuyên ăn ngoài, đây cũng là khoản tiền chiếm phần lớn ngân sách của cô bạn. "Tâm lí của 1 sinh viên mới chưa biết lo nghĩ nhiều, chỉ biết hôm nay phải ăn cho ngon, cho no nên mình chủ yếu đặt đồ ăn trên các ứng dụng, ăn ở các hàng quán và đi ăn với bạn bè ở những quán nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Hầu như ngày nào mình cũng ăn ở ngoài, 1 tuần nhiều lắm là mình chỉ tự nấu ăn ở nhà được 1, 2 buổi".
Cũng giống Tường Vy, Tường Anh (20 tuổi) cũng từng tiêu rất nhiều tiền khi mới lên đại học. "Trước đi lên TP Hồ Chí Minh, họ hàng cũng cho mình một số tiền kha khá coi như món quà đậu đại học và bắt đầu tự lập. Song, chỉ trong 3 tháng mình đã chi tiêu hết khoản tiền đó chưa kể tiền sinh hoạt hàng tháng bố mẹ gửi".
Tường Anh cũng thường xuyên ăn ngoài, cô bạn tự nhận số tiền đi cà phê để học bài là khoản tiền khổng lồ đã được chi ra. Một khoản chi khác cũng lớn không kém là sắm sửa cho chỗ ở mới, mua những sản phẩm không cần thiết và mua quần áo mới. "Trước khi lên TP Hồ Chí Minh, mình có soạn danh sách những món đồ cần mua. Song, không hiểu sao cứ phát sinh thêm nhiều thứ 'cần mua' khác kể cả khi thực tế mấy thứ đó không thực sự cần thiết".
Không cân nhắc kỹ khi đầu tư nội thất phòng trọ
Sinh viên năm nhất đang trong giai đoạn tìm phòng trọ để bắt đầu năm học mới cũng như quãng thời gian xa gia đình để học tập. Thuê phòng trọ đã là 1 vấn đề nan giải cần nhiều ngày để tìm hiểu và quyết định, song có nên đầu tư trang trí nội thất cho nó hay không lại là 1 bài toán đau đầu khác.
Kiều Giang (19 tuổi) vì thuê phòng trống nên phải sắm tất cả nội thất lẫn đồ trang trí cho phòng. Trong những lần mua sắm này, món đồ mà Kiều Giang mua sau đó cảm thấy tiếc nuối đó chính là chiếc quạt hơi nước. Lúc đó phòng của cô bạn không có điều hòa nên mua quạt này để tiết kiệm hơn, tuy nhiên công suất yếu không đủ mát nên vẫn phải mua máy lạnh. Thành ra vừa có máy lạnh lại vừa có quạt hơi nước, khá là phí phạm.
Còn đối với Minh Anh (25 tuổi), món đồ khiến cô cảm thấy tiếc nuối nhất là tủ gỗ giữa phòng khách. "Mình thích thay đổi nội thất nên thường sẽ hay mua một vài món đồ mới. Chẳng hạn, lúc đặt, mình nhắm dùng nó để đựng bộ sưu tập chén dĩa gốm, mà sau này mình thấy hơi nặng và khó di dời để thay đổi trang trí nhà cửa. Nếu muốn thanh lý để mua tủ mới cũng khó vì nặng quá phải thuê người khiêng xuống. Mỗi lần mình đặt đồ nội thất mới sẽ phải tốn 100-200 nghìn/ phí cho các anh giao hàng bê vác lên lầu, vì mình ở trọ lầu 2, chưa tính phí giao hàng thông thường".
Suýt nghỉ chơi với bạn vì khác biệt trong cách chi tiêu
Quỳnh Chi (23 tuổi) khi vừa nhận kết quả trúng tuyển đại học ở Hà Nội đã tưởng tượng ra cuộc sống tự do như thế nào khi xa nhà. Có thể ở cùng người bạn thân thiết, tự làm chủ cuộc sống và không bị ai kiểm soát.
Song, sau khi ở cùng người bạn thân 1 năm, cả 2 đã quyết định tách ra và không còn ở chung. Lý do chủ yếu là xung đột trong cách phân bổ chi tiêu, trả hoá đơn cũng như cách tiêu tiền.
"Điều kiện tài chính của gia đình bạn mình khá tốt, do vậy cách bạn chi tiêu tiền cũng khác biệt với mình. Chẳng hạn, có rất nhiều món đồ phải dùng chung như là đồ bếp, những món trong nhà tắm bọn mình sẽ góp tiền mua. Một vài lần những món đồ này hỏng, bọn mình sẽ phải mua mới, bạn mình thì thích đầu tư đồ xịn hẳn nhưng mình lại thấy không đáng chỉ vì là nhà thuê thôi. Đó là 1 trong những khác biệt lớn nhất".
Ngoài ra, dù được bố mẹ gửi đồ ăn từ quê nhưng vẫn sẽ phải mua thêm rau củ, dầu ăn. Quỳnh Chi thích mua ở chợ để rẻ hơn nhưng bạn thân lại thích đi siêu thị. Từ những khác biệt chi tiêu và thiếu thảo luận chung dẫn đến việc cả 2 cuối cùng đã xung đột, suýt nghỉ chơi.
"Cuối cùng, bọn mình thấy nên tách nhau ra. Chơi với nhau bình thường thì được chứ ở cùng lại không hợp trong phong cách chi tiêu. Lúc đó, mình còn tưởng bọn mình không còn nói chuyện với nhau nữa. Song, đến bây giờ lâu lâu vẫn đi chơi chỉ là không còn thân như trước".
Bài học tài chính từ những sai lầm
Tường Vy chia sẻ rằng bài học lớn nhất chính là bản thân tự nhận lấy hậu quả mình tạo ra khi tiêu sạch tiền.
"Hiện tại mình là sinh viên năm 4 rồi, nhìn lại khoảng thời gian đó mới thấy mình tiêu hoang phí như thế nào, những ngày cuối tháng phải ăn uống tiết kiệm ra sao. Tuy nhiên, cũng từ những lần như vậy mình mới biết cách quản lý chi tiêu hơn, tiết kiệm hơn và còn biết đi làm thêm để có thêm sinh hoạt phí cho bản thân nữa. Cũng có những lúc như vậy mới giúp mình trưởng thành".
Bên cạnh đó, Kiều Giang chia sẻ rằng sinh viên năm nhất nếu muốn tiết kiệm có thể bắt đầu bằng cách mua sắm đồ nội thất cũ. Tuy nhiên, khi lựa chọn hình thức mua sắm này, các bạn cần lựa chọn kỹ càng hơn để có thể sắm được những món đồ tốt và có thể dùng trong lâu dài. "Đừng quá ham rẻ mà mua những đồ kém chất lượng, việc phải sửa hoặc thay mới còn tốn kém hơn nữa".
Sau trải nghiệm của mình, Quỳnh Chi rút ra rằng dù là bạn bè thân đến mấy cũng chưa chắc quan điểm chi tiêu đã giống nhau. Do vậy, để hoà hợp, ngay từ đầu cần vạch ra những quy định chung để dễ dàng phân bổ chi tiêu khi ở chung. Không nên nghĩ rằng những xung đột ngầm chỉ xảy ra 1, 2 lần rồi im lặng bỏ vì như vậy vấn đề vẫn mãi chưa được giải quyết.