Theo tin từ Sở GDCK Hà Nội, quỹ đầu tư cơ hôi PVI đã hoàn tất bán ra 10 triệu cổ phiếu VCP của CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex Power) đăng ký bán trước đó. Giao dịch thực hiện từ 4/12 đến 10/12/2020.
Quỹ đầu tư cơ hội PVI bán 10 triệu cổ phiếu VCP, thu về hơn 600 tỷ đồng
Sau giao dịch, Quỹ đầu tư cơ hội PVI giảm lượng sở hữu cổ phiếu VCP từ 23,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 40,88%) xuống 13,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 23,33%).
Theo dữ liệu chúng tôi thu được, trong 2 phiên giao dịch ngày 4/12 và 10/12/2020 vừa qua, có đúng 10 triệu cổ phiếu VCP được giao dịch thỏa thuận, với tổng giá trị thu về gần 606 tỷ đồng, tương ứng giá thỏa thuận bình quân xấp xỉ 60.600 đồng/cổ phiếu.
Trong đó ngày 4/12 có hơn 4,2 triệu cổ phiếu được thỏa thuận và ngày 10/12 có gần 5,8 triệu cổ phiếu thỏa thuận. Giá cổ phiếu VCP đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/12/2020 ở mức 48.000 đồng/cổ phiếu và đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/12/2020 ở giá 50.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá thỏa thuận mà Quỹ đầu tư cơ hội PVI bán ra cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu VCP tại thời điểm thoái vốn.
Diễn biến giá cổ phiếu VCP trong 1 năm gần đây.
Trở lại thời gian trước đó, Quỹ đầu tư cơ hội PVI bắt đầu mua vào cổ phiếu VCP từ 7/11/2020 với 4.200.760 cổ phiếu (tỷ lệ 7,37%) và trở thành cổ đông lớn. Trước đó quỹ không sở hữu cổ phiếu VCP nào. Thời điểm đó Quỹ đầu tư cơ hội PVI mua cổ phiếu VCP quanh mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến giai đoạn đầu năm 2020 quỹ này liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex Power bằng cách mua thêm nhiều lần đều là các lượng lớn cổ phiếu.
Một diễn biến liên quan, trong khi Quỹ đầu tư cơ hội PVI bán ra, thì trước đó CTCP Đầu tư VSD đã thông báo đăng ký mua 12 triệu cổ phiếu VCP. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 2/12 đến 29/12/2020. Hiện tại Đầu tư VSD chưa công bố kết quả giao dịch cổ phiếu.
Xét về giao dịch cổ phiếu VCP, hồi đầu năm 2020 đã xuất hiện nhiều giao dịch lượng lớn cổ phiếu. Trong đó đáng chú ý nhất là 2 cổ đông lớn, trong đó Vinaconex bán hết gần 16 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 28,02%), thoái sạch vốn. Ngoài ra Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Mundus Stines đã bán gần 2,9 triệu cổ phiếu.
Phía mua vào, CTCP Đầu tư Châu Á Thống nhất đã mua 8 triệu cổ phiếu, và 1 cá nhân, ông Nguyễn Anh Tuấn, đã chi xấp xỉ 600 tỷ đồng để mua vào gần 11,5 triệu cổ phiếu.
Quỹ đầu tư cơ hôi PVI cũng muốn bán hơn 11 triệu cổ phần tại Cấp thoát nước Bình Phước
Không chỉ thoái bớt vốn tại Vinaconex Power, Quỹ đầu tư cơ hội PVI còn đăng ký bán toàn bộ hơn 11,11 triệu cổ phiếu BPW tại CTCP Cấp thoát nước Bình Phước (tỷ lệ 84,19%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 16/12/2020 đến 13/1/2021.
Số cổ phiếu này cũng được Quỹ đầu tư cơ hội PVI mua vào từ tháng 7/2019 – thời điểm đó thị giá cổ phiếu VCP duy trì ngang mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong một thời gian dài. Ngay sau khi Quỹ đầu tư cơ hội PVI đầu tư vào, cổ phiếu VCP đã tăng mạnh từ đầu tháng 8/2019 lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, thời điểm tăng giá mạnh nhất của cổ phiếu BPW rơi vào giai đoạn từ 10/3 đến 17/3/2020, có lúc lên xấp xỉ 49.000 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh) trước khi giảm về mức 26.400 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Diễn biến giá cổ phiếu BPW từ khi lên sàn tháng 12/2017.