Báo Anh: Đảo nhân tạo trái phép hư hại, láng giềng phản đối, chuyện ở Biển Đông không như ý TQ

10-10-2019 - 18:57 PM

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đang vi phạm vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tờ The Economist (Anh) dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã không thể ngăn cản các công ty dầu khí nước ngoài làm việc với các quốc gia duyên hải ở Biển Đông.

Tàu Trung Quốc chạy đi chạy lại "như máy cắt cỏ" ở Biển Đông

Thời gian gần đây, các hoạt động cải tạo diện rộng của Trung Quốc ở Biển Đông được nhắc đến ít hơn nhưng không có nghĩa là Trung Quốc bớt hung hăng hơn ở vùng biển 3,5 triệu km vuông mà nước này đã tuyên bố chủ quyền [trái phép] với gần như toàn bộ diện tích.

Trái lại, Trung Quốc dường như đang cho rằng, các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo phi pháp cho phép Bắc Kinh mở ra một thời kỳ mới của sự tự mãn đối với các nước Đông Nam Á.

Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải tạo phi pháp 7 đảo đá ở Biển Đông từ năm 2013. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết các hoạt động của nước này chỉ nhằm phục vụ các mục đích chung, nhưng lời khẳng định này đã bị xói mòn bởi thiệt hại sinh thái to lớn do các công trình này gây ra, và tiếp theo đó là việc lắp đặt tên lửa, radar quân sự và cơ sở tăng cường cho máy bay chiến đấu.

Nếu việc cải tạo phi pháp các đảo đá không còn được nhắc đến nhiều nữa, chỉ bởi vì nó đã gần như hoàn tất.

Các căn cứ mới và các trung tâm tiếp tế đang giúp Trung Quốc vươn quyền lực ra ngày càng xa hơn ở ngoài khơi. Các tàu khảo sát của Trung Quốc tìm kiếm dầu và khí đốt ở vùng biển tranh chấp. Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House, Anh, mô tả, các tàu này chạy đi chạy lại "như máy cắt cỏ".

Không như ý Trung Quốc muốn

Năm 2014, Trung Quốc đã điều một giàn khoan dầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và vấp phải sự phản đối gay gắt. Giàn khoan này sau đó đã phải rút đi, nhưng sau đó, Trung Quốc tiếp tục những hành vi ngày càng ngang ngược.

Xa hơn ngoài khơi, hơn một chục tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tuần tra quanh hai rạn san hô nơi Trung Quốc trước đây không có sự hiện diện thường trực: bãi Second Thomas [bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng hiện Philippines đang kiểm soát phi pháp] và bãi cạn Luconia, ngoài khơi Malaysia.

Các hoạt động củng cố cho yêu sách chủ quyền [phi pháp] của Trung Quốc: tàu sẽ tuần tra ngày càng nhiều để ép buộc các quốc gia khác cuối cùng có thể buộc chấp nhận sự kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc. Trong khi đó, một số tàu tương tự có các hành vi đe dọa hoạt động dầu khí ở vùng biển Việt Nam và Malaysia.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra theo cách của Trung Quốc. Hiện tại có một số thông tin cho rằng, các đảo đá do Trung Quốc xây dựng phi pháp đang gặp sự cố do thời tiết khắc nghiệt.

Quan trọng hơn, các nước láng giềng đang chống lại áp lực của Trung Quốc để phát triển các mỏ khí đốt nằm trong EEZ của mình. Trong khi đó, mặc dù Philippines đã đồng ý trên nguyên tắc về một kế hoạch hợp tác chung nhưng thỏa thuận chính thức vẫn chưa được ký kết.

Trung Quốc cũng không thể ngăn cản các công ty dầu khí nước ngoài làm việc với các quốc gia duyên hải khác. Ngay cả Nga, được cho là đối tác thân thiết với Trung Quốc, cũng có hợp tác trong hoạt động dầu khí ở Biển Đông với các nước Asean.

Trong khi đó, hành vi bắt nạt của Trung Quốc đang cản trở việc thảo luận bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và Asean, bất chấp việc Trung Quốc đề xuất năm 2021 là hạn chót để đạt được COC.

Nhà nghiên cứu Ian Storey của Viện ISEAS -Yusof Ishak, Singapore cho rằng sẽ còn rất nhiều trở ngại. Một trong số đó là tính ràng buộc pháp lý của bộ quy tắc. Trung Quốc sẽ phản đối điều đó. Một trở ngại nữa là xác định phạm vi của thỏa thuận. Trung Quốc sẽ khăng khăng đòi giữ cái gọi là "đường chín đoạn" vô căn cứ nhưng vô cùng rộng lớn, bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông. Gần như tất cả mọi người sẽ phản đối điều đó.

Sau đó là vấn đề về những hành vi nào nên bị cấm. Trung Quốc sẽ phản đối lệnh cấm tiếp tục cải tạo và quân sự hóa. Và Asean chắc chắn sẽ từ chối một điều khoản trong đó phản đối các cuộc tập trận quân sự với các quốc gia không tham gia COC, cho phép Trung Quốc phủ quyết các cuộc tập trận giữa các thành viên Asean với Mỹ.

Yêu cầu của Trung Quốc với bộ quy tắc ứng xử, theo Teodoro Locsin, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, là "công nhận ngầm bá quyền Trung Quốc".

Ngày 3/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay, theo cơ quan chức năng Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc.

"Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu trên và không để tái diễn các vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép", bà Hằng nhấn mạnh.

Về phát biểu của phía Trung Quốc cho rằng, hoạt động dầu khí của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lập trường của Việt Nam đã được nêu rõ trong phát biểu ngày 12/9:

"Khu vực mà Trung Quốc gọi là bãi Vạn An thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này.

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian vừa qua đã khẳng định rõ điều này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.