"Trong nguy có cơ" là câu nói được nhiều người nhắc đến trong những ngày thế giới trải qua đại dịch trăm năm có một mang tên Covid-19.
Đối với Việt Nam, "nguy" thể hiện qua những con số sụt giảm trong các lĩnh vực của nền kinh tế, qua những kiến nghị và cầu cứu của doanh nghiệp hay sự thắt chặt chi tiêu của người dân khi thu nhập bị cắt giảm.
Còn "cơ" là gì? Đó có thể là sự trỗi dậy của những ngành nghề mới, là cú huých cho công nghệ và tạo sức bật cho năng suất, hiệu quả làm việc. Đâu đó cũng là kỳ vọng vào việc Việt Nam có thể thế chân Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhưng quan trọng hơn cả, với nguy và cơ đó, chiến lược và giải pháp của Việt Nam là gì? Từ Singapore, PGS.TS Vũ Minh Khương - Giảng viên Đại học quốc gia Singapore đã chia sẻ một số góc nhìn.
Năm 2018, ông Vũ Minh Khương từng phát biểu: "Giữa những va đập lớn của các cường quốc, biến động nhanh về công nghệ toàn cầu, Việt Nam nên nhân dịp để thiết kế ngôi nhà cho tương lai. Đây là lúc cả thế giới sẽ nhìn xem ai là người phất lên ngọn cờ cải cách qua cuộc va đập lớn này. Việt Nam sẽ đi chậm lại, hay đi rất nhanh, chúng ta sẽ có câu trả lời trong 3 năm tới".
Tháng 4/2020, khi nhìn lại phát biểu nói trên, PGS.TS Vũ Minh Khương nói: "Tôi thấy rằng, Việt Nam đã đi được những bước rất quan trọng trong mấy năm qua, đặc biệt trong cuộc chống đại dịch Covid-19 này. Tôi rất cảm kích về nỗ lực của Chính phủ".
Tuy nhiên, theo chuyên gia, những tiến bộ của Việt Nam trên cả ba động lực chủ đạo của công cuộc phát triển, gồm: xúc cảm, khai sáng, và phối thuộc cộng hưởng - vẫn chưa đạt đến tầm trỗi dậy.
"Chúng ta có ATM gạo nhưng chưa có những đội xung kích đến giúp người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong tiếp cận công nghệ số và thiết lập mối quan hệ tương sinh để giúp nhau cùng mạnh hơn sau đại dịch" - Chuyên gia đánh giá - "Chúng ta vẫn thấy hiện tượng ký sinh và khuất tất trong xuất khẩu gạo và mua sắm thiết bị y tế cho chống dịch. Đồng thời, chúng ta chưa thấy những sáng kiến cải cách cháy bỏng tâm huyết và sáng ngời trí tuệ được đưa ra thảo luận".
Thậm chí, PGS.TS Vũ Minh Khương còn cho rằng, ông thấy lo khi một số doanh nghiệp triển khai những dự án rất lớn nhưng dựa quá nhiều vào xúc cảm, trong khi coi nhẹ tính khai sáng.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận một thực tế là trong trận chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam được truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm, nhìn nhận như một điểm sáng, một tấm gương.
"Khả năng phối hợp trong chỉ đạo của Chính phủ, sự gắn kết xã hội và ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân đã làm nên kỳ tích vừa qua"- PGS.TS Vũ Minh Khương đánh giá.
Từ điểm sáng ấy, chuyên gia khẳng định, Việt Nam đang đứng trước những lợi thế vô giá để đẩy nhanh công cuộc phát triển, đặc biệt là vị thế, tâm thế và địa thế.
Về vị thế quốc tế, kể từ khi cải cách bắt đầu, chưa bao giờ Việt Nam được quốc tế chú ý đến với thái độ vị nể như hiện nay. Vì vậy mỗi cải cách sắp tới nếu được thiết kế kỹ càng và chiến lược, sẽ tạo ra hiệu ứng rất lớn.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, trong nỗ lực cải cách, Việt Nam cần chú ý xây dựng hệ sinh thái phát triển sống động. Trong hệ sinh thái này, có ba mối quan hệ cần được đặc biệt chú ý, như ông đã nhắc đến ở trên: Tương sinh, cộng sinh và ký sinh.
Tương sinh là mối quan hệ tương tác làm các thành viên đều được hưởng lợi từ sự mạnh lên của mỗi thành viên.
Cộng sinh là sự chung sống thuận hòa, cho dù lợi ích mang lại từ sự lớn lên của một thành viên không đem lại lợi ích rõ rệt cho các thành viên khác.
Ký sinh là mối quan hệ mà một số thành viên hưởng lợi từ việc làm hại cộng đồng, giống như loại ruồi muỗi.
Như vậy, để thúc đẩy tương sinh, Việt Nam cần tạo những điều kiện đặc biệt để TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lớn mạnh vượt bậc trong các năm tới. Hai thành phố này có mối quan hệ tương sinh rất lớn với các tỉnh và nền tảng phát triển của Việt Nam. Do đó, hai thành phố mạnh lên 1, Việt Nam mạnh lên 5-10 lần.
Với ký sinh, đây là dạng thức tồn tại rất tinh vi và dai dẳng.
"Khó khăn của Việt Nam trong việc cải cách một số lĩnh vực mà ai cũng thấy cấp thiết không phải là do thiếu kiến thức hay năng lực mà là do có một bộ phận hưởng lợi từ nó." – Chuyên gia nhấn mạnh – "Vì vậy, để triệt tiêu loại hình quan hệ tai hại này, chúng ta rất cần ánh sáng mặt trời của sự minh bạch và sự giám sát từ người dân, dù là trong xuất khẩu gạo hay mua thiết bị y tế."
"Việt Nam không thể và không nên định vị là quốc gia thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu" - PGS.TS Vũ Minh Khương nói.
Chuyên gia đưa ra 3 lý do cho quan điểm này.
Thứ nhất, Trung Quốc là thị trường 1,4 tỷ dân. Với tiềm lực mạnh cả về sức mua và công nghiệp phụ trợ, họ luôn có quyền lực rất lớn trong việc định hình lại chuỗi cung ứng.
Thứ hai, nên định vị Việt Nam như một điểm đến bổ trợ có độ tin cậy cao trong công thức Trung Quốc 1 thay vì cạnh tranh đối đầu với Trung quốc. Điều này sẽ giúp Việt Nam thành công hơn trong thu hút các đầu tư chiến lược.
Thứ ba, Việt Nam nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu để nhanh chóng nâng cấp nền tảng căn bản của nền công nghiệp và năng suất lao động. Dàn trải sức để đón nhận mọi dự án mà không có chiến lược rõ ràng có thể làm Việt Nam dễ tổn thương hơn ở giai đoạn tới.
Dù không thể thay thế đất nước tỷ dân trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng có thể thấy xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn như Việt Nam. Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy xu hướng này.
"Tôi thấy đây là một cơ hội rất lớn mà Việt Nam cần có một chiến lược đặc biệt để nắm bắt triệt để" - PGS.TS Vũ Minh Khương khẳng định.
Có ba vấn đề lớn đặt ra khi thiết kế chiến lược này.
Thứ nhất, Việt Nam cần được định vị có lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược". Điều này lớn hơn nhiều lợi thế về chi phí lao động, đặc biệt trong dài hạn.
Trong điểm nhấn này, cần đưa ra các thể chế ưu tú mà các doanh nghiệp FDI lớn, có uy tín đã được hưởng. Chúng ta cần để nhà đầu tư thấy được sự thật tâm, trân trọng, và ý thức chiến lược trong xây dựng nền móng cho hợp tác lâu dài.
Thứ hai, cần tính rất kỹ đến thách thức trong cơ hội. Đơn cử như các KCN hậu dịch Covid-19 cần được xây dựng để hoạt động thuận lợi ngay cả khi có dịch bệnh. Trong thời gian tới, tăng hiệu lực bền vững sẽ quan trọng không kém tăng hiệu quả vận hành.
Thứ ba là phải có kế hoạch hành động đặc sắc, khiến nhà đầu tư thán phục.
"Đó không phải những ưu đãi về thuế, hay giảm chi phí, mà là thể chế quản lý." – Chuyên gia nói.
Khi đánh giá về ứng xử của các cơ quan công quyền, các nhà đầu tư ở một nước đang phát triển thường ở một trong hai trạng thái: nhẫn chịu (sacrifice) vì mình đang kiếm lợi ở đây hoặc ngạc nhiên hứng thú (surprise) vì thấy Chính phủ đưa ra quyết sách quá hay, thế giới nên đến học tập.
PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, bước đường đi lên của Việt Nam trong thu hút FDI trong thời gian tới không nằm nhiều ở ưu đãi đặc biệt mà ở "số lượng ngạc nhiên" mà Chính phủ và các địa phương tạo ra cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài có chiến lược chọn Việt Nam làm quê hương thứ 2.
Với chiến lược nói trên, PGS.TS Vũ Minh Khương đưa ra 3 đề xuất.
Thứ nhất, trong họp báo Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn nên có một mục nhỏ, giới thiệu cải cách mới nhất của Việt Nam.
"Biển Đông càng phức tạp, Việt Nam càng cần có nhiều cải cách dũng cảm và hội nhập thế giới với ý thức trách nhiệm cao nhất." – Chuyên gia nhấn mạnh – "Chúng ta phải ứng xử làm sao để thấy Việt Nam càng mạnh lên khi tình thế càng khắc nghiệt. Đó là một đặc tính đặc sắc nhất của nhà nước kiến tạo phát triển".
Và như vậy, theo PGS.TS Vũ Minh Khương, từ ngỡ ngàng ban đầu, báo chí quốc tế sẽ dần tin tưởng rằng Việt Nam đang phất lên ngọn cờ cải cách. Sức mạnh của một quốc gia nằm ở khả năng tấn công vào điểm yếu của chính mình, trở thành ngọn hải đăng để thế giới hướng đến.
Thứ hai, chuyên gia cho rằng, một số tập đoàn lớn như Vingroup nên mở rộng sang lĩnh vực khát triển Khu công nghiệp, không chỉ cho Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Xây dựng nền tảng phát triển có hiệu quả và hiệu lực lớn hơn nhiều so với làm sản phẩm đơn lẻ như ô tô, máy thở.
Cuối cùng, Trung ương và Quốc hội có thể lập ra một hội đồng tiếp nhận sáng kiến cải cách xây dựng Việt Nam 2045 để nhận ý kiến từ người dân, doanh nghiệp, địa phương.
Người tham gia hội đồng này không cần có vị trí trong hệ thống chính trị để đảm bảo khách quan, họ chỉ cần có uy tín về phẩm chất, trình độ. Hội đồng này sẽ đánh giá các sáng kiến gửi đến, phân tích và trao đổi với Trung ương Đảng, Quốc hội, và Chính phủ các sáng kiến khả thi nhất.
Hội đồng sẽ có báo cáo định kỳ hàng năm hoặc sáu tháng cho toàn dân.
"Nếu chúng ta thành công, lịch sử sẽ ghi lại nỗ lực này như một hiện tượng kỳ vỹ như Hội Nghị Diên Hồng" - PGS.TS Vũ Minh Khương khẳng định.
Tại Singapore – đất nước mà chuyên gia đang sống và làm việc, Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, mà theo chuyên gia, có 3 cách tiếp cận khá hiệu quả.
Thứ nhất, mức giảm thuế bằng 25% mức thuế vừa đóng và không quá 15.000 USD/doanh nghiệp. Tức là hỗ trợ dựa trên đóng góp.
Thứ hai, quỹ cho vay của Chính phủ hoàn toàn thông qua ngân hàng. Chính phủ bảo lãnh tới 80% mức vay. Như vậy nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân hàng chịu 20%. Thêm nữa, các doanh nghiệp không phải trả gốc mà chỉ phải trả lãi (theo mức thị trường với ưu đãi không lớn) cho tới 31/12/2020.
Thứ ba, các doanh nghiệp vay phục vụ để chuyển đổi số được ưu đãi đặc biệt hơn. Với các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống muốn đầu tư bán hàng qua mạng thì có thể được hỗ trợ đến 90%.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được một tỷ lệ bao cấp đến 70% nếu sử dụng dịch vụ tư vấn, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nhân.
"Hiện chưa có kinh nghiệm nào đủ rõ ràng để tham khảo. Chính vậy, nếu mạnh dạn tiên phong, khám phá phương cách phát triển bền vững trong đại dịch thì uy tín Việt Nam từ thắng lợi trong chống dịch vừa qua sẽ được nhân lên hàng trăm lần, tạo hiệu ứng thuận lợi rất lớn cho công cuộc phát triển sắp tới" - PGS.TS Vũ Minh Khương kết luận.