Ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội: Thu nhập trong mùa dịch là ÂM, thời điểm này cần “thắt lưng buộc bụng” và phải luôn sẵn sàng cho làn sóng mới

Anna | 12-04-2020 - 19:00 PM

(Tổ Quốc) - Dù quy mô lớn hay nhỏ thì các đơn vị kinh doanh dịch vụ homestay, khách sạn ở Hà Nội đều bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Tất cả đều đang trong trạng thái “đóng băng” và người kinh doanh đang phải đương đầu với nhiều khoản phí khổng lồ.

Trong khoảng 2 tháng gần đây, việc ngừng đón và xét duyệt visa khách nước ngoài cùng với Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về cách ly xã hội trong vòng 15 ngày trên quy mô cả nước đã khiến cho ngành du lịch rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Các homestay, khách sạn từ quy mô nhỏ đến lớn đều “nhừ đòn”, nhiều nơi đã phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ không lương, ngừng hoạt động vì không thể cầm cự nổi. 

Với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ homestay, khách sạn ở quy mô nhỏ và vừa thì thời điểm này càng khó khăn hơn. Vốn và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng kinh tế đều ở mức giới hạn, khi các vấn đề về kinh phí, nhân sự, mặt bằng... ập đến, các doanh nhân trẻ đều ít nhiều cảm thấy áp lực và hoang mang.

Ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội: Thu nhập trong mùa dịch là ÂM, thời điểm này cần “thắt lưng buộc bụng” và phải luôn sẵn sàng cho làn sóng mới - Ảnh 1.

Nguyễn Đức Cường - founder của HOON.Stay với 3 căn homestay đang hoạt động ở trung tâm phố cổ Hà Nội đã có những cách xử lý an toàn, nhìn vào mặt tích cực để trụ vững và vượt qua đại dịch này.

Ở độ tuổi 25, Nguyễn Đức Cường đại diện cho thế hệ doanh nhân trẻ, có gu và dám làm. Anh đã có 3 năm “chinh chiến” trên thương trường kinh doanh với những định hướng, kế hoạch kinh doanh an toàn, hợp lý. Ngoài kinh doanh homestay, Cường cũng đồng thời đang làm việc trong mảng truyền thông và còn sở hữu thêm một thương hiệu bán đồ decor, quần áo, phụ kiện.

Ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội: Thu nhập trong mùa dịch là ÂM, thời điểm này cần “thắt lưng buộc bụng” và phải luôn sẵn sàng cho làn sóng mới - Ảnh 2.

Ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội: Thu nhập trong mùa dịch là ÂM, thời điểm này cần “thắt lưng buộc bụng” và phải luôn sẵn sàng cho làn sóng mới - Ảnh 3.

Ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội: Thu nhập trong mùa dịch là ÂM, thời điểm này cần “thắt lưng buộc bụng” và phải luôn sẵn sàng cho làn sóng mới - Ảnh 4.

3 căn homestay với 3 phong cách, hướng tới 3 đối tượng khách hàng khác nhau của Cường.

Cùng trò chuyện với Nguyễn Đức Cường - ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội để hiểu hơn những vấn đề người kinh doanh dịch vụ lưu trú phải đối diện ở thời điểm hiện tại, và có những phương án gì để trụ vững qua đại dịch này?

Lượng khách book homestay của Cường bị ảnh hưởng bắt đầu từ khi nào. Hiện nay thì tình hình ra sao?

Khách book phòng của mình hầu hết là khách nước ngoài, nên khi siết chặt nhập cảnh, ngừng duyệt visa, và đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác thì việc kinh doanh homestay của mình đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Để đảm bảo an toàn sức khoẻ cộng đồng, mình đã tạm ngừng kinh doanh từ trước khi có lệnh cách ly xã hội, tính đến bây giờ là được gần 2 tháng.

Trong suốt khoảng thời gian kinh doanh trước đó thì tháng nào mình cũng duy trì lượng khách ổn định, Giáng sinh và năm mới là dịp đông nhất. Nhưng hiện giờ thì số khách là 0.

Đã làm kinh doanh thì bài toán nào cũng cần có lời giải, bằng không sẽ là… bỏ cuộc Cường đã có những giải pháp nào để đương đầu và "giảm đau" trước ảnh hưởng kinh tế mùa dịch?

Là một người luôn giữ suy nghĩ lạc quan, mình luôn cố nhìn vào những mặt tích cực. Trong thời gian này, mình tận dụng để sửa sang, nâng cấp những căn homestay sau một thời gian dài phục vụ khách hàng, sẵn sàng mở cửa trở lại.

Tháng 2 vừa qua, mình đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp làm homestay, khách sạn tại phố cổ phải đóng cửa, sang nhượng, thanh lý hợp đồng. Hầu hết đều xoay quanh việc người thuê với người đi thuê không tìm được tiếng nói chung. Mình cũng khá may mắn may mắn khi có những chủ nhà cực kì có tâm, giảm giá thuê nhà để mình có thể dễ xoay xở kinh tế hơn.

Với tình hình này thì mình đã chọn cách “thắt lưng buộc bụng", ngồi xuống nghe ngóng thông tin và đảm bảo luôn trong trạng thái sẵn sàng chờ đợi cho một làn sóng mới.

Một trong những vấn đề lớn nhất của người kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, cafe… thời điểm này chính là chi phí nhân công. Bạn có cho nhân sự của mình nghỉ việc trong đợt này? Có hỗ trợ nào cho nhân viên không?

Homestay quy mô không quá lớn nên chi phí nhân công hiện tại vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của mình. Còn store đồ nội thất, decor, quần áo phụ kiện của mình thì chuyển qua 100% bán hàng online. Mục đích vừa để tiết kiệm chi phí, vừa để đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng cũng như cộng đồng.

Mình đã cắt giảm bộ máy nhân sự của mình, và mình ủng hộ, tạo điều kiện nhất có thể để giúp họ tìm kiếm những công việc tạm thời khác, tuy nhiên mình cũng có những khoản hỗ trợ nho nhỏ để “giữ chân” nhân sự. Đảm bảo rằng sau khi hết dịch là thương hiệu của mình sẵn sàng quay về quỹ đạo hoạt động nhanh nhất có thể.

Ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội: Thu nhập trong mùa dịch là ÂM, thời điểm này cần “thắt lưng buộc bụng” và phải luôn sẵn sàng cho làn sóng mới - Ảnh 5.

Thu nhập của Cường bị ảnh hưởng như thế nào, có phải điều chỉnh? Bạn nghĩ thế nào nếu tháng sau lương của bạn chỉ còn 50%?

Hiện tại thì thu nhập từ kinh doanh homestay của mình là âm chứ ko phải chỉ bị giảm 50% nữa. Đối với mình, thời điểm này là một phép thử với tất cả các doanh nghiệp, là một bài học đắt giá về đầu tư, quản lý nhân sự cũng như quản lý tài chính. Các doanh nghiệp cũng như người lao động nên cùng chung tay giúp đỡ nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bao giờ kinh doanh cũng tồn tại mục đích - thứ doanh nghiệp đó sẽ theo đuổi trong mọi hoàn cảnh. Thời điểm hiện tại Cường đã có câu trả lời chưa? Và liệu tương lai có sự thay đổi nào không?

Đối với mình, ngay từ những ngày đầu làm kinh doanh, mình luôn giữ vững một giá trị cốt lõi cho tới bây giờ: “Tạo ra những điều tích cực, đẹp đẽ dù nhỏ nhắn, và lan tỏa nó cho càng nhiều người nhất có thể”. Với mình vậy là đủ. Cũng vì vậy mà những brand của mình dù đã hoạt động được 2 - 3 năm rồi mà vẫn “nhỏ xinh” như vậy, dù ổn định, phát triển nhưng cũng là theo cách “nhỏ xinh” nhất. Và mình vẫn luôn tự hào là “nhỏ nhưng có võ”, bằng chứng là việc mình đang có đủ sự chuẩn bị để trụ vững trong đợt này.

Có bài học nào mà Cường muốn chia sẻ không?

Trước đây, khi bắt đầu kinh doanh homestay, vốn của mình là 0, cũng như không hề có kinh nghiệm nào. Căn homestay đầu tiên của mình hoạt động là nhờ đàm phán với một người quen để kinh doanh trên căn nhà của họ, và mình chỉ nhận một khoản nhỏ gọi là tiền hoa hồng. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm và vốn, mình mới tự mở rộng thêm quy mô, tìm các homestay riêng của mình, cùng với đó còn kinh doanh thêm một số mảng khác nữa.

Bài học mà mình vẫn luôn nhắc đi nhắc lại bản thân mỗi ngày là: “Nếu muốn sẽ có cách, nếu không muốn sẽ có lý do”. Khi bạn thực sự muốn thì hãy dành toàn tâm trí và công sức để gây dựng. Dù thành công nhỏ hay lớn thì đều có thể, với một thái độ luôn học hỏi, phải biết thứ mình cần, không ngại sai và sửa sai từng ngày.

Ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội: Thu nhập trong mùa dịch là ÂM, thời điểm này cần “thắt lưng buộc bụng” và phải luôn sẵn sàng cho làn sóng mới - Ảnh 6.

Vậy còn kế hoạch phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc?

Hiện tại, mình chưa có kế hoạch nào cụ thể cho homestay, mình vẫn sẽ duy trì 3 căn sau dịch và chưa có ý định mở rộng thêm. Tuy nhiên mình đang có dự định sẽ mở một quán cafe/ cocktail bar nho nhỏ tại Hà Nội, hướng vào thị trường nội địa, đó sẽ là một nơi xinh xắn đúng với định hướng phong cách của mình từ trước tới nay, và hy vọng quán sẽ up mood cho những bạn trẻ Việt sau một thời gian dài phải ở nhà giãn cách xã hội.

Với kinh nghiệm cá nhân, có đường hướng nào nào Cường muốn chia sẻ với những người trẻ kinh doanh dịch vụ khách sạn, homestay, nhà hàng, F&B khi đại dịch qua đi?

Mình đã nghiên cứu nhiều luồng thông tin, cả trong nước lẫn quốc tế, nhưng lời khuyên sau cùng cũng là mong những người trẻ làm kinh doanh hãy giữ vững tinh thần lạc quan, và luôn sẵn sàng đón những làn sóng mới. Nền kinh tế sẽ sớm bình ổn, thị trường tái cơ cấu, nhu cầu đi du lịch và cư trú sẽ trở lại nhưng chắc chắn không phải là sớm mai, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 ở nước ngoài còn phức tạp. Cá nhân mình vẫn sẽ tiếp tục sáng tạo để có những “phương án dự phòng”, và để chào đón những vị khách mới.

Cảm ơn bạn về buổi trò chuyện này!

Ông chủ 9X của 3 căn homestay tại Hà Nội: Thu nhập trong mùa dịch là ÂM, thời điểm này cần “thắt lưng buộc bụng” và phải luôn sẵn sàng cho làn sóng mới - Ảnh 8.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM