Ngồi trước hiên nhà sàn vừa được dựng bằng tiền vay ngân hàng của gia đình chị Zơrâm Thị Zem (thôn A Riêu, xã Tr'Hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam), thầy Coor Tư trầm ngâm:
“Năm nay điểm trường A Riêu không mở lớp vì chỉ có một học sinh, là Bảo - con trai của chị. Vậy nên, nhà trường muốn hỏi ý kiến chị, có thể đưa cháu về điểm trường chính học cùng các anh chị không?”
Ánh mắt chị Zem thoáng niềm lo lắng. Chị dè dặt trả lời:
“Thầy cũng biết, từ ngày chồng bỏ đi, mẹ con tôi về nhà ngoại, ăn uống hằng ngày còn thiếu thốn, tôi không biết kiếm đâu ra tiền cho thằng Bảo đi học xa.”
Thầy Tư thở dài. Với chính sách hiện tại, Bảo chỉ vừa vào lớp Một, không nằm trong đối tượng được nhận trợ cấp để học bán trú ở trường. Số tiền sinh hoạt gần 600.000 đồng mỗi tháng, là khoản tiền quá lớn với gia đình chị Zem. Thầy Tư nói tiếp:
“Trước mắt thì cho Bảo ăn chung suất ăn của các anh chị. Rồi nhà trường sẽ vận động để em có suất riêng.”
Chị Zem nói, rồi quay đi:
“Thầy để tôi suy nghĩ, Bảo còn nhỏ quá!”
Nằm lọt thỏm giữa mênh mông núi rừng của dãy Trường sơn, xã Tr’Hy nằm trên trục đường đi xã AXan-Ch'Ơm giáp với biên giới Việt-Lào, cách trung tâm huyện lỵ Tây Giang (Quảng Nam) khoảng 35km về phía Tây Nam.
Nương vào núi rừng mà sống, nhiều thế hệ người Cơ Tu đã sinh ra, lớn lên trên mảnh đất vùng biên viễn này. Nhưng núi rừng không đem con chữ được cho lũ trẻ - người Cơ Tu cũng muốn con em mình biết được cái chữ để cuộc sống bớt khó khăn. Ánh sáng tri thức rọi soi buôn làng người Cơ Tu từ những năm đầu thập niên 80s của thế hệ trước. Nhiều đứa trẻ Cơ Tu biết cái chữ; thế hệ trước “đốt đuốc” tri thức, truyền lại cho thế hệ sau với niềm mong mỏi đồng bào mình sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Thầy Coor Tư (Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Tr'Hy) là một trong những lớp người Cơ Tu đầu tiên ở Tr'Hy được đến lớp học con chữ. Nhớ lại thời điểm năm 1988, thầy cho biết sau khi học hết lớp 3, học sinh buộc phải xuống trường ở thị trấn Prao (huyện Đông Giang) để tiếp tục học lên trung học cơ sở.
Trên vai lũ trẻ 10 tuổi lúc bấy giờ không chỉ là sách bút; nặng vai các em là gùi sắn, quần áo, mền, chiếu… vượt hơn 60km đường rừng để đến trường.
“Khoẻ thì đi 2 ngày là đến trường. Dọc đường đi, buổi tối chúng tôi ngủ lại ven đường, nếu may mắn gặp nhà người dân thì xin vào ngủ tạm. Lúc đó không thấy mệt, chỉ muốn được đi học”, thầy Tư nhớ lại. Hơn ai hết, thầy có niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn của bản làng, khởi đầu từ con chữ.
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư Phạm, thầy Coor Tư trở về Tr'Hy bắt đầu hành trình gieo chữ cho trẻ. Ngôi trường ngày đó được dựng tạm bằng tre nứa, mái lợp tranh, ngày nắng thì hanh, ngày mưa nước dột. Bữa ăn của thầy cô và học trò chủ yếu vẫn là khoai, sắn, lâu lâu được bữa cơm với cá khô. Cùng nhau vượt qua gian khó, thầy trò chưa bao giờ sờn lòng.
Năm 2003, huyện Tây Giang thực hiện dự án xây dựng trường bán trú ở trung tâm Tr'Hy. Người dân toàn xã cùng nhau gùi từng bao xi măng, gạch, thép…từ trung tâm huyện lên Tr'hy để xây dựng. Mất hơn 1 năm ngôi trường mới hoàn thành, chính thức có nơi học tập và sinh hoạt khang trang cho các em học sinh. Đó là lúc câu chuyện đem chữ về đại ngàn của thầy Tư cùng nhiều thầy cô khác chính thức bắt đầu, thế nhưng, những khó khăn thì chưa bao giờ vơi bớt, đặc biệt là với những học sinh nơi đây.
“Ôi! Xe hỏng rồi!” Thầy Klâu Nghíu (giáo viên trường tiểu học Tr'Hy) thốt lên khi chiếc xe vừa vượt qua con dốc dựng đứng trên đường lên thôn A Riêu để đến nói chuyện với gia đình Bảo. Nếu như không có được bất cứ hỗ trợ nào để được lên xã học, gần như chắc chắn Bảo sẽ phải đi bộ trên con đường này để ngày ngày tới trường. Thầy giáo trẻ người Cơ Tu vội xuống xe kiểm tra, vừa đề vừa đạp.
“Chuyện này thường gặp mà, đường xá trên này xe nhanh hỏng lắm!”, thầy Nghíu giải thích trong lúc sửa lại chiếc xe. Thôn A Riêu cách trung tâm Tr'Hy khoảng 15km nhưng di chuyển mất gần 1 giờ chạy xe máy. Ngày nắng thì bụi bặm nhưng vào những ngày mưa còn khổ sở hơn; đường trơn, lún, người dân muốn xuống trung tâm xã phải đi bộ hơn 3 giờ mới đến nơi.
Mối hiểm nguy lớn nhất ở núi rừng Tây Giang là những trận lũ quét và sạt lở. Mùa lũ bắt đầu từ tháng 9 kéo dài đến tháng 11. Vào thời điểm này, Tr'Hy và 3 xã vùng biên giới của huyện Tây Giang thường xuyên đối diện với tình trạng bị cô lập do sạt lở. Những lúc đó, dù cho có muốn chạy xe máy cho nhanh, phụ huynh và các em học sinh cũng không thể đưa được chiếc xe đi qua những con dốc trắc trở của Tây Giang. Các em chỉ có thể lội bộ tới lớp. An toàn là thứ xa xỉ, nhất là khi các em đến trường.
Khát khao học lấy cái chữ là niềm mong mỏi chung của Bảo và hàng trăm trẻ em Cơ Tu khác nơi đây. Hơn 40 năm kể từ ngày giáo dục len lỏi vào cuộc sống nơi núi rừng Tây Giang, những con đường tới trường vẫn chưa thành hình, để lũ trẻ nhọc nhằn mưa nắng tới trường với đầy ắp nỗi lo.
Hai thập kỷ dìu bước trẻ Cơ Tu đến trường của thầy Coor Tư là không biết bao lần thầy chứng kiến các em nhỏ có hoàn cảnh giống như Bảo.
“Có trường hợp, bố vừa qua đời, mẹ đi lấy chồng khác, để lại 5 anh em sống cùng với bà nội. Bà thì già yếu, người anh buộc phải nghỉ học, đi làm rẫy để có tiền nuôi các em nhỏ”, thầy Tư trầm ngâm.
Nơi đại ngàn xa xôi này, cái suy nghĩ học được cái chữ đã bắt đầu nhen nhóm trong lòng những người dân, qua nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 20 năm của những người xây trường tại Tr’Hy. Thế nhưng, ngọn lửa ấy vẫn dễ dàng bị lung lay bởi cơm áo gạo tiền, và chỉ cần một cơn bão ập tới, chỉ cần một con đường khó đi hơn, ngọn lửa ấy sẽ bị dập tắt.
Trong những nỗ lực giữ vững ngọn lửa hiếu học, các thầy cô ở Tr’Hy đã thành lập đến 5 điểm trường, đặt ở 5 thôn. Chỉ cần có 5 bé chịu đi học, sẽ có giáo viên được cắt cử đến tận thôn để dạy. Ấy vậy mà vẫn có những nơi như điểm trường Dầm 2, đã 10 năm không có đủ học sinh để mở lớp, học sinh phải đi một đoạn đường xa để học ghép với điểm trường khác.
“Bảo không may mắn là vì A Riêu xa quá, mà bị cái là lớp 1 lớp 2 lại không có ngân sách của nhà nước để nuôi cho ăn học trên xã. Nhưng nhà trường cũng phải tìm cách để lo, 20 năm nay biết bao nhiêu em như vậy chứ đâu riêng gì Bảo” – Thầy Coor Tư tâm sự.
Ở Tr’Hy này, dân nuôi thầy cô vì dạy cho những đứa trẻ của họ con chữ, thì đến khi họ có chuyện, thầy cô cũng làm bổn phận của cha mẹ chăm sóc những đứa bé an toàn đến trường.
Sáng sớm nay, khi màn sương vẫn lơ lửng trên những rặng cây, 3 mẹ con chị Zem đã tất bật cho chuyến đi dài từ thôn A Riêu xuống trung tâm xã. Ở nơi biên viễn hẻo lánh này, mỗi lần có đoàn thiện nguyện ghé thăm là các em học sinh lại thêm một niềm vui nhỏ.
Sân trường im ắng nay rộn ràng tiếng con trẻ.
Sau thời gian dài nghỉ hè, cũng như bị gián đoạn việc học bởi dịch Covid-19, tụi con nít chơi xích đu, cầu tuột, kể nhau nghe những chuyện ở nhà. Sau tiếng còi tập hợp của thầy Nghíu, các em xếp hàng thẳng thớm trước sân trường.
Những phần học bổng và quà được gửi tận tay các em nhỏ như một lời động viên từ Lifebuoy Việt Nam đến học sinh ở Tr'Hy trước thềm năm học mới.
"Phụ huynh ở vùng cao ít có sự quan tâm chu đáo cho các em khi bước vào năm học mới. Một phần vì khó khăn, họ không có tiền để mua sắm. Thầy cô phải vận động để xin áo quần, tập sách và đặc biệt là trong đợt dịch cần phải trang bị thêm khẩu trang, nước rửa tay, khử khuẩn…chúng tôi luôn mong các em có được môi trường học tập an toàn trong năm học mới", thầy Coor Tư nói.
Ngày khai giảng đã cận kề, cũng là lúc mùa mưa lũ ở Tây Giang sắp bắt đầu. Lại một cuộc chiến đầy thử thách đến với những người làm giáo dục trên Tr’Hy xa xôi. Những nhu yếu phẩm cũng đã bắt đầu được chuẩn bị để các em học sinh trở lại trường an toàn trong năm học mới.
Nhìn những đứa trẻ vô tư vui đùa giữa sân trường, thầy Coor Tư trầm ngâm: “Thiếu thốn thì rất nhiều. Nhưng nếu được ước, tôi ước các em đều được đến trường an toàn, được học tập trong một ngôi trường hạnh phúc”.
Nơi góc sân trường, có bà mẹ cũng ngập trong niềm hạnh phúc như những đứa trẻ. Chị Zem nở một nụ cười. Nỗ lực của những thầy cô Tr’Hy đã không uổng phí, nhãn hàng Lifebuoy Việt Nam sẽ tài trợ chi phí cho Bảo đến trường trong năm học này. Gánh nặng trên vai người mẹ như được trút bỏ.
Ngày mai, Bảo sẽ vào lớp Một.
- Bài viết: Nguyễn Toàn, Minh Đức
- Ảnh: Việt Anh
- Thiết kế: My Alice
- Interactive: Lê Sơn