Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications khẳng định rằng việc bạn thức dậy sớm hay muộn hoàn toàn phụ thuộc vào gen của bạn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hơn 300 gen khiến bạn không thể làm việc hiệu quả vào buổi sáng.
Michael Ưeedon - Phó giáo sư về Tin sinh học tại Đại học Y Exeter, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Các gen mà chúng tôi tìm thấy có liên quan đến nhịp sinh học của chúng ta có xu hướng được kích hoạt nhiều hơn trong não và võng mạc. Điều này giúp chúng tôi lập bản đồ những bộ phận nào trên cơ thể có vai trò quan trọng trong việc tạo ra người làm việc hiệu quả vào buổi sáng hay người làm việc hiệu quả vào buổi tối”.
Nhiều người thành công đã khuyến khích việc dậy sớm và làm việc lúc bình minh, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra điều gì thích hợp với bạn và tối ưu hóa quy trình làm việc cho phù hợp.
Lầm tưởng: dậy sớm = năng suất hơn
Đối với những người được xác định trước về mặt sinh học, thức dậy lúc 5 giờ sáng có thể là điều tự nhiên và hữu ích. Tuy nhiên, đối với những người có chu kỳ sinh học khác, việc cố gắng thay đổi nó sẽ không đem lại hiệu quả cao. Về lâu dài có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ sinh học của bạn một cách tiêu cực và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc ép bản thân dậy sớm có thể khiến cơ thể mệt mỏi dẫn đến năng suất làm việc của bạn kém hiệu quả.
Nhịp sinh học quyết định lịch trình hàng ngày của bạn
Đồng hồ sinh học của chúng ta khác nhau, nhịp sinh học của bạn khác với tôi và những gì hiệu quả với Tim Ferris không nhất thiết phải hiệu quả với bạn.
Katharina Wulff- nhà sinh vật học của Đại học Oxford, người nghiên cứu về sinh học thời gian và giấc ngủ cho biết: “Những người có khoảng thời gian ưa thích tự nhiên của riêng mình nói rằng họ làm việc hiệu quả hơn và tinh thần cũng phấn chấn, thoải mái hơn rất nhiều.”
Cách tốt nhất để tăng năng suất là lắng nghe cơ thể của bạn và hoạt động nhịp nhàng với nó. Brian Tracy gọi đây là thời gian vàng: “Thời gian vàng nội tại là khoảng thời gian trong ngày, tùy theo đồng hồ sinh học của bạn, khi bạn tỉnh táo và năng suất nhất.”
Ý tưởng cơ bản ở đây là theo dõi năng lượng, động lực và sự tập trung của bạn để biết được thời gian, địa điểm và cách bạn làm việc hiệu quả nhất. Sau đó là dành những khoảng thời gian đó cho công việc quan trọng nhất của bạn. Tác giả Yulia Yaganova gợi ý một thử nghiệm kéo dài ba tuần để bạn đánh giá năng lượng, sự tập trung và động lực của mình vào cuối mỗi giờ, sử dụng thang điểm từ một đến 10 để tìm ra thời gian cao điểm của bạn.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu về nhịp sinh học ngắn cho thấy rằng một ngày của chúng ta được thúc đẩy bởi các chu kỳ ảnh hưởng đến mức độ tỉnh táo và năng suất của chúng ta. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng cơ thể con người trải qua các chu kỳ từ 90 đến 120 phút. Qua mỗi chu kỳ này, năng suất của chúng ta được đưa từ mức kém hiệu quả đến mức cao nhất và sau đó quay trở lại. Mô hình này lần đầu tiên được nhà nghiên cứu về giấc ngủ Nathaniel Kleitman chú ý và sau đó dẫn đến sự ra đời của nhiều nghiên cứu khác về lĩnh vực này.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Thinking & Reasoning chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng suy nghĩ sáng tạo hơn khi mệt mỏi. Một nghiên cứu của MareikeWieth và Rose Zacks cho rằng: “Sự đổi mới và sáng tạo thường mang lại hiệu quả cao nhất trong những khoảnh khắc mệt mỏi, dựa trên nhịp sinh học của chúng ta”.
Hãy bắt đầu và tuân theo một thói quen mang lại những điều tốt nhất cho bạn!
Chú ý vào chu kỳ năng lượng để tăng năng suất của bạn
Đồng hồ sinh học của chúng ta là một nhóm nhỏ tế bào được tạo thành từ các gen độc đáo. Các tế bào này có nhiệm vụ thông báo cho các bộ phận khác của cơ thể biết bây giờ là mấy giờ và phải làm gì.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc chú ý đến đồng hồ sinh học và tác động của nó đối với năng lượng và sự tỉnh táo có thể giúp xác định các thời điểm khác nhau trong ngày để chúng ta thực hiện các công việc cụ thể một cách tốt nhất.
Nếu bạn để ý cách cơ thể phản ứng với công việc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bạn sẽ có thể tìm ra khi nào bạn nên tập trung hoàn thành công việc, khi nào nên động não và quan trọng nhất là khi nào bạn nên tránh các cuộc họp.
Steve Kay- giáo sư sinh học phân tử và máy tính tại Đại học Nam California cho biết: Khi đồng hồ sinh học có thể đồng bộ hóa hoạt động trao đổi chất, tim mạch và hành vi của nó để phản ứng với ánh sáng và các kích thích tự nhiên khác, nó “mang lại cho chúng ta một lợi thế trong cuộc sống hàng ngày”.
Một nghiên cứu kéo dài hai năm do công ty phần mềm quản lý dự án Redbooth thực hiện cho thấy năng suất của nhân viên văn phòng trên toàn thế giới đạt mức cao nhất lúc 11 giờ sáng và giảm mạnh hoàn toàn sau 4 giờ chiều. John T Rouakos- phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Toronto ở Canada cho biết: “Lý do khiến chúng ta làm việc hiệu quả nhất vào buổi sáng là do nhịp sinh học cho biết cơ thể chúng ta nên thức dậy khi nào, ăn gì và ngủ trong suốt chu kỳ 24 giờ. Theo T Rouakos, khoảng 75% mọi người có tinh thần tỉnh táo nhất trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 11 giờ sáng. Một cuộc khảo sát xem xét thói quen của 2.000 công nhân Anh cho thấy sáng thứ Ba là thời gian làm việc hiệu quả nhất đối với người Anh.
Martin Moore-Ede- chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Circadian cho biết: “Buồn ngủ cũng có xu hướng lên đến đỉnh điểm vào khoảng 2 giờ chiều, đây là thời điểm thích hợp để chợp mắt”. Theo nghiên cứu gần đây của Robert Matchock- phó giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Pennsylvania cho biết: “Hầu hết mọi người thường dễ bị phân tâm hơn từ trưa đến 4 giờ chiều”. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là sự mệt mỏi lại thúc đẩy khả năng sáng tạo. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Thinking & Reasoning, các vấn đề đòi hỏi tư duy mở thường được giải quyết tốt nhất vào buổi tối khi bạn mệt mỏi.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ nhịp sinh học của cơ thể sau đó điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi của bạn phù hợp với chúng để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Nó đòi hỏi nhiều nghiên cứu về bản thân bạn và một sự cam kết trong thời gian dài, nhưng sự hiểu biết chi tiết về năng suất cá nhân mà bạn có được từ nó có thể mang lại hiệu quả về lâu dài.
Theo Medium