Những ngày cuối năm thật lạ. Từ cửa sổ văn phòng tôi, mọi năm nhìn xuống chợ hoa thấy dòng người ngược xuôi giữa dòng hoa, huyên náo một góc trời xuân. Cái nắng Sài Gòn khiến tôi bồi hồi nhớ đêm Giao thừa Hà Nội, nhớ cái lạnh khiến bữa cơm đoàn viên thêm ấm cúng. Tết năm nay không giống năm cũ; chợ hoa thưa người, tiếng cười cũng vơi bớt. Xa Hà Nội, xa những bình yên đời thường và gia đình, tôi chỉ mong đến Tết để được trở về.
"Má ơi, con nhớ nhà quá" - tin nhắn cuối ngày tôi gửi cho "má" - hẳn tôi xa nhà cũng lâu quá rồi để gọi bằng phương ngữ Nam, tần ngần ngồi nhìn điện thoại xác nhận hủy chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn. Muốn về nhà quá, nhưng còn những nỗi lo an toàn cho gia đình nữa, nhỡ có việc gì thì sao? Ngày đi xa chỉ mong trở về nhà, càng cận Tết càng bồi hồi nhớ gia đình.
Cả một năm "mơ núi mơ sông", bây giờ thật sự trong đầu chỉ có "mơ nhà mơ cửa". Hồi đó tôi nhớ người lớn thường bảo “lứa sau 90”, hay sau này có thêm Gen Z đều là những đứa trẻ ngậm thìa vàng của xã hội vì có được cái hoài bão được đi xa, bước khỏi vùng an toàn của bản thân.
Nhưng bố đâu biết, ngày đi xa, hành trang tôi mang theo đầy nỗi nhớ gia đình. Giữa thành phố huyên náo tiếng người và tiếng xe, tôi chợt nhớ tiếng mẹ gọi với từ đầu ngõ: “Sư bố anh, Tết về nhà sớm mà không báo bố ra đón!”. Đi để trở về, hành trình năm nào cũng vậy nhưng chưa bao giờ thôi ngóng trông, hy vọng. Vì cứ mỗi năm đi xa, trải nghiệm ra một điều mới, ý nghĩa và đặc biệt, để thôi thúc đôi chân trở về đón Tết quê nhà.
Tôi biết một cậu bạn tên Hùng, công việc chính của bạn ấy là travel blogger. Dù thân thiết là thế nhưng cả năm hai đứa số lần gặp nhau chắc trên đầu ngón tay. Một người quần quật với công việc truyền thông, công việc gần như chẳng biết giờ hành chính là gì vì gần như lúc nào cũng phải dán mắt vào chiếc điện thoại và máy tính. Là một "travel blogger", tôi chẳng mấy khi thấy bạn mình ở nhà. Cuộc sống của Hùng dường như ở đâu đó trong những tấm hình - lúc nào cũng thấy bạn tôi đang ở một vùng đất mới, rạng rỡ và háo hức; mùa xuân thì lang thang trên những con đường hoa anh đào Nhật Bản, hè vẫy vùng nơi bờ biển xanh mát Maldives, mùa thu rộn ràng với sắc lá vàng lá đỏ Trung Á, đông về lại Việt Nam cũng chẳng thấy mấy khi ở nhà, “cắm chốt” trên Đà Lạt. Cuộc sống ấy, thực sự khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Gặp nhau buổi cuối năm, chúng tôi dông dài dăm ba câu chuyện năm cũ, chuyện những chuyến đi của năm cũ và dự định năm mới. Tôi là #teamtrove, bạn tôi #teamdi.
- “Mấy Tết vừa rồi tao cho mày vào #teamdi rồi, năm nay lại đi nữa không hay vào #teamtrove với tao?” tôi hỏi Hùng.
- “Tao cũng không biết nữa; năm rồi đi xa lắm rồi, xa nữa bố mẹ không cho về ăn Tết mất. Đi mới nhận ra là nhớ nhà ghê lắm, chỉ muốn về nhà thật nhanh thôi; về cho ba má khỏi quên mặt,” Hùng cười.
Huyên thuyên về những nơi đẹp như mơ, biển rộng sóng vỗ, những bài học và ước mơ sải rộng đôi cánh, tôi nghĩ điều lớn nhất Hùng nhận ra trên bước chân của những cuộc hành trình là dù xa tới mấy, tươi đẹp đến mấy, Tết cũng là dịp để trở về với những điều thân thuộc, về với ba mẹ luôn rộng cửa đón ta về. Cuộc đời có bao nhiêu nơi để đi cũng chỉ có một nơi để trở về. Muôn nơi xa xôi rộng lớn, chẳng nơi nào “rộng lớn” như những yêu thương gia đình. Chúng ta đã có cả năm để đi thật xa chẳng có lý do gì để không trở về ăn bữa cơm đoàn viên đêm 30 Tết. Hùng, tôi và rất nhiều người trẻ khác, đôi khi bài học lớn nhất chúng ta nhận ra trong mỗi hành trình là niềm trân quý gia đình, hiểu được ý nghĩa của sự “trở về”.
“Cuộc đời thật đẹp khi được đi
Muôn nơi xa xôi rộng lớn
Nhưng ta vẫn có nơi để trở về
Sau mỗi chuyến đi
Điều kỳ diệu là con người ta
Đi xa hơn để trưởng thành hơn
Không quên mang theo bên cạnh hành trang
Nỗi nhớ gia đình…”
“Chuyện của mình trong năm, tôi muốn kể hơn bao giờ hết…”
Tôi vẫn luôn nghĩ Sài Gòn là ngôi nhà thứ hai của mình nhưng không có ai chờ tôi về Sài Gòn. Năm nào cũng vậy, tôi dành thêm vài ngày nghỉ phép nữa để về sớm. Hành trang trở về ngày đó, thuở mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, chẳng có gì ngoài những câu chuyện của năm cũ, bồi hồi và háo hức được kể cho bố mẹ nghe.
Người ta nói trong đời có hai điều bạn không được bỏ lỡ: Chuyến tàu cuối cùng trở về nhà và người mình thương. Nhưng với tôi, “người thương” chính là gia đình, là niềm mong mỏi được về nhà vào dịp Tết.
Năm đầu ở Sài Gòn, sếp “dụ” OT thêm mấy hôm nữa rồi về nhà thế nào tôi cũng không chịu. Lương ít nhưng nỗi nhớ nhà thì đầy, tôi đành “chơi dại” ngồi tàu từ Sài Gòn về lại Hà Nội. Có bao nhiêu chuyến đi xa trong năm, nhưng chuyến đi đặc biệt nhất và được mong ngóng nhất lại chính là chuyến đi trở về nhà vào những ngày cận Tết. Những chuyến đi trong năm là câu chuyện cá nhân nhưng những hành trình trở về nhà như lan tỏa bao cảm xúc, hy vọng, khấp khởi của rất nhiều người. Khoang tàu ngày Tết đầy những người như tôi, làm ăn xa cả năm chỉ mong được trở về cùng gia đình. Ngoài cửa sổ ngập tràn ngàn hoa, trong lòng tôi đầy nỗi nhớ nhà.
Ngày Tết, nhìn đâu cũng thấy những điều đặc biệt; chuyến tàu Sài Gòn Hà Nội tôi đã lên xuống không biết bao trạm dừng, lịch tàu chạy tôi cũng nằm lòng mà chỉ mong sao tàu lăn bánh nhanh hơn để trở về nhà. Tàu Tết chở theo cả những câu chuyện của người đi xa mong ngóng được kể cho gia đình, mà đường về nhà còn xa nên đành ngồi kể cho nhau nghe. Hành khách đi tàu kể chuyện một năm cho nhau nghe, chẳng ai quen biết ai nhưng tất cả đều có chung nỗi nhớ gia đình. Những đứa con, ông bố, bà mẹ trở về là mang theo mùa xuân về.
Tôi gật gù xuống tàu, khẽ so vai trong cái tiết trời lành lạnh của Hà Nội những ngày tháng Chạp. Xách balo ra khỏi sân ga, tôi đảo mắt tìm hình bóng bố. Bố vẫn đứng đó với chiếc xe “cà tàng”, chờ tôi và mong ngóng tôi suốt cả một tiếng đồng hồ. Ngày rời Hà Nội, bố cũng tiễn tôi trên chiếc xe tuổi thơ ấy.
“Không chuyến nào bằng được chuyến đi về nhà cùng gia đình…”. Với những đứa con xa quê như tôi, chuyến đi đặc biệt nhất của năm là chuyến đi trở về nhà.
Ngồi sau lưng bố, đường về nhà có dài cũng thấy ngắn lại. Bố hỏi tôi sao không đi máy bay về, đi tàu chi cho khổ. Tôi đùa với bố:
- “Thôi, bố mẹ chưa đi máy bay bao giờ, con tiết kiệm tiền để dắt ba mẹ đi Sài Gòn thăm con một chuyến.”
- “Anh cứ vẽ vời, chúng tôi thừa tiền đi chơi!”
Có những chuyến đi thật xa khiến tôi nhận ra, mình còn lời hứa “gần” chưa thực hiện được là cùng cả gia đình trải nghiệm thật nhiều. Tôi đã đặt chân tới nhiều vùng đất mới, có một tuổi trẻ đầy tiếng cười, gói ghém mang về vị mặn mòi của biển khoe với đứa em gái, kể bố nghe chuyện núi rừng hùng vĩ xa xôi, nhỏ to với mẹ chuyện nắng mưa, chuyện những con người thú vị tôi gặp trên đường. Những nơi xa xôi ấy, thực sự “xa xôi” với ba mẹ khi chỉ đến trong câu chuyện của tôi. “Liệu bố mẹ có thích ăn Tom Yum không nhỉ? Con bé nhà mình chắc sẽ thích hoa anh đào ở Nhật lắm, nó từng mơ được đi Nhật cơ mà?”. Chúng ta cho bạn bè cơ hội để cùng nhau trải nghiệm nhưng đôi khi quên mất, gia đình cũng cần những phút giây hạnh phúc bên nhau như vậy.
Cuộc đời này sẽ còn nhiều chuyến đi nhưng chẳng biết ba mẹ sẽ còn bao nhiêu chuyến đi nữa, bao nhiêu mùa Tết đón các con trở về. Trưởng thành đi cùng những nỗi sợ về mất mát, để thoáng nghĩ về việc một ngày nào đó thôi không còn được ngồi sau xe máy của bố cũng khiến tôi thoáng buồn. Ngày mới vào đại học, tôi từng tự hứa tháng lương đầu tiên sẽ đưa bố mẹ đi du lịch, muốn ba mẹ nhìn thấy thế giới rộng lớn với vô vàn cảm xúc trên từng bước chân. Hứa sẽ đi cùng nhau mà sao mãi chẳng thành hiện thực?
- “Thế cũng được bố ơi, bố trả tiền vé máy bay nha, còn con sẽ làm hướng dẫn viên du lịch đưa bố mẹ đi thăm Sài Gòn, con nghỉ phép vài ngày luôn!”
Khác với sự trầm lắng ở miền quê, những ngày cận Tết ở Sài Gòn, không khí bắt đầu nhộn nhịp và thay đổi rất lớn. Vô số âm thanh báo hiệu một mùa Tết đang đến rất gần như đốc thúc tôi phải cố gắng mau mau hoàn tất công việc để lên đường về quê ăn Tết sớm. Những ngày này, chỉ cần bước chân ra đường thôi là đã nghe tiếng động cơ của những chiếc xe chở hoa Tết cả ngày lẫn đêm. Tiếng mọi người hỏi nhau đã sắm sửa gì cho Tết năm nay chưa. Tiếng chổi quét sột soạt không ngừng vang vọng. Tiếng giấy nhám chà xát chiếc lư đồng từ nhà cô hàng xóm kế chỗ trọ. Tiếng ồn ào từ dòng người nơi phố thị tất bật mua sắm.
Nhưng thật sự mà nói, tôi chỉ nhận ra mùi Tết khi nhận được cuộc điện thoại với giọng nói thân thuộc từ đầu bên kia:
"Đặt vé về chưa con? Quên quên vài bữa nữa sát ngày coi chừng khó mua vé!"
Năm nào cũng vậy, hễ đến đầu tháng Chạp là mẹ tôi lại tích cực gọi điện thoại, hỏi han thằng con trai xa nhà đủ điều như vậy. Nào là lương năm nay thưởng nhiều không? Nào là năm nay có dắt ai về chơi không? Khi thì lại là cái lưng mẹ tự dưng mấy bữa nay trời lạnh trở chứng đau đau. Nhưng thật ra tôi biết, đằng sau những lời hỏi thăm ấy chính là sự mong đợi đứa con xa quê có thể về nhà sớm dịp Tết, để nhà có đủ người, để cùng nhau đoàn tụ.
Cũng chính khi ấy, mọi ồn ào náo nhiệt trong guồng máy làm việc nơi phố thị dường như không còn mảy may ý nghĩa nào với tôi. Chỉ một câu hỏi nhỏ cũng dễ khiến tôi muốn gạt hết mọi thứ sang một bên, quay trở về ôm chầm lấy mẹ. Trở về để kể cho ba mẹ nghe hành trình một năm qua, dẫu phần nhiều chỉ kể chuyện vui và giấu bớt chuyện buồn. Trở về bây giờ không chỉ đơn thuần là một cuộc về thăm quê, thăm nhà để ăn dầm nằm dề sau nhiều mỏi mệt hiện tại. Trở về vì chính bản thân mình cũng mang Tết về cho bố mẹ, mang lại niềm vui trên những đôi mắt trông chờ đã thoáng nhiều nếp nhăn.
Một năm đi xa có lẽ cũng đủ rồi, tranh thủ thu xếp công việc để Tết về nhà sớm một chút không phải vẫn tốt hơn sao? Vì khi về nhà, bạn mang cả Tết trở về. Sự trở về đơn giản nhưng có lẽ lại mang ý nghĩa nhất với mỗi người.
Tôi nghĩ phải cân nhắc tới lui, bố mẹ mới quyết định nhắn cho cô em gái đang học xa nhà một dòng:
"Tết này đừng về, rách việc, con đang ở đâu thì yên ở đấy, Giao thừa gọi điện với nhau là vui rồi!"
Thật ra mà nói, dù cho đã rất cố gắng rất nhiều nhưng có lẽ năm nay gia đình tôi sẽ không đông đủ thành viên tề tựu cùng nhau đón Tết. Cô em gái út du học xa nhà vì nhiều lý do bất ổn trong năm nay, đành kẹt lại ở nước ngoài đón Tết. Chọn du học đã hơn ba năm, chọn đi thật xa để được vùng vẫy ở một khung trời mới, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên đứa em “đi thật xa mà không được trở về”.
“Năm nay em không về quê ăn Tết được rồi. Anh nhớ thay em về quê ăn Tết.” Cứ dăm ba ngày nó lại nhắn một câu nhắc khéo tôi như thế. Y hệt mẹ. Giấu nỗi buồn sau mấy lời nói tưởng chừng như nhẹ hều, nó bảo, bên đây ăn Tết chắc cũng vui, em cũng kịp chuẩn bị dăm ba món đồ cho có không khí Tết rồi. Rồi cuối cuộc trò chuyện, lần nào nó cũng căn dặn, “Giao thừa với mùng một năm nay anh nhớ 'livestream' cho có mặt em góp vô, coi gia đình ăn Tết thế nào anh nha”. Livestream ở nhà không đủ, em gái tôi còn bắt trên đường trở về, khi ra bến xe bến tàu, lúc đi chợ hoa sắm Tết hay thăm họ hàng cũng phải livestream để nó được nhìn ngắm Tết Việt Nam.
Một năm đầy biến động sắp qua, công cuộc đoàn tụ ngày Tết có phần gian truân và khó khăn hơn trước nhiều. Nếu mọi năm chỉ cần đặt vé, quẩy ba lô trên vai, leo lên máy bay ngủ một giấc là đã về nhà ăn Tết, thì năm nay mọi chuyện lại không êm đềm như thế. Dịch bệnh bùng nổ, vé máy bay đắt đỏ thậm chí không có chuyến bay về nước khiến những người phương xa đành phải ở lại xứ người ăn Tết trong đơn độc. Một mình đón Tết cổ truyền ở một nơi khác biệt văn hoá, lại thêm bối cảnh cách li xã hội khiến người ta cảm thấy cô đơn và dậy lên nỗi nhớ quê nhà tha thiết. Nỗi nhớ đôi khi dễ dàng đánh gục cả một người trưởng thành mạnh mẽ nhất. Nỗi nhớ làm ta càng thật sự muốn được quay về. Để có một lúc bỗng thèm được quay lại những ngày Tết được sum vầy gặp gỡ mọi người trong gia đình.
Tôi thương con bé và thương cả chính mình; phải “kẹt” ở Sài Gòn một năm mới hiểu nỗi niềm của em gái du học xa nhà. Chúng tôi có thể mua đầy bánh chưng, cá kho, nấu cỗ mua đồ như cái Tết ở nhà cũng chẳng thể “mua” được những phút giây đoàn viên - không được trở về đâu còn là một cái Tết đủ đầy? Tết chỉ vui khi được trở về, được mơ về những đêm sum vầy, được thấy những ga chen chúc đông người, thấy nỗi niềm nhớ gia đình bấy lâu bỗng chốc nguôi ngoai đi biết bao...
- “Em nhớ nhà quá anh ơi”
- “Tao cũng nhớ nhà”, tin nhắn của anh em tôi như có cả tiếng thở dài.
Phải đi thật xa, trải nghiệm nhiều điều, người ta mới biết trân trọng những hành trình trở về. Trước ngưỡng cửa năm mới, không ít người trẻ chợt nhận ra rằng cuộc đời dù có bao nhiêu chuyến đi xa thì hành trình trở về nhà mới là chuyến đi ý nghĩa nhất. Đi xa để thấy lòng mình rộng mở, để thấy cuộc đời còn nhiều điều tuyệt đẹp đáng quý nhưng cũng để nhận ra không có điều gì đáng quý như gia đình. Đi xa để thấy háo hức, rộn ràng, mong trở về nhà thật nhanh để quây quần bên bữa cơm ngày cuối năm, kể cho nhau những câu chuyện của một năm đã qua. Đi xa để thấy gia đình vẫn luôn bên ta, để nhắc nhở bản thân có những lời hứa cần thực hiện. Đi xa để nhớ hình bóng ba, tiếng ca của nhỏ em gái hay đôi lời cằn nhằn của mẹ. Đi xa để hiểu rằng, hành trình trở về không phải lúc nào cũng dễ dàng và thực sự quý giá.
Đi xa, cuối cùng cũng là để trở về...
JC Ngô, Minh Đức
11/02/2021