Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu y tế nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng. Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị cắt đứt, thường là do cục máu đông hoặc vỡ mạch máu gây xuất huyết.
Có nhiều yếu tố được biết là làm tăng nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao, thừa cân hoặc béo phì. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những người có tiền sử bị đau nửa đầu có nguy cơ mắc đau tim, đột quỵ sớm hơn.
Mối liên hệ giữa đau nửa đầu và đau tim, đột quỵ
Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Aarhus, Đan Mạch, những người mắc chứng đau nửa đầu có nguy cơ cao mắc đột quỵ trước 60 tuổi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phụ nữ và nam giới bị chứng đau nửa đầu có nguy cơ cao bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ - dạng đột quỵ phổ biến do cục máu đông gây ra.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập hồ sơ y tế người dân Đan Mạch trong độ tuổi 18-60, từ năm 1996 đến 2018 để nghiên cứu. Kết quả cho thấy cả nam giới và phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu đều có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng cao như nhau.
Các nhà nghiên cứu xác định những người có tiền sử đau nửa đầu và so sánh nguy cơ bị đau tim, đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết não trước 60 tuổi giữa họ với nhóm không mắc chứng đau nửa đầu.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Cecilia Hvitfeldt Fuglsang, Đại học Aarhus, cho biết: “Những người được chẩn đoán mắc chứng đau nửa đầu được cho là có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ trước 60 tuổi. Chứng đau nửa đầu có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở nhóm thanh niên, bao gồm cả nam và nữ.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu cũng có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim và đột quỵ xuất huyết não cao hơn”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi chứng đau nửa đầu, đặc biệt là khi tình trạng đau nửa đầu chủ yếu được chẩn đoán ở phụ nữ.
Tình trạng đau tim, đột quỵ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe do đó nếu bạn thường xuyên bị đau nửa đầu, hãy đến bệnh viện khám thường xuyên để theo dõi và điều trị tình trạng bệnh. Ngoài ra, nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh dưới đây hãy đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Các dấu hiệu của đột quỵ là FAST (nhanh). Trong đó:
F (Face) là dấu hiệu liệt mặt, một bên mặt của bệnh nhân có thể bị xệ xuống, miệng bị méo.
A (Arms) là dấu hiệu ở tay, bệnh nhân có thể bị yếu hoặc liệt một bên tay, không thể cầm nắm các đồ vật.
S (Speak) là khả năng ngôn ngữ, bệnh nhân không thể nói chuyện bình thường, nói nhịu giọng, nói ngọng.
T (Time) là thời gian. Khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ thì cần nhanh chóng tận dụng “khung giờ vàng” đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, còn có dấu hiệu BE FAST gồm có:
B (Balance) là giữ thăng bằng, bệnh nhân mắc đột quỵ có thể mất khả năng giữ thăng bằng khi di chuyển, bị hoa mắt, chóng mặt, mất khả năng phối hợp vận động.
E (Eyes) là các vấn đề thị lực, bệnh nhân mắc đột quỵ có thể có dấu hiệu nhìn mờ, mất khả năng nhìn ở điểm bên trái hoặc bên phải.
Dấu hiệu nhận biết cơn đau tim
- Đau hoặc tức ngực.
- Đau cổ, đau vai, đau hàm.
- Khó thở sau khi hoạt động gắng sức.
- Buồn nôn hoặc các vấn đề về dạ dày khác.
- Chóng mặt.