• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mùng 3 Tết thầy: Giữ truyền thống là giữ ngọn lửa cháy, không giữ tro tàn

Văn hoá 24/01/2023 10:25

GDVN-“Giữ truyền thống là giữ ngọn lửa cháy, không giữ tro tàn. Nhận thức điều này giúp ta thực hành mùng 3 Tết thầy ý nghĩa hơn" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Đối với mỗi người con đất Việt, phong tục “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy đã trở thành nét đẹp văn hóa ngày Tết cổ truyền.

Cha, mẹ là đấng sinh thành dưỡng dục thì người thầy – “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là tấm gương sáng về chuẩn mực nhân cách đạo đức để học trò noi theo.

Về ý nghĩa ngày mùng 3 Tết thầy, Xuân Quý Mão năm 2023, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ về mối quan hệ thầy – trò trong xã hội số, tầm quan trọng của giáo dục giữ gìn tinh thần mùng 3 Tết thầy đối với những người trẻ.

Mùng 3 Tết thầy: Giữ truyền thống là giữ ngọn lửa cháy, không giữ tro tàn - Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, phong tục văn hóa mùng 3 Tết thầy có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của người Việt Nam?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Trong quan điểm truyền thống trước đây của người Việt, tôn ti đạo đức và trật tự xã hội đặt trên trục quan hệ rường cột là: Quân – Sư – Phụ. Ở đó, người thầy cùng với vua và cha là 3 người có ý nghĩa ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển của mỗi cá nhân. Chính vì thế, việc đối đãi kính trọng với thầy được xem là một giá trị, nghĩa vụ đạo đức, thể hiện tinh thần hiếu học, và truyền thống tôn sư trọng đạo.

Đến nay, với sự vận động biến đổi của thời cuộc, vai trò của người thầy trong lễ nghĩa, phong tục của người Việt vẫn luôn được đề cao, tôn trọng. Nếu như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày lễ của nền giáo dục thời đại mới, dành cho tất cả những người đang đi học tri ân đến nhà giáo, thì ngày mùng 3 Tết thầy trong không khí đầu năm mới lại mang ý nghĩa đặc biệt linh thiêng.

Sở dĩ nói mùng 3 Tết thầy linh thiêng là bởi, trong không khí đầu năm, chúng ta đều nguyện cầu điều tốt đẹp đến với người mình yêu quý, cảm ơn người có sức ảnh hưởng sâu sắc đối với mình. Chúng ta dành thời gian cho những người đặc biệt quan trọng trong chính những giờ khắc quan trọng đầu tiên của một năm như: mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. Điều đó chứng tỏ vị trí của người thầy có ý nghĩa đặc biệt trong dịp thiêng liêng đầu năm, gắn với mong muốn cầu chúc may mắn, cảm ơn thầy đã dẫn dắt, định hướng, và từ đó gìn giữ đạo lý, hồn cốt của dân tộc.

Đến nay, chúc Tết thầy vẫn là truyền thống quý báu còn nguyên giá trị và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài, nền kinh tế thị trường, công nghệ 4.0.

Phóng viên: Theo ông, mùng 3 Tết thầy xưa và nay có sự dịch chuyển như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Phải khẳng định rằng, ngày mùng 3 Tết thầy xưa và nay đều có chung một ý nghĩa thiêng liêng. Song, điểm khác nằm ở hình thức thể hiện.

Trước đây, vào mùng 3 Tết, người đứng đầu hàng môn sinh – những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vụ, vị trí xã hội đều sẽ tụ họp ở gia đình thầy để chúc Tết trong không khí đầm ấm tình thầy trò. Với những người thầy, sự có mặt của học trò trong dịp đầu năm là niềm vui, chia sẻ không khí Tết, ăn bánh kẹo.... Đặc biệt, đây cũng là dịp lý tưởng để thể hiện sự quan tâm giữa thầy và trò, các đồng môn, cũng là dịp để thầy đưa ra những lời khuyên, răn dạy trò, truyền đạt kinh nghiệm đối nhân xử thế…

Ngày nay, hình thức thể hiện sự quan tâm của mọi người trong mùng 3 Tết thầy trở nên phong phú, đa dạng hơn như có thêm nhiều hình thức tặng quà thầy, chúc Tết thầy qua tin nhắn online thay vì gặp trực tiếp…

Dù hình thức thể hiện khác xưa nhưng điều quan trọng cốt lõi là phải giữ được tinh thần của ngày mùng 3 Tết thầy - giữ được truyền thống “tôn sư trọng đạo”, ghi nhớ về người thầy. Từ thực hành đó, mỗi người cùng giữ gìn những giá trị đạo đức của mình, và lan tỏa đến thế hệ sau.

Tương tự như Tết cổ truyền của Việt Nam, đặt trong bối cảnh chung, Tết cổ truyền trong thời hiện đại khác rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, một điều chúng ta vẫn đang làm đó là giữ được tinh thần của Tết (không khí vui tươi, sum họp gia đình, chúc tụng, lễ hội, chợ hoa…)

Mùng 3 Tết thầy: Giữ truyền thống là giữ ngọn lửa cháy, không giữ tro tàn - Ảnh 2.

Cần nhấn mạnh, giữ gìn truyền thống là giữ gìn tinh thần truyền thống chứ không phải duy trì những cái cụ thể, vụn vặt. Hay có thể nói, giữ gìn truyền thống là giữ ngọn lửa cháy, không giữ đống tro tàn. Nhận thức rõ điều này sẽ giúp mỗi người thực hành Tết nói chung, hay mùng 3 Tết thầy nói riêng có ý nghĩa hơn.

Phóng viên: Khi công nghệ số đi vào đời sống, người trẻ hoàn toàn có cách ứng xử khác xưa trong mùng 3 Tết thầy. Vậy, ông nghĩ sao về những cách ứng xử nhiều thay đổi ngày nay của giới trẻ?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Văn hóa bao giờ cũng gắn bó mật thiết với xã hội. Đó là lý do tại sao khi nước ta chuyển sang giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những khái niệm xã hội số, kinh tế số, công dân số, văn hóa số được bàn nhiều.

Nền văn hóa số có những biểu hiện cụ thể của xã hội, và con người dù có cố gắng đến mấy cũng không tránh được những tác động từ kinh tế, chính trị, xã hội đến văn hóa. Do vậy, chúng ta có thể hiểu và thông cảm được những hành vi số của con người tác động đến văn hóa.

Ví dụ, chúng ta vẫn nghe thấy hiện tượng chùa online, chúc Tết, lì xì online… và tất cả những hoạt động online đó chính là những biểu hiện cụ thể của việc thay đổi thói quen, lối sống của bối cảnh xã hội số. Điều quan trọng ở đây là chúng ta không bài bác, quay lưng lại với sự thay đổi tất yếu, nhưng chúng ta nhất định phải giữ được tinh thần, giá trị của những ngày lễ.

Như vậy, ngày mùng 3 Tết, khoảng cách địa lý trong và ngoài nước, giữa các tỉnh, thành phố, điều kiện khó khăn, không có cách nào để thầy và trò gặp gỡ trực tiếp thì việc nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử… thể hiện tình cảm học trò tri ân thầy dịp đầu năm mới cũng là điều phù hợp và quý giá. Tuy nhiên, rõ ràng việc thầy trò gặp mặt trực tiếp trong dịp đầu năm mới vẫn có ý nghĩa nhiều hơn. Cũng giống như trong sinh hoạt hàng ngày, một tuần chúng ta có thể gọi điện, nhắn tin cho bố mẹ 5 – 10 lần nhưng bố mẹ chúng ta vẫn ao ước có 5 – 10 phút bên con để chia sẻ, bộc lộ cảm xúc trực tiếp!

Tin nhắn chúc Tết vẫn chứa đựng tình cảm nhưng rõ ràng cách tiếp xúc trực tiếp vẫn tuyệt vời hơn rất nhiều. Việc nhắn tin, gọi điện chúc Tết thầy chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng. Nếu có điều kiện tốt hơn thì thầy trò nên gặp để chia sẻ về cuộc sống, câu chuyện, nhờ đó mà tình thầy trò trở nên sâu sắc hơn.

Phóng viên: Cũng có ý kiến cho rằng, với 4.0, con người thêm nhiều hành vi số hóa, đó có phải là biểu hiện làm hao mòn giá trị văn hóa truyền thống, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận là: Có một xu hướng đang hiển hiện trong xã hội: Con người đang dần biến thành máy móc, và ngược lại, máy móc đang dần biến thành con người. Máy móc dần thông minh, thậm chí hiểu con người hơn bố mẹ, người thân của mình. Điều này dẫn đến lo ngại đó là con người ngày càng phụ thuộc vào máy tính, điện thoại, mạng xã hội…, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ ngày nay.

Rõ ràng, khi chúng ta mong hướng con người đến những giá trị nhân văn, thì đồng thời cũng hy vọng những giá trị đó được thực hành trong đời sống. Những thực hành theo đúng giá trị truyền thống vốn có sẽ giúp giới trẻ giữ được tính nhân văn. Khi bản thân giới trẻ giữ được tính nhân văn cũng chính là giữ cho cộng đồng, xã hội nhân văn, góp phần cho sự phát triển nhân cách đạo đức mỗi người.

Phóng viên: Cũng có những biểu hiện mang tên "lợi ích" nảy sinh và ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa mùng 3 Tết thầy, theo ông, cần giáo dục nhận thức cho thế hệ trẻ về gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống đích thực ngày mùng 3 Tết thầy như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Gia đình, nhà trường và xã hội là 3 môi trường quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách cho mỗi cá nhân. Nếu nhà trường có nhiều bài học lý thuyết sâu sắc, thì gia đình và xã hội là chất xúc tác lý tưởng để cá nhân gia tăng thực hành.

Trong xã hội số, nhà trường không chỉ là nơi chuẩn bị cuộc sống cho con người mà chính là cuộc sống. Nhà trường phản ánh đầy đủ những yếu tố sinh động, phức tạp của xã hội. Nhà trường không chỉ dừng lại ở truyền kiến thức mà còn phải gắn với trách nhiệm phát triển con người toàn diện, trong đó có nâng cao nhận thức cho học trò gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống đích thực, trong đó có truyền thống "tôn sư trọng đạo", gìn giữ nét đẹp của ngày mùng 3 Tết thầy. Nhà trường có thể tổ chức các hoạt động giáo dục nghệ thuật, sinh hoạt truyền thống gắn với nội dung cụ thể, để từ đó định hướng giá trị văn hóa tốt đẹp, hướng học trò đến chân, thiện, mỹ, thôi thúc thực hành đúng ý nghĩa ngày mùng 3 Tết thầy.

Gia đình là cái nôi hình thành nên tính cách, phẩm chất con người. Giáo dục trong gia đình là giáo dục làm gương, thế hệ trước làm gương cho thế hệ sau. Chúng ta luôn phải tạo ra điều kiện để giáo dục làm gương được thực hành thường xuyên, liên tục trong gia đình.

Ví dụ, trong dịp mùng 3 Tết thầy, thông qua duy trì việc bố mẹ đến thăm thầy, cô giáo, hoặc có thể cho con em đi đến nhà thầy cùng bố mẹ; hay khích lệ con cùng các bạn về thăm, tri ân thầy, cô giáo cũ dịp đầu năm…

Đối với xã hội, cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng hướng về ngày mùng 3 Tết thầy với cách thức thể hiện sáng tạo, trẻ trung, thu hút quan tâm của giới trẻ. Giúp người trẻ thoát ly khỏi thế giới ảo, hiểu và thực hành đúng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như "tôn sư trọng đạo", tri ân người thầy, lan tỏa những tấm gương thầy cô truyền cảm hứng điển hình… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giá trị truyền thống mùng 3 Tết thầy trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội – nơi người trẻ dành nhiều thời gian sử dụng.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về mối quan hệ thầy – trò trong xã hội ngày nay?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Quan hệ thầy – trò ngày nay có những thay đổi rất lớn do biến động của xã hội.

Trước kia, người thầy không chỉ trao truyền kiến thức mà còn định hướng giá trị đạo đức cho học trò, được học trò kính trọng như người cha thứ hai. Nên việc làm gương của người thầy phải tuân thủ nghiêm túc từ việc giữ chuẩn mực, giá trị nhân cách đạo đức…

Người thầy ngày nay với nhiều biến động của xã hội làm cho những đức tính nghiêm cẩn có phần giảm bớt. Đôi khi, người thầy mới chỉ hoàn thiện được một vế truyền thụ kiến thức, chưa nêu gương hình ảnh nhà giáo tiêu biểu về đạo đức.

Nguyên nhân của sự chuyển biến này là do tác động của xã hội chưa coi trọng vai trò, tạo điều kiện để người thầy thực sự trở thành tấm gương. Bản thân nhà giáo còn bị chi phối bởi cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền nên khiến người thầy đôi khi khó toàn tâm, toàn ý trong công việc giảng dạy, hoạt động làm gương cho học trò vì thế bị ảnh hưởng nhất định.

Hình ảnh người thầy ngày xưa với hiện thân là tấm gương sáng về chuẩn mực đạo đức được Đảng và Nhà nước ta mong muốn lưu giữ ở người thầy ngày nay. Chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để tạo điều kiện cho người thầy ngày nay đúng với những giá trị tốt đẹp, đáng kính.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt là của chính người thầy về vai trò, trách nhiệm đối với học sinh và toàn xã hội. Bản thân nhà giáo khi ý thức được vai trò, trách nhiệm thì sẽ làm tốt công việc, có ứng xử hành vi đạo đức đúng đắn.

Thứ hai, hình thành hệ thống cơ chế chính sách để đảo bảo đời sống nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm vừa trao truyền kiến thức, vừa thực hành đạo đức.

Thứ ba, coi trọng bài học nêu gương người thầy. Hiện nay, việc xây dựng đạo đức con người ở nước ta gặp khó khăn là do những tấm gương điển hình chưa được lan tỏa rộng rãi.

Trò ngày xưa và trò hiện nay cũng có nhiều thay đổi, và nguyên nhân đến từ xã hội. Trong giáo dục đào tạo, trước đây, thầy là trung tâm, ngày nay, trò là trung tâm. Người thầy ngày nay là người định hướng, dẫn dắt, truyền cảm hứng, giống như người thủ lĩnh tinh thần, thậm chí đôi khi giống như một người bạn đối với học trò. Khi là người bạn, việc ứng xử của học trò với thầy cũng khác.

Những thay đổi trong cuộc sống khiến chúng ta không thể biến thầy giáo hôm nay quay trở lại trở thành thầy đồ ngày xưa. Người thầy hôm nay có thể vừa dạy kiến thức vừa là bạn để chia sẻ những cảm xúc vui, buồn của học trò. Xã hội phải chấp nhận những thay đổi, giữ gìn và tiếp thu những tinh hoa văn hóa để tạo điều kiện cho những thay đổi đó phát triển theo hướng tích cực, phù hợp.

Cuối cùng, tôi nhắc lại, điều chúng ta cần gìn giữ giá trị ngày mùng 3 Tết thầy đó là tinh thần, với hình thức thể hiện cũng phải phù hợp thời đại. Mỗi nhà giáo, học sinh đều phải có nhận thức giữ gìn, xây dựng mối quan hệ thầy trò thiêng liêng thông qua thực hành mùng 3 Tết thầy.

Đạo đức người thầy là hệ điều tiết cho hành vi của học trò. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người thầy vẫn nên là tấm gương về chuẩn mực đạo đức. Chỉ khi người thầy chinh phục về đạo đức đối với học trò thì mới quyết định được những vấn đề nảy sinh trong môi trường học đường, xã hội mà đôi khi luật pháp hay các yếu tố khác không quyết định được.

Ở khía cạnh nhất định, xã hội chúng ta vẫn giữ phong tục ngày mùng 3 Tết thầy. Tuy nhiên, không phải người thầy nào, học trò nào cũng nhận thức và thực hành đúng ý nghĩa. Chính vì thế, người thầy, học trò và xã hội đều phải giữ gìn tinh thần ngày mùng 3 Tết thầy để ngày này không chỉ là tri ân thông thường mà là dịp để tỏa sáng giá trị hiếu học, đạo đức, nhân văn trong toàn xã hội.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn!

Theo Mai Quyết/giaoduc.net.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ