Phim ngắn 23 phút xoay quanh câu chuyện của Mẹ (diễn viên Hồng Ánh thủ vai) như những người mẹ bình thường khác, yêu thương chồng con, tần tảo chăm sóc cho gia đình và chính vì những vai trò thiên chức ấy phải đứng trước quyết định lớn nhất cuộc đời mình.
Nữ diễn viên Hồng Ánh vào vai Mẹ lấy đi nước mắt của hàng ngàn người xem
Bộ phim gây bão cộng đồng mạng khi mới được tung ra chưa đầy 48 tiếng nhưng đã thu về gần 100.000 view và 1000 lượt chia sẻ trên các diễn đàn trực tuyến. Là một bộ phim ngắn hiếm hoi của đạo diễn Lee Giang, "Mẹ", tuy chưa được gọi là quá xuất sắc và chỉn chu, đã mang đến nhiều suy nghĩ và sự dằn vặt cho người xem, từ những người chưa làm mẹ, sắp làm mẹ, đã làm mẹ đến những người đang làm mẹ của những người mẹ. Mọi người mang trong mình những cảm xúc khác nhau, và những suy nghĩ khác nhau về cái thiên chức "Mẹ" ấy. Và vô hình chung, chúng ta lạ thấy từng nhóm người trên thể hiện rất rõ trong 23 phút của "Mẹ" một cách rõ ràng và liền mạch.
Những người đang làm mẹ - nhân vật Mẹ trong phim
Có lẽ với những người đang làm mẹ, tâm tư và tình cảm được gửi gắm rất nhiều trong phim ngắn này. Từng câu thoại, từng cái nhíu mày của diễn viên Hồng Ánh, từng cảnh đắn đo suy nghĩ rồi bật khóc giữa màn đêm, tất cả cô đọng vào trong đúng chữ Thiên Chức, và trong đúng một danh xưng "Mẹ".
Cô cười khi chồng về, khi con vui.
Cô lo lắng khi nghe tiếng con ho và vội bỏ đi những việc cá nhân bên ngoài.
Cô bồn chồn, cô lo lắng khi không biết phải làm sao có thể vẹn tròn cả việc làm "mẹ" và việc là "chính mình".
Cô uất ức trong lòng nhưng cô cam chịu.
Cô giận nhưng cô vẫn sẽ luôn thương yêu và tha thứ.
Tất cả chỉ đọng lại vào 1 chữ "Mẹ". Và đây là nhân vật được đồng cảm nhất phim. Khán giả đã để lại rất nhiều những dòng bình luận, những chia sẻ xung quanh sự hy sinh và sự mất mát này. Ai ai trong chúng ta đều cảm nhận được sự hy sinh của mẹ, nhưng có lẽ, chưa bao giờ chúng ta cảm nhận được tường tận rằng sự hy sinh ấy đã đi kèm với những đánh đổi lớn lao như thế nào.
Phim ngắn dành được sự đồng cảm rất lớn từ cộng đồng mạng
Những người chưa làm mẹ hoặc sắp làm mẹ - nhân vật cô Ba và đứa con gái
Có lẽ sự ngây ngô và sự khó chịu ra mặt của hai nhân vật này đã nói lên phần nào những suy nghĩ của những người con, những người chưa làm mẹ.
Như đứa con gái trong phim, chúng ta lớn lên nhìn mẹ, nhìn những việc mẹ làm như một sự hiển nhiên, nhìn những ngày mẹ tần tảo như một điều bình thường. Chúng ta chưa bao giờ dừng lại và ngẫm nghĩ xem rằng mẹ kính yêu của chúng ta có phải đang đánh đổi gì không, có phải đang bồn chồn khi phải buông xuôi một giấc mơ nào khác không?
Thương mẹ, nhận ra mẹ đã vì mình mà quên mất giấc mơ của bản thân – đó là suy nghĩ chung của nhiều bạn khi xem phim
Rồi khi chúng ta lớn lên, như cô Ba trong phim, khi chúng ta nhận thức rõ giá trị cá nhân, giá trị bản thân cũng như sự quan trọng của đam mê và mơ mộng, chúng ta sẽ thường quay lại, trách mẹ, trách thương sao mẹ không tìm những niềm riêng cho bản thân, ra ngoài đi mẹ, đi uống cà phê, đi dạo phố đi mẹ. Nhưng nếu đặt lại câu hỏi, nếu 18 năm qua, mẹ bạn đã chấp nhận hy sinh, chăm sóc bạn, chăm sóc chồng, chăm sóc gia đình bạn, 18 năm chỉ tập trung làm những việc như thế, thì việc đi ra ngoài, việc tìm một niềm riêng, liệu có dễ dàng? Liệu có khả thi?
Những người đang làm mẹ của những người mẹ
Với những người từng trải hơn nữa, chúng ta sẽ thấy trong mỗi chúng ta đều có một phần của bà Nội và bà Ngoại, một phần của lễ giáo gia phong, một phần của phóng khoáng và tự tại. Nội và Ngoại như hai thái cực của thế hệ đi trước và sự khác biệt về cách chấp nhận, đối mặt với thiên chức.
Nội ở đây, là một nhân vật rất được khán giả yêu quý và nể trọng. Nội lớn tuổi nhưng Nội bao dung, Nội khuyến khích trải nghiệm, khuyến khích đam mê, Nội yêu sự tự do và sự phóng khoáng, Nội chia sẻ, Nội bảo vệ. Nhưng ở cuối phim, chúng ta nhận ra đó là thành quả của cô Ba; thành quả của những người con, sau khi nhận thức rõ tầm quan trọng của trải nghiệm, quay về giúp mẹ thực hiện phân nửa đóa hồng còn lại. Và đây cũng là câu chuyện được rất nhiều bạn đọc chia sẻ sau bộ phim.
Ngoại chắc hẳn là nhân vật được mọi người chê trách khá nhiều trong suốt cả phim vì những câu nói khá cay nghiệt và đầy sự phán xét. Ngoại rất rõ ràng việc làm mẹ là chu toàn gia đình, là vượng phu ích tử, là tam tòng, là tứ đức. Trong cả phim, Ngoại xuất hiện như một người xét nét và đầy kỉ cương, khó khăn và ép buộc. Nhưng đây chắc có lẽ cũng là kết quả của rất nhiều năm tháng sống trong cái định kiến ấy, để rồi Ngoại dần dần tin rằng đó là điều đúng và đó là điều nên làm; một hệ quả đương nhiên của hội chứng Stockholm. Đúng, có lẽ Ngoại đáng trách, nhưng Ngoại cũng đáng thương, vì những tháng sống trong thiên chức mà không có sự may mắn như Nội khi có cô Ba giúp đỡ.
Đến thuyết Ngũ hành trong 5 người phụ nữ của phim
Có một thuyết Ngũ hành trong phim đã được người xem phân tích trong sự hào hứng. Nếu để ý kĩ, chúng ta sẽ thấy Mẹ luôn mặc áo màu xanh dương, màu của nước; Nội áo trắng bạc, màu của kim loại; Ngoại áo nâu, màu của đất; cô Ba luôn mặc áo gốc cam, đỏ, màu của lửa; con gái luôn mặc áo xanh lá, màu của mộc.
Bà Nội là người của sự tự do, phóng khoáng tượng trưng cho mạng Kim
Mẹ là người của bao dung, tha thứ, luôn trong trạng thái mông lung, tượng trưng cho mạng Thủy
Cô Ba là người của tuổi trẻ háo hức, máu lửa, tượng trưng cho mạng Hỏa
Dù đây chỉ là một thuyết của khán giả xem phim, cộng đồng mạng thấy khá thú vị về yếu tố ẩn dụ đang còn thiếu của dòng phim Việt Nam hiện nay.
Một đời thiên chức
Đành dứt niềm riêng
Đóng tròn vai mẹ
Trọn đâu "vai mình".
Bộ phim ngắn mang tên "Mẹ" của Lee Films đồng hành cùng nhãn hàng OMO Matic, mang một tâm tư của những đóa hồng đẹp đẽ nhưng chỉ đang sống như nửa đóa hồng. Bộ phim là món quà 8/3 của cả ekip và nhãn hàng để cảm ơn tất cả những người mẹ, đồng thời gửi đến mẹ thông điệp Thiên chức không phải là chức duy nhất. Đón xem bộ phim tại đây.