• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lần đầu tiên Việt Nam có Chuẩn Chương trình đào tạo các trình độ của Giáo dục đại học

Giáo dục 23/06/2021 21:52

(Tổ Quốc) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT); xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT các trình độ của giáo dục đại học (GDĐH).

Theo đó, các quy định trong Thông tư là căn cứ để Bộ GDĐT ban hành các quy định về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, liên thông trong đào tạo, các tiêu chuẩn đánh giá và kiểm định CTĐT.

Là cơ sở GDĐH xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, đánh giá và cải tiến CTĐT; xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận CTĐT của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng CTĐT.

Đồng thời, là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về CTĐT và bảo đảm chất lượng CTĐT; các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, chuẩn CTĐT các trình độ của GDĐH là cơ sở để xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn CTĐT của các ngành, nhóm ngành của từng lĩnh vực đối với từng trình độ phù hợp với Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020-2025. Điều này góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ ASEAN.

Với tiếp cận quản lý chất lượng đầu ra, Thông tư này được xem như một công cụ quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Các quy định của Thông tư đã cập nhật những kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hội đồng tư vấn khối ngành xây dựng chuẩn CTĐT cho khối ngành tương ứng

Đáng chú ý, quy định của Thông tư yêu cầu việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các CTĐT phải đảm bảo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như chuẩn chương trình theo nhóm ngành, lĩnh vực. Điều này giúp quản lý được chất lượng đào tạo đồng bộ, tránh tình trạng cùng một ngành ở cùng một trình độ được đào tạo ở các trường khác nhau nhưng không đảm bảo những chuẩn mực chung tối thiểu để đào tạo ra nhân lực của ngành nghề đào tạo đó.

Do chuẩn CTĐT là những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà tất cả CTĐT cần phải đáp ứng nên các cơ sở GDĐH hoàn toàn tự chủ và linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển các CTĐT để khẳng định uy tín, thương hiệu của trường mình.

Với tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc "đánh giá đạt chuẩn đầu ra CTĐT" được xem là một yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo. Cách tiếp cận quản lý chất lượng này yêu cầu các cơ sở GDĐH không chỉ minh bạch chuẩn đầu ra cho các bên liên quan mà còn phải cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt được những chuẩn đầu ra mà cơ sở GDĐH đã tuyên bố với người học và các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Theo Thông tư, chuẩn CTĐT các trình độ của GDĐH gồm các quy định về mục tiêu của CTĐT, chuẩn đầu ra của CTĐT, chuẩn đầu vào của CTĐT, khối lượng học tập (được xác định bằng số tín chỉ), cấu trúc và nội dung CTĐT, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu.

Chuẩn CTĐT cho các ngành được xây dựng cho từng trình độ và theo từng lĩnh vực hoặc theo một số nhóm ngành trong trường hợp cần thiết, đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Các Hội đồng tư vấn khối ngành do các Bộ thành lập sẽ giúp các Bộ chủ quản triển khai nhiệm vụ xây dựng chuẩn CTĐT cho khối ngành tương ứng.

Bộ chủ quản sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn cơ quan, đơn vị thuộc hoặc trực thuộc có uy tín, ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực đào tạo liên quan, có năng lực và kinh nghiệm trong phát triển và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo để giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành.

Lần đầu tiên Việt Nam có Chuẩn Chương trình đào tạo các trình độ Giáo dục đại học  - Ảnh 1.

Các Hội đồng tư vấn khối ngành do các Bộ thành lập sẽ giúp các Bộ chủ quản triển khai nhiệm vụ xây dựng chuẩn CTĐT cho khối ngành tương ứng (ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chuẩn chương trình đào tạo của từng khối ngành.

Chuẩn CTĐT phải được rà soát, chỉnh sửa, cập nhật định kỳ ít nhất một lần trong 5 năm. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GDĐT quyết định rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu thay đổi của khoa học, công nghệ và xu thế phát triển ngành đào tạo.

Cùng với các quy định về chuẩn CTĐT, Thông tư cũng quy định việc tổ chức xây dựng CTĐT, các yêu cầu đối với CTĐT. Việc thẩm định và ban hành chương trình đào tạo do Hội đồng thẩm định CTĐT thực hiện. Hiệu trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định CTĐT.


V.Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ