Kỳ thi đại học 2022 ở Trung Quốc: Số lượng thí sinh cao kỷ lục, tỷ lệ cạnh tranh khắc nghiệt

Dương | 05-06-2022 - 13:14 PM

(Tổ Quốc) - Tại Trung Quốc, kỳ thi Đại học được đánh giá là khắc nghiệt bậc nhất sẽ được bắt đầu vào ngày 7/6.

Chỉ còn hai ngày nữa, "gaokao" - kỳ thi đại học được đánh giá là khắc nghiệt bậc nhất thế giới sẽ diễn ra tại Trung Quốc. Bất chấp tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, hàng triệu học sinh ở các trường phổ thông vẫn đang miệt mài ôn tập để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Kỳ thi đại học được xem là mang tính quyết định tới số phận của một học sinh Trung Quốc. Bởi điểm số tốt có thể giúp họ được nhận vào các trường Đại học hàng đầu, từ đó mở rộng cơ hội nghề nghiệp của bản thân. Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo kỳ thi diễn ra thành công nhất.

Đếm ngược đến kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới: Nữ sinh uống thuốc hoãn kinh nguyệt để dự thi, gian lận thi cử bị phạt án hình sự - Ảnh 1.

Chỉ còn 2 ngày đếm ngược là kỳ thi Đại học khốc liệt bậc nhất thế giới - kỳ thi Cao Khảo sẽ chính thức diễn ra

Kỳ thi đại học 2022: Số lượng thí sinh cao kỷ lục, tỷ lệ cạnh tranh khắc nghiệt

Kỳ thi đại học năm 2022 đánh dấu năm thứ 45 "gaokao" quay trở lại trong hệ thống giáo dục quốc gia Trung Quốc. Kỳ thi năm nay diễn ra từ ngày 7/6-10/6 (giờ địa phương). Thí sinh dự thi phải tham gia đầy đủ 4 môn thi, trong đó có 3 bài thi bắt buộc là tiếng Trung, Toán và Tiếng Anh. Bài thi còn lại, thí sinh có thể tự chọn 1 trong 2 tổ hợp phù hợp với năng lực là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

2022 cũng là năm đánh dấu số lượng thí sinh dự thi kỷ lục ở Trung Quốc với 11,93 triệu học sinh đi thi đại học. Số lượng thí sinh đông, nhưng độ khó đề thi tăng cao. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia dự đoán tỷ lệ chọi vào các trường Đại học hàng đầu cũng cao khủng khiếp.

Số lượng thí sinh cao kỷ lục vô hình chung đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho kỳ thi Cao Khảo năm 2022

Đáng chú ý, nhiều sĩ tử còn chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại 1 số khu vực. Trong đó, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã phải hoãn kỳ thi đại học đến ngày 7-10/7, chậm hơn một tháng so với dự kiến ban đầu. Quyết định này được đưa ra khi giới chức thành phố Thượng Hải nhận thấy nhiều địa phương vẫn còn phong toả, đi lại khó khăn cũng như dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Vì tính cạnh tranh khốc liệt của các kỳ thi Đại học nên chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tính công bằng cho mọi thí sinh. Ở một diễn biến khác, các quy định trừng phạt mạnh tay đã được chính phủ ban hành khiến những thí sinh có hành vi gian lận có thể trở thành tội phạm hình sự.

Được biết, vào năm 2003, một nam sinh 18 tuổi đã âm thầm lẻn vào căn phòng lưu trữ đề thi ở thành phố Nam Đồng, tỉnh Tứ Xuyên và trộm đề thi môn Toán. Thế nhưng, cái giá phải trả cho hành động liều lĩnh này là cậu đã bị kết án 7 năm tù. Điều này đồng nghĩa, nam sinh phải tạm dừng con đường vào Đại học và lên đường thi hành bản án.

Sử dụng máy bay không người lái, camera hồng ngoại, máy dò kim loại, máy quét vân tay... là một trong nhiều biện pháp của chính phủ Trung Quốc nhằm đảm bảo tính công bằng cho kỳ thi Đại học

Đếm ngược đến kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới: Nữ sinh uống thuốc hoãn kinh nguyệt để dự thi, gian lận thi cử bị phạt án hình sự - Ảnh 4.

Nhiều địa điểm thi đã tiến hành diễn tập, thành lập tổ tư vấn tâm lý tại chỗ cho thí sinh

Nữ sinh uống thuốc hoãn kinh nguyệt vì sợ ảnh hưởng kết quả thi, cha mẹ chờ con thi xong mới ra toà ly dị

Với hàng triệu học sinh Trung Quốc, kết quả kỳ thi "gaokao" ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của họ sau này, bởi nó được xem là "chìa khoá" giúp họ đổi đời. Để có thể chắc suất trong những trường đại học danh giá, các học sinh tại quốc gia này phải cố gắng ôn luyện ngày đêm, thậm chí có những học sinh còn phải chuẩn bị kiến thức cũng như tinh thần từ khi mới lên... lớp 4, lớp 5.

Có rất nhiều phương pháp oái ăm được học sinh nước này áp dụng vào sát thời điểm thi đại học, chẳng hạn như uống thuốc tăng trí nhớ, tiêm thuốc tăng khả năng tập trung... Thậm chí, có những thí sinh còn uống thuốc làm chậm chu kỳ kinh nguyệt, vì lo ngại sức khoẻ bị ảnh hưởng vào đúng ngày thi.

Đếm ngược đến kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới: Nữ sinh uống thuốc hoãn kinh nguyệt để dự thi, gian lận thi cử bị phạt án hình sự - Ảnh 5.

Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi Cao Khảo, nhiều thí sinh chấp nhận đánh đổi không ít thiệt hại về sức khoẻ

Không chỉ có thí sinh chịu áp lưc bởi kỳ thi Đại học, mà tâm trạng lo lắng này còn được thể hiện rõ ở các bậc phụ huynh. Nhiều người chịu bỏ tiền ra thuê khách sạn gần điểm thi để học sinh có nơi nghỉ ngơi và nhất là tránh tắc đường vào giờ cao điểm, không gây trở ngại hay trễ giờ tới phòng thi. Đáng nói, nhiều bậc phụ huynh đã trì hoãn ly dị vì không muốn gây ra bất kỳ nguồn năng lượng tiêu cực nào cho con cái. Đó cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn của cặp vợ chồng tại đất nước này thường tăng vọt sau mỗi kỳ thi Đại học.

Phụ huynh chấp nhận hoãn ly thân để không ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con cái trước kỳ thi Đại học

Đếm ngược đến kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới: Nữ sinh uống thuốc hoãn kinh nguyệt để dự thi, gian lận thi cử bị phạt án hình sự - Ảnh 7.

Con đi thi là bố mẹ ở ngoài cầu nguyện

Những ngày gần đây, không khí thi cử đang bao trùm nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. Trong những ngày đầu tháng 6, nhiều phương tiện giao thông được phân làn chuyển hướng để tránh ảnh hưởng đến thí sinh. Hàng loạt biện pháp kiểm soát tiếng ồn được cơ quan địa phương áp dụng như công trình xây dựng gần điểm thi phải tạm hoãn thi công, cửa hàng hoạt động vượt mức tiếng ồn cho phép phải tạm đóng cửa...

Bên cạnh đó, xe cứu thương đã sẵn sàng túc trực bên ngoài phòng thi phòng trường hợp thí sinh suy sụp do áp lực tâm lý. Cảnh sát đã được phân công, đi dọc các tuyến phố để duy trì sự yên tĩnh cho thí sinh trong giờ làm bài.

Hệ thống điện lực, xe buýt,giao thông,... đều được kiểm tra cẩn thận trước khi kỳ thi diễn ra

Có thể thấy, Trung Quốc là đất nước vô cùng coi trọng giáo dục và chuyện thi cử. Bản thân thí sinh cũng không ngừng phải cố gắng học tập, nếu không muốn bản thân bị bỏ lại phía sau và đạt kết quả không như mong đợi.

Nguồn: Sohu, Sina

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,