Khởi đầu của một tình bạn lạ kỳ
Vào đêm đầu tiên tại khu nhà nương tựa cho người vô gia cư ở Brooklyn, New York, Tin Chin đã gặp được người sau này trở thành bạn thân thiết nhất của ông.
Chia tách khỏi gia đình, ông Chin hoàn toàn cô độc, bị nhấn chìm trong cơn giận dữ và nỗi xấu hổ về tất cả những điều mình đã đánh mất và việc cuộc đời đã chìm xuống đáy thế nào. Những nhà hàng ở Phố Tàu ông từng cùng vợ và con gái thường xuyên ghé qua, quãng đường đến trường tiểu học, cả những người hàng xóm thân thiện tại khu Queens - tất cả đã trở thành đặc trưng của một cuộc sống trung lưu trông thật an toàn.
Ấy thế mà, dù sở hữu tấm bằng đại học và từng làm viên chức nhà nước, ông Chin giờ phải đối mặt với một vai trò mình không bao giờ nghĩ đến - một người vô gia cư.
Buổi tối 2012 định mệnh ấy, trong khu nhà ở Barbara Kleiman, East Williamsburg, ông thấy chỉ có 1 người Trung Quốc duy nhất còn lại trong phòng. Đó là một người đàn ông mang dáng vẻ gầy gò, với bộ quần áo quá khổ, lùng thùng.
Ông Chin bắt đầu đánh giá người này bằng con mắt của một chuyên gia: hẳn là dân di cư, khá chắc đến từ Phúc Kiến, không gia đình, không biết tiếng Anh, cũng chẳng có giấy tờ.
"Tôi đang ở dưới đáy" - ông Chin nhớ lại, "Nhưng vẫn còn khá chán so với ông ta".
Người đàn ông kia tên Mo Lin. Ông Chin cảm nhận rằng nếu gặp nhau chỉ vài năm trước đó thôi, 2 người sẽ gần như chẳng có điểm chung nào. "Lúc đầu, không thể nói là tôi ưa ông ta được", Chin kể, "Nhưng vì là 2 người Trung Quốc trong khu nhà tá túc, chúng tôi đã nói chuyện với nhau".
Lúc ấy, ông Chin chẳng sở hữu gì mấy ngoài vài bí mật được giấu kín, bao gồm một hồ sơ tội phạm ám ảnh mình. Những suy nghĩ ấy chạy đua theo vòng lặp trong đầu người đàn ông, nhưng quyết định không tiết lộ nó cho ai, đặc biệt là người lạ mới này. Cuối cùng, Chin kể về mình qua vài chi tiết thô sơ nhất: sinh ra ở Hong Kong, lớn lên ở New York, và vừa mới vô gia cư.
Ông Lin tỏ vẻ do dự và kiệm lời. Mất một thời gian để ông bắt đầu miêu tả những năm tháng sống mòn của mình ở New York. Đúng là ông không có giấy tờ gì, và mặc dù đã từng làm việc cho vô số nhà bếp khu Phố Tàu, sức khỏe yếu kém khiến một công việc ổn định là bất khả thi - trông ông cũng già hơn nhiều so với số tuổi 46 của mình.
Người đàn ông dành nhiều ngày lang thang trên các con đường của khu Phố Tàu Manhattan, hút thuốc bên vệ đường và xem những chiếc TV nhiễu xèo xèo trong các trung tâm cộng đồng Phúc Kiến tồi tàn.
Nhưng bằng cách nào đó, 2 người đàn ông ở tuổi trung niên bắt đầu dành nhiều thời gian cạnh nhau - hoặc là trò chuyện trong khu nhà tá túc, hoặc cùng dạo quanh những con phố trung tâm, chia sẻ từng đĩa mì - đến mức người quen cho rằng họ hẳn là gia đình.
"Chúng tôi gọi họ là anh em" - Mireille Massac, một nhân viên ngân hàng thực phẩm từng dành thời gian với họ kể lại. "Ông ấy chăm sóc cho Mo. Mo cần gì, thì phải qua Tin trước đã".
Không giống như họ hàng hay gia đình, tình bạn đôi khi thật khó để tưởng niệm bằng những tấm ảnh treo tường hay vật kỷ niệm. Nhưng, tình bạn lại cũng có thể cho con người ta một mối gắn kết ý nghĩa trong đời mà đôi khi gia đình không làm được, là chỗ dựa qua những ngày cô đơn, đói khổ.
Thế tình bạn có thể cứu rỗi cả những lỗi lầm lớn nhất không? Cả thập kỷ sau cái đêm đầu tiên ở khu nhà tá túc ấy, ông Chin vẫn luôn tự hỏi bản thân.
Theo luật của khu tá túc, mọi người phải ra ngoài trước 8 giờ sáng. Do đó, cả Lin và Chin đều đã dần hình thành một thời gian biểu. Họ sẽ cùng nhau đến khu Phố Tàu, mua dimsum, sủi cảo - bất cứ thứ gì mà số tiền 200 USD (khoảng 4 triệu đồng thời giá quy đổi năm 2012) từ hỗ trợ cộng đồng hàng tháng của ông Chin xoay xở được.
Món ưa thích của ông Lin là bánh kẹp cá McDonald's - người đàn ông có vấn đề dai dẳng về răng miệng mà chỉ món phile cá mềm mới đủ dễ chịu.
Họ thường cùng nhau ăn trong một công viên đầy bóng râm gần rìa khu Phố Tàu, chia sẻ một băng ghế trong lúc ngắm nhìn dòng người qua lại. Có những ngày, họ sẽ đến thư viện - nơi mà Chin giới thiệu cho bạn mình về internet và "cái giếng không đáy" của YouTube. Nếu có thứ gì Lin rất mê trên đó, thì ấy là những bộ phim xưa.
Đang lạc lối trong chính cuộc đời mình, nhưng ông Chin đã tìm được mục đích trong việc giúp đỡ người bạn mới này. "Tôi nhập vai một hiệp sĩ trắng (tức ân nhân)" - ông nhớ lại khi cả hai trở nên thân thiết hơn. Đã quá lâu rồi kể từ lần cuối ông là "hiệp sĩ trắng" của ai đó.
Qua thời gian, khá rõ là Lin còn chưa kịp khám phá gì về New York, và thế là Chin quyết định vào luôn vai hướng dẫn viên du lịch cá nhân.
Chuyến đi chơi đầu tiên của họ là đến đảo Coney, ông Chin hồi tưởng. Họ đi tàu điện ngầm đến tận ga cuối để tới xem bể thủy cung. Ông Chin từng tới đó khi đi tham quan với trường hồi nhỏ, và sau này còn đưa vợ mình đến trong một buổi hẹn - những ký ức ngọt ngào bị đóng dấu bởi một vết thương chua xót mà ông giữ cho riêng mình.
Giờ, ông tập trung vào người bạn trước mặt - người chưa từng thấy thủy cung trước đây. Những sinh vật biển cả, đàn cá đầy sắc màu, thế giới bình lặng dưới lòng nước khiến bạn ông ngỡ ngàng và vui sướng. "Đôi mắt ông ấy thực sự kinh ngạc" - Chin kể.
Họ đi dạo gần bãi biển và mua hot dog làm bữa trưa. Vào buổi chiều hôm đó, dường như cuộc đời của cả hai đã vươn xa khỏi giờ giới nghiêm thông thường của khu nhà tá túc hay các băng ghế trong công viên.
Hai người đàn ông tiếp tục khám phá thành phố. Họ đi phà đảo Staten, ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan - nơi mà Lin không thực sự thích thú, rồi Công viên Trung tâm và cả Sở thú Bronx.
"Đặc biệt là con hổ - nó thực sự nổi bật - đó là con hổ đầu tiên ông ấy thấy. Mọi thứ đều là lần đầu ông ấy được chứng kiến" - ông Chin kể lại.
Chuyến tham quan New York đã trở thành một phần khiến tình bạn của họ ngày càng sâu đậm. Các luật sư, nhân viên xã hội và bạn bè gặp cả hai đều ngưỡng mộ về sự tận tụy họ dành cho nhau. Những chi tiết sâu hơn về quãng đời chung của cả hai được ghi dấu trong những bức ảnh kỷ niệm, báo cáo của cảnh sát, đơn nhập cư, bản ghi phiên tòa và các email cũ.
Một tháng 12, họ thậm chí còn đến cửa hàng Macy's ở Midtown để gặp ông già Noel. Họ đứng xếp hàng, hai người đàn ông trung niên vô gia cư cao lừng lững trên một biển trẻ em. Nếu có phụ huynh nào liếc nhìn, ông Chin cũng không để ý hay quan tâm.
Cuối cùng họ cũng đã đến được phía trước để chụp ảnh với ông già Noel. Trong bức ảnh, ông Chin ngồi bên phải, cười rạng rỡ. Ở phía bên kia của ông già Noel, ông Lin ngồi với dáng vẻ gượng gạo hơn, 2 tay ôm vào lòng, chiếc áo phao kéo kín đến cổ. Ông cười nhẹ, không chắc phải làm gì.
Trước khi rời đi, Chin dịch lại điều ước của bạn mình cho "ông già Noel": một tấm thẻ xanh (thẻ dành cho thường trú nhân, người nhập cư lâu dài tại Hoa Kỳ).
Trong 2 năm tiếp theo, khi người ra người vào liên tục trong khu nhà cư trú, cả hai tiếp tục trở nên gần gũi hơn. Thời gian sau, ông Lin nhặt được một chiếc smartphone ai đó bỏ lại trên ghế băng công viên và hàng đêm sẽ nằm gần bạn mình, "dùng ké" kết nối mạng để xem những thước phim cũ ưa thích.
Những vụ đánh nhau và trộm cắp thường không hiếm tại các khu nhà tá túc, nhưng suốt một thời gian dài Chin đã tự bảo vệ được cả hai nhờ vẻ mặt rắn rỏi. Tuy nhiên, vào đêm 1/8/2014, khi Chin đang nói chuyện với một người quản lý khu nhà và Lin đang say giấc trên chiếc giường xếp, một cư dân với loại tiền duy nhất là tiền án và tiền sự đã nhảy vào tấn công ông.
Khi Chin tìm thấy bạn mình, ông đã bị thương nghiêm trọng, với con mắt bầm dập, vết thương hở từ mũi và miệng. Chin đưa ông đến bệnh viện, trong khi cảnh sát bắt giữ kẻ tấn công.
Đối lập với vẻ ngoài thê thảm của Lin, ông Chin lại có một vẻ vừa mừng vừa lo khó hiểu. Ông nói với bạn: "Lin! Đây là cơ hội trăm năm có một! Là nó đấy!" - ông biết bạn mình không hiểu, nhưng ông cũng chẳng bất ngờ.
Quá khứ chôn chặt
Chuyện là, sau từng ấy thời gian với nhau, Chin chưa bao giờ thật sự kể về bí mật lớn nhất của mình. Ông từng kể về vợ và con gái, nhưng chỉ nói lướt qua về sự nghiệp, và cũng chưa bao giờ đề cập đến việc mình bị bắt giữ hay những năm tháng trong tù.
Đây là câu chuyện ẩn giấu: Đầu những năm 90, ông Chin làm nhân viên nhập cư tại sân bay JFK, New York. Công việc của ông bao gồm phỏng vấn những người Trung Quốc tị nạn - những người tuyệt vọng mong có cuộc sống tốt đẹp hơn - những người như cha mẹ ông, hay chính ông Lin.
Trong 5 năm làm việc tại đó, ông đã chứng kiến nhiều câu chuyện về những người rời bỏ quê hương. Giờ, khi nhìn thấy tình trạng bấm dập của bạn mình, Chin sực nhớ ra có một loại visa đặc biệt - visa U - loại dành cho người nhập cư là nạn nhân của tội phạm.
Chin mau chóng lao đến thư viện để tra cứu luật nhập cư của Mỹ. Mất thêm vài buổi để xác nhận, nhưng trong vòng 2 tuần, ông đã gửi email đến cho T.J. Mills - một luật sư chuyên trách các vụ nhập cư ở Phố Tàu, yêu cầu hỗ trợ visa U cho bạn mình.
Dù vậy, Chin vẫn không tiết lộ cho ai, kể cả Lin hay Mills về sự nghiệp làm nhân viên nhập cư của mình. "Quá khứ của tôi xấu xí lắm" - ông nói gần đây. "Không cần nói về nó" - Chin thở dài, "Họ nói tôi là một tên 'cớm bẩn'".
Vào năm 1993, ông Chin mất công việc làm nhân viên nhập cư sau khi đặc vụ liên bang tìm thấy 1,700 USD trong túi ông. Số tiền là kết quả của một vụ tống tiền, sau khi ông đe dọa sẽ gửi một doanh nhân Trung Quốc về nước nếu ông ta không chịu giao nộp.
Chỉ vài giờ sau, Chin bị bắt giữ, tuyên có tội và chịu án gần 1 năm trong tù.
Rồi vài năm sau, Chin lại bị bắt một lần nữa - lần này còn vì lý do tồi tệ hơn trước. Vào năm 2003, ông bị buộc tội cầm đầu một đường dây quốc tế chuyên lừa đảo tiền tiết kiệm cả đời của hàng tá người nhập cư từ Trung Quốc. Các công tố viên cho biết Chin thiết lập các văn phòng giả khắp New York và hứa cấp visa cho những người nhập cư muốn mang người nhà sang Mỹ.
Ông nói với họ mình làm cho chính phủ và thông qua các đầu mối, có thể cung cấp thẻ xanh và visa với chi phí cắt cổ. Cầm tiền trong tay rồi, thì ông ta biến mất - các nạn nhân cho hay; Chin tiếp tục hành vi này sau khi liên tục thay đổi danh tính và chỗ ở.
Tổng thiệt hại Chin gây ra cho những người Trung Quốc cần cù, cả tin là 1 triệu USD. Nạn nhân bao gồm những người bà, người chồng, nông dân, thợ may - những người đang đổ mồ hôi xương máu vì một cuộc sống tốt hơn tại New York. Hàng loạt nhân chứng đứng ra chống lại ông trong một phiên xử liên bang, quy kết Chin là chủ mưu chính. Cuối cùng, Chin là người duy nhất trong cả đường dây năm đó bị tống vào tù.
Đến hôm nay, Chin vẫn tin mình đã bị gài bẫy.
Kết thúc cả thập kỷ sau chấn song, vào năm 2012 Chin cố gắng đoàn tụ với vợ và con nhưng mọi chuyện kết thúc thảm hại. Cuối cùng, ông dừng chân ở khu nhà tá túc và bắt đầu một cuộc sống vô định - cho tới khi gặp Lin.
"Thần hay Phật trên cao đã gửi tôi đến giúp Mo" - ông nói. "Ông ấy không có giấy tờ, tôi lại là một cựu nhân viên nhập cư. Không phải trùng hợp mà tôi gặp được ông ấy".
Khi Lin dần hồi phục cũng là lúc Chin vội vã hỗ trợ bạn mình trên con đường nhập cư chính thức. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng trước vụ tấn công, luật sư Mills đã tế nhị nói với cả 2 rằng việc giành được vị thế pháp lý cho Lin tại xứ sở cờ hoa gần như là bất khả thi do ông vào nước này với giấy tờ giả.
Dù vậy, Mills vẫn khâm phục cả hai, nhất là sự tận tụy của Chin cho bạn mình. Anh đồng ý rằng visa U có thể được áp dụng và bắt đầu nỗ lực nộp đơn cho Lin. Khi đó, Chin trở thành trung gian cung cấp các tài liệu cần thiết như hồ sơ vụ tấn công hay giấy tờ nhập viện cho Mills. Càng làm việc với người đàn ông này, Mills càng nghĩ nhiều về hiểu biết sâu rộng đối với luật nhập cư cũng như sự kiên định kỳ quặc của ông ta.
Sự cứu rỗi
Khi vụ việc của Lin dần tiến triển, ông bắt đầu thuật lại câu chuyện đời mình. Trong cuộc phỏng vấn với một tình nguyện viên làm cho Mills năm 2019, ông nói rằng mình lớn lên ở nông trại gia đình tại vùng nông thôn Phúc Kiến. Khi còn là thanh niên, Lin vướng vào nhiều cuộc biểu tình tại quê nhà - lo sợ bị bắt giữ, ông trốn khỏi nhà tìm đường sang Mỹ.
Qua một loạt mạng lưới hỗ trợ và khoản vay ông biết mình không thể trả được, Lin sang biên giới Thái Lan rồi lên một chuyến bay sang Los Angeles, Mỹ. Khi hạ cánh, Lin xoay xở qua được hải quan và nhận được một khoảng thời gian tạm trú ngắn hạn.
Khi thời hạn tạm trú kết thúc, Lin bị một thẩm phán ra phán quyết trục xuất. Suốt những năm sau này, ông dành thời gian trốn tránh chính quyền, làm các công việc cực nhọc với đồng lương còm cõi, lúc nào cũng sợ bị phát hiện. "Tôi làm việc trong một nhà bếp và gắng hết sức để kiếm tiền trả cho giường ngủ, các khoản nợ và gửi cho vợ. Tôi làm thế liên tục trong 8 năm cho đến khi cơ thể tôi bỏ cuộc" - ông nói với một phiên dịch viên năm 2019.
Khi đến New York, cuộc đời Lin vẫn tiếp tục trôi dạt giữa các khu nhà tá túc cho người vô gia cư. Mills chia sẻ cảm nhận về người đàn ông, nói rằng cả cuộc đời Lin chỉ là chuỗi ngày cố gắng sinh tồn và liên tục bị hành hung.
Mất hơn 4 năm để quá trình thành công, nhưng cuối cùng, vào 2/4/2019, 28 năm sau khi đến Mỹ, Lin đã nhận được visa của mình. Khi email về tài liệu cần thiết được gửi đến cho địa chỉ của Chin vì Lin không có thư điện tử, cả hai vẫn đang trong công viên gần khu Phố Tàu.
"Mo có nụ cười ngọt ngào nhất tôi từng thấy trên khuôn mặt ông ấy suốt những năm qua. Ông ấy liên tục nhờ tôi đọc đi đọc lại từng dòng" - Chin hồi tưởng.
Giờ, khi đã có visa, Lin có thể dễ dàng đến thăm nha sĩ để sửa răng và có lẽ là rời khỏi khu nhà tá túc. Thậm chí, chỉ cần 3 năm liên tục ở Mỹ, ông ấy sẽ có thể nộp đơn xin thẻ xanh và mang vợ mình - bà Huo Mei Li đến New York. Cả hai đã không gặp nhau gần 3 thập kỷ.
"Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian" - Lin nói với một nhân viên tình nguyện năm 2019.
Mặc dù đã thay đổi cả cuộc đời Lin mà không cần tiết lộ về quá khứ đen tối, chỉ vài tháng sau đó, Chin đối mặt bạn mình cùng một câu hỏi thẳng thừng: "Ông từng là nhân viên nhập cư đúng không?".
Có người ở công viên quen thuộc đã tiết lộ cho Lin. Giờ ông thắc mắc, liệu Chin có chơi đùa với mình suốt từng ấy năm và đáng ra có thể hỗ trợ giấy tờ sớm hơn không.
Cuộc đối mặt mau chóng trở nên căng thẳng, nhưng Chin đáp lời: "Ông không biết mình may mắn thế nào đâu. Ông nghĩ làm thế nào ông có được visa? Ông nên cảm ơn tôi mới đúng".
Mặc dù có sự lạnh nhạt thoáng chốc, tình bạn cả hai đã vượt qua. Họ tiếp tục đi chơi với nhau, tìm bác sĩ và nha sĩ cho Lin. Lần này, có thêm một người tham gia là vợ Lin. Dù vẫn còn vật lộn với chỗ ở khi Lin còn ở trong nhà tá túc và Li phải ở nhờ nhà một người bạn của gia đình, họ đã bắt đầu mơ về một mái ấm chung.
Vào tháng 3/2020, ông Chin đưa ông Lin đến bệnh viện để khám dạ dày. Bác sĩ giữ ông lại qua đêm và sau đó gửi Lin vào khu chăm sóc tích cực. Lúc đó, đại dịch đã bắt đầu nhưng may mắn có một nhân viên tình nguyện tại bệnh viện đã giúp làm cầu nối cho cuộc gọi online giữa 2 người bạn.
Chin bắt đầu lo lắng khi thấy bạn mình có dấu hiệu yếu sức, bơ phờ. Vài ngày sau, bệnh viện thông báo Lin đã dương tính với Covid-19. Đêm ngày 17/4, Lin nhận được cuộc gọi bất thường từ bệnh viện và biết có điều gì đó không ổn.
Mo Biao Lin đã qua đời lúc 7h33 tối hôm ấy - ở tuổi 53, là một trong những nạn nhân của làn sóng dịch đầu tiên tại New York.
Gia quyến của ông là người vợ và một cậu con trai cũng đã tìm được đường sang một thành phố khác ở Mỹ. Lin được chôn cất trong một nghĩa trang ở Pennsylvania, gần nhà con trai ông. Chữ trên mộ ghi đơn giản: "Ông Mo Biao Lin, 1966-2020".
Phần kết
Vào cái đêm bạn mình qua đời, Chin thức trắng để gửi thư giãi bày cho luật sư Mills. "Giờ, tôi hỏi Trời, ngài đã sắp xếp cho tôi được giúp người này đạt được ước mơ của ông ấy vì tôi là người trong đúng lĩnh vực. Giờ, người lại cướp ông ấy đi".
Giờ, Chin - ở tuổi 65, thường lướt qua những bức ảnh cũ của bạn mình trên một chiếc điện thoại di động tả tơi. Ông cũng đã rời khỏi khu nhà tá túc và tới sống cô độc trong căn hộ ở Brooklyn, chất đống những chiếc hộp và túi nilon đồ đạc. Rất nhiều trong số đó vốn thuộc về ông Lin. Giờ, ông tập trung làm việc cho một nhà ăn ở khu Phố Tàu và dành thời gian nghiền ngẫm bản ghi phiên tòa của mình.
Chin vẫn thấy Lin ở khắp mọi nơi - công viên khu Phố Tàu ngày xưa, trên chiếc xe buýt Lin thường bắt để đến thăm ông, trên những tiêu đề bất tận về đại dịch, thậm chí là trong bản ghi phiên tòa của chính mình qua lời những nguyên đơn có hoàn cảnh giống Lin.
Hàng năm trời sau này, những người đã dành thời gian với đôi bạn vẫn nhớ về mối gắn kết của họ và sự sâu đậm của nó đã in vào tâm trí.
"Tôi cảm thấy Mo đã mang lại cho ông ta (Chin) cảm nhận về bản thân một lần nữa" - Rebecca Cooney, một tình nguyện viên phi lợi nhuận từng phỏng vấn Lin năm 2019 và dành thời gian với cả hai, chia sẻ.
"Giống như thể Mo là một phần trên con đường trở lại làm người của ông ấy".
Ông Chin hầu như không tiết lộ gì về cuộc sống của mình cho Cooney, nhưng cô nhớ rằng cả ông và ông Lin dường như lúc nào cũng lạc lối. "Đó là 2 người đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ, thật tuyệt vời khi họ có nguồn năng lượng bên trong để tiếp tục trao tặng tình bạn cho nhau".
Tháng 4 vừa qua, nhân ngày giỗ của ông Lin, ông Chin đi tàu điện ngầm đến Bellevue, nơi ông tìm thấy một băng ghế công viên. Những nghi thức chung của một tình bạn thân thiết không bao giờ rời bỏ ai đó, ngay cả khi người bạn không còn.
Ông ấy thắp một nén hương và bày ra bữa cúng ngoài trời với những món yêu thích của ông Lin: khoai tây chiên, coca và bánh mì kẹp cá McDonald's. Ông Chin đã lấy bộ răng giả của ông Lin sau đám tang - một lời nhắc nhở, dù có rùng rợn đến mức nào, về người bạn của ông - rồi ông đặt chúng bên cạnh chỗ thức ăn.
Ông gọi to tên của bạn mình vài lần: "Lin, Lin, Lin". Sau đó từ từ ăn sandwich. Không ai lại gần khi Chin kết thúc bữa ăn của mình - hay nói đúng hơn, là bữa ăn của Lin. Ăn xong, người đàn ông ngồi lặng lẽ bất động trên ghế băng.
Lược dịch từ: New York Times