Hoàn thiện các khu công nghiệp dệt nhuộm để nâng cao năng lực sản xuất vải nội địa

Bất chấp ảnh hưởng do đại dịch Covid cũng như biến động thương mại Mỹ - Trung, theo báo cáo mới của Bộ thương mại Mỹ, trong năm 2022, riêng về mảng may mặc, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu nhiều hàng đầu sang thị trường Mỹ với hơn 10 tỷ đơn vị sản phẩm, cao gấp đôi so với nước đứng thứ 2 là Việt Nam.

 

Hoàn thiện các khu công nghiệp dệt nhuộm để nâng cao năng lực sản xuất vải nội địa - Ảnh 1.

Nguồn vải đầu vào khiến ngành dệt may Việt Nam đau đầu

Lý giải điều này, hãng tin Bloomberg cho hay những thương hiệu thời trang của phương Tây chẳng thể tìm được chuỗi cung ứng hoàn thiện nào ngoài Trung Quốc, nơi có đủ máy móc chuyên nghiệp, công nhân lành nghề và nguồn cung nguyên vật liệu đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Bài học thành công của ngành dệt may Trung Quốc thu hút sự quan tâm đến mức việc hoàn thiện chuỗi cung ứng để phát triển dệt may tuần hoàn và bền vững cũng trở thành một trong những chủ đề thảo luận chính tại sự kiện Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp TexFuture Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 22 đến 24 tháng 3 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành tại sự kiện, nguồn vải đầu vào vẫn là vấn đề nan giải của ngành dệt may Việt Nam nhiều năm nay, khi có đến 60-70% nguyên vật liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam đang có nhiều tiềm năng mở rộng xuất khẩu ngành hàng may mặc, khi lần lượt các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng được ký kết, đưa mức thuế suất giảm dần về 0%. Nhưng để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo từng FTA, chẳng hạn với CPTPP là quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi", với EVFTA là "từ vải trở đi". Do vậy, nếu không tự sản xuất được nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ, ngành dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ các FTA và vẫn phải tiếp tục gia công với giá trị gia tăng thấp.

Hoàn thiện các khu công nghiệp dệt nhuộm để nâng cao năng lực sản xuất vải nội địa - Ảnh 2.

Hành trình tự sản xuất vải bắt đầu từ việc xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt

Một cách rất rõ ràng, để ngành dệt may tuần hoàn và phát triển bền vững, những viên gạch đầu tiên chính là xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt dệt nhuộm, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, vị trí địa lý và tầm nhìn phát triển chuỗi cung ứng hoàn thiện. Số lượng các khu công nghiệp dệt nhuộm theo tiêu chuẩn xanh - sạch - bền vững và đáp ứng được các tiêu chí trên không nhiều, trong số đó nổi bật chính là khu công nghiệp dệt may Rạng Đông - Aurora IP do Tập đoàn Cát Tường đầu tư và phát triển.

Tọa lạc tại Nam Định, vị trí đắc địa gần cửa biển của cái nôi ngành dệt may Việt Nam, Aurora IP là một trong số ít những cái tên sáng giá đi đầu trong tầm nhìn phát triển chuỗi cung ứng dệt may tuần hoàn và bền vững. Năm 2019, đề án xây dựng Aurora IP chính thức đi vào vận hành, nằm trong khu kinh tế Ninh Cơ với tổng diện tích xây dựng khoảng 520ha. Được xây dựng theo mô hình khu công nghiệp đô thị sinh thái chuyên sâu về dệt nhuộm đầu tiên tại tỉnh Nam Định, Aurora IP được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ từ quy hoạch, thiết kế đến thi công, đáp ứng yêu cầu khắt khe của quy trình dệt nhuộm.

Với mục tiêu sản xuất 1 tỷ mét vải mỗi năm, góp phần giải quyết nguồn cung vải, Aurora IP xác định nguồn nước là điều kiện sống còn, đảm bảo vận hành cho chuỗi sản xuất sợi dệt. Vì vậy, khu công nghiệp này đặc biệt ưu tiên hệ thống cấp nước và tháng 1.2023 vừa qua, Aurora IP đã khánh thành công trình cấp nước CTe AQUA, tổng công suất cung cấp 170.000m3 nước/ngày đêm. Với mức công suất lớn, công trình cấp nước trạm bơm sẽ đảm bảo nhu cầu sản xuất cho toàn bộ khu công nghiệp Aurora IP và trở thành công trình trọng điểm của cả Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng.

Hoàn thiện các khu công nghiệp dệt nhuộm để nâng cao năng lực sản xuất vải nội địa - Ảnh 3.

Theo lộ trình sắp tới, trong năm 2023 này, Aurora IP sẽ tiếp tục hoàn thiện các cấu phần quan trọng của khu công nghiệp, bao gồm nhà máy nước thải với công suất 110.000m3/ngày đêm, hệ thống tiếp nhận nước thải, nhà máy xử lý nước sạch, nồi hơi tập trung, trạm điện CTe-Energy, vườn cảnh quan phong cách Nhật Bản quy mô 6ha… Đây cũng là khu công nghiệp được đầu tư xây dựng 17km hệ thống kênh đào kết hợp với rừng ngập mặn bao quanh.

Song song đó, các nhà đầu tư thứ cấp Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)… cũng sẽ hoàn thiện xây dựng nhà máy vào cuối năm 2023 và sẵn sàng đi vào hoạt động sản xuất. Các nhà đầu tư trong khu công nghiệp cũng được nhà sản xuất ưu tiên áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu thân thiện với môi trường. Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng kiểu mẫu, Aurora IP cũng mang đến những chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn và cam kết lâu dài, đảm bảo môi trường sống và làm việc thuận lợi, tiện nghi cho các chuyên gia, công nhân viên và các nhà đầu tư gắn bó với khu công nghiệp trong suốt quá trình hoạt động.

Được ví như tiên phong trong thu hút vốn FDI vào Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung, Aurora IP đã và đang minh chứng sức hấp dẫn của khu công nghiệp tiên phong trong mô hình sinh thái, tập trung vào phân khúc dệt nhuộm. Sứ mệnh của Aurora IP chính là góp phần đưa Nam Định trở thành trung tâm dệt may của cả Việt Nam và đóng góp chung cho sự phát triển ổn định của cả ngành.

Tin Cùng Chuyên Mục
Giá trị của truyền thông hiệu quả

Giá trị của truyền thông hiệu quả

Không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín; lan tỏa quảng bá sản phẩm và dịch vụ... truyền thông hiệu quả còn đem đến nhiều giá trị cho hoạt động của doanh nghiệp như: hỗ trợ quản lý khủng hoảng, duy trì sự ổn định; tạo điều kiện thuận lợi trong giao tiếp và đàm phán; tăng cường mối quan hệ với cổ đông và nhà
Tin mới