Chiều 11/9 Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Global Times (Nhật báo Hoàn cầu) đăng tải bài viết nhan đề: "China must be militarily and morally ready for a potential war" (Trung Quốc phải sẵn sàng cả về mặt quân sự và đạo đức cho một cuộc chiến tiềm tàng).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là quan điểm từ phía Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng xung đột với cả Mỹ lẫn Ấn Độ, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
"Trung Quốc không muốn gây chiến tranh phi nghĩa"?
Dù không muốn gây chiến nhưng Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng dưới sự khuyến khích của người Mỹ. Các nước này tin rằng sự hậu thuẫn của Washington mang cho họ lợi thế chiến lược và phản ứng một cách thái quá với Bắc Kinh.
Họ cũng cho rằng dưới áp lực mang tính chiến lược của Mỹ, người Trung Quốc sẽ sợ hãi và không muốn hoặc không thể đối đầu quân sự với họ. Chính vì vậy, họ muốn "pull the chestnuts out of the fire" (tạm dịch: Lấy hạt dẻ khỏi đám lửa).
Cùng một lý do nói trên đã khiến tình hình căng thẳng ở Đài Loan đã tăng mạnh trong thời gian gần đây và trở thành nguy cơ đẩy Trung Quốc đại lục vào thế bắc buộc phải khai chiến.
Thực tế là chúng ta càng ít muốn chiến tranh xảy ra, thì tình thế tiến thoái lưỡng nan nói trên càng đẩy chúng ta gần hơn với nó. Do đó, Trung Quốc phải thực sự can đảm để bình tĩnh tiến vào một cuộc chiến nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi và sẵn sàng chịu đựng cái giá phải trả.
Bằng cách đó, sức mạnh toàn diện của Trung Quốc có thể được chuyển hóa hiệu quả trở thành một biện pháp răn đe chiến lược chống lại tất cả các hình thức khiêu khích.
Một nghịch lý là ngày nào phần còn lại của thế giới còn cảm nhận được ý chí của Trung Quốc, ngày đó chúng ta còn tránh được chiến tranh. Sau tất cả, chiến tranh không phải là việc đến một cách tự nhiên, phe nào muốn chiến thắng ắt sẽ phải chiến đấu.
Một chiến thắng thường có hai nghĩa: Đầu tiên, nó có nghĩa là bạn đã đánh bại đối thủ trên chiến trường và thứ hai, nó phải được biện minh về mặt đạo đức.
Điều này đặc biệt đúng đối với Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh không phải là cường quốc mạnh nhất trên thế giới mà là người Mỹ.
Mặc dù giành thắng lợi trên chiến trường với các nước có tranh chấp lãnh thổ cũng như cuộc xung đột tiềm tàng với Mỹ, nhưng nếu chiến thắng này trái với đạo đức quốc tế, Washington sẽ đứng đầu một liên minh quân sự mới, thách thức vị thế chiến lược của Trung Quốc.
Một cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
5 yếu tố then chốt cần phải đạt được trước xung đột
Trung Quốc đang vươn mình trở thành một cường quốc nhưng điều này đã bị Mỹ và phương Tây bác bỏ bởi sự mâu thuẫn về ý thức hệ.
Các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng bắt đầu có sự đồng cảm với nhau. Nếu Bắc Kinh quyết định gây chiến, cộng đồng quốc tế sẽ có xu hướng ủng hộ bên yếu hơn.
Nói cách khác, cho dù hành động của Trung Quốc có hợp tình hợp lý hay không thì người Mỹ sẽ dùng toàn bộ năng lực gây ảnh hưởng đối với dư luận của mình để đối phó. Do vậy đứng trước bờ vực của một cuộc chiến, Bắc Kinh cần làm rõ 5 yếu tố then chốt này:
Đầu tiên, người Trung Quốc phải làm rõ rằng phía bên kẻ địch mới là bên phá vỡ hiện trạng.
Thứ hai, cần làm rõ trong tình thế tương đối phức tạp rằng phía đối địch mới là kẻ khiêu khích.
Thứ ba, Trung Quốc phải làm cho cộng đồng quốc tế thấy rằng mình đã có những nỗ lực ngoại giao hoặc chính trị để giải quyết căng thẳng trước chiến tranh.
Thứ tư, phát súng đầu tiên phải do phía bên kia bắn chứ không phải Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cần nhận thức rõ vấn đề này.
Thứ năm, chỉ trong những tình huống ngặt nghèo, nếu chúng ta cần bắn những phát súng đầu tiên, chúng ta phải đưa ra một tối hậu thư trước để một cuộc chiến tranh chính nghĩa có thể được bắt đầu một cách chính trực.
Nếu thỏa mãn những điều kiện này, Trung Quốc có thể tự do tham chiến ngay cả khi Mỹ cố bôi nhọ Trung Quốc, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu rằng Bắc Kinh không phải là kẻ bắt nạt những quốc gia nhỏ bé, mà họ không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến tranh.
Binh sĩ biên phòng Ấn Độ.
Kết luận
Trung Quốc không được bốc đồng trong việc tiến hành một cuộc chiến tranh. Bắc Kinh cần phải chuẩn bị đầy đủ về mặt quân sự và đạo đức.
Một số người có thể thấy điều này phi lý nhưng cần nhận ra rằng với tư cách là quốc gia "số hai" và đang bị Mỹ gây áp lực, Trung Quốc phải chịu đựng những giai đoạn áp bức nhất định, vì đó là số phận của tất cả những kẻ ở vị trí thứ hai.
Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc cần giữ thái độ khiêm tốn, kiên nhẫn và chịu đựng. Khi đối phó với những thế lực nhỏ nhưng cơ hội, Bắc Kinh không thể dùng sức mạnh của mình để nhanh chóng vượt qua "mớ hỗn độn" này mà hãy xử lý căng thẳng một cách từ tốn.
Nói cách khác Trung Quốc cần phải có khả năng chịu đựng những cuộc "thử lửa" như vậy.
Để đạt được chiến thắng về mặt đạo đức của một cuộc chiến, Trung Quốc cũng cần phải thắng trong cuộc chiến quan điểm bên cạnh sự tử tế.
Về xung đột bên ngoài, một trong những vấn đề lớn của Trung Quốc là đang nói quá ít và quá chậm. Đối thủ luôn nói nhiều và nhanh hơn về các chi tiết của cuộc xung đột. Bắc Kinh sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết vấn đề này.
Trung Quốc phải là quốc gia dám tranh đấu. Điều này cần dựa trên cả sức mạnh và đạo đức. Bằng cách này, dù Trung Quốc có tham chiến hay không cũng sẽ tích lũy được sự tôn trọng của thế giới để một ngày nào đó sẽ chiến thắng mà không phải chiến đấu.