• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình kết nối cộng đồng người Việt để lan tỏa sức mạnh vô giá của dân tộc

Thời sự 21/01/2023 13:09

(Tổ Quốc) - TS Nguyễn Thị Bích Yến, Chủ nhiệm Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu đã có nhiều chia sẻ về hành trình hơn 7 năm triển khai dự án với nhiều khó khăn và gian nan nhưng cũng thấm đẫm sự cảm động và lan tỏa.

Ngày 7/1/2023, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã vinh dự nhận được bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là niềm vinh dự lớn lao và là sự ghi nhận đối với các nhà trí thức, khoa học, doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài và các chuyên gia quốc tế của Ban dự án đến từ gần 50 quốc gia. Đặc biệt, đây cũng là sự ghi nhận nỗ lực và đóng góp của TS Nguyễn Thị Bích Yến, Chủ nhiệm Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu.

TS Nguyễn Thị Bích Yến là chuyên gia nghiên cứu chiến lược truyền thông liên văn hóa - chính trị tại châu Âu. Hiện bà là Phó Tổng biên tập/ Đại diện tạp chí World Alliances Journal tại Liên hợp quốc, tại Vienna, Chủ nhiệm Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu.

Từ ý tưởng đến mô hình '3 không và 3 có' của dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu

322657566_1806439226402543_7474445695786918673_n.jpg

TS Nguyễn Thị Bích Yến (thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên Ban dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu chụp cùng Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu (giữa) nhân dịp tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về cơ duyên thôi thúc xây dựng ý tưởng về Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, TS Nguyễn Thị Bích Yến chia sẻ: Trong quá trình tôi nghiên cứu về chiến lược truyền thông văn hóa và chính trị tại châu Âu, tôi nhận thấy rằng hầu hết các quốc gia thành công trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Vương Quốc Anh hay nhiều nước châu Âu khác đã thực hiện 3 chiến lược trụ cột đó là chiến lược ngoại giao chính trị, chiến lược ngoại giao văn hóa và chiến lược ngoại giao kinh tế. Việc phối hợp 3 chiến lược này là nhằm định vị thương hiệu quốc gia trong môi trường thực tế và thông qua báo chí truyền thông để hướng đến công chúng quốc tế một cách hiệu quả.

Từ đó, chúng tôi nhận thấy được vai trò của báo chí truyền thông là vô cùng quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu đất nước, lan tỏa được sức mạnh chính trị, quân sự, văn hóa, ngôn ngữ… Do vậy, chúng tôi mong muốn có thể đóng góp một phần sức lực trong việc xây dựng chiến lược ngoại giao văn hóa cùng đất nước. Ý tưởng của chúng tôi là tạo ra một ngày văn hóa chung cho người Việt trên toàn cầu, đó chính là Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu – ngày để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, nguồn cội và qua đó nhằm kết nối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc giữa người Việt trong và ngoài nước để cùng nhau lan tỏa định vị văn hóa và phẩm hạnh của người Việt ở nước ngoài.

Hành trình kết nối cộng đồng người Việt để lan tỏa sức mạnh vô giá của dân tộc - Ảnh 3.

Tham luận của chị Bích Yến về "Giải pháp bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại nước ngoài" đã nhận được sự đánh giá tích cực tại Hội thảo khoa hoc "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam". Tham luận của chị chính là là tiền thân của Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu. Ảnh: NVCC.

Từ việc hiểu được giá trị của 3 chiến lược giúp đất nước thành công, TS Nguyễn Thị Bích Yến đã nhấn mạnh đến mô hình "3 không và 3 có" của dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu: Trong thời gian 7 năm, từ năm 2015-2022, tôi cùng những người sáng lập ra dự án vẫn đang duy trì và phát triển hoạt động với hình thức 3 không và 3 có: không nhân lực, không vật lực, không người chuyên trách. Tôi kiêm nhiệm và khi nào triển khai các hoạt động cụ thể thì mời bà con ở tất cả các nước tham gia. Còn 3 có của chúng tôi là: có lòng tự tôn, tự hào dân tộc; có trí tuệ, sức lực và tình yêu, sự cảm thông, thấu hiểu sâu sắc của đồng bào cùng cộng đồng người Việt ở nước ngoài và có ước nguyện chung sức lan tỏa, định vị văn hóa và phẩm hạnh Việt trên thế giới.

Tất cả mong muốn của TS Nguyễn Thị Bích Yến cùng ban dự án là tạo ra một ngày của người Việt Nam trên toàn cầu và được thực hiện thường xuyên, liên tục và bài bản quy mô. Đồng thời, ngày lễ chung này cũng hướng đến kết nối người Việt và bạn bè quốc tế tham gia bảo tồn di sản văn hóa, lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ra nước ngoài; kết nối, đối thoại liên văn hóa giữa nền văn hóa Việt Nam và thế giới; đồng thời nhằm định vị văn hóa và phẩm hạnh của người Việt tại nước ngoài thông qua môi trường thực tế và môi trường báo chí- truyền thông để hướng đến công chúng quốc tế.

Nỗ lực huy động bà con để triển khai bài bản 3 nhánh của dự án

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được hình thành từ năm 2015, do một số nhà khoa học và lãnh đạo cộng đồng người Việt tại 7 nước sáng lập, dưới tâm huyết của TS Nguyễn Thị Bích Yến (Cộng hòa Áo). Đến nay, dự án đã lan tỏa được đến gần 50 quốc gia trên cả 5 châu lục (an vị tượng Vua Hùng ở hơn 10 quốc gia; tổ chức lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu (trực tiếp và trực tuyến ở gần 50 quốc gia. Dự án đã được dư luận xã hội, báo chí truyền thông đánh giá là "dự án văn hóa tiêu biểu lớn nhất dành cho người Việt Nam tại nước ngoài trên toàn cầu".

Trong quá trình này, TS Nguyễn Thị Bích Yến đã cùng cùng các giáo sư, tri thức khoa học, doanh nhân, nhà báo, chính khách, bà con người Việt và bạn bè quốc tế phối hợp với các cơ quan ban ngành Việt Nam, chính quyền sở tại, hội đoàn người Việt ở các nước thực hiện 3 nhánh thuộc dự án Ngày quốc tổ Việt Nam toàn cầu.

Nhánh trụ cột là tổ chức Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu hàng năm. Trong nhánh chính có 3 phần hoạt động là an vị tượng Vua Hùng ở các nước trên thế giới (Cho tới nay đã an vị tượng ở hơn 10 quốc gia trên cả 5 châu lục); tổ chức lễ giỗ tổ và vinh danh con cháu vua Hùng trên toàn cầu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên cả 5 châu lục và tổ chức hội thảo khoa học kết nối các nhà khoa học, chính khách Việt Nam trong nước và quốc tế nhân các sự kiện lớn của quốc tế. Nhánh này thường được tổ chức vào Ngày 10/3 âm lịch hàng năm trên toàn cầu.

Hành trình kết nối cộng đồng người Việt để lan tỏa sức mạnh vô giá của dân tộc - Ảnh 4.

Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu năm 2022 được tổ chức thành công. Ảnh: NVCC.

Nhánh thứ 2 là đào tạo các ký giả Việt Nam quốc tế để trở thành các sứ giả, đại sứ truyền thông liên văn hóa, cùng nhau giới thiệu, đưa văn hóa Việt ra thế giới. Nhánh này đã đào tạo cho hơn 150 ký giả từ hơn 30 quốc gia trên 5 châu lục.

Nhánh thứ 3 là Công trình sách Những mảnh ghép quân vương và tổ chức các hội thảo quốc tế nhằm tập hợp chân dung, tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của những phẩm hạnh người Việt và bạn bè quốc tế trên toàn cầu.

Lý giải câu hỏi làm sao có thể tổ chức dự án khi thiếu thốn trăm bề, TS Nguyễn Thị Bích Yến đã chia sẻ về tình yêu thương và ủng hộ của bà con và bạn bè quốc tế. "Ví dụ, khi đến tổ chức Lễ Giỗ tổ ở các nước thì bà con người Việt tại nước sở tại sẽ cùng chung tay, dựa trên kịch bản chương trình chúng tôi đã làm đề tài khoa học và trình với các cơ quan, ban ngành Việt Nam và được sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam từ năm 2018. Dựa trên kịch bản chung đó, bà con tại các nước lên kế hoạch tổ chức. Ban Dự án cũng đưa rước tượng vua Hùng và chân hương từ đền Hùng tới cho bà con làm lễ Giỗ và an vị tượng. Còn khi tổ chức hội thảo tại các nước thì bà con và các nhà khoa học tại nước đó cũng cùng chung tay, mời thêm giới trí thức tại đó cùng tham dự và lan tỏa. Trong 1-2 ngày, việc an vị tượng vua Hùng, tổ chức lễ giỗ và tổ chức hội thảo sẽ được tổ chức tuần tự. Về việc vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu, ban dự án sẽ đề nghị hội đoàn, cộng đồng người Việt Nam tại các nước giới thiệu để ban dự án tổ chức vinh danh".

Hành trình kết nối cộng đồng người Việt để lan tỏa sức mạnh vô giá của dân tộc - Ảnh 5.

Công trình sách Những mảnh ghép Quân vương của TS Nguyễn Thị Bích Yến thu hút được nhiều sự quan tâm.

Có thể nói dự án dựa rất nhiều vào sự chung tay, góp sức của bà con người Việt tại nước ngoài. Nhưng trong quá trình đó, việc huy động, tập hợp mọi người chung 1 ý chí cũng là một câu hỏi rất khó. TS Nguyễn Thị Bích Yến cũng trải lòng: "Rất khó khăn để tập hợp được bà con vì mọi người ra đi vào những thời điểm khác nhau, tới những quốc gia khác nhau và có cuộc sống khác nhau, vì thế những quan điểm, tư tưởng đôi khi cũng bị va chạm. Việc tập hợp mọi người cùng hướng về quê hương trong ngày Quốc Tổ là việc rất khó khăn. Lúc đầu, bên cạnh việc có nhiều nhà trí thức và đồng bào ta ở nước ngoài ủng hộ lý tưởng của chúng tôi thì cũng có nhiều người cho rằng dự án này là ảo tưởng vì nó quá lớn. Một việc lớn như thế làm sao làm được, những vết thương tinh thần bao nhiêu năm như vậy làm sao có thể hàn gắn được. Thế nhưng, qua một thời gian, những bà con chưa hiểu thấy rằng đây là hoạt động hướng về tổ tiên, hướng về phẩm hạnh, thu hút cả những chuyên gia quốc tế cùng trao đổi về văn hóa nước Việt, tôn vinh nước Việt và bày tỏ mong muốn giúp đỡ đất nước. Người ngoài còn như vậy thì tại sao người Việt lại thờ ơ với cội nguồn dân tộc của mình".

"Tôi cũng không hiểu có phải vì như vậy không mà lâu dần một vài năm, sau khi mà họ quan sát các hoạt động mình làm, có nhiều người chia sẻ rằng họ rất cảm động và muốn xin lỗi vì đã có những cái nhìn nhận thiển cận vì chưa được chứng thực. Sau 2-3 năm, họ nghiên cứu, tìm hiểu và thấy những điều chúng tôi làm, họ thấy những việc làm của chúng tôi không chỉ nâng cao phẩm hạnh của người Việt ở trong nước mà còn ở nước ngoài, nhờ thế phẩm hạnh của chính họ tại nước sở tại cũng được nâng lên và tôn trọng hơn. Sau đó họ cũng hỏi xem có việc gì có thể cho họ cùng tham gia", TS Nguyễn Thị Bích Yến cho hay.

176653590_10225074257027156_6581.jpg

Đến nay, dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã lan tỏa được đến gần 50 quốc gia trên cả 5 châu lục. Ảnh: NVCC.

Kho tàng kỷ niệm sâu sắc

Trong suốt quá trình này, TS Nguyễn Thị Bích Yến đã có nhiều kỷ niệm rất sâu sắc khi dồn toàn bộ tâm trí, mồ hôi, nước mắt để cống hiến cho dự án.

TS Nguyễn Thị Bích Yến đã chia sẻ về hai kỷ niệm để lại nhiều dấu ấn trong chị: "Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm và rất xúc động. Tôi xin chia sẻ một chút là năm 2018 khi chúng tôi đến 3 nước châu Á để tổ chức Lễ giỗ tổ và an vị tượng vua Hùng. Trong đó có lãnh đạo của một quốc gia họ nói rằng, vua của chúng tôi còn chưa được như thế mà các anh các chị mang vua của nước Việt sang đây để đặt ở chỗ chúng tôi làm sao có thể được. Vậy là họ không đồng ý trong khi 2 ngày nữa là đến ngày giỗ Tổ rồi. Sau đó, chúng tôi đã nói chuyện với các lãnh đạo đó khá căng thẳng, khá lâu. Họ còn đập bàn và bỏ ra ngoài. Sau giờ giải lao, tôi cũng nói với họ về mục đích sự kiện là để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, trân trọng về văn hóa và phẩm hạnh con người, không chỉ là tôn vinh văn hóa đất nước chúng tôi mà còn là cơ hội giao lưu với văn hóa với nước sở tại. Sau rất nhiều lần giải thích, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã nhận được sự đồng thuận từ phía nước bạn và sau đó họ cũng cử một lãnh đạo cũng khá to đến dự lễ giỗ Tổ với chúng tôi một cách nghiêm trang, trang trọng".

Hành trình kết nối cộng đồng người Việt để lan tỏa sức mạnh vô giá của dân tộc - Ảnh 7.

Lễ Giỗ tổ tại Praha, Séc năm 2022. Trong quá trình làm dự án, TS Nguyễn Thị Bích Yến đã có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ảnh: NVCC.

Một kỷ niệm khác cũng được chị chia sẻ là khi chị cùng ban dự án đến tổ chức lễ giỗ Tổ tại Đức năm 2018. Khi đó, chị có ra chợ Berlin, chợ Đồng Xuân của người Việt Nam, thì nhìn thấy một cuốn thơ bị rách và ố vàng. "Tôi mới hỏi chị chủ cửa hàng là chị thích đọc thơ à, thì chị nhìn tôi vài giây. Chị nói, đây là cuốn thơ của bố chị và bố chị đã qua đời rồi. Cuốn thơ cũng chỉ để truyền lại cho con cháu và cũng chưa được chia sẻ với ai. Tôi bảo chị, hôm nay là ngày Giỗ Tổ, sẽ có buổi giao lưu văn hóa của các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, là nơi để bà con chia sẻ các tác phẩm thơ, ca đến bạn bè. Vậy chị có muốn đến không? Chị bảo, chị mời mẹ chị đến đọc nhé", TS Nguyễn Thị Bích Yến kể lại.

"Và tối hôm đó, tôi thấy chị dẫn một bà cụ mặc áo dài đến với sự xúc động và trang trọng. Bà đọc thơ sau đó khóc và chia sẻ: chồng tôi khi còn sống ông ấy đã làm những vần thơ này để gửi lại, thể hiện tâm trạng của người xa xứ hướng về quê hương, nhưng mà tôi không thể ngờ được trong cuộc đời này tôi lại có thể được đọc những bài thơ của ông ấy trước bà con như thế này. Tôi rất cảm động và trân trọng Lễ Giỗ tổ giàu ý nghĩa như thế này khi cho chúng tôi cơ hội nói về chồng mình và giới thiệu những bài thơ của ông", chị nhớ lại về buổi giao lưu hôm đó.

TS Nguyễn Thị Bích Yến và ban dự án đã nhận ra giá trị của sự đồng cảm, trao gửi yêu thương từ những sự kiện giàu giá trị như vậy. "Sau buổi ngày hôm đó, phu nhân của cán bộ Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đã rất cảm động, bà nói với tôi, bà chưa bao giờ được dự những chương trình mà chạm đến tận đáy lòng như thế này. Nó là một việc vô cùng ý nghĩa. Và qua những câu chuyện như thế này tôi mới nghĩ rằng, bà con người Việt sống xa xứ đều muốn được trao gửi, bày tỏ tình yêu đất nước, quê hương. Vậy tại sao chúng ta không ngồi xuống để lắng nghe họ. Tại sao chúng ta không kết nối những sức mạnh, vì đó là nguồn sức mạnh vô song, vô giá của dân tộc Việt", TS Nguyễn Thị Bích Yến bày tỏ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ