• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Đụng lợn" ăn Tết: Gợi lại ký ức làng quê xưa

Thực hiện: NHÃ HOÀNG | 22/01/2023

(Tổ Quốc) - Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 29, 30 Tết, người dân tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại nhộn nhịp chung nhau mổ một con lợn, rồi chia phần, dân gian gọi là "đụng lợn". Đây là một tập tục rất thú vị trong văn hóa đón Tết vui xuân của người dân làng quê nhiều vùng trên cả nước từ xưa tới nay.

Mong muốn có được những món ngon từ thịt lợn sạch, bò lại rẻ hơn so với thị trường để đón Tết, những ngày 29, 30 Tết, hàng chục gia đình là anh em họ hàng, bà con lối xóm cùng góp tiền lại mua một con lợn hoặc bò để ăn đụng. Thịt lợn, bò được chia thành nhiều phần bằng nhau. Riêng lòng, gan, tim thì được chế biến rồi dọn ăn chung sau khi mổ để cùng vui đón tất niên.

Những con lợn được người dân chọn đụng thường là lợn nái được nuôi từ 1 đến 2 năm tuổi hoặc lợn sạch (không nuôi bằng cám công nghiệp) trên 1 năm tuổi, cân nặng từ 70kg đến trên dưới một tạ.

"Đụng lợn" ăn Tết: Gợi lại ký ức văn hóa làng quê xưa  - Ảnh 1.

Nhóm củi đun nước làm lông.

Chiều 29 Tết tại nhà ông Phan Đình Mạn (51 tuổi, trú xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đang tổ chức đụng lợn. Có đến gần chục hộ gia đình tập trung, bố trí công việc mổ lợn. Người làm thịt, người chia phần, người làm lòng, nấu nướng...

"Những gia đình chung đụng ở đây đều là anh em họ hàng, bà con láng giềng của nhau cả. Con lợn chúng tôi chọn đụng được mua của hàng xóm đã nuôi hơn một năm, nặng 73kg.

Làm thịt xong chia làm 8 suất, mỗi suất được 7kg thịt, xương các loại. Lòng thì nấu lên để tất cả những người chung đụng cùng ăn", anh Nguyễn Văn Trì (43 tuổi) vui vẻ cho biết.

Theo người dân địa phương, theo giá thị trường, thịt lợn hơi (cân nguyên con) năm nay rẻ, chỉ 53.000/ 1kg nhưng thịt lợn bán ra thì đến tận 110.000/ 1kg. Vì giá thành chệnh lệch lại không an tâm về chất lượng nên năm nào người dân nơi đây cũng chung nhau đụng lợn, vừa ngon, bổ lại rẻ.

"Đụng lợn" ăn Tết: Gợi lại ký ức văn hóa làng quê xưa  - Ảnh 2.

"Tính ra mỗi kg như vậy chúng tôi cũng tiết kiệm được khoảng 20.000 đến 30.000 nghìn đồng so với khi mua ngoài chợ, thịt ngon hơn và an toàn vì biết rõ con lợn đó không nuôi bằng cám công nghiệp", anh Trì cho biết thêm.

Tại nhà ông Tài (trú xã Quỳnh Hoa) vào sáng 30 Tết cũng nhộn nhịp người ra vào vì đang tổ chức đụng lợn. Con lợn nái của nhà ông Tài đã 2 năm tuổi, nặng 170kg. Vì sinh được một lứa rồi mãi không thấy sinh nữa nên Tết năm nay ông Tài quyết định ăn đụng.

Lợn nhà ông Tài có 14 người đăng ký đụng, chủ yếu là anh em nội ngoại cùng một số hàng xóm. Tính ra mỗi suất như vậy khoảng 400 nghìn đồng. Ngoài ăn lòng, mỗi suất còn được 5, đến 6 kg thịt các loại mang về cúng Tết.

"Lợn nhà tôi nuôi 2 năm nay, không ăn cám công nghiệp nên an toàn. Dù là lợn nái nhưng mới sinh được lứa nên không dai, thịt thơm, ngon. Năm nào chúng tôi cũng tổ chức đụng lợn như thế này, vừa rẻ lại chất lượng.

Mổ lợn vừa ăn lòng, vừa mang về tích trữ, chế biến nhiều món ăn ngày Tết. Sau khi mổ lợn anh em, hàng xóm ngồi lại ăn lòng vui vẻ, ấm cúng", ông Tài chia sẻ.

"Đụng lợn" ăn Tết: Gợi lại ký ức văn hóa làng quê xưa  - Ảnh 3.

Những món ăn được chế biến từ con lợn đã đụng

Sáng ngày 30 Tết, tại nhà ông Hoà (xã Quỳnh Thạch) cũng tổ chức đụng bò. Con bò nhà ông Hoà nuôi hơn 2 năm, đến ngày xuất chuồng nhưng giá thị trường rẻ nên ông không bán, quyết định gọi người cùng chung đụng. Có đến 12 gia đình cùng góp tiền đụng bò. Ngoài chia phần mang về, họ còn cùng nhau đón tất niên tại nhà ông Hoà. Ai cũng cười nói vui vẻ, thân mật, đoàn kết.

"Mong muốn có được thịt ngon, rẻ ngày Tết nên người dân quê tôi hầu hết đụng lợn, nhà nào có điều kiện hơn thì đụng bò, ít ra chợ mua lắm. Vừa chất lượng lại có không khí của ngày Tết. Sau khi mổ lợn lại có thêm một bữa cho anh em, bạn bè sum họp ăn Tất niên", ông Hoà vui vẻ chia sẻ.

NỔI BẬT TRANG CHỦ