Nằm nép mình nơi giao thương giữa Việt Nam và Campuchia làm nên một nét đặc trưng không lẫn vào đâu được, chợ côn trùng Tịnh Biên được đông đảo đàn ông miền Tây lui tới.
Nhờ được người dân địa phương chỉ điểm mà chúng tôi mới có dịp được nhìn tận mắt hàng chục loại côn trùng với công dụng được truyền miệng là "xuân dược" của cánh đàn ông.
"Tắc kè này giờ mang về mình làm sạch, bỏ phủ tạng đi, cạo vẩy, nướng vàng hoặc kỹ nữa thì lau qua cồn 70, ngâm qua với rượu trắng và vài lát gừng đâm cho bớt mùi. Chừng 30 phút vớt ra cứ một con đực xen kẽ rồi xếp vào bình, đổ rượu cho ngập tắc kè, cứ 1 cặp là 1 lít rượu, ngâm chừng 3 tháng là uống được ", một người bán vừa bắt tắc kè vừa chỉ cho khách cách ngâm rượu với công năng là bổ thận, tráng dương, chống suy nhược…
Tiếng gọi "xuân dược"
Ở chợ côn trùng Tịnh Biên có 2 loại tắc kè: tắc kè sống và tắc kè khô giá từ 20.000 - 50.000 đồng/con tuỳ mùa
Và đó cũng không phải là bài thuốc duy nhất được dân trong chợ truyền miệng nhau. Tuỳ theo loại côn trùng và công dụng người mua mong muốn mà các tiểu thương có cách sơ chế và ngâm khác nhau.
"Con bổ sống này dễ làm hơn tắc kè, mình đem về ngâm với rượu trắng không cần rửa cũng được, để cho ráo rồi rang sơ qua với lửa vừa cho nóng, cho vào bình ngâm cứ 100 con thì ứng với khoảng 2 lít rượu", người bán chỉ điểm khi chúng tôi hỏi mua bổ củi.
Chị Nguyn (38 tuổi) chủ một sạp côn trùng cho biết, mỗi ngày có hàng chục lượt khách từ khắp các tỉnh thành lui đến để tìm mua "thần dược" nơi này. Từ tắc kè sống, tắc kè khô, bổ củi, rắn hổ mang, rắn trun, rắn mối, dế, rết, giun đất,… đến những loại quý hiếm khác tuỳ theo mùa như mối chúa, cá ngựa khô, bọ cạp, cà cuốn… đều được bán tại đây.
"Có con có quanh năm như rết, giun, bổ củi, tắc kè, bọ cạp, còn có con tuỳ theo mùa mới có như dế, cá ngựa, mối chúa. Tìm trái mùa cũng có khi có nhưng cực, giá cao hơn bình thường", chị Nguyn cho biết.
Theo tìm hiểu, giá bình quân bò cạp tại chợ biên giới Tịnh Biên từ 6.000 - 9.000 đồng/con. Bổ củi khoảng 4.000 đồng/con, bọ gầy có giá khoảng 4.000 đồng/con, ve sữa giá từ 120.000 – 300.000 đồng/kg tuỳ theo mùa.
Ngoài chị Nguyn, chị Hiếu (44 tuổi) người có hơn 3 năm thu bán côn trùng tại chợ Tịnh Biên, cho biết, trước dịch vào tháng cao điểm (từ tháng 1 đến tháng 6), chỉ tính riêng bọ cạp, chị có thể bán ra 400 - 500 con/ngày. Tuy nhiên sau dịch, khách du lịch giảm, mỗi ngày chị Hiếu chỉ có thể bán khoảng 100 con trở lại. Các sạp côn trùng cũng ít dần đi.
"Mối của chị mua về làm rượu bán nhiều lắm, còn không thì chị có ngâm sẵn thành keo, đủ ngày đủ tháng, chỉ cần mua về pha ra là uống được", chị Hiếu nói.
Bổ củi được phơi nắng giá 4.000 đồng/con
Rết hoặc những vật có nọc độc được người bán chứa riêng trong một cái chai hoặc một bao lưới
Chợ côn trùng Tịnh Biên có lẽ rất chiều cánh đàn ông khi bán cả 2 loại, một loại là côn trùng một loại đã ngâm rượu sẵn. Theo chị Nguyn, giá mỗi bình rượu ngâm sẵn dao động từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng tuỳ theo bình có loại côn trùng gì. Theo bà chủ trẻ cho hay, ngoài khách du lịch thập phương tìm đến đây, có người còn là chủ các hàng rượu Đông Y ở khắp các tỉnh đến để lấy sỉ côn trùng.
Cách dùng rượu côn trùng chất lượng nhất cũng được người bán hướng dẫn là cứ một ly sau bữa ăn, uống xuyên suốt trong vòng 1 tháng sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Mặc dù chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu nào khẳng định điều này, thế nhưng hàng chục năm qua dân ta truyền miệng các bài thuốc Đông y có chứa tắc kè, bổ củi, mối chúa, bọ cạp,... đều chỉ đến một lợi ích chung là "thần dược xuân tình" của quý ông.
Những bình rượu giá từ vài trăm đến vài triệu "được lòng" quý ông
"Fastfood côn trùng"
Chứng kiến cảnh người bán chế biến côn trùng sống thành một món ăn tại chỗ khiến chúng tôi không khỏi nhớ đến thời chợ Skun thuộc tỉnh Kampong Cham, Campuchia - một nơi bán côn trùng như một món ăn vặt đường phố, tựa như cá viên hay hột vịt lộn ở Việt Nam. Từ một món ăn mang tính lịch sử nhắc về nạn đói năm 1970, mà ngày nay côn trùng chiên trở thành một trong những món ăn đặc sản ở xứ sở Chùa tháp.
Bọ cạp đen nổi tiếng ở tỉnh An Giang, là một trong những đặc sản của vùng đất này
Côn trùng chế biến cũng theo chân người Campuchia du nhập vào đất Việt và trở thành một trong những món ăn đặc sắc ở vùng biên giới huyện Tịnh Biên.
Theo một người bán cho hay, côn trùng trước khi chế biến đều được sơ chế để trừ nọc độc, rồi làm sạch và tẩm ướp gia vị. Sau khi chiên, xào hay nướng đều trở nên giòn rụm và béo ngậy tựa như pa tê gan.
"Bọ cạp tưởng độc, khó chế biến nhưng lại dễ nhất, trước khi chiên mình nướng cho nó chảy nước bọt rồi rửa sạch sau đó đem chiên ngập dầu, bọ cạp khi chín bụng sẽ phìn lên, nổ rốp rốp như mỡ, cắn vào giòn và béo như pa tê phải thêm miếng xà lách cho đỡ ngán", một người bán nói.
Nhộng xào bơ cũng cực kỳ bắt mắt
Bọ rầy xào bơ tỏi, dế sữa xào bơ
Tiếp đến chúng tôi được nhìn thấy cảnh chế biến món bọ rầy rang. Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, bụng mềm, mỗi năm chỉ ăn được độ 1 - 2 tháng. Bởi vậy, bọ rầy mới thành đặc sản.
"Cũng như cách chế biến dế cơm, nhộng ve hoặc bọ cạp, bọ rầy sẽ được cắt chân, càng rồi rửa lại bằng nước ấm pha muối. Sau đó, người làm đem bọ ướp với đường, bột ngọt, tiêu, tỏi cho thấm đều độ 20 phút rồi bắc chảo lên chiên cho thật giòn. Người kĩ tính thì nhét vào bụng mỗi con bọ rầy một hạt đậu phộng rang trước khi cho vào chảo dầu đang sôi. Chỉ chớp mắt, chú bọ rầy sẽ căng lên, no tròn, vàng ruộm, mùi bốc lên thơm phức", chủ một quán chuyên chế biến côn trùng gần chợ Tịnh Biên cho biết.
Theo đó, giá mỗi phần côn trùng được chế biến dao động từ 70.000 đồng - 150.000 đồng. Các thực khách thập phương tìm đến các quán ăn có món côn trùng một phần là vì hiếu kỳ, phần khác là vì muốn thử thực hư của lời đồn "ăn côn trùng bổ thận tráng dương".
Côn trùng thất sơn có đúng là "xuân dược"?
Được người dân địa phương chỉ điểm, chúng tôi được tìm hiểu sơ qua công dụng của từng loại côn trùng, ví như bọ cạp đen có tác dụng chữa kinh phong, giải cảm, tăng bản lĩnh "phòng the" của cánh đàn ông; tắc kè ngâm rượu khi uống vào có tác dụng chữa liệt dương, kéo dài thời gian "chăn gối"; sau đó là bổ củi, mối chúa,... Một số người bán còn nhấn mạnh chúng là những loại "được bắt trên núi Cấm", hiếm và bổ hơn so với những loại được bắt ở vùng đồng bằng.
Lý giải về những điều này, một người bán nói: "Bắt trên núi Cấm là hàng hiếm, rừng thiêng, nước động người ta xem là dược liệu quý, đi bắt cực lắm, mà mấy loại này bây giờ thuộc dạng khó mua, bây giờ không còn nhiều như ngày xưa nữa, nếu mua số lượng lớn thì phải dặn trước 3 - 5 ngày."
Theo tìm hiểu về mặt đông y, có rất nhiều những bài thuốc ngâm rượu gia truyền rất tốt cho sức khỏe, hiệu quả bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực, giãn gân cốt, chữa bệnh mãn tính,... nhưng tất cả đều phải do người có chuyên môn tiến hành thẩm định, bào chế và kê đơn. Ở Việt Nam, chưa từng có bất kỳ công trình nghiên cứu nào khẳng định côn trùng chính là "thần dược" trái lại việc săn bắt chúng là tận diệt và dần khiến cho hệ sinh thái địa phương bị mất cân bằng.