Thay đổi ý niệm về toàn cầu hóa
Dịch bệnh Covid-19 được các nhà phân tích cho là đang thay đổi ý niệm về toàn cầu hóa – một xu thế chi phối nhiều phương diện của đời sống kinh tế xã hội vài thập niên gần đây. Nếu như trước kia toàn cầu hóa được coi như một trong những yếu tố quan trọng kích thích phát triển kinh tế và đem lại sự thịnh vượng, giàu có cho nhiều quốc gia thì thời gian vừa qua, đây lại là nguyên do của sự bùng phát dịch bệnh và ngưng trệ sản xuất trên mức độ toàn cầu. Những cánh cửa biên giới bị đóng sập, xuất nhập cảnh bị hạn chế, thậm chí nhiều công ty đa quốc gia đang tính đến việc đem những dây chuyền sản xuất về nước để tránh rủi ro cho chuỗi cung ứng trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi mang tính tiêu cực, thế giới cũng chưa bao giờ thấy khái niệm "toàn cầu hóa" được thể hiện mạnh mẽ và rõ ràng như trong đại dịch Covid-19. Đó là sự hợp sức của hàng ngàn nhà khoa học từ nhiều quốc gia khác nhau, ngày đêm cùng nghiên cứu về chủng virus mới để tìm ra "thuốc giải" cho dịch bệnh. Là sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia. Là sự thay đổi về nhận thức và thói quen khi người Mỹ và châu Âu đã không còn kỳ thị chiếc khẩu trang nhỏ bé mà nhờ nó nhiều nước châu Á đã ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Trong một video dài 3 phút đăng trên tài khoản Instagram của mình ngày 19-3, ngôi sao điện ảnh Gal Gadot (Wonder Women) đã hát câu đầu của bài Imagine (John Lennon) với chia sẻ "Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả mọi người, dù bạn là ai, từ đâu đến, chúng ta đều ở trong cùng một tình cảnh". Đại dịch này có lẽ là một đòn thức tỉnh để chúng ta nhìn nhận lại sự thật rằng tất cả đã, đang và sẽ sống chung dưới một mái nhà và cho dù những đường biên giới có được nhấn đậm thêm thì "toàn cầu hóa" vẫn sẽ diễn ra, chỉ là theo một cách khác.
Sự lên ngôi của công nghệ
Giãn cách xã hội, trường lớp đóng cửa, làm việc tại nhà… Covid-19 khiến con người bắt buộc phải thay đổi nhiều thói quen và tạo cơ hội để công nghệ chiếm thế thượng phong trong cuộc sống.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao
Thương mại điện tử cũng được dịp bùng nổ và thanh toán điện tử được ưa chuộng vì sự nhanh gọn tiện lợi, đảm bảo an toàn nhờ loại trừ những nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp và việc sử dụng tiền mặt. Tại Việt Nam, báo cáo tháng 3 của Ipsos MORI cho thấy 57% người tiêu dùng Việt Nam đã chuyển sang mua hàng trực tuyến đối với các mặt hàng mà trước đây họ thường mua tại chỗ. Còn theo số liệu từ Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều công sở cũng đã kích hoạt chế độ làm việc tại nhà với những cuộc họp trực tuyến qua Skype, giao và quản lý đầu việc qua WeWork, trao đổi qua email, Viber hay Zalo… Điều này được dự báo sẽ mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó làm việc từ xa sẽ trở thành một phần trong lịch trình thường nhật của người lao động. "Một khi các chính sách làm việc từ xa hiệu quả được đưa ra, chúng có thể sẽ được sử dụng thường xuyên", Karen Harris, giám đốc điều hành hãng tư vấn Bain’s Macro Trends Group tại New York (Mỹ) nhận định.
Dự báo trước tình hình, nhiều doanh nghiệp đã sớm thích ứng để "chung sống" hiệu quả với Covid-19. Tập đoàn Sun Group – một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với số lượng nhân viên lên tới con số chục nghìn người, đã có sự chuẩn bị nhanh chóng ngay từ những ngày đầu mùa dịch. Chị Minh Ngọc, một nhân viên của tập đoàn này cho biết, ngay từ trước khi Chính phủ áp dụng cách ly toàn xã hội, tập đoàn đã tổ chức các khóa đào tạo sử dụng phần mềm trực tuyến hỗ trợ công việc và họp từ xa, chuẩn bị phương tiện, cài đặt và hướng dẫn cán bộ nhân viên sử dụng hiệu quả các thiết bị và ứng dụng để đáp ứng nhu cầu công việc ngay cả khi không tới văn phòng. Nhờ đó, công việc vẫn được vận hành trong khi đảm bảo an toàn được cho nhân viên và đảm bảo công tác phòng, chống dịch của Chính phủ.
Giá trị của những điều nhỏ bé
Covid-19 đã làm được một điều chưa từng có: bắt cả tỷ người trên thế giới phải ở nhà thực hiện cách ly xã hội trong nhiều ngày. Khi nhịp sống hối hả bỗng bị đứt gãy, khi văn hóa tiêu dùng bị chặn đứng, con người mới nhìn nhận ra được những giá trị tưởng như đã bị bỏ quên trong cuộc sống.
Nhân viên Sun Group tham gia thử thách trong mùa Covid-19
Có những thứ vốn dĩ rất bình thường như đi dạo bỗng trở nên xa xỉ. Có những việc thường ngày chẳng bao giờ muốn động chân tay như đi đổ rác lại trở thành niềm vui nho nhỏ của nhiều người khi được bước ra bên ngoài, dủ chỉ là chút ít để hít thở chút không khí của tự do. Những người mẹ bận rộn có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nhiều CEO doanh nghiệp giờ trở thành những ông bố hàng ngày đứng bếp.
Trên mạng xã hội, hàng loạt thử thách ra đời để mọi người cùng nhau kết nối, chia sẻ và làm một điều gì đó mới mẻ, có ích. Nhiều tập đoàn lớn cũng tạo ra các hoạt động nội bộ thú vị ngay trong mùa dịch để lan tỏa tinh thần lạc quan và gắn kết nhân viên đang làm việc tại nhà, tạo ra những thay đổi tích cực ngay giữa mùa dịch. Chị Thu Thủy, nhân viên Sun Group cho hay chị ngày nào cũng thực hiện bài tập Chào mặt trời theo thử thách Change for Future do Tập đoàn phát động. "Chỉ là một bài tập nhỏ thôi nhưng nếu thực hiện đều đặn cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Vui nhất là khi thấy các đồng đội văn phòng của mình thể hiện các thử thách lên quan đến bếp núc, năng khiếu âm nhạc hay văn hóa đọc, khiến thời gian này trở nên ý nghĩa hơn" – chị chia sẻ.
Covid-19 là thử thách nhưng cũng là cơ hội cho sự đổi mới chưa từng có từ quy mô thế giới đến từng cá nhân. Sẽ là không vô ích nếu mỗi người biết tận dụng hoàn cảnh để thay đổi và nâng cấp bản thân, khi sự đoàn kết, chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Cuộc sống thật không có những siêu anh hùng giải cứu thế giới, nhưng mỗi người chúng ta đều có năng lực thay đổi thế giới theo cách của mình.