Những tiến bộ về mặt công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần vào cuộc cách mạng hóa sản xuất của các ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Vào năm 2016, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra cảnh báo rằng có khoảng hai phần ba tổng số việc làm ở các nước đang phát triển đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi tiến bộ công nghệ mới.
Liên đoàn quốc tế về Robot tự động hóa ước tính rằng số lượng robot đi vào vận hành trong ngành công nghiệp sẽ tăng lên hơn 3 triệu vào năm 2020, với vai trò là nhân tố chính trong khâu lắp ráp ô tô, các thiết bị điện tử và máy móc đời mới.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển và quy mô ngày càng lớn của AI lại đang đe dọa đến cơ hội việc làm của phần lớn lực lượng lao động. Các loại máy may, dệt tự động đang định hình lại cơ cấu chuỗi cung ứng trong ngành dệt may khi chúng có khả năng thực hiện công việc của 10 công nhân cùng lúc.
Vào năm 2016, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra cảnh báo rằng có khoảng hai phần ba tổng số việc làm ở các nước đang phát triển đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi tiến bộ công nghệ mới.
Theo báo cáo của công ty tư vấn McKinsey năm 2019 mang tiêu đề "Tương lai việc làm của phụ nữ: Sự chuyển đổi trong thời đại tự động hóa", có từ 40 đến 160 triệu phụ nữ trên toàn cầu sẽ cần phải tính tới việc chuyển đổi nghề nghiệp vào năm 2030, sang các việc làm khác yêu cầu kỹ năng cao hơn.
Điều này là do có khá nhiều phụ nữ tập trung trong các ngành nghề dễ bị thay thế bởi quá trình tự động hóa.
Lực lượng lao động các nước khối ASEAN là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi phần đông phụ thuộc vào các công việc tay nghề thấp. Trên toàn khu vực, phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới khi đứng trước khả năng mất việc cao hơn và có trình độ thấp hơn.
Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính rằng có khoảng 56% người lao động tại các trung tâm sản xuất chính của ASEAN như Campuchia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam sẽ mất việc do bị thay thế bởi máy móc tự động hóa.
Công nhân hoạt động trong ngành công nghiệp dệt may, da giày hiện đang chiếm khoảng 59% tổng lực lượng lao động ngành công nghiệp sản xuất tại Campuchia. Con số này tại Việt Nam đang là 39%.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới tại các nước ASEAN năm 2019
Cũng trong ngành dệt may, da giày, phụ nữ đang chiếm ít nhất 76% số việc làm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 2,6 triệu phụ nữ Việt Nam và hơn 600.000 phụ nữ Campuchia đứng trước khả năng mất việc làm vào tay các loại máy móc tự động.
Báo cáo của Verisk Maplecroft năm 2018 thì cho rằng việc làm chịu nhiều rủi ro nhất từ tác động của tự động hóa đến từ các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, chế tạo, xây dựng, bán lẻ và dịch vụ khách hàng. Báo cáo cũng cho thấy sự chuyển dịch công việc sẽ tác động tới một tỷ lệ lớn người lao động, trong đó phần đông là phụ nữ.
Cần có những giải pháp và hành động cụ thể để giúp người lao động thích nghi tốt hơn trong thời đại mới.
Cam kết đẩy nhanh việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể giúp tăng GDP khu vực lên tới 12%, tương đương 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Theo báo cáo của Grant Thornton về "Phụ nữ trong giới kinh doanh", Philippines đang giữ vị trí đầu trong tỷ lệ nữ giám đốc điều hành cấp cao, với khoảng 37,5%. Các vị trí tiếp theo là Việt Nam với 36,9% và Singapore với 33%.
Tuy dữ liệu thực tế cho thấy rằng có ngày càng nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Đông Nam Á được đảm nhận bởi nữ giới, nhưng sự chênh lệch giới tính trong lực lượng lao động vẫn còn tồn tại. Những vị trí quản lý cấp cao thường sẽ khó bị thay thế hơn.
Trong lĩnh vực công nghệ, nam giới vẫn chiếm tỷ lệ cao khi chỉ có 22% chuyên gia trên phạm vi toàn cầu là phụ nữ. Sự mất cân đối này có thể là một rào cản đối với phụ nữ trong quá trình thích nghi, tiếp cận công nghệ mới và áp dụng kỹ năng mới trong công việc.
Cần những biện pháp, hành động cụ thể hơn nữa để thu hút và giữ chân nữ giới trong các ngành nghề liên quan đến khoa học, công nghệ và AI. Tự động hóa có thể đem lại nhiều cơ hội hơn là thách thức khi phụ nữ được trao quyền và cơ hội bình đẳng so với nam giới.