Đứng trước nền ẩm thực quá đỗi đa dạng trên thế giới, sánh vai với rất nhiều quốc gia có những đặc sản phong phú, thế nhưng thật lòng mà nói, Việt Nam chúng ta cũng không hề kém cạnh. Cứ thử hỏi những người bạn nước ngoài đến Việt Nam mà xem, thế nào họ cũng kể vanh vách được vài món được coi là nhất-định-phải-thử khi ghé thăm đất nước chúng ta. Nào thì phở, bánh mì, rồi bún chả, gỏi cuốn, hay đồ uống thì có cà phê...
Và bạn biết không, trong số những đặc sản đã khiến Việt Nam rạng danh trên thế giới ấy, có những món mà khởi nguồn lại từ một vùng đất khác, ấy vậy nhưng khi đến tay người Việt đã trở nên nổi tiếng như vậy. Có thể lấy ví dụ đơn giản nhất, chính là 2 món được Pháp mang vào nước ta, nhưng qua sự sáng tạo và khéo léo của người Việt Nam, chúng dần trở thành những món đặc sản đất Việt, để những người bạn quốc tế nhớ đến mỗi khi nhắc tới mảnh đất hình chữ S.
Bánh mì Việt từ món Tây "vay mượn" đi vào từ điển Oxford, khẳng định là món ăn đến từ Việt Nam
Ngày nay, chúng ta đã hoàn toàn có thể tự hào với món bánh mì, khi nó xuất hiện trong từ điển Oxford với tên gọi chính xác là "Banh Mi", chứ không phải Vietnamese baguette hay Vietnamese sandwich. Điều đó cũng có nghĩa, bánh mì được công nhận và khẳng định với người dân thế giới là một món ăn đến từ Việt Nam.
Thế nhưng bạn có biết, hành trình từ một món bánh của Pháp đến với bánh mì Việt Nam ngày nay đã diễn ra như thế nào không? Hãy cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ ấy nhé!
- Trước năm 1958, bánh mì kiểu Pháp du nhập vào Việt Nam theo kiểu một chiếc bánh baguette kẹp bơ, mứt, thịt nguội hoặc chấm súp.
- Năm 1958, món bánh mì Việt "kẹp đủ thứ" với pate, thịt, chà bông, rau dưa chua... cùng tiệm bánh mì Việt đầu tiên ra đời dưới hình ảnh một chiếc xe đẩy giản dị.
- Năm 1970, nhờ sự ra đời của lò nướng kín của Nhật, chúng ta đã chính thức tạo ra bánh mì Việt giòn rụm, rỗng ruột và xốp hơn - là đặc điểm đặc trưng không lẫn vào đâu của bánh mì Việt.
- Năm 1975, những người con đất Việt đã đưa món bánh mì đến rộng rãi hơn với người Mỹ, rồi tiếp tục lan rộng sang các quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Úc...
- Năm 2009, bánh mì Việt tạo nên "cơn sốt" khi nhận lời khen của vua bếp Anthony Bourdain.
- Năm 2011, từ điển Oxford công nhận "bánh mì" là một món ăn riêng, khẳng định chính xác là một món ăn đến từ Việt Nam.
- Năm 2012, từ khoá "bánh mì" bùng nổ trên các bảng xếp hạng với những cụm từ miêu tả như "món sandwich ngon nhất thế giới", lọt top các món ăn đường phố ngon nhất thế giới ở các bảng xếp hạng...
- Năm 2014, rất nhiều ông lớn đã mở tiệm bánh mì Việt, điển hình như tập đoàn Yum! Brands - chủ của chuỗi cửa hàng KFC và Pizza Hut.
- Năm 2018, tiệm bánh mì Việt đầu tiên đoạt giải James Bread.
Và, bạn thấy đó, giờ thì đã có quá nhiều cửa hàng bánh mì Việt ở khắp nơi trên thế giới. Hay cũng quá nhiều lần, các cửa hàng tiện lợi hay hệ thống siêu thị đưa bánh mì Việt vào danh sách.
Đưa cà phê ra khỏi "cái bóng" phiên bản Pháp, Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất và có văn hoá cà phê đặc trưng
Cũng giống như bánh mì, cà phê được người Pháp đưa vào nước ta, từ khi nó còn là một chiếc cây non. Ấy vậy nhưng, có lẽ do quá hợp đất, hợp nước, cùng với đôi bàn tay người Việt, chúng ta một lần nữa đưa nó bước ra cái bóng nước Pháp, trở thành món đồ uống mang thương hiệu Việt, hơi thở Việt, trở thành một trong số những quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất và có nét văn hoá cà phê đặc trưng mà chẳng nơi nào có được.
Bạn đã biết đến đen đá không đường được pha bằng phin, sự khác nhau giữa nâu đá và bạc xỉu, hay cà phê vợt với cách pha rất thú vị. Vậy thì, cũng đừng quên những dấu mốc đáng nhớ trên hành trình cà phê trở thành món đồ uống nổi tiếng của Việt Nam nhé!
- Năm 1857, những cây cà phê đầu tiên được mang vào Việt Nam bởi người Pháp.
- Năm 1888, đồn điền cà phê đầu tiên ra đời ở Kẻ Sở (Hà Nam bây giờ), với giống cà phê được trồng là cà phê chè (cà phê arabica).
- Năm 1950, cà phê bắt đầu phổ biến tại Sài Gòn ở mọi tầng lớp.
- Năm 1975, cà phê trứng ra đời tại Hà Nội, trở thành một trong những món "must-try" (nhất-định-phải-thử) của bất kì du khách nào khi đặt chân đến Thủ đô.
- Năm 2014, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
- Năm 2016, cà phê sữa đá Việt Nam đã đứng thứ 2 trong danh sách 10 món cà phê tuyệt vời nhất thế giới do trang truyền thông Traveller của Úc bình chọn.
Nói gì thì nói, bánh mì và cà phê đã khiến chúng ta quá đỗi tự hào về nền ẩm thực dân tộc. Nếu có người bạn nước ngoài nào đến Việt Nam, đừng chần chừ mà dẫn họ đi thử ngay 2 món này, rồi kể cho họ câu chuyện về cách chúng trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhé!
Nguồn: Tổng hợp