Chuyên gia Mỹ chỉ ra "tử huyệt" của Iran ở Iraq: Chỉ ra một đòn hiểm cũng đủ triệt hạ?

Hoài Giang | 03-04-2020 - 06:55 AM

(Tổ Quốc) - Phản ứng với sự thù địch của các nhóm như Kataib Hezbollah, người Mỹ có thói quen gộp chung tất cả các nhóm bán vũ trang ở Iraq vào hàng ngũ của những "kẻ xấu". Đây là một sai lầm.

Ngày 1/4, tờ National Interest xuất bản bài phân tích của tác giả Michael Rubin có tựa đề "To Defeat Iran's Militias, Prove They Aren't Iraq Nationalists" (tạm dịch: Để đánh bại dân quân thân Iran, hãy chứng minh rằng họ không phải là những người dân tộc chủ nghĩa của Iraq).

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Mỹ và Iran liên tục "lời qua tiếng lại" về một cuộc tấn công sắp diễn ra vào các căn cứ Mỹ ở Iraq, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Thế "tiến thoái lưỡng nan" của Mỹ ở Iraq?

Quân đội Mỹ đang gia tăng các biện pháp nhằm đối phó các nhóm bán vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Iraq như Kataib Hezbollah và Asa'ib Ahl al-Haq bằng cách rút khỏi các căn cứ nhỏ và đưa hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới bảo vệ các căn cứ còn lại.

Các nhà phân tích cho rằng hành động leo thang quân sự ở Trung Đông có thể đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột trực tiếp với các lực lượng vũ trang Iran và nhấn mạnh rằng Tehran chưa hề lùi bước trước các áp lực của Washington.

Nhưng nhìn vào một mặt khác của vấn đề, việc các căn cứ cũng như cơ sở ngoại giao của Mỹ liên tục bị tập kích mà không có phản ứng tương xứng tiềm ẩn một nguy cơ lớn hơn là chiến tranh toàn diện và làm xói mòn uy tín về ngoại giao cũng như quân sự của Mỹ trên thế giới.

Việc Mỹ rút khỏi khu vực này không hoàn toàn đơn giản là sẽ được lấp đầy bởi các "lực lượng thân thiện".

Dưới thời Tổng thống Obama, người Mỹ đã nhận ra điều này khi lính Mỹ rút quân khỏi Iraq vào năm 2011 và phải trở lại 3 năm sau đó trong một cuộc chiến ác liệt hơn chống lại nhóm khủng bố IS.

Nhưng "chơi trò cút bắt" với các nhóm bán vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Iraq cũng là hành động không khôn ngoan nếu mục tiêu cuối cùng là củng cố an ninh chứ không phải một thất bại như sự kiện "Black Hawk Down" ở Somalia.

Chuyên gia Mỹ chỉ ra tử huyệt của Iran ở Iraq: Chỉ ra một đòn hiểm cũng đủ triệt hạ? - Ảnh 1.

Những gì đã diễn ra trong Trận Mogadishu năm 1993 (được Sony dựng thành phim Black Hawk Down năm 2001) vẫn là nỗi ám ảnh của người Mỹ.

Tất cả bắt nguồn từ toan tính của người Mỹ hậu chiến tranh Iraq?

Các vấn đề ảnh hưởng tới an ninh ở Iraq do các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn được đánh giá là rất lớn. Nói cách khác, một số nhóm tồn tại như một "khối u" trong xã hội Iraq, dần dần ăn mòn chủ quyền của nước này.

Tuy nhiên, tất cả bắt nguồn từ chính quyết định của Mỹ và chính phủ Iraq khi để các nhóm được Iran hậu thuẫn như Quân đoàn Badr (thành lập năm 1982), Kataib Hezbollah (thành lập năm 2003) và Asa'ib Ahl al-Haq (thành lập năm 2003) tồn tại trong lực lượng bán vũ trang Iraq.

Các nhóm bán vũ trang này không nhận lệnh từ bất cứ ai ngoài những người thuộc Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) như Tướng Qassem Soleimani (người đã thiệt mạng cùng chỉ huy Kataib Hezbollah tháng 1/2020 do không kích của Mỹ ở Baghdad).

Mặc dù việc này đã giúp người Mỹ tránh được thương vong nặng nề khi đối phó với nhóm khủng bố IS, các nhóm này đã khoác lên mình một "vỏ bọc hợp pháp" mặc dù không xứng đáng được hưởng điều đó.

Hậu quả là cho đến khi Mỹ và các đồng minh ở Iraq tìm cách gây áp lực vào các nhóm được Iran hậu thuẫn, họ đã có được hình ảnh của những "người yêu nước" hơn là các nhóm ủy nhiệm của Iran.

Ngày 1/4, khi người thay thế của Soleimani là Esmail Ghaani tới Baghdad, điều này lại tiếp tục được khẳng định với lập luận rằng các nhóm bán vũ trang thân Iran đang "chiến đấu vì Iraq".

Trong khi đó, phản ứng với sự thù địch của các nhóm như Kataib Hezbollah, người Mỹ có thói quen gộp chung tất cả các nhóm bán vũ trang ở Iraq vào hàng ngũ của những "kẻ xấu".

Tướng Qassem Soleimani trực tiếp chỉ huy dân quân thân Iran chống lại nhóm khủng bố IS tại mặt trận al-Bukamal năm 2017.

"Ngã ở đâu, đứng lên ở đó"

Cần phải nhìn nhận sự thật rằng sau lời kêu gọi chiến đấu (fatwa) chống IS của học giả Hồi giáo Shia Ali Sistan vào năm 2014, nhiều người Shia đã bỏ lại công việc, gia đình để bảo vệ không chỉ là người Shia mà bao gồm cả người Sunni, Cơ đốc giáo và các dân tộc thiểu số khác ở Iraq.

Họ đã hứng chịu thương vong lớn nhưng đã giành được chiến thắng cuối cùng trước nhóm khủng bố ở Iraq.

Người Kurd có thể cho rằng họ rất quan trọng trong cuộc chiến, nhưng nói chung họ chỉ phòng thủ khu vực vành đai xung quanh lãnh thổ tự trị của họ, còn Lực lượng Huy động Phổ biến (PMF) mới là những người đã giải phóng Fallujah và Ramadi, Samarra, Tikrit, Beiji và Mosul.

Cho tới lúc này, có lẽ chỉ còn một lời khuyên duy nhất cho các nhà hoạch định chính sách ở Lầu Năm Góc cũng như Washington rằng:

"Hãy tìm cách triệt hạ các nhóm bán vũ trang do Iran hậu thuẫn mà không biến những cái chết này thành liệt sĩ và người Mỹ là kẻ địch của Iraq".

Chỉ khi Mỹ đối xử tôn trọng các nhóm bán vũ trang Iraq xuất hiện sau fatwa của Sistan, họ có mới có thể "bóc tách" các nhóm được Iran hậu thuẫn trong mắt người dân Iraq.

Đạt được "sự khác biệt" này, người Iraq mới tham gia vào việc gây áp lực để các nhóm do Iran hậu thuẫn phải đứng trước lựa chọn giải thể hay chấp nhận bị tiêu diệt.

Lực lượng dân quân Shia Iraq (PMU) giao chiến với IS tại khu vực phía tây Mosul năm 2017 (Nguồn: Al-Sura).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM