Dọn nhà là một công việc quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng ghi nhớ được mọi vị trí cần làm sạch trong nhà. Các chuyên gia của chuyên trang House Digest đã chỉ ra, có tới 30 vị trí, khu vực trong nhà thường bị bỏ quên làm sạch.
Đa phần chúng đều là chi tiết rất nhỏ, tồn tại trong toàn bộ khu vực nhà bạn, từ phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ hay phòng vệ sinh. Tuy nhiên, nếu không vệ sinh cũng có thể ảnh hưởng phần nào tới cuộc sống của bạn.
1. Công tắc đèn
Công tắc đèn được đánh giá là một trong những vị trí tiếp xúc nhiều nhất với bề mặt da con người trong nhà. Bởi trong ngày một ngày, một người có thể thao tác chạm vô số lần vào vị trí này. Chính vì vậy, trên công tắc đèn cũng chứa lượng vi khuẩn khổng lồ. Mỗi ngày bạn có thể dùng khăn giấy hoặc tấm vải mềm, thấm cồn để lau qua khu vực công tắc đèn để chúng được sạch sẽ hơn.
2. Tay nắm cửa
Cũng giống như công tắc đèn, tay nắm cửa tiếp xúc liên tục với bàn tay con người mỗi ngày nhưng chẳng mấy ai nhớ đến việc làm sạch. Thời gian dịch Covid cao điểm, thứ này được khuyến cáo nên làm sạch thường xuyên. Cách vệ sinh có thể tương tự như cách vệ sinh công tắc đèn.
3. Thùng rác
Chúng ta có thể vứt đi những túi rác hàng ngày nhưng không phải ai cũng có thói quen vệ sinh thùng rác. Thùng rác để lâu ngày sẽ trở nên cáu bẩn và nghiêm trọng hơn là xuất hiện mùi hôi khó chịu.
Theo các chuyên gia dọn dẹp, mùi của thùng rác thường xuất phát từ thức ăn hay các loại rác thải khi phân hủy sinh ra. Đồng thời, vi khuẩn sẽ tích tụ và có thể lan rộng ra ngoài không khí. Chính vì vậy, chúng ta cần vệ sinh thùng rác một cách thường xuyên, tốt hơn hết là ngày nào cũng nên rửa vật dụng này với xà phòng.
4. Cây trồng trong nhà
Nghe tưởng như thật vô lý nhưng đúng là cây xanh trồng trong nhà bạn cũng cần vệ sinh. Vệ sinh ở đây không chỉ là chậu cây, khu vực xung quanh cây mà còn là từng chiếc lá. Lớp bụi dày bám trên lá cây có thể ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và cây sẽ không thể nhận đủ ánh sáng mặt trời.
Hãy sử dụng một tấm vải mềm và khô, lau đi những lớp bụi trên lá cây nhà bạn. Với cây giả, việc làm này cũng cần thiết để tăng sự thẩm mỹ cho chúng.
5. Dọc chân tường
Dọc chân tường nhà bạn thường là nơi tiếp xúc với các loại giày dép, đồ đạc hay bụi bẩn. Vì vậy khi vệ sinh sàn nhà hãy kết hợp quét, lau cả khu vực này. Lượng bụi bẩn sẽ khiến bạn bất ngờ. Các bụi bẩn này nếu không được làm sạch có thể rơi xuống và làm bẩn lại không gian nhà bạn.
6. Các loại túi mua sắm tái sử dụng
Các loại túi vải, túi cói thay thế cho túi nilon được khuyến khích sử dụng bởi chúng thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, do có thể sử dụng chúng để đi chợ, tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm, nên chúng cũng chứa không ít loại vi khuẩn. Vì vậy hãy thường xuyên giặt và phơi khô chúng để tái sử dụng nhiều lần.
7. Các khung ảnh
Khung ảnh hay các bức tượng nghệ thuật góp phần tô điểm cho không gian nhà bạn trở nên thẩm mỹ và có gu hơn. Tuy nhiên, chúng cũng cần được vệ sinh để tránh khỏi tình trạng bụi bám dày đặc.
8. Bề mặt tường
Kể cả không xuất hiện những vết bẩn dễ dàng nhìn thấy, bề mặt tường nhà bạn cũng không hề sạch sẽ như nhiều người nghĩ. Khi quét nhà hay khi lau trần nhà, có thể kết hợp làm sạch cùng bề mặt tường để không gian nhà được sạch sẽ một cách triệt để hơn.
9. Nến thơm
Nến thơm đem lại mùi hương dễ chịu cho không gian, song nếu như lâu ngày không sử dụng chúng cũng có thể bám bẩn. Hãy sử dụng một miếng giẻ ẩm để lau đi lớp bụi bẩn đó.
10. Đỉnh cửa
Đa phần chúng ta không vệ sinh đỉnh cửa là bởi chúng ở vị trí cao và gây ra sự lười biếng nhất định. Tuy nhiên khi lớp bụi tích tụ quá nhiều ở khu vực này có thể rơi xuống mặt sàn hay bay trong không khí, ảnh hưởng không tốt tới đời sống của các thành viên trong gia đình. Bạn có thể đứng lên ghế và dùng khăn ấm lau khu vực này, ngôi nhà bạn sẽ trở nên sạch sẽ hơn.
11. Điều khiển từ xa
Tất cả các loại điều khiển từ điều khiển tivi, điều khiển điều hòa hay điều khiển quạt chứa nhiều vi khuẩn hơn bạn nghĩa. Đặc biệt là trong các khu vực khe kẽ của các nút bấm. Tương tự như tay nắm cửa hay các công tắc đèn, hãy vệ sinh các loại điều khiển từ xa bằng cách thấm dung dịch làm sạch hay cồn vào khăn rồi lau chùi nó. Tuy nhiên, vì là thiết bị điện tử nên đừng thấm quá nhiều chất lỏng. Điều này có thể dẫn tới hậu quả điều khiển nhà bạn bị hư hỏng.
12. Gối sofa
Chăn ga gối tại giường ngủ thì chúng ta có thể ghi nhớ, song có một loại gối có thể bị bỏ quên. Đó chính là những chiếc gối sofa. Cách giặt loại gối này cũng như bao loại vật dụng bằng vải khác. Đó là tháo rời phần ruột và vỏ ra, xem xét chất liệu và hướng dẫn giặt của chúng. Đa số chúng đều có thể xử lý với máy giặt, trừ những chất liệu đặc thù hơn như lông vũ hay lụa thì cần giặt tay hoặc giặt với chế độ giặt nhẹ của máy giặt.
13. Đèn và lồng đèn
Nếu bạn thấy đèn nhà mình hoạt động không được tốt như mọi ngày, ánh sáng chiếu ra yếu hơn thì có thể là nó đang bị bám bởi quá nhiều bụi bẩn. Hãy kiểm tra và lau nhẹ nhàng bằng khăn ẩm, tuy nhiên đừng quên ngắt điện để đảm bảo an toàn.
14. Bát thức ăn cho thú cưng
Bát ăn của thú cưng không chỉ bẩn bởi thức ăn mà còn chứa vi khuẩn từ cơ thể thú cưng. Bởi khi ăn, chúng có thể liếm, cắn hay dùng các chi để tiếp xúc với bát. Vì vậy đây được đánh giá là đồ vật cần làm sạch, cọ rửa kỹ lưỡng trong nhà để không ảnh hưởng đến chính sức khỏe của thú cưng.
15. Cánh quạt
Một trong những khu vực bụi bặm nhất trong nhà của bạn có thể chính là chiếc quạt trần. Làm sạch cánh quạt rất quan trọng vì nếu không được lau bụi thường xuyên, quạt của bạn có thể tạo ra nhiều bụi trong không khí, điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt tới tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người có bệnh về đường hô hấp.
16. Chai, lọ đựng xà phòng
Nếu như nhà bạn sử dụng các loại chai, lọ đựng xà phòng riêng biệt, chuyên dụng giống như các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng thì hãy tranh thủ dịp cuối năm để vệ sinh chúng 1 lần.
17. Đồ nội thất da
Bề mặt các đồ nội thất da thường "đánh lừa" chúng ta rằng chúng sạch hơn các bề mặt khác, tuy nhiên không phải như vậy. Các bề mặt da như ghế da cũng cần được hút bụi hoặc lau với khăn ẩm. Tuy nhiên, hãy tham khảo thật kỹ các dung dịch làm sạch bởi không phải loại nào cũng dùng được với đồ da. Nếu dùng không đúng loại, da có thể bị nổ hoặc hư hỏng nghiêm trọng.
18. Máy hút bụi
Máy hút bụi là một thiết bị giúp làm sạch nhà bạn, song nó cũng cần được bạn làm sạch. Sau mỗi lần sử dụng, hãy đảm bảo đổ rác trong hộc đựng rác của thiết bị. Định kỳ vài tuần 1 lần có thể cọ rửa khu vực này để làm sạch triệt để hơn.
19. Các món đồ gia dụng nhỏ
Những món đồ gia dụng nhỏ xinh như chiếc lò nước, lò vi sóng nhà bạn cũng cần thiết làm sạch vào dịp tổng vệ sinh cuối năm nay. Đồng thời bạn có thể kiểm tra xem chúng còn hoạt động tốt hay không và sửa chữa kịp thời trước khi mọi đơn vị bảo dưỡng có kỳ nghỉ Tết dài.
20. Bên trong tủ lạnh
Không chỉ là vẻ bề ngoài, bên trong tủ lạnh cũng cần vệ sinh, đặc biệt là vào dịp Tết, thiết bị này gần như hoạt động hết công suất bởi phải bảo quản số lượng lớn thực phẩm. Nếu bên trong tủ lạnh nhà bạn bị bám bẩn hoặc có mùi khó chịu, nó sẽ ảnh hưởng tới quá trình lưu trữ cả mùa Tết. Vì vậy hãy vệ sinh khu vực này bao gồm cả khử mùi để bảo quản thực phẩm một cách an toàn và hiệu quả nhất.
21. Mặt trên các các loại tủ
Mặt trên của các loại tủ, nếu như không được lắp đặt sát trần có thể là nơi lý tưởng của bụi bẩn hay thậm chí là những loài côn trùng gây hại. Vì vậy hãy chịu khó leo lên một chiếc thang và làm sạch khu vực này.
22. Các loại ghế
Với các loại ghế, từ ghế nhựa cho đến ghế gỗ, bạn đều cần làm sạch nó để loại bỏ bụi bẩn. Vì không ai muốn khi mời khách đến nhà dịp Tết mà lại để khách ngồi trên một chiếc ghế không sạch sẽ cả.
23. Máy rửa bát, máy giặt
Tương tự như máy hút bụi, đừng lầm tưởng rằng là những thiết bị hỗ trợ việc làm sạch trong nhà mà chúng không cần được vệ sinh. Đa phần trong các loại máy rửa bát hay máy giặt đều có chế độ tự vệ sinh riêng, vì vậy bạn có thể sử dụng chế độ này cho việc vệ sinh bên trong lòng thiết bị. Còn về phần bên ngoài, dùng ngăn mềm ẩm thấm với dung dịch làm sạch hoặc đơn giản là nước sạch để lau chùi.
24. Đầu vòi hoa sen
Bạn sẽ bất ngờ khi thử đưa vài bông tăm vào những chiếc lỗ nhỏ ở đầu vòi hoa sen. Nơi đây tích tụ nhiều chất bẩn, đặc biệt là khi nguồn nước nhà bạn không được sạch sẽ hoàn toàn. Hãy vệ sinh đầu vòi hoa sen bằng cách dùng một chiếc túi nilon có chứa giấm và một ít nước, bọc lại đầu vòi khoảng 1 đêm rồi hôm sau xả nước như bình thường. Giấm sẽ giúp chất bẩn mềm ra và sạch đi phần nào.
25. Chiếc rèm bồn tắm
Theo nhiều nghiên cứu và báo cáo, chiếc rèm bồn tắm là vật dụng chứa nhiều vi khuẩn trong nhà tắm, chứ không phải bồn cầu. Bởi trong lúc sử dụng, nhiều loại nước có thể bắn lên nó, đồng thời nó lại chẳng mấy được vệ sinh. Từ đó, lượng vi khuẩn ngày càng sinh sôi và phát triển mạnh mẽ hơn. Vì vậy tốt hơn hết dù có cồng kềnh đến đâu cũng hãy cố gắng tháo rời chúng xuống và đem đi giặt.
Theo House Digest