• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chọn ngày mở hàng, khai bút, động thổ, xuống đồng…: Những tục lệ chan chứa ước vọng về một năm mới phồn vinh

Văn hoá 23/01/2023 22:14

(Tổ Quốc) - Bước sang năm mới, dường như người ta đều nghĩ hình hài may rủi của cả một năm đều liên quan đến khoảnh khắc đầu tiên cái người ta làm, điều đầu tiên người ta trông thấy hay lời đầu tiên mà người ta nói ra.

Một năm mới đến, bất kể khung cảnh giao thừa ra sao, trời mưa xuân đón đoá đào bung nở, hay nụ thuỷ tiên cười hàm tiếu, thậm chí là trận mưa đá dữ dội như cái Tết Canh Tý năm 2020, thì người ta vẫn không thôi chờ mong và hy vọng.

Trong suy nghĩ của mỗi người, ai nấy đều muốn phủi đi những trắc trở ngổn ngang của năm cũ, làm ăn lụi bại của năm đã qua, rồi những lo toan bộn bề chẳng đâu vào đâu cũng vậy. Người ta muốn bỏ hết. Sau đó, người ta muốn làm lại một năm ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn. Bắt đầu bằng việc: Khai xuân.

Chọn ngày khai xuân lấy may

Khai xuân ở đây, người ta thực hiện nhiều tục, chẳng hạn như khai bút, động thổ, mở hàng,... Dường như mỗi ngành, mỗi nghề người ta đều chọn ngày chọn giờ để khai xuân. 

Tìm hiểu thì thấy, người ta cắt nghĩa khai bút nghĩa là cầm bút viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm, theo tục xưa là vậy. 

Trẻ con, người lớn theo nghiệp học hành, sau giao thừa hoặc mùng 1, nhiều người ngồi vào bàn viết lấy một vài câu chúc tân xuân lấy may. Hay người làm nghề viết, người ta nổi hứng sáng tác một bài thơ, một bài báo, một truyện ngắn,... Cứ thế, trẻ con thì mong học hành suôn sẻ, người lớn thì mong nghề cầm bút của mình tuôn trào cảm hứng sáng tạo suốt cả năm.

Bán mở hàng, khai bút, động thổ, xuống đồng…: Những tục lệ chan chứa ước vọng về một năm mới - Ảnh 1.

Viết những lời hay ý đẹp để khai bút đầu xuân.

Trong Chuyện cũ của Hà Nội, nhà văn Tô Hoài có nhắc đến tục khai xuân của một số ngành nghề khác nhau thế này, nghe thì cũng có sự khác biệt, nhưng tựu chung, người ta đều muốn tìm lành tránh dữ trong những ngày đầu năm.

“Người làm việc quan, dẫu chỉ chức tước ở làng bé bằng con muỗi mắt, có cái triện đồng triện gỗ, đồng triện hay mộc triện giắt hầu bao thì các ông lý trưởng quán xuyến mọi bề, ông hộ lại cai quản sinh tử, giá thú, ông trưởng bạ trông coi sổ sách về đất cát, điền địa đều làm mâm lễ sắp ấn hôm hai mươi tháng chạp rồi sang giêng được ngày lành lại làm cỗ cúng khai ấn”.

“Mùng sáu tháng giêng ngày chẵn, các nhà chủ đều động thổ khung cửi… Hôm ấy chỉ làm cốt lấy ngày, lấy may, phải đến phiên này mọi công việc tơ cửi mới bắt đầu".

“Đồng áng nhà nông thì mùng bảy, khi hạ cây nêu bác tôi nhấc cái vai bò trên nóc chuồng dắt con bò ra ruộng cày vài đường, lễ hạ điền. Ngày xưa, hôm ấy  vua đi cày, làm gương cho bách tính. Các làng dân tộc Tày trên Bắc Cạn, hôm hạ điền là ngày Tết, cả vùng mặc áo xống mới đi chơi nhởi hội “xuống đồng" (lồng tùng)”.

Bán mở hàng, khai bút, động thổ, xuống đồng…: Những tục lệ chan chứa ước vọng về một năm mới - Ảnh 2.

Đầu xuân, ngoài động thổ, cày cấy, cuốc đất nhiều người còn chọn trồng cây để khai xuân lấy may.

An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển cũng không quên nhắc đến tục khai xuân này: “Người làm quan thì khai ấn, giải quyết một  việc công. Kẻ sĩ thì khai bút viết mấy hàng lời hay ý đẹp. Nhà buôn thì mở cửa hàng bán ít đồ tạp hoá. Nhà nông thì động thổ, để bắt đầu công việc đồng áng. Lễ động thổ này có  lễ vật cúng ở miếu đình, đánh ba hồi trống hoặc ba hồi mõ rồi “lấy dăm ba hòn đất đắp ở trước miếu đình. Mọi người ai nấy đều ra đồng gánh một gánh đất đắp ở cạnh sân. Sau khi động thổ, người trong thôn ấp mới ra đồng làm".

Tác giả Tân Việt trong 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam có nói kỹ hơn một chút về tục xưa lấy may ngày đầu xuân của “Tứ dân bách nghệ" - Sĩ, Nông, Công, Thương, người có chức tước khai ấn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày. 

““Tứ dân bách nghệ” của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà. Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". 

Bán mở hàng, khai bút, động thổ, xuống đồng…: Những tục lệ chan chứa ước vọng về một năm mới - Ảnh 3.

Đầu xuân, người ta bán mở hàng, chẳng mấy ai quan tâm lời lãi gì, cốt là để lấy may.

Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân”.

Bán mở hàng, khai bút, động thổ, xuống đồng…: Những tục lệ chan chứa ước vọng về một năm mới - Ảnh 4.

Người nông dân, đầu năm chọn ngày hạ điền, sau đó mới bắt đầu mùa vụ.

Chưa hết, Nguyễn Văn Huyên cũng nhắc tới về tục chọn ngày lành để khai xuân trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt: “Ngày thứ tư, mọi người cúng tiễn gia tiên trở về thế giới bên kia sau khi đã thấy lại gia đình vui vẻ. Các cửa hàng lại mở cửa. Và mọi người tiếp tục công việc của mình theo lề thói cũ và bổn phận, nhưng không phải không xem lịch để bắt đầu vào ngày giờ tốt lành”.

Điềm lành đến từ hy vọng

Những mảnh lo âu của năm cũ đã khép lại, người ta đầy một bụng hy vọng trong năm mới sẽ làm ăn khấm khá hơn. Điều đầu tiên, người ta noi tục cũ, chọn lấy một ngày lành để mở hàng. Người ta không còn giam hãm nỗi lo lắng như trong năm cũ nữa, ai nấy đều hối hả bỏ cũ đón mới, chọn lấy một ngày lành để gửi gắm niềm hy vọng. 

Những phong tục xưa được truyền lại từ ngàn đời, đôi khi chẳng phải vì ai bắt, mà những tục ấy nuôi dưỡng hy vọng, mong muốn của con người. Năm cũ chưa tốt thì năm mới làm lại. Năm đã qua không nhiều may mắn thì năm tiếp theo phải cố gắng. Người ta nỗ lực bằng nhiều cách, ngoài việc tính toán và chăm chỉ để làm việc, thì ông bà ta từ thời xưa truyền lại vẫn rất tin vào Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà.

Bởi vậy, tục khai xuân đầu năm là một trong những nét đẹp cổ truyền vẫn còn ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Ở những tục đẹp ấy, người ta khơi dậy được những khát khao đổi mới cuộc sống, ngày một an lành và thịnh vượng hơn...


Vũ.

NỔI BẬT TRANG CHỦ