Chị Dung (CEO thời trang) và gia đình đã gắn bó với căn Vincom Bà Triệu này được gần chục năm. Sau 1 thời gian sử dụng, căn hộ đã có phần xuống cấp nên chị quyết định sửa nhà. Lần đầu tiên sửa chữa, chị Dung đầu tư khá nhiều tiền và công sức cho các món đồ nội thất, tuy nhiên, sự hào nhoáng lại đi kèm với sự cũ kĩ theo thời gian. Vì vậy đến lần sửa nhà này, chị chỉ tập trung vào những món thiết yếu nhất, đề cao ở chất lượng hơn là sự bắt mắt bên ngoài.
Trước đây, chị muốn ngôi nhà phải thể hiện cá tính độc đáo, để người ngoài nhìn vào biết ngay đây là không gian của 1 người làm thời trang. Nhưng khi không còn quá quan tâm đến bên ngoài và tập trung vào bản thân hơn, giá trị ngôi nhà mà chị muốn hướng đến chỉ là sự đơn giản, thoải mái.
Tiền sửa nhà lần tiếp theo gần ngang bằng với tiền mua 1 căn chung cư rộng rãi, tuy nhiên, chị Dung vẫn quyết định sửa lần 2 chứ không chọn mua nhà mới. Điều này là bởi vị trí của căn hộ ở ngay trung tâm nên rất thuận tiện cho việc đi lại, khuôn viên khá yên tĩnh dù nó ở ngay khu phố thị sầm uất, xô bồ.
Lý do đặc biệt nhất có lẽ là vì chị Dung sống ở trung tâm Hà Nội từ bé (nhà chị trước kia gần bờ hồ) nên luôn có 1 sự gắn bó đặc biệt với không gian sống: “Mình biết đến nhiều câu chuyện của những cư dân Hà Nội sống ở khu vực trung tâm. Dù căn nhà của họ chỉ vỏn vẹn vài m2, chẳng đủ chỗ chui ra chui vào nhưng nếu đề nghị họ chuyển tới 1 nơi rộng rãi hơn chưa chắc họ đã đồng ý”.
Không gian phòng khách ấm cúng
Chiếc bàn được làm từ gỗ nguyên khối
Đồ decor đơn giản nhưng tinh tế
Ở lần sửa chữa thứ 2, chị muốn căn hộ có thể sử dụng được lâu hơn nên dành khá nhiều tâm huyết trong việc chọn đơn vị thiết kế. Thực tế, chị đã phải đổi 4 lần kiến trúc sư mới có thể tìm được người ưng ý. Trong đó, chị Dung có mời 1 kiến trúc sư khá nổi tiếng vì rất thích phong cách của bạn ấy. Kiến trúc sư có gợi ý chị thay đổi lại không gian thay vì chỉ trang trí nội thất đơn thuần. Với lời đề nghị ấy, chị không đồng ý vì các không gian trong nhà đều đã cố định, ví dụ như bàn thờ đã được xem hướng nên không thể thay đổi.
Nếu không được đổi vị trí không gian mà chỉ thiết kế lại nội thất, số tiền mà chị bỏ ra sẽ không xứng đáng vì kiến trúc sư không có cách nào để cải tạo căn hộ theo hướng tốt nhất. Trước sự từ chối của kiến trúc sư đầu tiên, chị Dung chia sẻ rằng: “Với người khác, họ có thể đã nhận và làm thế nào chỉ để hài lòng chủ nhà. Tuy nhiên, với bạn ấy, mình thật sự rất nể vì là 1 người có cái tâm làm nghề thực sự”.
Chị lại tiếp tục tìm kiếm các đơn vị khác bằng cách lên website công ty và tham khảo các phong cách thiết kế của họ. Hai công ty tiếp theo cũng không làm chị ưng ý và đến đơn vị cuối cùng (LukLak Design), chị quyết định nhờ kiến trúc sư vẽ lại trên tiêu chí đơn giản và kết hợp cả 2 bên để ra được thành quả cuối cùng.
Sau nhiều lần làm việc với các đơn vị thiết kế, chị Dung cho rằng cái sai của bản thân là tìm đến các công ty trước. Thông thường, các công ty sẽ cử đại diện đến, họ tìm hiểu phong cách rồi sẽ vẽ theo ý khách hàng. Tuy nhiên, nếu “gò” người khác theo ý mình thì sẽ khó có được 1 ngôi nhà đẹp. Thay vì thế, mọi người hãy tìm các kiến trúc sư có sự tương đồng về phong cách với bản thân và để họ tự do sáng tạo, sau đó chủ nhà sẽ bổ sung, chỉnh sửa để ra được thành quả ưng ý nhất.
Ghế và tranh treo tường có cùng tone màu
Khu bếp gọn gàng, sáng sủa
Qua 2 lần sửa nhà, chị Dung thấy rằng việc mua nội thất rẻ mà đẹp không hiệu quả bằng đầu tư nội thất chất lượng ngay từ đầu. Chi phí ban đầu có thể cao nhưng xét về lâu dài thì bạn sẽ thấy rất xứng đáng. Ví dụ 1 bộ sofa, trước đây chị thường sắm những bộ có giá khoảng vài chục triệu, nhìn rất nổi bật nhưng sau 1 năm đã thấy cũ nên trong 8 năm, chị thay khoảng 4 bộ sofa như vậy. Với bộ sofa hiện tại, giá cả cao hơn chục lần nhưng chắc chắn sau nhiều năm nữa, chất lượng và kiểu dáng cũng không có gì thay đổi.
Theo chị Dung, người làm thời trang và nội thất có điểm chung là đều yêu thích cái đẹp và sự tinh tế. Người làm thời trang thường quan tâm đến những chi tiết nhỏ. Yếu tố làm nên cái đẹp của 1 ngôi nhà, hay 1 bộ quần áo đến từ những chi tiết nhỏ này chứ không hẳn là tổng thể. Đôi khi, tổng thể rất đơn giản nhưng chính các chi tiết nhỏ sẽ tạo điểm nhấn cho giá trị của 1 bộ trang phục, cũng như là giá trị của 1 ngôi nhà.
Giường ngủ là 1 trong những món được đầu tư nhất
Không gian ngập tràn ánh sáng
Và đương nhiên là khi không gian sống thay đổi, lối sống của chúng ta cũng phần nào thay đổi theo, đôi khi chỉ là những thói quen rất nhỏ. Bản thân chị Dung là 1 người rất yêu hoa nhưng vì bận rộn nên không có thời gian cắm hoa mỗi ngày. Thay vào đó, chị chọn những bình hoa giả, đẹp, đắt tiền và nhìn rất giống hoa thật: “Tuy nhiên, mình thấy rằng vẻ đẹp của những bông hoa này chỉ được 1 thời gian, cuối cùng, vẻ đẹp thực sự phải ở bên trong và xuất phát từ cảm nhận của mình”. Vì vậy sau khi sửa nhà, chị không sử dụng bất kỳ một món đồ giả hay món đồ nào gây hại cho môi trường trong nhà.
Ngoài ra, khi đi nghỉ mát cùng gia đình, chị cũng không chọn những khu resort tiện nghi hào nhoáng vì theo con chị nhận xét là không “sướng” bằng ở nhà. Thay vào đó, chị tìm đến những khu nghỉ dưỡng có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh để trẻ con được thực sự hoà mình với thiên nhiên.