Những ngày gần đây, tỉnh Bắc Giang liên tục ghi nhận số lượng lớn ca nhiễm Covid-19 mới, khiến nơi đây trở thành tâm dịch. Các y bác sĩ tuyến đầu của tỉnh làm việc không ngơi nghỉ, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết bệnh nhân,... bất chấp tình hình sức khỏe dần suy kiệt.
Trước tình hình đó, vào ngày 25/5 vừa qua, Bộ Y tế đã ra công văn hỏa tốc, kêu gọi các đơn vị y tế trên cả nước dồn lực hỗ trợ cho Bắc Giang. Đáp lại lời kêu gọi từ Bộ, vô số các đoàn y tế từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lập tức lên đường, hướng về Bắc Giang để chi viện và giúp sức đồng nghiệp. Tất cả cùng một lòng quyết tâm dập dịch với tinh thần "khi nào hết dịch mới về".
Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam: Đôi bàn tay trắng bợt vì mồ hôi
Vài ngày sau lời kêu gọi từ Bộ Y tế, Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam đã lập tức cử 36 viên chức, sinh viên tham gia đoàn hỗ trợ công tác phòng dịch ở Bắc Giang. Các thầy cô giáo cùng các bạn sinh viên tình nguyện đã xung phong ra tuyến đầu chống dịch, tham gia khóa tập huấn chuyên sâu, kiểm tra sức khỏe và test nhanh SARS-CoV-2 để chuẩn bị lên đường.
Đôi bàn tay nhăn nheo của các nhân viên y tế của Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam
Mới đây, trên mạng xã hội vừa xuất hiện những hình ảnh ngày đầu làm việc của các chiến sĩ áo trắng từ Học viện. Đó là những đôi bàn tay trắng bợt, nhăn nheo vì cả ngày căng mình lấy mẫu. Dù cho lưng áo dính bện vào người vì mồ hôi, sức lực ngày càng cạn kiệt, họ vẫn kiên cường, dốc hết sức mình làm việc ở tâm dịch.
Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy: "Tôi không dám gọi điện về nhà vì con sẽ hỏi... bao giờ về?"
Đoàn công tác gồm 13 người từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã đặt chân đến tỉnh Bắc Giang vào ngày 27/5 vừa qua. Họ lập tức lao ngay vào điểm nóng, rà soát, kiểm tra và hỗ trợ đồng đội chống dịch. Trong đoàn có bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy, người đã nhiều lần chinh chiến ở các mặt trận chống dịch trước đó.
Bác sĩ Linh cho hay, sau khi đến Bắc Giang, đội phản ứng nhanh đã tới bệnh viện Phổi để khảo sát tình hình thực tế, nắm bắt về nhân sự, trang thiết bị cũng như tình hình bệnh nhân. Sau đó, họ đã tiếp quản đơn vị hồi sức ở (ICU) tại đây, đảm bảo công tác điều trị và phục hồi cho bệnh nhân nhanh nhất có thể.
Bác sĩ Trần Thanh Linh tại đợt dịch ở Đà Nẵng
Anh chia sẻ thêm: "Trong chiến trường Đà Nẵng, tôi gần như không dám gọi về nhà bởi mỗi lần nghe con hỏi khi nào ba về đều xót xa, nhớ nhà lắm". Thế nhưng, mỗi buổi sáng đến, khi bước chân vào bệnh viện, thấy các bệnh nhân nặng chưa thoát khỏi hiểm nguy, anh Linh và các đồng nghiệp lại lao đầu vào công việc, quên đi chuyện riêng của mình. Bác sĩ Linh tâm sự: "Động lực lớn nhất để có thể chiến đấu là tinh thần đoàn kết vì cuộc sống bình an".
Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương: Quân của anh "gục" hết rồi
Bức tâm thư mà chị Nguyễn Phương Thảo - một cán bộ y tế - chia sẻ trên mạng xã hội về tình hình cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang đã khiến cư dân mạng không cầm được nước mắt.
Được biết, đáp lại lời hưởng ứng từ Bộ Y tế, 215 thầy trò và sinh viên trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã về tâm dịch thôn Núi Hiểu làm nhiệm vụ. Họ sẽ đi từng hộ gia đình cũng như công nhân đang cách lý tại thôn để thực hiện lấy mẫu test nhanh, tổng cộng phải đến 8000 mẫu.
Chị Thảo viết: "22h30 mình gọi cho người thầy chỉ huy đó để trao đổi công việc, anh vẫn đang họp ở Việt Yên. Vì kế hoạch tăng tốc xét nghiệm khẩn trương, làm gọn trong ngày không để kéo sang thêm ngày nữa, mình hiểu cả đội đã làm đến 200% công suất, sẽ rất mệt nên cũng nhắn tin cho anh trao đổi nhanh. Anh chỉ nhắn vẻn vẹn được 2 dòng cho mình:
- Quân của anh "gục" hết rồi!
- Mọi người vẫn đang làm việc ở Núi Hiểu, đang cố cho xong, em à!"
Trong cái nóng oi ả ngày hè, những chiến binh áo trắng không ngại mà lao mình vào công việc, đầm đìa mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ cấp 4. Vì đại dịch mà các anh chị em đã quên mình, những cô cậu bé vẫn trong tuổi ăn học đã xông pha trận mạc, lặng thầm chiến đấu với "kẻ thù" Covid-19.
166 y bác sĩ Công an Nhân dân: Người đẹp quân y xông pha tâm dịch
Cũng trong ngày 27/5, Đoàn cán bộ y tế Công an nhân dân (CAND) đã chính thức lên đường chi viện tỉnh Bắc Giang. Đoàn chi viện gồm 166 y, bác sĩ và các bộ y tế của Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, chuẩn bị sẵn sàng tiếp sức và hỗ trợ đồng nghiệp nơi tâm dịch.
Đoàn cán bộ y tế Công an nhân dân
Hình ảnh các nữ y bác sĩ CAND lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang đã gây nhiều ấn tượng với cộng đồng mạng, được fanpage Thăng Fly Comics diễn tả lại bằng những nét vẽ ấm áp.
(Tranh: Thăng Fly Comics)
Học viện Quân y: Ngày ngủ 2 tiếng, xử lý 10.000 mẫu bệnh phẩm/ngày
Nhận lệnh hành quân gấp, đúng 18h ngày 27/5 đoàn sinh viên gồm học viên lớp DH50A và DH50B của Học viện Quân y (HVQY) đã tập kết đầy đủ, lên đường cứu trợ tỉnh Bắc Giang. Sau đó, HVQY tiếp tục cử thêm học viên tới tỉnh Bắc Ninh góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Vũ Thanh Sơn (học viên K50, HVQY) là một trong những người tham gia đoàn chi viện này, hồi hộp và háo hức mong muốn góp sức vào công cuộc phòng chống dịch.
Sơn chia sẻ, trước ngày nhận lệnh vào Bắc Giang, cả anh và các đồng chí khác đã được huấn luyện rất kỹ càng về kiến thức, kỹ năng phòng bệnh. Sơn thuộc nhóm làm việc trong phòng thí nghiệm, tập trung xử lý lượng lớn bệnh phẩm được gửi đến. Anh chia sẻ: "Qua một tuần làm việc thì khó khăn lớn nhất với mình đó là lịch làm việc cả ngày lẫn đêm, trung bình mỗi ngày phải xử lý khoảng 10.000 mẫu bệnh phẩm và có những đêm mình chỉ có 2 giờ để ngủ".
Một người khác là anh Phạm Hùng Cường (học viên lớp DH50A) cũng thuộc đoàn tình nguyện của HVQY, cho hay công việc khá căng thẳng vì yêu cầu các thao tác kỹ thuật phải chính xác, nếu kết quả xét nghiệm sai sẽ gây ra hậu quả rất nghiệm trọng. Anh cho hay: "Ca trực của bộ phận làm ngoài trời thường kéo dài từ 2 - 2h30/ngày nhưng bộ phận mình làm liên tục từ 8 - 10 tiếng/ngày. Những ngày đầu chưa quen, có hôm phải làm ca đêm, nhịp sinh học bị đảo lộn một chút nhưng qua mấy ngày thì cũng quen dần".
Dù vất vả, các học viên vẫn vô cùng nhiệt huyết, hăng hái, không một tiếng kêu than mà chỉ tập trung làm việc. Khi được hỏi muốn chống dịch tiếp hay trở về, tất cả đều đồng thanh hô: "Ở lại chống dịch tiếp, khi nào hết dịch thì về!".
Lời nhắn nhủ chân thành từ người dân là nguồn động lực to lớn với các cán bộ nhân viên y tế tại Bắc Giang
Đoàn công tác Yên Bái: Bao giờ ổ dịch ở Bắc Giang được kiểm soát mới về
Được biết, tỉnh Yên Bái là một trong số những địa phương đầu tiên cử lực lượng tới Bắc Giang hỗ trợ phòng dịch Covid-19 ngay từ khi chưa có đề nghị hỗ trợ. Tỉnh cũng đã gửi tới Bắc Giang 2.000 bộ kit phục vụ công tác xét nghiệm.
Đoàn công tác số 1 của tỉnh Yên Bái gồm 15 người đã tới tỉnh Bắc Giang hỗ trợ, truy vết và xét nghiệm từ ngày 17/5. Sau đó, tỉnh quyết định cử thêm 22 bác sĩ và điều dưỡng tới tâm dịch để hỗ trợ.
Một trong số những người xông pha vào tâm dịch là bác sĩ Lê Đình Tiến (59 tuổi). Để lại mẹ già 80 tuổi và một người con tàn tật ở nhà, ông không ngần ngại ghi tên mình vào danh sách tham gia cứu viện.
Đoàn công tác tỉnh Yên Bái đang lấy mẫu xét nghiệm tại Bắc Giang
"Mấy hôm đầu chưa quen nên mọi người có chút mệt, thậm chí bị say nắng. Thế nhưng ai cũng tràn đầy nhiệt quyết và không hề kêu ca nửa lời", bác sĩ Tiến chia sẻ. "Tôi thường động viên mọi người: Các tỉnh bạn 'binh hùng, tướng mạnh', họ tăng cường hàng trăm người. Mình quân ít, lực yếu nên anh em càng phải cố gắng nhiều hơn".
Phải làm việc từ sáng đến đêm vô cùng vất vả nhưng các nhân viên y tế tỉnh Yên Bái đều quả quyết sẽ ở lại Yên Bái cho đến khi ổ dịch được kiểm soát.
Sinh viên y Nam Định tình nguyện tới Bắc Giang hỗ trợ
Hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, 54 tình nguyện viên từ Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định (TP Nam Định) đã lên đường tới tỉnh Bắc Giang. Họ là những giảng viên, bác sĩ, điều dưỡng và sinh viên năm thứ 4 tình nguyện tham gia chi viện, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở tâm dịch. Được biết, có hơn 50 cán bộ, giảng viên và hơn 300 sinh viên trường đăng ký tình nguyện tham gia, luôn sẵn sàng lên đường chi viện.
TS.BS Nguyễn Công Trình - Khoa Y học lâm sàng, Trưởng đoàn công tác, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho hay:
"Bắc Giang có số ca mắc Covid-19 cao trong cả nước. Lực lượng tham gia chống dịch ở đây vô cùng gian nan, vất vả. Do vậy, tôi cùng đồng nghiệp và các bạn sinh viên đã tình nguyện viết đơn đăng ký lên đường tham gia chống dịch với mong muốn có thể áp dụng kiến thức, chuyên môn của mình, góp phần đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội".
Đoàn tình nguyện Hải Phòng xung phong lên đường tới Bắc Giang
Sáng 27/5, Đoàn cán bộ và sinh viên tình nguyện Đại học Y Dược Hải Phòng đã lên đường chi viện cho đồng nghiệp. PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Hiệu trưởng là trưởng đoàn, cùng hơn 80 giảng viên và sinh viên tình nguyện xung phong tham gia phòng chống dịch Covid-19 ở điểm nóng Bắc giang.
Trước đó 1 ngày, sau khi nhận tin từ Bộ Y tế, trường ĐH Y Dược Hải Phòng đã thành lập đoàn tình nguyện chi viện. Nhà trường đã ngay lập tức nhận được số lượng lớn đơn tình nguyện của giảng viên và sinh viên trường. Sau khi thống nhất, 83 cán bộ, giảng viên nhiều kinh nghiệm và sinh viên có chuyên ngành đào tạo phù hợp đã chính thức "lên đường".
Sinh viên trường ĐH Y Dược Hải Phòng
(Tổng hợp)