Các doanh nghiệp phân phối, cung cấp và sản xuất laptop - máy tính bảng vẫn 'béo tốt' trong đại dịch Covid-19

Quỳnh Như | 15-12-2020 - 06:29 AM

(Tổ Quốc) - Trong năm 2020, ngoài y tế thì các doanh nghiệp liên quan đến ngành hàng laptop - máy tính bảng là những người vớ bở nhất. Không chỉ các nhà phân phối như Digiworld, Thế Giới Di Động lẫn FPT đều bội thu trong khoảng bán notebook-laptop mà các công ty sản xuất như Lenovo hay nhà cung ứng phần cứng Qualcomm đều thế.

Trong đại dịch Covid-19, tất cả những quy trình làm việc – sinh hoạt – học tập của người dân đều bị thay đổi và đảo lộn. Xuyên suốt những đợt cao trào của Covid-19, người lao động lẫn học sinh – sinh viên đều buộc phải làm việc – học tập tại nhà, kéo theo nhu cầu mua các thiết bị công nghệ phục vụ cho việc Work from home (WFH) hay học online đều tăng đột biến.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc quốc gia khu vực Việt Nam của Lenovo, cho hay: "Trước Covid-19, nhiều dự đoán của giới chuyên môn cho biết: doanh thu từ sản phẩm máy tính cá nhân - PC sẽ giảm từ 15% đến 20% trên phạm vi toàn cầu trong năm 2020. Tuy nhiên, do Covid-19 xuất hiện khiến, người ta buộc phải học và dạy online nhiều hơn, còn các doanh nghiệp phải WFH – đặc biệt là các SMEs, khiến dự đoán nói trên không còn đúng nữa.

Trong tháng 3 đến tháng 9/2020, doanh thu nói chung của PC trên phạm vi toàn cầu đã tăng 35%, vượt ngoài dự đoán. Trong khoảng tháng 9 đến tháng 12/2020, phần cung ứng linh kiện notebook đang bắt đầu gặp vấn đề do nhu cầu tăng nhanh hơn trước. Dự đoán, trong khoảng thời gian tới, nguồn cung của phần cứng cho notebook có thể bị thiếu hụt. Tất nhiên, Việt Nam và Lenovo không nằm ngoài xu hướng này, khi doanh thu trong mảng PC cũng tăng trưởng tốt. Hiện Lenovo đang là nhà cung cấp máy tính lớn nhất toàn cầu.

Thế nên, dù phần logistic đang gặp vấn đề bởi Covid-19, song chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giới thiệu các sản phẩm laptop mới tại Việt Nam như kế hoạch vào cuối năm 2020".

Các doanh nghiệp phân phối, cung cấp và sản xuất laptop - máy tính bảng vẫn béo tốt trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc quốc gia khu vực Việt Nam của Lenovo

Đúng như nhận định của lãnh đạo Lenovo, các nhà phân phối PC/máy tính bảng – cả sỉ và lẻ là Digiworl, Thế Giới Di Động và FPT đều tăng trưởng rất tốt trong suốt năm 2020.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh số từ mảng laptop của Thế Giới Di Động đã tăng 200% so với với những tháng bán hàng bình thường. So với mục tiêu 2020 sẽ bán ra khoảng 250.000 Laptop, chỉ trong 3 tháng đầu năm Thế Giới Di Động đã thực hiện được đến 40% với mức tiêu thụ chạm mức 100.000 sản phẩm. Luỹ kế 9 tháng, ngành hàng PC đã mang về hơn 2.500 tỷ đồng cho Thế Giới Di Động, tăng trưởng 44% so với 9 tháng 2019.

Phần FPT, mảng laptop của FPT Shop ghi nhận tăng trưởng rất tốt, cụ thể doanh số tháng 2/2020 tăng 79% so với tháng 1 và tháng 3 tăng 172% so với tháng 1. Từ đầu năm 2020 đến nay, doanh số mảng này của FPT Shop luôn ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số. Còn kết thúc quý III/2020, Digiworld đã đạt được doanh thu 1.280 tỷ đồng trong ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 100% kế hoạch năm 2020.

Cũng như thế, Qualcomm đã báo cáo doanh thu cuối năm tài chính 2020 (kết thúc vào cuối tháng 9/2020) là 23,9 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2019. Trong đó, có 8,35 tỷ USD kiếm được trong quý cuối cùng của năm, hoặc ấn tượng hơn là tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái - một phần nhờ vào số lượng lớn chip 5G được sử dụng trên iPhone 12 và các smartphone khác trên thị trường.

Ông Steve Mollenkopf - Giám đốc điều hành của Qualcomm cho rằng: sự tăng trưởng "đặc biệt" này là do thái độ hết mình với 5G. Qualcomm chính là nhà cung cấp thiết bị 5G và laptop 5G đầu tiên trên thế giới. Mỗi năm, nhà cung cấp phần cứng công nghệ hàng đầu thế giới này chi từ 2 đến 3 tỷ USD cho công tác R&D.

Các doanh nghiệp phân phối, cung cấp và sản xuất laptop - máy tính bảng vẫn béo tốt trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm.

"Trước Covid-19, đường hướng phát triển của Qualcomm chính là đánh vào mảng chuyển đổi số và 5G chính là bước tiếp theo của 4G. Các thiết bị 5G sẽ giúp kết nối các nền tảng thiết yếu của mọi quốc gia khi bước vào quá trình chuyển đổi số. Hiện tại, 99 nhà mạng/46 quốc gia đã có 5G.

Tuy nhiên, bởi Covid-19 đã khiến doanh số từ việc bán các công cụ làm việc như PC/notebook vượt dự đoán ban đầu; còn nhu cầu học tập – hội thảo – chuyển đổi số tăng cao khiến quá trình chuyển đổi từ 4G lên 5G nhanh hơn. Theo dự đoán của tôi, quá trình chuyển đổi từ 4G lên 5G sẽ nhanh hơn 2 năm so với từ 3G lên 4G.

Năm 2021, thiết bị 5G được tiêu thụ trên thế giới sẽ tăng từ 250 lên gấp đôi và tăng lên 750 triệu thiết bị vào năm 2022. Dự đoán, vào năm 2023, sẽ có 1 tỷ người sử dụng thiết bị 5G trên khắp thế giới", ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm chia sẻ trong buổi ra mắt dòng sản phẩm máy tính cá nhân ACPC (Always On, Always Connected).

Dòng ACPC – nôm na là ‘Luôn luôn bật, luôn luôn kết nối’ với thời lượng pin kéo dài trong nhiều ngày và kết nối được cả wifi, 4G và 5G. Qualcomm hiện đang hợp tác với nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) để tạo ra các máy tính ACPC đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Các đối tác của họ bao gồm Lenovo, ASUS, Microsoft, Samsung, Lenovo, Compal, Huaquin, IAC, Quanta và Wingtech.

Hiện loại máy tính 5G đã được bán ra thị trường ở Mỹ và Vương quốc Anh, sắp tới sẽ bán ra ở một vài nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Còn tại Việt Nam, Qualcomm vẫn đang trong thời kỳ đàm phán với các nhà cung cấp mạng 5G để có thể cùng đưa ra những gói dữ liệu ưu đãi cho khách hàng đầu cuối thông qua các nhà cung cấp lẻ. Thế nên, họ vẫn chưa xác định được thời gian chính thức bán trên thị trường Việt Nam.

Nếu loại máy tính thuộc dòng ACPC của Qualcomm kết hợp với các OEM bán ra đại trà trên khắp thế giới lẫn Việt Nam, có thể doanh thu của ngành hàng PC/máy tính bảng sẽ vươn lên 1 tầm cao mới trong vài năm tới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.