Với dân văn phòng mà nói, mạng xã hội không đơn thuần chỉ là nơi để sống ảo hay tham khảo tin tức giật gân trong cuộc sống thường ngày, mà đó còn là nơi “trút bầu tâm sự” cực kỳ lý tưởng về những vấn đề xoay quanh công việc. Và cũng từ đây hàng loạt các hội nhóm chuyên “tám” chuyện công sở trên MXH mọc lên như nấm sau mưa.
Bên trong các hội nhóm ấy, tất nhiên, những câu chuyện hóng hớt văn phòng hay sân si đồng nghiệp, nói xấu sếp là được sẻ chia nhiều nhất, lúc nào cũng nhận được lượng tương tác cao. Dù sao thì “sân si” cũng là gia vị của đời sống công sở mà, phải không?
Đáng tiếc thay, chàng trai trẻ dưới đây dường như chẳng mấy hài lòng với chuyện đó, sự bất mãn vô cớ này lớn đến mức đủ tạo động lực cho anh chàng đăng đàn thẳng vào một trong những hội nhóm công sở lớn trên facebook để “cà khịa” như sau:
“Mình thấy nhóm này ngộ lắm. Đi làm chuyên hóng chuyện, xem nhỏ này ăn mặc ra sao, thằng kia hôm qua đi chơi với ai, ông sếp/bà sếp cặp bồ với người nào còn công việc thì làm ít chơi nhiều, cứ thích hóng drama.
Thay vào đó sao không chuyên tâm mà kiếm thêm thu nhập, chí thú làm ăn? Kỹ năng mềm sao không học? Thấy người ta làm lương cao thì bĩu môi, xét nét, bản thân mình biết và thấy có những người làm tháng mấy trăm triệu - có khi cả tỷ nữa là. Người ta toàn giỏi, bằng cấp giỏi, ngoại ngữ ielts trên 8, du học thạc sỹ tiến sỹ hạng ưu.
Người không thích học kiểu sách vở cứ ra bươn chải, tạo mối quan hệ rộng lớn, không học cái này cũng học cái khác, làm việc siêng năng mới mau giàu. Chứ học còn làm biếng, tiếng Anh không trau dồi, bằng cấp ra trường thôi đủ rồi, nâng cao chuyên môn cũng lười, kinh nghiệm làm thì ít mà hóng thì nhiều kiểu mấy bạn cả đời chẳng bằng ai.
Mình thấy thay vì lên mạng sân si người ta làm được nhiều tiền hay đi soi mói, hóng drama thì tự hoàn thiện bản thân đi, khi mình đủ giỏi, lương ngàn đô rồi muốn nói gì nói”.
Với màn “cà khịa” đỉnh cao của sự can đảm này, bài viết của chàng trai ngay lập tức nhận về được phần thưởng xứng đáng: Lượng tương tác cao bất ngờ, con số like share nhảy liên tục và các bình luận cũng theo đó xuất hiện đều như vắt tranh.
Vậy dân công sở phản ứng ra sao với màn chọc khuấy, “cà khịa” hay như hay tát nước vào mặt này? Câu trả lời quá dễ đoán, tất nhiên là ném đá không chút tiếc thương.
“Bạn có biết việc bạn viết ra như thế này thì bạn cũng chả khác khác gì họ không? Bạn cũng đang sân si và soi mói người khác đấy. Họ sao kệ họ, không thích thì đừng quan tâm. Môi trường công ty thì muôn hình vạn trạng, người này người kia nên thôi cứ lo tập trung làm tốt việc của mình là được rồi, vớ vẩn”.
“Đời mình mình sống, đừng bắt người khác phải sống giống mình, như thế vừa vô lý vừa kém sang lắm đấy bạn trai trẻ. Không thích thì đừng xem, chui vào nhóm này làm gì rồi nhận xét như mình là ‘mẹ thiên hạ’. Cứ làm như ta đây thông tuệ tài giỏi lắm, bằng ai, nói đi, bằng ai?”.
“Ngớ ngẩn nhỉ? Nói như bạn chắc cả cái facebook này toàn người sân si không ra gì chứ chẳng riêng gì hội nhóm này. Tên của cái nhóm là gì, nhìn thấy chưa? Là ‘tám chuyện công sở’ đấy, người ta ‘tám’ gì thì kệ người ta, không phải hội tu tiên làm giàu thánh nhân gì đó đâu, đi chỗ khác chơi”.
Thế đấy mọi người ạ, đụng chạm gì chứ đụng chạm tới sở thích của người khác thì hậu quả luôn là một trận ném đá tơi bời mà bản thân mình chính là mục tiêu. Dẫu biết “sân si” nơi công sở đôi khi là điều không tốt, nhưng cái không tốt này xuất hiện trên MXH vốn chẳng liên quan gì đến kỹ năng nghề nghiệp hay kiến thức chuyên môn hay số lương nhận được hàng tháng cả, cho nên bớt bớt cái thói “cà khịa” sưng sỉa thì tốt hơn cho mình!