Cả gan diễu võ dương oai trước người Mỹ, Hải quân TQ sẽ nếm "đòn sấm sét" từ trên không?

Hoài Giang | 05-05-2020 - 18:53 PM

(Tổ Quốc) - Washington có nhiều cách để đối phó với các hành động "diễu võ dương oai" của Bắc Kinh và các hành động đó chắc chắn sẽ bất ngờ cho đối thủ.

Rạng sáng ngày 5/5 (giờ Việt Nam) tờ Defense News đăng tải bài viết: "America must build bomber capacity to compete in the Pacific" (tạm dịch: Trước hiểm họa xung đột Thái Bình Dương, nước Mỹ cần tái xây dựng các phi đội ném bom tầm xa) của tác giả Harry Foster.

Trong bối cảnh Hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) gia tăng hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm đem lại cho độc giả một dự đoán về quá trình "tích tụ" của lực lượng Mỹ trong khu vực, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Trước động thái "diễu võ dương oai" của Trung Quốc, Mỹ cần làm gì?

Đại dịch Covid-19 ập đến như một "cơn sóng thần", và trong khi Washington đang tập trung vào nỗ lực dập dịch, Bắc Kinh đã nhìn ra một cơ hội để tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận hải quân với sự tham gia của tàu sân bay gần eo biển Đài Loan, biển Philippine và Biển Đông.

Cùng với việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải neo đậu tại đảo Guam do hàng nghìn ca nhiễm SARS-CoV-2, các hoạt động của PLAN được cho là tín hiệu "khoe khoang" sức mạnh hải quân mà Trung Quốc muốn gửi tới các quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ có nhiều cách để đối phó với các hành động "diễu võ dương oai" như trên và các hành động đó chắc chắn sẽ bất ngờ cho "đối thủ".

Cả gan diễu võ dương oai trước người Mỹ, Hải quân TQ sẽ nếm đòn sấm sét từ trên không? - Ảnh 1.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của PLAN trong một hoạt động vào năm 2016.

Ví dụ như việc các máy bay ném bom tầm xa xuất kích từ Australia cùng với tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường (SSGN) xuất hiện ở vùng lân cận Biển Đông cho thấy năng lực chống hạm của Mỹ - một tín hiệu cho các đối tác và cả đối phương rằng Mỹ có nhiều lựa chọn quân sự khác ngoài việc triển khai các cụm tác chiến tàu sân bay và máy bay chiến đấu.

Được đánh giá là bước khởi đầu sự tích tụ binh lực theo hướng này, Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ (AFGSC) đã bắt đầu thay đổi tổ chức của các "Nhóm đặc nhiệm ném bom - BTF".

BTF theo cấu trúc mới được hình dung là một nhóm từ 4 đến 5 máy bay ném bom và được cơ động một cách bất ngờ tới các căn cứ không quân tiền phương bất kỳ. Đối phương sẽ không thể đoán trước được các quyết định triển khai vào thời điểm nào hay tại đâu.

Sự "linh hoạt" này sẽ cho phép Mỹ có một lực lượng phản ứng toàn cầu với số lượng đáng kể chỉ trong vòng 48 giờ hoặc ít hơn. AFGSC đã thử nghiệm thay đổi này trong một số năm.gần đây nhất là việc họ cử các máy bay ném bom B-1B đến Nhật Bản trong một thời gian ngắn.

Kết hợp với các hoạt động tình báo, liên lạc và sự hỗ trợ của các đồng minh và đối tác, hoạt động triển khai này có thể là đã trở thành một kế hoạch chi tiết trong chiến lược cạnh tranh hiệu quả trong tương lai của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Tên lửa AGM-158 JASSM trang bị và khai hỏa từ B-1B Lancer trong một tình huống huấn luyện (Nguồn USA Military).

Các vấn đề Không quân Mỹ phải đối mặt khi thực hiện chiến thuật mới

Tuy nhiên, thay đổi nói trên cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề về quy mô không đủ lớn và thiếu độ tin cậy về khả năng thành công trong tác chiến.

Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng cần tính tới khả năng sẵn sàng chiến đấu đang giảm dần của các loại máy bay ném bom.

Dù chỉ chiếm 10% máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ, nhưng máy bay ném bom lại phải chịu "gánh nặng" trong việc chiếm tới phân nửa tổng công suất tải vũ khí của toàn bộ lực lượng này.

Vì có thể hoạt động ở khoảng cách lớn mà không cần phải tiếp nhiên liệu, các máy bay ném bom đã liên tục được triển khai tới Trung Đông và Thái Bình Dương trong hai thập kỷ.

Vì nhiều lý do, năng lực bảo trì máy bay ném bom của Không quân Mỹ được cho là đã lâm vào cảnh "thiếu thốn" trong nhiều năm, điều này dẫn đến việc loại máy bay hữu dụng nhất lại thuộc loại ít sẵn sàng chiến đấu nhất.

Cả gan diễu võ dương oai trước người Mỹ, Hải quân TQ sẽ nếm đòn sấm sét từ trên không? - Ảnh 3.

Cho tới khi B-21 ra đời, B-2, B-1B và B-52 vẫn là "xương sống" của các Nhóm đặc nhiệm ném bom (BTF).

AFGSC đã gây sức ép với Lầu Năm Góc để đưa các phi đội máy bay ném bom ở nước ngoài về các căn cứ trong nước thường xuyên hơn nhằm bảo trì - bảo dưỡng. Kết quả là mức độ sẵn sàng chiến đấu của máy bay ném bom tầm xa B-1 và B-2 đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, những chiếc B-52 của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDOPACOM) sẽ cần thêm nhiều thời gian bảo trì - bảo dưỡng để thấy được sự cải thiện trong việc sẵn sàng chiến đấu của chúng.

Nhưng chỉ riêng việc bảo trì - bảo dưỡng có thể sẽ là không đủ để làm cho chiến thuật cơ động các BTF trở nên đáng tin cậy.

Không quân Mỹ cũng cần tăng công suất tải vũ khí của máy bay ném bom (bổ sung máy bay ném bom) trong khi giảm đầu tư vào mô hình các lực lượng ném bom viễn chinh hỗn hợp phụ thuộc vào máy bay chiến đấu và các căn cứ tiền phương khổng lồ nay đã lỗi thời.

Dự kiến Mỹ sẽ chỉ còn 140 máy bay ném bom những năm 2020 - quá ít để đáp ứng nhu cầu chiến đấu trong một cuộc xung đột hạt nhân hoặc vũ khí thông thường với một cường quốc.

Không quân Mỹ đang chế tạo máy bay ném bom B-21 với số lượng dự kiến sản xuất hàng loạt ít nhất là 100 chiếc. Tuy nhiên việc tốc độ sản xuất, phạm vi hoạt động hoặc tải trọng của B-21 không được tiết lộ cho thấy chúng có thể sẽ mang theo ít vũ khí hơn so với những "chú ngựa thồ" B-2, B-1B và B-52.

Hơn thế nữa, do những hạn chế trong ngân sách, sự xuất hiện của B-21 sẽ đồng nghĩa với việc cho những chiếc B-21 vốn vẫn còn năng lực chiến đấu cao "nghỉ hưu" - theo các quan chức Không quân Mỹ.

Tồi tệ hơn, nếu điều này xảy ra cùng với việc những tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường (SSGN) của Hải quân Mỹ đã tới lúc phải loại biên, những cuộc đụng độ trên biển diễn ra vào những năm 2030 sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Cả gan diễu võ dương oai trước người Mỹ, Hải quân TQ sẽ nếm đòn sấm sét từ trên không? - Ảnh 5.

Theo các quan chức Hải quân Mỹ, việc loại biên chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường (SSGN) thuộc lớp Ohio đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2029.

Đối mặt với "tương lai đen tối" nói trên cũng điều cần thiết Không quân Mỹ cân bằng lại các phi đội máy bay tầm xa hơn và tải trọng lớn hơn trong cuộc cạnh tranh ở Tây Thái Bình Dương.

Và để làm như vậy, họ sẽ phải giữ lại và hiện đại hóa càng nhiều càng tốt máy bay ném bom, cũng như tăng tốc sản xuất B-21.

Sau khi thực hiện điều nói trên một cách hiệu quả, Không quân Mỹ cần tập trung vào nỗ lực mở rộng tính linh hoạt và các căn cứ tiền phương phục vụ cho phương thức tác tiến mới, thay đổi việc tối ưu hóa vũ khí cho máy bay ném bom hơn là máy bay chiến đấu phản lực.

Để bù đắp một phần chi phí khổng lồ cho các thay đổi mang tính bước ngoặt nói trên, Không quân Mỹ nên theo đuổi việc tăng cường bán máy bay cho nước ngoài ví dụ như B-21 cho các đồng minh đáng tin cậy như Australia hoặc Anh.

Tuy nhiên, để tập trung vào khả năng tấn công tầm xa, Không quân Mỹ và Lầu Năm Góc sẽ cần tới nguồn ngân sách rút ra từ việc giảm quy mô của các lực lượng chiến đấu khác, điều đã được chứng minh là "không thể bàn cãi".

Những chiếc B-21 "Raider" sẽ có thiết kế và tải trọng tương tự như B-2 "Spirit" đang được sử dụng trong không quân Mỹ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM