Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) đã đưa ra những nhận định đáng chú ý về kinh tế cũng như TTCK trong tháng 8.
Kinh tế có dấu hiệu chững lại, khó khăn trong những tháng cuối năm khi dịch bệnh trở lại
Sau khi hồi phục vào tháng 5 và tăng tốc trong tháng 6, các động lực kinh tế có dấu hiệu chững trong tháng 7. Theo đó (1) Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,6% so với tháng 4 và tăng 1,1% cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất nhiều năm; (2) Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 3,3% so với tháng 6, tính chung 7 tháng giảm 0,4% so cùng kỳ; (3) Tổng kim ngạch XNK tháng 7 giảm 1,3% so cùng kỳ; (4) 7 tháng, Vốn FDI giảm 6,9% so cùng kỳ; (5) Chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,4% tháng trước, và tăng 4,07% bình quân 7 tháng so cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa và quốc tế qua đó làm chậm đà hồi phục trong lĩnh vực sản xuất.
Một vài điểm sáng vẫn được ghi nhận trong tháng 7 gồm: (1) Số doanh nghiệp mở mới tháng 7 giảm 3,8% số lượng và tăng 72% về vốn đăng ký. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng 17,6%; (2) Vốn thực hiện ngân sách nhà nước tăng tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 5 năm, tính gộp 7 tháng mức giải ngân đạt 42,7% kế hoạch và tăng 27% so cùng kỳ.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các đối tác thương mại chủ chốt và đã quay trở lại cộng đồng tại Việt Nam sau hơn 3 tháng, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt sẽ có xáo trộn qua đó kìm hãm đà hồi phục tăng trưởng nền kinh tế. Khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế đang yếu còn có thể bị co hẹp khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được tăng cường. BSC cho rằng giải ngân đầu tư công sẽ là tâm điểm 6 tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
KQKD quý 2 không quá tiêu cực, hỗ trợ thị trường hình thành mặt bằng giá cao hơn đáy trước
Tính đến 31/7 đã có 615 công ty, chiếm tỷ lệ 81% trên 2 sàn Hose và HNX, đã công bố KQKD quý 2. Tổng lợi nhuận sau thuế các công ty đạt 54.622 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2019. Trong nhóm VN30, 26/30 công ty nhóm đã công bố KQKD quý 2 với mức giảm -2% LNST.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng chiếm hơn 1/2 trong số 10 công ty có tăng trưởng lợi nhuận tuyệt đối tốt nhất. BSC cho rằng bức tranh lợi nhuận quý 2 không quá tiêu cực so với dự báo trước đó nhờ sự tăng trưởng ấn tượng từ nhóm Ngân hàng.
Với mức giảm giá của thị trường trong ngắn hạn, P/E và P/B của VN-Index đang ở mức lần lượt 13,1 và 1,8, thấp hơn lần lượt 13% và 21% so với đầu năm. Chỉ số P/E VN-Index cũng thấp hơn 9% so với mức bình quân 14,5 trong 5 năm gần nhất. Xét tương quan với P/E các thị trường theo chỉ số MSCI, P/E VN-Index cao hơn 7% so thị trường khu vực cận biên, và thấp hơn 28% và 49% so với thị trường mới nổi và thị trường phát triển.
BSC đánh giá với mức P/E hiện tại, cũng như KQKD quý 2 của các doanh nghiệp mới cập nhật, thị trường có cơ sở hình thành mặt bằng giá cao hơn so với đợt sụt giảm trong quý 1.
Cũng theo BSC, KQKD quý 2 của các công ty niêm yết không tiêu cực giúp cho cho P/E của VN-Index và nhiều cổ phiếu ở mức hợp lý sau đợt sụt giảm cuối tháng 7. Điều này sẽ là lực đỡ của thị trường trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên dịch bệnh quay trở lại trong cộng đồng và chưa thể kiểm soát là thông tin tiêu cực kinh tế vĩ mô nói chung và TTCK nói riêng. Vận động của thị trường chứng khoán sẽ biến động khó lường, phức tạp và phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm dịch bệnh của Việt Nam.
Dù vậy, BSC cho rằng với yếu tố cơ bản hiện tại, thị trường sẽ sớm ổn định với mặt bằng giá cao hơn so với đợt giảm sâu do ảnh hưởng từ Covid-19 trong quý 1. VN-Index dự báo sẽ vận động với vùng giá trọng tâm từ 750 – 825 điểm trong tháng 8.