Bài học lịch sử đắt giá: Từ Hàn đến Mỹ, từ Chung Ju Yung đến Bill Gates và thung lũng Silicon

Thu Hường | 13-05-2021 - 21:11 PM

(Tổ Quốc) - Sự dấn thân, xả thân của giới doanh nhân để làm giàu cho quốc gia và phụng sự toàn nhân loại chính là chìa khóa giúp những nước như Mỹ hay Hàn Quốc... tạo lập và giữ vững vị thế mà họ xứng đáng có được.

LTS: Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm của lịch sử, rất nhiều nền văn minh rực rỡ nhất đã ra đời rồi tàn lụi, nối tiếp là những đế chế từng hùng mạnh rồi suy vong, kế tiếp đến là những đế quốc thay nhau xâm chiếm thuộc địa khắp địa cầu, những cường quốc không ngừng gia tăng vùng ảnh hưởng...

Di sản của họ cho đến ngày nay có thể là những công trình vĩ đại đứng vững qua hàng nghìn năm, những lâu đài thành quách không còn nguyên vẹn phủ bụi thời gian, các cổ vật hoặc châu báu bạc vàng trong hằng hà sa số các lăng mộ... Nhưng có lẽ, quý giá nhất, lại chính là những thứ vô hình - những bài học thành công và thất bại để cho các dân tộc khác "soi gương". Còn với mỗi người, đây cũng là những bài học quý báu để ứng dụng vào cuộc sống của mình, để xây dựng cuộc sống cá nhân thành công hạnh phúc, góp phần kiến tạo đất nước phồn vinh, thế giới hòa bình.

Đó là lý do chúng tôi đăng tải tuyến "Bài học lịch sử: Bí quyết thành công của các dân tộc dẫn dắt trong lịch sử nhân loại" bên dưới đây. Mời quý vị cùng đón đọc.

Bài 1: Bài học lịch sử 'đắt giá': Nước Anh bền bỉ và khát vọng Đại Hàn

Bài 2: Bài học lịch sử 'đắt giá': Nhắc đến 2 dân tộc này, thế giới luôn nghiêng mình kính nể

Bài 3: Bài học lịch sử 'đắt giá': Vì sao đây lại là điều muôn đời không cũ của Nhật Bản và Israel?

Bài 4: Bài học lịch sử đắt giá: Đánh thức nguyên khí quốc gia kiểu 'giấc mơ' Mỹ và 'đại dương xanh' Dubai

BÀI HỌC SỐ 5: PHI THƯƠNG BẤT PHÚ VÀ TINH THẦN PHỤNG SỰ CỦA CÁC DOANH NHÂN

Trong thời đại ngày nay, mỗi dân tộc - quốc gia muốn phát triển không thể không có lực lượng nòng cốt là tầng lớp doanh nhân. Chính tinh thần phụng sự, kiến quốc của mỗi công dân - đặc biệt là tầng lớp doanh nhân sẽ quyết định sự hưng thịnh của quốc gia đó. Vì bản chất của kinh tế là kinh bang tế thế (trị nước - giúp đời).  

Vì vậy, TINH THẦN PHỤNG SỰ, KIẾN QUỐC cũng là một bài học lịch sử đắt giá, mộtcông thức bất biến làm nên thành công. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu tinh thần phụng sự của những doanh nhân tầm vóc bậc nhất ở Hàn Quốc và Mỹ, để thấy sự thành công của hai quốc gia này không thể thiếu những người làm doanh nghiệp có khát vọng lớn.

CHUNG JU YUNG VÀ THẾ HỆ DOANH NHÂN TẠO NÊN KỲ TÍCH SÔNG HÀN

Nói về vai trò của Chung Ju Yung đối với nền kinh tế Hàn Quốc, The New York Times từng viết: "Hơn bất kỳ người Hàn Quốc nào, ông Chung là biểu tượng cho "phép màu" của một đất nước đi lên, phát triển vượt bậc từ đống tro tàn của cuộc nội chiến". Xuất thân là con trai trưởng trong gia đình 3 đời bần nông ở vùng quê nghèo cùng cực, Chung Ju Yung đã vươn lên vị trí Chủ tịch Tập đoàn đa quốc gia Hyundai, đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế Hàn Quốc những thập niên sau Thế chiến thứ 2. 

Bài học lịch sử đắt giá: Từ Hàn đến Mỹ, từ Chung Ju Yung đến Bill Gates và thung lũng Silicon - Ảnh 2.

Có rất nhiều điều đáng nể ở vị doanh nhân này: sự chăm chỉ; tinh thần lạc quan; sáng tạo; giữ chữ tín... Nhưng cội nguồn sâu xa nhất của tất cả phẩm tính cao quý ấy, chính là bắt đầu từ TINH THẦN PHỤNG SỰ. Bởi vì đích đáng nhất trong cuộc đời Chung Ju Yung không phải là tiền bạc hay danh tiếng. Sinh thời, ông có một câu nói nổi tiếng: "Tôi làm việc không mệt mỏi vì yêu thích công việc chứ không phải vì muốn mở rộng tài sản hay trở thành người giàu có nhất đất nước Hàn Quốc này".

Một trong những điển hình về tinh thần phụng sự, kiến quốc của Chung Ju Yung là câu chuyện về việc Hyundai góp công lớn xây nên đường cao tốc Seoul-Busan - công trình công cộng lớn nhất trong lịch sử toàn bán đảo Triều Tiên kể từ 5.000 năm lập quốc. 

Vì muốn chứng minh cho người dân Hàn Quốc thấy là họ có đủ khả năng để xây dựng và sáng tạo lớn, Tổng thống Park Chung Hee một mực tận dụng triệt để sức mạnh nội lực mà không "mượn sức" ở bên ngoài từ nguồn vốn tới nhân lực thi công. Tổng kinh phí dành cho đại công trình này là 53 tỷ won. Trên thế giới, chưa từng có công trình nào gian khó lại có mức kinh phí thấp đến thế. Ngay cả một nền kinh tế lớn trong khu vực, đi trước Hàn Quốc cả trăm năm lúc đó là Nhật Bản cũng chưa thể làm được.

Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới còn nhận định, con đường này rất có thể sẽ dẫn cả đất nước Hàn Quốc đi tới chỗ phá sản, hoặc người dân sẽ khánh kiệt vì phải "è cổ" trả nợ cho chi phí xây dựng và bảo trì quá lớn.

Bài học lịch sử đắt giá: Từ Hàn đến Mỹ, từ Chung Ju Yung đến Bill Gates và thung lũng Silicon - Ảnh 3.

Một phần xa lộ Seoul-Busan nhìn từ trên cao. Ban đầu, việc xây dựng xa lộ 4 làn xe chạy, xuyên qua những rặng núi với địa thế kinh hoàng bị Quốc hội Hàn Quốc thẳng tay bác bỏ.

Dù biết rõ tình hình, Chung Ju Yung vẫn quyết định sẽ đảm trách thi công đại công trình này để phụng sự và báo ơn cho điểm tựa Tổ quốc. Ông chia nhỏ dự án và giao lại cho 16 công ty khác. Các công ty này đảm nhận 295km, còn lại 133 km (khoảng 45% dự án), trong đó có 5km đường hầm xuyên núi khó nhất do Huyndai tự thi công. 

Ngày 27/6/1970 sau hơn 3 năm kể từ khi khởi công, Tổng thống Park đã tự hào tuyên bố rằng: "Bằng tài nguyên, kỹ thuật và sức người của Hàn Quốc, chúng ta đã xây dựng thành công con đường cao tốc với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất trong lịch sử xây dựng đường cao tốc thế giới". 

Tại sao lại có sự kỳ diệu ấy? Có lẽ vì người Hàn Quốc từ lâu đã hiểu rằng, phụng sự và báo ơn cho Tổ quốc là trách nhiệm vinh quang nhất. Chính những người lính công binh khi xây dựng con đường này đã thậm chí làm lễ tuyên thệ rằng: “Nguyện hiến thân cho sự thịnh vượng của tổ quốc cùng hạnh phúc của đồng bào, và sẽ chịu bất cứ hình phạt gì nếu không làm tròn nhiệm vụ”. (Michael Keon, Korea Phoenix: A Nation from the Ashes, Englewood Cliffs: Prentice – Hall International, 1977, trang 78, 79).

Bài học lịch sử đắt giá: Từ Hàn đến Mỹ, từ Chung Ju Yung đến Bill Gates và thung lũng Silicon - Ảnh 4.

Ông Park Chung Hee đích thân chỉ đạo xây dựng xa lộ Seoul – Busan. Ảnh: JoongAng Ilbo

Không thể phủ nhận, "kỳ tích sông Hàn" có sự góp công lớn của Tổng thống Park Chung Hee. Mục tiêu xuyên suốt của ông là thực hiện xuất khẩu, dựa vào nguồn lực đi vay để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, trong đó ưu tiên vốn cho những công ty được chọn. Khởi đầu là Hyundai, SamSung, LG... Các công ty này dần trở thành công cụ phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Người ta thường nói, khi ông Park tạo bản vẽ, thì chaebol chính là người thực hiện.

Dưới vỏ bọc "tư bản có định hướng", chính quyền của ông Park không chỉ "tuồn" vốn và cấp dự án cho một số ít các chaebol, mà còn dám đưa ra cam kết sẽ bồi thường cho các chủ đầu tư nước ngoài nếu các tập đoàn này không thể trả nợ. Sự liều lĩnh đem cược cả uy tín quốc gia trên thị trường vốn quốc tế đã mở "đường máu" cho các chaebol Hàn phát triển.

Nhưng cũng vì nổi tiếng là "nhà cầm quyền độc tài", nên tất cả những "gã khổng lồ" luôn phải thực hiện theo định hướng chiến lược của Chính phủ. Điển hình như việc chính ông Park đã mở đường cho SamSung phát triển, trực tiếp cạnh tranh với nhà thông gia là tập đoàn LG, nhưng cũng chính ông Park lại là người tịch thu không ít tài sản của SamSung và nhà sáng lập Lee Byung-chul vì muốn hướng doanh nghiệp này đi đúng con đường phát triển công nghiệp nặng mà Chính phủ đã vạch ra.

Bài học lịch sử đắt giá: Từ Hàn đến Mỹ, từ Chung Ju Yung đến Bill Gates và thung lũng Silicon - Ảnh 5.

Nhóm Big4 ở Hàn Quốc hiện nay.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 3 và thứ 4, ngay khi nắm được tinh thần của ông Park muốn xây dựng ngành công nghiệp nặng, các chaebol đã không ngại dấn thân vào thị trường đóng tàu và ôtô toàn cầu. Những năm 1960, Hàn Quốc vẫn còn tập trung vào xuất khẩu may mặc thì từ giữa thập niên 1980, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất và quốc phòng đã trở thành chủ lực. 

Nhờ có những "bộ óc lớn" của các nhà tài phiệt: Lee Byung Chul, Koo In-hwoi, Chung Ju Yung, Kim Woo-jung, Chey Jong-kun đã giúp Hàn Quốc trở thành một trong bốn "con rồng" kinh tế châu Á vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Ngày nay, tập đoàn Hyundai Kia Automotive Group đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất ôtô. Bên cạnh đó, hai nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc là Samsung Electronics và Hynix (SK) cũng chiếm gần 50% thị trường toàn cầu. Bộ Tứ (big4) gồm: Hyundai, SamSung, SK, LG... đã trở thành trụ cột của kinh tế Hàn Quốc, giúp đất nước này có GDP đứng thứ 13 thế giới (số liệu World Bank 2015).

BILL GATES VÀ THẾ HỆ DOANH NHÂN MỸ TẠO NÊN THUNG LŨNG SILICON

Ngày nay, những "quyền lực kinh tế" lớn toàn cầu như Microsoft, Google, Apple... đã trở thành tổ chức quá lớn đến nỗi lợi nhuận của họ lấn át cả nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn Microsoft (Tập đoàn do Bill Gates sáng lập) sẽ đứng ở vị trí 65 trên thế giới tính theo GDP nếu công ty này là một quốc gia độc lập. Facebook ở vị trí 90, Apple đứng 47 (vượt trên cả Bồ Đào Nha, theo số liệu năm 2017, GDP của Bồ Đào Nha năm 2016 là 205 tỷ USD, trong khi doanh thu của Apple cùng năm đạt 229 tỷ USD).

Và người đứng đầu các "gã khổng lồ" về công nghệ này: Bill Gates, Mark Elliot Zuckerberg, Elon Musk, Jeff Bezos, Tim Cook... chính là những nhân vật có sức ảnh hưởng rất lớn đến cục diện kinh tế toàn thế giới.

Tinh thần phụng sự nhân loại của Bill Gates

Bill Gates hiện đang là một trong những tỷ phú chi nhiều tiền nhất trên thế giới cho công tác thiện nguyện.

Từ năm 2008, ông đã nhường lại vai trò quản lý Microsoft cho người khác. Vị tỷ phú này dành hầu hết thời gian cho việc giúp đỡ cộng đồng. Ông và vợ cũ của mình đều tâm niệm, sứ mệnh của họ là "phải làm gì đó một cách thực tế để giúp nhiều người dân nghèo khổ". 

Bài học lịch sử đắt giá: Từ Hàn đến Mỹ, từ Chung Ju Yung đến Bill Gates và thung lũng Silicon - Ảnh 7.

Bill Gates tuyên bố sẽ hiến tặng 95% tài sản cho những người nghèo khó trên khắp toàn cầu. Ông tin rằng, quá nhiều tiền để lại cho con sẽ khiến chúng mất đi động lực làm việc và phụng sự cho Tổ quốc

Quỹ Bill and Melinda Gates hiện được xem là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới với nguồn vốn lên tới hơn 40 tỷ USD. Ngoài ra, Bill Gates cùng với Warren Buffett còn sáng lập ra Tổ chức The Giving Pledge với mục đích kêu gọi các tỷ phú quyên góp ít nhất một nửa tài sản làm từ thiện.

Các dự án tiêu biểu của quỹ từ thiện do Bill Gates sáng lập bao gồm: nỗ lực loại trừ bệnh bại liệt, sốt rét, sản xuất vắc-xin điều trị HIV, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở nước nghèo. 43 triệu trẻ em thuộc thế giới thứ 3 đã được chích ngừa bệnh viêm gan siêu vi B. Các chiến dịch tiêm chủng bền bỉ suốt 20 năm ước tính đã cứu sống được 13 triệu trẻ em trên toàn thế giới.

Trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay, Bill Gates đã tài trợ hàng tỷ đô la cho việc nghiên cứu, phát triển và cam kết phân phối vắc-xin tới những nước nghèo nhất trên thế giới. Những đóng góp lớn lao của Bill Gates đã khiến ông trở thành điển hình lớn trên toàn cầu về tấm lòng từ bi, tinh thần bác ái muốn giúp đỡ người dân vì mục đích toàn cầu.

Thế hệ doanh nhân làm nên Thung lũng Silicon 

Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện đang là mảnh đất hấp dẫn nhất đối với những nhà khởi nghiệp ở khắp hành tinh. Các startup sẽ tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng của loài người, và giải quyết bài toán đó bằng công nghệ. Với mục đích từ "vườn ươm" Silicon đi ra toàn thế giới, bài toán và mô hình họ đặt ra phải có khả năng nhân rộng ở những quốc gia khác ngoài Mỹ.

Hành trình từ khi công ty ở vạch số 0, đến lúc có thể IPO hoặc đạt dấu mốc "kỳ lân" (giá trị tỷ đô) rất dài, nhiều gian khổ và không dành cho founder có khát vọng nhỏ. Giống như Mark Zuckerberg - CEO của Facebook từng nói: "Với tôi, sứ mệnh của một công ty không đơn giản chỉ có doanh thu và lợi nhuận, chúng tôi muốn thay đổi cả thế giới".

Bài học lịch sử đắt giá: Từ Hàn đến Mỹ, từ Chung Ju Yung đến Bill Gates và thung lũng Silicon - Ảnh 9.

Facebook giờ đây đang len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống, trở thành "hơi thở" của hàng tỷ người trên toàn cầu. Hơn 20 năm trước, khi Mark khởi nghiệp với mạng xã hội này từ lúc còn là sinh viên Đh Harvard thì nhiều người đã nghĩ đó hẳn chỉ là trò trẻ con. Nhưng ngày nay, Facebook không chỉ tồn tại như một công cụ giải trí, nó chính xác đã trở thành nơi có sức nặng cả về kinh tế, chính trị và tinh thần của loài người.

Dù vậy, đích cuối cùng của Mark vẫn không chỉ có thế. Năm 2015, khi đón con đầu lòng chào đời, vợ chồng Mark đã cam kết sẽ cho đi 99% cổ phiếu đang sở hữu tại Tập đoàn Facebook. Số tiền này sẽ được chuyển vào quỹ "Sáng kiến Chan Zuckerberg" với mục tiêu giúp "nâng cao tiềm năng của con người và thúc đẩy sự bình đẳng đối với tất cả trẻ em trong thế hệ tiếp theo".

Nói về tiền bạc, Larry Page - Đồng sáng lập Google và CEO của Alphabet cũng từng nói: "Nếu mục đích của chúng tôi chỉ là tiền thì có lẽ Google đã bị bán từ nhiều năm trước và bây giờ chúng tôi đang đi nghỉ ở bãi biển".

Bài học lịch sử đắt giá: Từ Hàn đến Mỹ, từ Chung Ju Yung đến Bill Gates và thung lũng Silicon - Ảnh 10.

Điều này cũng tương tự với suy nghĩ của Elon Musk (nhà sáng lập Tesla và SpaceX). Là người giàu có số 1 thế giới hiện nay, điều Musk quan tâm là: "Tôi rất mong muốn nhân loại đi xa hơn Địa Cầu này, cho người lên sao Hỏa, có căn cứ trên Mặt Trăng, và bay thường xuyên lên quỹ đạo".

Đó là lý do phần lớn tiền bạc ông có sẽ được chi vào dự án xây dựng căn cứ cho người đổ bộ xuống sao Hỏa. Giống như Bill Gates, ông coi việc khi chết mà để lại tiền tỷ trong nhà băng là một sự thất bại. Với vị tỷ phú này, không thể chết trong giàu có gần như đã trở thành phương châm sống. 

Sự dấn thân, dám hy sinh mồ hôi, nước mắt và máu để làm giàu không chỉ cho bản thân, mà còn cho quốc gia, dân tộc và phụng sự toàn nhân loại chính là chìa khóa giúp Mỹ hay Hàn Quốc giữ vững vị thế mà mình xứng đáng có được. Chắc chắn, nếu không có những người doanh nhân dám lăn xả như thế, thì một quốc gia không thể nào giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

* Còn tiếp...

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM