Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ trong giờ làm việc, có thể bạn sẽ tự hỏi làm thế nào để cải thiện mức năng lượng của mình. Uống cà phê có thể là một cách, nhưng không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Theo các bác sĩ, có một số thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng của bạn. Dưới đây là những thói quen xấu có thể đang làm hao mòn năng lượng của bạn và những việc nên làm để thay thế các thói quen này.
Hai thói quen vắt kiệt năng lượng nhiều nhất
Thói quen tồi tệ nhất đối với năng lượng là ăn bữa tối quá no và quá muộn, theo tiến sĩ Mary Valvano, một bác sĩ làm việc tại Mỹ.
Bác sĩ Valvano phân tích: "Câu ngạn ngữ 'ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một người ăn xin' thực sự dựa trên sinh học. Các tế bào trong cơ thể chúng ta chuyển hóa thức ăn khác nhau tùy vào thời gian trong ngày. Ăn cùng một lượng thức ăn trong bữa sáng và bữa tối có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng năng lượng của cơ thể".
Theo nữ chuyên gia, ăn bữa tối muộn - đặc biệt là rất muộn - có thể "tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu và giảm khả năng nhận năng lượng tối ưu từ các bữa ăn của ngày hôm sau".
Lý do là bữa ăn quá no vào ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ. Theo Valvano, những bữa ăn no vào đêm muộn sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Điều đó làm cho việc ngủ ngon trở nên khó khăn hơn.
Một chuyên gia khác là tiến sĩ Ruvini Wijetilaka, một bác sĩ nội khoa tại Mỹ, nói rằng ngủ không đủ giấc - đặc biệt là ngủ sâu không đủ - chắc chắn sẽ làm cạn kiệt năng lượng của bạn.
Với một số người, thức đêm là một thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, rõ ràng đây là một thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến sự tỉnh táo và năng lượng của bạn vào ngày hôm sau.
Vì vậy, nếu bạn có thói quen ăn một bữa tối ‘thịnh soạn’ và không ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm (theo thời gian được khuyến nghị), thì hãy từ bỏ hai thói quen đó ngay bây giờ, chuyên gia khuyến cáo.
Ba thói quen khác khiến cơ thể cạn kiệt năng lượng
Giờ bạn đã biết mình cần tránh ăn tối quá no, quá muộn và cần ngủ đủ giấc. Nhưng liệu còn thói quen nào khác có thể làm cạn kiệt mức năng lượng không?
Nếu bạn là người thường xuyên uống nước tăng lực, hãy từ bỏ thói quen này. Theo các chuyên gia, nước tăng lực có thể đang làm bạn cạn kiệt năng lượng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nước tăng lực có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của tim và não, gây viêm nhiễm, tăng huyết áp…
Tuy nhiên, các loại đồ uống có chứa caffeine khác có thể giúp cải thiện mức năng lượng. Bác sĩ Valvano cho biết: "Tiêu thụ caffeine từ các đồ uống như trà, đặc biệt là trà xanh hoặc trà lên men, có thể giúp cải thiện mức năng lượng bằng cách hỗ trợ ty thể, thứ chịu trách nhiệm sản xuất năng lượng trong tế bào của chúng ta".
Và nếu bạn ít vận động, ăn một chế độ ăn nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn, điều đó chắc chắn có thể góp phần làm giảm mức năng lượng.
Tiến sĩ Danielle Kelvas, một bác sĩ làm việc tại Tennessee, Mỹ, cho biết: "Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện mức năng lượng bằng cách tăng lưu lượng máu và oxy đến não và cơ bắp. Hãy đặt mục tiêu tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội."
Đối với chế độ ăn, "một chế độ ăn giàu thực phẩm toàn phần, chưa qua chế biến, có thể giúp cung cấp năng lượng bền vững suốt cả ngày", Kelvas nói. "Hãy ăn nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Tránh tiêu thụ quá nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn vì những thứ này có thể tác động xấu đến năng lượng".
Ngoài ba thói quen trên, căng thẳng mãn tính cũng có thể khiến năng lượng giảm sút vì mệt mỏi là tác dụng phụ của căng thẳng. Kelvas gợi ý: "Thực hành các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng như thiền, hít thở sâu hoặc yoga để giúp giảm mức độ căng thẳng và cải thiện năng lượng".
Làm gì để cải thiện mức năng lượng?
Ngoài các mẹo trên, bạn có thể áp dụng các bí quyết dưới đây để cải thiện mức năng lượng của mình. Dưới đây là tư vấn cách cải thiện mức năng lượng được đăng tải trên Harvard Health Publishing - website của Trường Y Harvard.
1. Giảm tải công việc
Một trong những lý do chính dẫn đến mệt mỏi là làm việc quá sức. Làm việc ở đây có thể bao gồm các nhiệm vụ tại nơi làm việc, việc nhà và các nghĩa vụ xã hội khác. Cố gắng tối ưu hóa danh sách việc cần làm của bạn. Xếp thứ tự ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng nhất. Giảm bớt những thứ ít quan trọng hơn. Cân nhắc yêu cầu trợ giúp tại nơi làm việc hoặc tại nhà nếu cần.
2. Tránh hút thuốc
Bạn biết hút thuốc có hại cho sức khỏe. Nhưng bạn có thể không biết rằng hút thuốc thực sự hút hết năng lượng bằng cách gây ra chứng mất ngủ. Chất nicotin trong thuốc lá là chất kích thích nên nó làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và kích thích hoạt động của sóng não liên quan đến sự tỉnh táo, khiến bạn khó ngủ hơn. Và một khi bạn chìm vào giấc ngủ, nicotin có thể tác động và đánh thức bạn với cảm giác thèm hút thuốc.
3. Hạn chế rượu bia
Một trong những biện pháp phòng ngừa mệt mỏi tốt nhất là tránh uống rượu bia vào bữa trưa. Tác dụng an thần của rượu đặc biệt mạnh vào giữa trưa. Tương tự, tránh uống cocktail lúc 5 giờ chiều nếu bạn muốn có năng lượng vào buổi tối. Nếu bạn định uống rượu, hãy uống có chừng mực vào thời điểm bạn không ngại bị cạn kiệt năng lượng.
4. Uống nước
Đâu là thứ đã được chứng minh là giúp tăng cường hiệu suất cho tất cả các hoạt động đòi hỏi sức bền? Không phải đồ uống thể thao đắt tiền, câu trả lời là nước. Nếu cơ thể bạn thiếu chất lỏng, một trong những dấu hiệu đầu tiên là cảm giác mệt mỏi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Theo Harvard Health Publishing, nếu bạn thỉnh thoảng bị mệt mỏi thì điều này có lẽ không đáng lo ngại và có thể được khắc phục bằng một số điều chỉnh đơn giản. Nhưng nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài hơn một hoặc hai tuần, có lẽ bạn nên đi khám. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn có các triệu chứng khác như sốt, chán ăn hoặc khó thở.
Bác sĩ Kelvas giải thích: "Mệt mỏi, uể oải có thể liên quan đến nhiều bệnh, chẳng hạn như nhiễm trùng, suy giáp, cường giáp và rối loạn giấc ngủ. Các yếu tố lối sống như thiếu hoạt động thể chất, dinh dưỡng kém và căng thẳng cũng có thể góp phần làm giảm mức năng lượng. Nếu bạn bị mệt mỏi kéo dài, có thể nên nói chuyện với bác sĩ".
(Nguồn: HuffPost, Harvard Health Publishing)