Bên cạnh những điều tích cực mà bóng đá quốc tế đem lại cho người hâm mộ trong năm vừa qua, là sự tương phản đáng buồn đến từ nhiều vấn đề nhức nhối khác như bê bối tình dục, chia rẽ nội bộ, dàn xếp chuyển nhượng... Đây là thời điểm để nhìn lại các vụ scandal nổi bật nhất trong năm 2021.
1. Super League và "Loạn 12 sứ quân"
Đầu tháng 4/2021, hàng loạt các ông lớn của bóng đá châu Âu bao gồm những cái tên sừng sỏ như Real Madrid, Juventus, Manchester United, Barcelona... bất ngờ đòi "nghỉ chơi" với UEFA, tách ra lập giải đấu riêng có tên gọi European Super League.
12 CLB "có tiếng nói" ở lục địa già đã manh nha ý tưởng thành lập một giải đấu riêng ngay sau khi UEFA tuyên bố sẽ nâng số đội tham dự Champions League từ 32 lên 36 trong tương lai. Tổng giá trị giải đấu này lên tới 6 tỷ USD. Đó là con số khổng lồ giúp các đội bóng duy trì nguồn tài chính ổn định qua từng mùa giải nếu tham gia.
Chỉ sau một đêm, "màn đảo chính" do chủ tịch Real Madrid, ông Florentino Perez khởi xướng nhận được sự chú ý lớn của giới truyền thông khiến FIFA và UEFA vô cùng tức giận và tuyên bố sẽ trừng phạt thật nặng những đội có liên quan.
Tuy nhiên, dự án Super League sớm chết yểu và bây giờ chỉ còn lại 3 CLB vẫn cố gắng theo đuổi là Real Madrid, Barcelona và Juventus. Trước đó, 9 CLB gồm Man City, Manchester United, Chelsea, Liverpool, Tottenham, Arsenal, Inter Milan, AC Milan và Atletico Madrid "quay xe" vì vấp phải phản ứng dữ dội đến từ người hâm mộ, LĐBĐ trong nước và các tổ chức khác.
2. Cuộc khủng hoảng tài chính khiến Barcelona tức tưởi chia tay Messi
Tình hình tài chính tồi tệ của "Gã khổng lồ xứ Catalan" ở mùa giải năm nay khiến Lionel Messi và Barca phải chia tay nhau sau gần 20 năm gắn bó trong nước mắt. Dù ban đầu, ngôi sao sinh năm 1987 và đội chủ sân Camp Nou đã đồng ý những điều khoản trong bản hợp đồng mới. Tuy nhiên, nó lại khiến Barcelona phải phá vỡ các quy định trong Luật công bằng tài chính mà họ ký với La Liga từ mùa 2011/2012.
Giai đoạn Barcelona được "chèo lái" bởi cựu chủ tịch Jose Bartomeu khiến CLB khốn đốn về mặt tài chính. Theo tiết lộ, khoản lỗ sau mùa giải 2020/2021 lên đến 487 triệu euro. La Liga chỉ cho phép Barcelona chi trả tối đa 70% doanh thu cho tiền lương. Nếu Messi ở lại, quỹ lương sẽ phình to lên con số 110%.
Một phần lý do dẫn đến kết cục này là bởi, Barcelona không muốn chia 10% tiền bản quyền phát sóng cho các nhà đầu tư bên ngoài, thỏa thuận nằm trong một giao kèo giữa La Liga và Quỹ đầu tư CVC. CVC sẽ rót 2,7 tỉ euro cho La Liga, trong đó có 2,43 tỉ Euro sẽ chảy thẳng đến túi của 42 câu lạc bộ của Tây Ban Nha, giúp họ giải quyết những khó khăn về tài chính.
Barcelona sẽ nhận được 280 triệu euro. Số tiền này có thể giúp Barca ký HĐ mới với Messi. Tuy nhiên, "Los Blaugrana" nhất quyết từ chối.
3. Những vụ bê bối tình dục của sao Ngoại hạng Anh
Tiền bạc và danh tiếng khiến một vài cầu thủ đang chơi bóng ở Ngoại Hạng Anh"coi trời bằng vung" khi liên tiếp có nhiều vụ xâm hại tình dục bị cảnh sát Anh khui ra trong năm 2021. Benjamin Mendy (Manchester City) và Gylfi Sigurdsson (Everton) là 2 cái tên gần nhất "lên bảng đếm số" .
Đối với Benjamin Mendy, hậu vệ cánh trái người Pháp bị cáo buộc 4 tội danh hiếp dâm và 1 tội danh tấn công tình dục với 3 cô gái dưới 16 tuổi trong khoảng thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021. Sự nghiêm trọng của vụ việc khiến cảnh sát địa phương ra lệnh bắt khẩn cấp hậu vệ 27 tuổi để phục vụ công tác điều tra.
Còn về phần Sigurdsson, cầu thủ 31 tuổi người Iceland bị bắt vì tội lạm dụng tình dục trẻ em. Theo nhiều nguồn tin, ngôi sao đang khoác áo Everton đã nhắn tin gạ gẫm một cô bé dưới 18 tuổi và bị bắt cũng như khám nhà vào trung tuần tháng 7 năm nay.
Cảnh sát khu vực xác nhận Sigurdsson sẽ ngồi tù tới tháng 1/2022, thời điểm xét xử vụ án. Anh đã phải ngồi sau song sắt từ tháng 7. Như vậy, tổng thời gian cầu thủ này sẽ phải ngồi tù lên đến 6 tháng.
4. Juventus trước viễn cảnh bị đánh rớt hạng do bê bối tài chính
Bóng đen Serie B quay trở lại ám ảnh "Bà đầm già thành Turin" sau những vấn đề liên quan đến chuyển nhượng trong giai đoạn 2019/2021. Thậm chí, đội bóng này còn có thể bị tước ngôi vô địch mùa giải 2019/2020.
Cơ quan Thanh tra tài chính Ý cho biết, khoảng 42 vụ chuyển nhượng cầu thủ dính líu đến hai thương vụ mua bán Danilo và Joao Cancelo mùa hè 2019 hay đổi Miralem Pjanic lấy Arthur Melo của Barcelona năm 2020 được các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại cực kỳ gắt gao.
Nhà chức trách cũng yêu cầu làm rõ khoản thu lên đến 50 triệu euro trong vỏn vẹn 24 tháng, chủ yếu xoay quanh lợi nhuận từ các giao dịch và chi phí môi giới của Juventus. Cảnh sát đã tịch thu toàn bộ các giấy tờ pháp lý chuyển nhượng ngay tại trụ sở CLB thành Turin để phục vụ công tác điều tra.
Cơ quan chống độc quyền và Văn phòng Công tố Liên bang yêu cầu Juventus phải xuống hạng Serie B và thu hồi những chức vô địch quốc gia gần nhất mà họ giành được nhờ những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Nếu các cáo buộc trên trở thành hiện thực, đội bóng sọc trắng - đen sẽ có lần xuống hạng thứ hai sau vụ bê bối Calciopoli cách đây đúng 15 năm. Năm 2006, Juventus từng bị tước chức vô địch Serie A giành được trước đó ở mùa giải 2004-2005 và phải xuống hạng sau khi bị kết tội dàn xếp tỉ số.
5. UEFA bốc thăm "nhầm" vòng 1/8 UCL, phải bốc lại
Lần đầu tiên trong lịch sử, vòng 1/8 Champions League phải bốc thăm lại do sự cố "trục trặc kỹ thuật đến từ nhà cung cấp", theo lời giải thích đến từ Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).
Cụ thể, thời điểm bốc thăm chọn đội gặp Atletico Madrid, quả bóng có tên Manchester United đáng lẽ phải được đưa vào diện bốc thăm nhưng "vô tình" bị loại ra vì được xác định là đã có đối thủ từ trước đó. Kết quả là trái bóng chứa lá thăm của Manchester City được lựa chọn để đưa vào bát bốc thăm.
Một vài sai lầm khác có trong buổi lễ bao gồm bảng điện tử liệt kê đối thủ mà Atletico Madrid có thể gặp là Liverpool dù 2 đội đã đụng nhau ở vòng bảng. Hay tương tự như trường hợp Manchester United bốc trúng Villarreal. Trước đó, hai đội cũng nằm chung bảng ở vòng ngoài.