Khó chịu về thể chất, chẳng hạn như cảm lạnh, sẽ khiến cả người trở nên lười biếng, không muốn cử động, chân tay yếu ớt, dễ chóng mặt. Đây là những biểu hiện thường thấy khi cơ thể đang ở trạng thái áp lực cao, tập trung hết sức để chống lại vi trùng hoặc vi rút.
Trong trạng thái này, nhiều người không muốn tập thể dục mà chỉ dành thời gian nghỉ ngơi. Không ít người lại cho rằng, tiếp tục tập luyện sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bạn và giúp cơ thể sớm hồi phục hơn.
Vậy làm như thế nào mới là thích hợp nhất?
Đánh giá theo "Nguyên tắc cổ"
Richard E. Besser, biên tập viên y tế và sức khỏe chính của ABC News, từng làm việc tại CDC, khuyến nghị mọi người nên sử dụng "nguyên tắc cổ".
Nguyên tắc này như sau: Nếu các triệu chứng xuất hiện phía trên cổ, chẳng hạn như hắt hơi, đau mũi, nghẹt mũi và không sốt, bạn có thể hoạt động thể chất từ nhẹ đến trung bình. Cơ thể vẫn đủ sức để bạn tiến hành một buổi tập luyện tốt và đổ mồ hôi. Đôi khi, việc này còn giúp làm ấm cơ thể, hạn chế tình trạng sổ mũi và hắt hơi, giúp tình trạng bệnh thuyên giảm. Khoang mũi được thông thoáng, bớt nghẹt mũi thì cảm giác cũng dễ chịu hơn.
Còn nếu bạn có các triệu chứng "dưới cổ", chẳng hạn như tức ngực, ho hoặc đau bụng thì không nên tập thể dục.
Ngoài ra, nếu bạn bị sốt, mệt mỏi hoặc đau nhức cơ toàn thân thì chuyên gia cũng đề nghị bạn nên nghỉ ngơi, không ham tập luyện vào thời điểm này.
3 kiểu thể dục đừng nên tập nếu thể trạng đang bất ổn
Chạy đường dài
Trong khi đang ốm, mệt, chạy đường dài (chạy sức bền) là lựa chọn tệ nhất, đặc biệt là marathon. Việc phải tập quá lâu và cường độ quá cao sẽ gây tác dụng ngược lên sức khỏe.
Nếu cơ thể trong điều kiện khỏe mạnh, sự kích thích từ chạy bộ có thể giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, giúp chúng ta mạnh mẽ và khỏe khoắn hơn. Tuy nhiên, trong lúc bị cảm, hệ miễn dịch đã bị chịu một sự căng thẳng kéo dài. Việc tập luyện về sức bền hay tốc độ đều có thể khiến bạn bị chấn thương, vắt kiệt sức lực của cơ thể.
Như vậy, áp lực lên hệ miễn dịch là quá lớn, khó có thể hoàn thành chức năng của mình. Dù bạn tập luyện nhiều hơn nhưng điều đó chỉ làm bạn ốm yếu hơn thôi. Do đó, nếu bị cảm thì tốt nhất là bạn nên nghỉ ngơi một tuần, không nên thử chạy bộ đường dài.
Những trường hợp có bệnh lý về tim mạch, hô hấp đã biết trước đó thì nên thận trọng và cần đi khám bác sĩ để bác sĩ tư vấn có cho chạy bộ hay không.
Nâng tạ
Khi thể trạng đang bất ổn, đừng bao giờ tập nâng tạ. Bệnh cảm có thể khiến bạn choáng váng đầu óc thì việc nâng tạ có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn, tạo ra những cơn đau đầu như “búa bổ”.
Nếu bạn vẫn muốn tăng cơ, có thể tự tập tại nhà với một quả tạ tay nhẹ để nâng vài lần. Muốn tăng lượng tập thì đừng tăng cân tạ mà hãy tăng số lần nâng. Tuy vậy, chuyên gia vẫn khuyên rằng: tốt nhất là đợi cơ thể khỏe lại rồi mới tập với tạ.
Tập luyện quá sức khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Ảnh: Internet
Các môn thể thao ngoài trời lạnh
Nếu thể trạng đang bất ổn, bạn chỉ nên vận động nhẹ nhàng ở nhà, trong môi trường ấm áp và thoáng đãng chứ không nên ra ngoài trời lạnh. Tiếp xúc quá lâu với môi trường nhiệt độ thấp sẽ khiến bạn xuất hiện hoặc tăng nặng các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi, ho và thậm chí là khó thở.
Chưa kể các môn thể thao trên băng giữa mùa đông cũng bị là “đại kỵ”, nên tránh xa tuyệt đối. Chẳng hạn như trượt tuyết, trượt băng…
Có thể thực hiện bài tập nhẹ nhàng nào?
Theo Mayo Clinic, các chuyên gia cũng chỉ ra một số gợi ý cho bạn trong giai đoạn này. Cân nhắc việc giảm cường độ và thời gian tập thể dục, các loại bài tập có thể thực hiện trong giai đoạn thể trạng bất ổn như:
Đi bộ khoảng 20 phút
Việc này sẽ giúp bạn làm giảm các triệu chứng khó chịu vì lạnh, nhưng đừng chạy. Đi bộ nhanh hơn một chút và hít thở sâu có thể mở ra đường hô hấp trên của bạn. Miễn là đi bộ không làm tăng cảm giác khó chịu trong người thì bạn có thể kéo dài khoảng 20 phút.
Nhưng nếu bạn thấy rằng ngay cả việc đi bộ cũng trở nên khó khăn thì hãy dừng lại, tập trung vào việc nghỉ ngơi và ngủ. Lắng nghe hướng dẫn đến từ chính cơ thể mình.
Đi bộ nhẹ nhàng là lựa chọn thích hợp. Ảnh: Internet
Tập khí công
Khí công là một môn võ cổ truyền của Trung Quốc, kết hợp giữa thiền định và võ thuật, vừa nhẹ nhàng vừa có thể điều chỉnh khí của cơ thể. Việc tập luyện như vậy có thể giảm bớt căng thẳng và lo lắng cho những người bị cảm lạnh. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc điều chỉnh khí của cơ thể có thể làm tăng khả năng miễn dịch.
Yoga
Tập Yoga cũng là một lựa chọn tốt. Khi tập, cơ thể sẽ được điều chỉnh tư thế và hơi thở cùng lúc, giúp làm giảm áp lực lên các cơ, giảm trực tiếp các tác động vật lý của bệnh như là đau đầu, khó chịu…
Khi tập yoga trong thời điểm này, bạn nên tránh những động tác quá khó, chỉ nên tập trung điều chỉnh hơi thở và thả lỏng tay chân.
*Theo MayoClinic, Health