Xu hướng giá gạo Châu Á tăng sẽ còn tiếp diễn

Vũ Ngọc Diệp | 13-12-2020 - 10:43 AM

(Tổ Quốc) - Thị trường gạo Châu Á gần đây trở nên sôi động khi Bangladesh quay trở lại nhập khẩu gạo sau 3 năm vắng bóng, và Trung Quốc cũng lùng sục mua gạo từ tận Ấn Độ do nguồn cung của những nướng láng giềng là Thái Lan, Myanmar và Việt Nam hiện không dồi dào nên giá cao.

Gạo Ấn Độ đã tăng giá liên tiếp 3 tuần qua, hiện đạt mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng, loại đồ 5% tấm là 378 – 383 USD/tấn (tuần trước giá là 375 – 381 USD/tấn). Gạo Thái Lan thậm chí còn cao hơn nữa, khi loại tương tự hiện có giá 485 – 516 USD/tấn (so với 480 – 516 USD/tấn cách đây một tuần). Tương tự, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện cũng duy trì ở mức cao, 470 – 490 USD/tấn.

Nhu cầu từ các nhà nhập khẩu trong tháng 11/2020 sôi động trở lại khi Trung Quốc và Philippines tích cực mua. Đáng chú ý, Chính phủ Bangladesh liên tiếp mở thầu mua gạo sau 3 năm gián đoạn. Brazil cũng giảm thuế nhập khẩu gạo về 0% để khuyến khích nhập khẩu ở thời điểm hiện tại.

Nhu cầu từ Trung Quốc

Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh vì dịch Covid-19 và thời tiết năm nay bất lợi.

Sản lượng gạo ở các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam và Hồ Bắc của Trung Quốc vụ thu hoạch vừa qua đều bị giảm, với các chủng loại lúa gạo đều bị ảnh hưởng nặng nề, do thiên tai nghiêm trọng, nhất là lũ lụt kéo dài 2 tháng liên tiếp, giữa bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến một số thời gian phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội. Theo đó, năng suất lúa trung bình trên mỗi mu (tương đương 0,0667 ha) đã giảm từ 600kg năm ngoái xuống 500kg trong năm nay. Dự báo sản lượng gạo Trung Quốc năm nay sẽ giảm 30% so với năm ngoái.

Từ trước tới nay, ở Trung Quốc, mức giá mà các nhà kinh doanh gạo trả cho nông dân và giá gạo mà nhà máy chế biến bán ra thường giảm vào tháng 10, khi nước này thu hoạch lúa. Tuy nhiên, xu hướng năm nay đã đảo ngược, bởi sản lượng ở khu vực sản xuất chính của nước này (các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam và Hồ Bắc) bị giảm sút. Cụ thể, giá thu mua gạo của các nhà máy năm ngoái khoảng 120 – 145 CNY (18 – 21,75 USD)/bao 50 kg, nhưng năm nay, ở thời điểm cuối tháng 10/2020 giá là 140 – 180 CNY/bao, cao nhất trong vòng 5 năm. Có những nhà máy điều chỉnh tăng giá bán vài lần trong một ngày.

Các nhà kinh doanh và nhà máy chế biến gạo của Trung Quốc từ cuối tháng 10/2020 rơi vào hoàn cảnh thiếu nguồn cung gạo khiến giá gạo bán buôn tăng lên. Ngành gạo nước này dự báo xu hướng giá tăng sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến cuối năm.

Do thiếu cung, Trung Quốc đã và đang tích cực nhập khẩu gạo. Ấn Độ cho biết, các doanh nghiệp nước này đã ký hợp đồng xuất khẩu tổng cộng 100.000 tấn gạo tấm sang Trung Quốc với giá khoảng 300 USD/tấn, thời hạn giao hàng từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Việc Trung Quốc vươn tới tận Ấn Độ mua gạo được cho là bởi nguồn cung của các nước ở gần như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar….hiện đều không nhiều nên giá xuất khẩu của những xuất xứ này cao hơn nhiều so với gạo Ấn Độ. Khách hàng Trung Quốc thường rất quan trọng yếu tố giá cả, và sẽ không mua vào với giá quá cao mà chờ thời cơ để mua giá hợp lý.

Tin từ Myanmar cho biết, khách hàng Trung Quốc muốn mua khoảng 80.000 bao gạo Myanmar mỗi ngày (1 bao = 50 kg), nhưng Myanmar chỉ có thể cung cấp trên 30.000 bao qua cửa khẩu Muse do những quy định nghiêm ngặt hơn trước để chống dịch Covid gây khó khăn cho việc vận chuyển.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam, nhất là khi hai nước đang thiết lập một đường dây nóng để tạo thuận lợi cho thương mại các loại nông sản, trong đó có gạo, sau giai đoạn hoạt động giao thương giữa 2 bên gần đây gặp khó khăn vì Covid-19.

Nhu cầu từ Bangladesh

Giá gạo tại Bangladesh trong giai đoạn tháng 3-11/2020 đã tăng khoảng 50% giữa bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều người dân muốn mua lương thực để tích trữ.

Sau thời gian trì hoãn nhập khẩu dù giá gạo trong nước tăng cao vì dịch Covid-19 và thiên tai khiến cung lúa không đáp ứng đủ nhu cầu, ngày 16/11 Bangladesh đã mở phiên đấu thầu mua gạo đầu tiên trong vòng 3 năm, ngày 23/11 mua tiếp đợt thứ 2, và mới đây đã mua tiếp đợt 3, mỗi đợt chào mua 50.000 tấn, và dự kiến sẽ nhập khẩu tổng cộng 300.000 tấn.

Sản lượng lúa vụ Aman năm nay dự báo sẽ giảm 15% do lũ lụt và mưa quá nhiều. Giá gạo trong nước đã và đang tiếp tục tăng, điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động thu mua lúa gạo trong dân của Chính phủ. Chính phủ nước này có kế hoạch thu mua 1,95 triệu tấn gạo từ nông dân của mình, song chỉ mua được 1 triệu tấn.

Về hiệu quả của việc hạ nhiệt thị trường gạo trong nước, nhiều thương gia Bangladesh cho rằng việc đấu thầu mua gạo chưa chắc sẽ giúp giá gạo tại Bangladesh hạ nhiệt, mà Chính phủ cần phải giảm thuế nhập khẩu gạo.

Năm 2019, Chính phủ Bangladesh đã nâng thuế nhập khẩu gạo từ 28% lên 55% để hỗ trợ người nông dân của mình trong bối cảnh làn sóng phản đối từ ngành nông nghiệp gia tăng khi giá gạo giảm mạnh.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, hiện Bangladesh không có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu để bảo vệ người trồng lúa trong nước.

Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, nhưng thường phải nhập khẩu gạo mỗi khi gặp thiên tai nghiêm trọng. Thiên tai năm 2014 đã buộc nước này phải tăng mạnh nhập khẩu gạo từ đó tới năm 2017, đẩy giá gạo thế giới lên cao kỷ lục trong năm 2017 và năm 2018.

Nhu cầu từ Philippines

Philippines đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung gạo lên 93%, nhưng với những thiệt hại do bão gây ra gần đây thì tỷ lệ này có thể chỉ đạt khoảng 89-90%, tức là còn thiếu khoảng 10% mới đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo ước tính sơ bộ, các cơn bão Molave, Goni và Vamco đã gây thiệt hại tổng cộng khoảng 12,3 tỷ peso (khoảng 250 triệu USD) cho ngành nông nghiệp Philippines. Những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Cagayan Valley và Bicol – những nơi trồng lúa chính của quốc gia Đông Nam Á này.

Trong tháng 11, Philippines gia tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo đủ lượng dự trữ. Bộ Nông nghiệp nước này tính toán rằng, lượng dự trữ hiện đủ cho 88 ngày, tức là tới tháng 1 năm sau, kể cả khi có bão. Philippines sẽ thu hoạch lúa vào cuối tháng 3 – tháng 4.

Nhu cầu từ Brazil

Sản lượng gạo của Brazil nay nay dự kiến ​​sẽ giảm, buộc nước này phải xem xét việc hạn chế xuất khẩu để ưu tiên cho thị trường trong nước.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Brazil đã áp dụng mức thuế nhập khẩu bằng 0 đối với các nước hưởng lợi từ lúa gạo bên ngoài Mercosur cho đến ngày 31/12. Mức giảm được giới hạn trong hạn ngạch 400.000 tấn. Động thái này nhằm ổn định thị trường trong nước giữa bối cảnh dịch Covid-19.

Vụ Ngoại thương Thái Lan hôm 2/11 cho biết, các nhà xuất khẩu gạo của nước này sẽ hưởng lợi từ việc Chính phủ Brazil quyết định kể từ tháng 9/2020 giảm thuế nhập khẩu lúa gạo xuống 0%, áp dụng từ 11/9 đến 31/12.

Vụ trưởng Kirati Ratchano cho biết, Thái Lan từ trước tới nay phải trả thuế 12% đối với thóc gạo xuất khẩu sang Brazil. Trong tháng 9 và 10/2020, xuất khẩu gạo Thái Lan sang Brazil đạt 28.163 tấn - gấp nhiều lần mức 433 tấn của năm 2019, với trị giá 12,55 triệu USD.

Dự báo giá gạo xuất khẩu ở khu vực Châu Á sẽ còn duy trì ở mức cao, thậm chí có thể tăng thêm nữa từ nay tới đầu năm 2021, khi tới vụ thu hoạch mới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM