Vì sao PSG và Bayern Munich không góp mặt ở European Super League?

Tuấn Hoàng | 20-04-2021 - 12:48 PM

(Tổ Quốc) - Sự vắng mặt của PSG, Bayern Munich và Borussia Dortmund tại Super League xuất phát từ nhiều lý do bất khả kháng dù đây đều là những cái tên lớn ở châu Âu.

Câu chuyện về siêu giải đấu có tên European Super League với sự góp mặt của 12 CLB hàng đầu châu Âu đang khiến cả thế giới bóng đá quay cuồng trong hơn 24 giờ qua.

Trong một động thái mới nhất, Chủ tịch Real và Super League, Florentino Perez mới đây đã khẳng định chưa đưa ra lời mời với cả PSG và Bayern Munich, 2 CLB đã lọt vào đến trận chung kết Champions League gần nhất.

Vì sao PSG và Bayern Munich không góp mặt ở European Super League? - Ảnh 1.

Chủ tịch Super League, Florentino Perez mới đây đã khẳng định chưa đưa ra lời mời với cả PSG và Bayern Munich

Điều này khiến NHM không khỏi thắc mắc, vì sao hai đội bóng đang thống trị ở Pháp và Đức, với nguồn tài chính dồi dào, được xếp vào nhóm siêu CLB, lại quyết định đứng ngoài cuộc chơi này?

Theo phân tích từ Marca, trường hợp của PSG có rất nhiều thứ liên quan đến chính trị. Đội bóng thủ đô nước Pháp vốn thuộc sở hữu của quỹ đầu tư Qatar Sports Investments (QSI), với người điều hành là chủ tịch Nasser Al-Khelaifi.

Mấu chốt là ở đây, khi Al-Khelaifi và QSI có mối liên hệ rất chặt chẽ với cả UEFA cũng như FIFA. Điều này thể hiệc qua việc beIN Sports - một công ty con của QSI, đang nắm bản quyền phát sóng của Champions League. Trong khi đó, Qatar là nước đăng cai kỳ World Cup sắp tới sẽ diễn ra vào năm 2022. PSG không thể, hoặc chưa thể gia nhập Super League vào lúc này.

Vì sao PSG và Bayern Munich không góp mặt ở European Super League? - Ảnh 2.

Chủ tịch PSG, Al-Khelaifi và quỹ đầu tư QSI có mối liên hệ rất chặt chẽ với cả UEFA cũng như FIFA

Cả UEFA và FIFA đều tỏ ra không tán thành khái niệm về một giải đấu mang tính ly khai như Super League. Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin nhấn mạnh toàn bộ CLB và cầu thủ liên quan đến Super League sẽ lập tức bị cấm khỏi tất cả giải đấu cấp CLB và World Cup.

Nếu xảy ra một cuộc chiến giữa UEFA và FIFA với nhóm "nổi loạn" Super League, hơn ai hết, những người đứng sau rót tiền cho PSG sẽ thiệt hại rất nặng nề. Đó chính là lý vì sao cho đến nay, chủ tịch PSG, Al-Khelaifi vẫn duy trì mối quan hệ rất tốt đẹp với người đứng đầu UEFA.

Thậm chí đã có nhiều tin đồn cho rằng Al-Khelaifi có thể sẽ là người tiếp theo đảm nhận vị trí Chủ tịch Hiệp hội câu lạc bộ châu Âu (ECA). Chiếc ghế này vốn đang bị bỏ trống sau khi chủ tịch Juventus, Andrea Agnelli từ chức để chuyển sang làm Phó Chủ tịch Super League, đồng thời đưa CLB thành Turin rút khỏi ECA.

Tuy nhiên, nên nhớ nếu PSG vẫn kiên quyết không tham dự Super League, họ sẽ bỏ lỡ một khoản tiền mặt rất đáng kể trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến PSG khi các ngôi sao sẽ dần rời bỏ thủ đô Paris.

Vì sao PSG và Bayern Munich không góp mặt ở European Super League? - Ảnh 3.

PSG thừa hiểu rất khó để giữ chân các ngôi sao nếu từ chối tham dự Super League

Hợp đồng của cả Neymar và Kylian Mbappe đều sẽ hết hạn vào năm 2022. Hơn ai hết, PSG thừa hiểu sẽ rất khó để thuyết phục bộ đôi siêu sao này đặt bút ký vào một bản hợp đồng mới.

Trong khi đó, tại Đức, mọi chuyện lại hơi khác khi những CLB vốn không được nắm quyền tự quyết hoàn toàn. Tại Bundesliga, CLB luôn gắn bó mật thiết với người hâm mộ của họ. Do đó, bất kỳ quyết định nào, kể cả việc tham gia Super League, cũng cần phải có sự thông qua từ hội CĐV.

Cụ thể, luật 50 1 của các CLB thể thao Đức cho phép mọi thành viên đều có tiếng nói cuối cùng về những quyết định quan trọng. Chính điều này khiến hội đồng quản trị và ngay cả giám đốc điều hành cũng không thể làm theo ý họ.

Vì sao PSG và Bayern Munich không góp mặt ở European Super League? - Ảnh 4.

Luật 50 1 của các CLB thể thao/bóng đá Đức cho phép mọi thành viên đều có tiếng nói cuối cùng về những quyết định quan trọng

Tất cả mọi thứ, từ nhà tài trợ áo đấu, cho đến việc xây dựng lại sân vận động, đều phải được toàn bộ thành viên đóng dấu đồng ý. Trong bối cảnh Super League đang bị NHM lên án dữ dội, Bayern hay Dortmund thừa hiểu nếu đưa ra thảo luận, quyết định tham gia giải đấu chưa chắc được bật đèn xanh.

Chính luật này khiến các CLB ở Đức luôn có tính xã hội rất cao, khi NHM dù chỉ sở hữu 1% nhưng vẫn luôn có quyền quyết định. Tuy nhiên, một ngoại lệ rất đặc biệt chính là RB Leipzig và chẳng phải ngẫu nhiên CLB này bị ghét nhất Bundesliga.

Để lách luật 50 1, Leipzig thu phí hội viên rất cao, gấp 10 lần Bayern hay Dortmund. Thêm vào đó, các hội viên cũng không có quyền biểu quyết. Trong cơ cấu điều hành của công ty đứng sau CLB này là RasenballSport Leipzig Gmb, những người sở hữu 1% chiếm quyền biểu quyết nằm ở một nhóm có tên RB Leipzig.

Vì sao PSG và Bayern Munich không góp mặt ở European Super League? - Ảnh 5.

RB Leipzig lách luật, 1% hội viên chiếm quyền biểu quyết đều thuộc về nhà đầu tư Red Bull

Về luật, RB Leipzig vẫn thực hiện đúng khi duy trì 1% hội viên chiếm quyền biểu quyết. Tuy nhiên, điều thú vị nằm ở chỗ, tất cả thành viên có quyền biểu quyết đều là nhân viên của Red Bull hoặc có liên quan đến công ty này. Nói cách khác, Red Bull có thể quyết định hoàn toàn mọi vấn đề của RB Leipzig.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM