VDSC: Vietcombank và Techcombank là 2 ngân hàng hàng đầu có khả năng hấp thu tốt các cú sốc trong năm 2021

Thu Thủy | 02-01-2021 - 11:13 AM

(Tổ Quốc) - VDSC đánh giá tình hình ngành ngân hàng hiện nay, dù vẫn còn nhiều khó khăn và sự không chắc chắn trong năm tới, đã tích cực hơn so với kỳ vọng chung tại thời điểm giữa năm 2020.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021. 

Báo cáo đánh giá, ngành ngân hàng đã phân hóa mạnh trong thời kỳ dịch bệnh tác động mạnh lên nền kinh tế, mà qua đó, ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng và chất lượng tài sản của các ngân hàng. NHNN đã chỉ đạo các TCTD hỗ trợ nền kinh tế bằng biện pháp hạ lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với nhiều khách hàng. Nhờ vào hành động kịp thời trong kiểm soát dịch bệnh, qua đó giảm tác động của đại dịch lên nền kinh tế, VDSC đánh giá tình hình ngành ngân hàng hiện nay, dù vẫn còn nhiều khó khăn và sự không chắc chắn trong năm tới, đã tích cực hơn so với kỳ vọng chung tại thời điểm giữa năm 2020. Tuy vậy, dựa trên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm, nhóm phân tích đánh giá các thành quả lợi nhuận đạt được, dù đặc biệt tích cực ở khối tư nhân, vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến kiểm soát dịch bệnh.

Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng niêm yết trong 9 tháng đầu năm đã chậm lại đáng kể, đạt 11% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính đến từ thu nhập lãi thuần, vốn chiếm phần lớn thu nhập hoạt động – chỉ tăng trưởng một chữ số (tăng 8%) do tăng trưởng tín dụng toàn ngành yếu (tăng 6,08% sau 9 tháng).

Trong đó, khối ngân hàng quốc doanh niêm yết, vốn chiếm một phần ba thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng, chỉ mở rộng 2,9% danh mục tín dụng so với cuối năm 2019. Mức tăng trưởng này là 7,7% đối với 22 ngân hàng niêm yết, trong đó dẫn dắt bởi nhóm 4 ngân hàng TMCP tư nhân có vốn hóa lớn nhất (Techcombank, VPBank, MBBank và ACB). Nhiều thương vụ ký kết độc quyền bancassurance diễn ra, giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng thu nhập dịch vụ, mang lại các khoản phí trả trước lớn cho các ngân hàng, giúp cải thiện bộ đệm vốn.

Đối với năm 2021, VDSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi theo các hoạt động kinh tế, đạt mức 11,4-14,7% trong kịch bản cơ sở. Tương ứng, huy động khách hàng dự kiến tăng trưởng 9,2-12,3%. NIM sẽ mở rộng trở lại sau một năm hầu như đi ngang, dẫn dắt bởi sự phục hồi của nhóm NH quốc doanh.

Chi phí dự phòng dự kiến sẽ duy trì mức cao nhằm hỗ trợ đợt "hạ cánh mềm" của nợ xấu. Các NH được phân tích nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng LNST ít nhất 16% trong năm 2020.

Trong khi công cuộc xử lý trải phiếu đặc biệt của VAMC đang diễn tiến tốt, với 14 NH niêm yết đã tất toán toàn bộ, và 18 ngân hàng nếu tính trên toàn ngành, dịch bệnh đã ảnh hưởng lên chất lượng tài sản vốn đang cải thiện. VDSC nhận định, 321 nghìn tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại cuối quý 3, tăng 144 nghìn tỷ tính từ giữa năm 2020, bên cạnh một tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 1,96% là hiệu quả.

VDSC ước tính độ trễ trong ghi nhận nợ xấu từ 0,5-1 năm, trong trường hợp dịch bệnh được xử lý trong nửa đầu năm 2021. Dù tính đến hiện tại, nhiều tin tức tích cực về tình hình dịch bệnh và sự phục hồi của nền kinh tế đang mở ra một triển vọng tưới sáng, bên cạnh một nền lãi suất thấp thúc đẩy giá các tài sản rủi ro; VDSC vẫn duy trì quan điểm thận trọng với diễn biến của dịch bệnh – còn rất khó dự đoán và tiềm ẩn nhiều sự không chắc chắn.

Dù ngành ngân hàng, vốn là một ngành nghề chịu tác động nhiều của vĩ mô, sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp xấu, VDSC vẫn nhận thấy nhiều điểm sáng, mà dẫn đầu là nhóm ngân hàng quốc doanh vốn đã dành năm 2020 để chuẩn bị nhiều bộ đệm dụ phòng thay vì bất chấp tăng trưởng, bên cạnh một vài ngân hàng tư nhân có khả năng chống chịu trong kịch bản xấu.

Tính đến cuối quý 3/2020, nợ xấu của nhóm ngân hàng niêm yết là 1,8%, nợ xấu toàn hệ thống là 2%. Mức tăng từ 1,5% cuối năm 2019 của nợ xấu nhóm ngân hàng niêm yết là khá tích cực so với kỳ vọng, nhờ kiểm soát tác động của dịch lên nền kinh tế và Thông tư 01 hỗ trợ giữ nguyên nhóm nợ.

Chi phí dự phòng của các ngân hàng niêm yết đã tăng 15% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng trên dư nợ cho vay tăng nhẹ lên 1,5%. Các ngân hàng quốc doanh niêm yết có mức tăng khiêm tốn hơn (4%) so với nhóm 4 ngân hàng tư nhân lớn (Techcombank, VPBank, MBBank, ACB).

Về phân dư nợ được tái cơ cấu, bức tranh ngành ngân hàng lại mang một gam màu tối hơn so với tình hình kinh doanh. Cuối tháng 8, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch chiếm 12,7% dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Những con số này lớn hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2% của toàn ngành cuối quý 3, vốn được hỗ trợ rất nhiều bởi NHNN.

Nếu nhìn vào dữ liệu về nợ nhóm 2, vốn tiềm tàng khả năng trở thành nợ xấu sau khi Thông tư 01 về giữ nguyên nhóm nợ hết hạn mà không có văn bản quy định thay thế hoặc gia hạn, mức nợ xấu hiện nay của các ngân hàng còn rất nhiều dư địa cho tiêu cực.


Nhìn vào mức chênh lệch lớn của dư nợ tái cơ cấu so với tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết, kết hợp với các quan điểm đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như dịch bệnh, đa phần các ngân hàng vẫn đặt kỳ vọng vào sự tích cực của diễn biến nợ xấu và động lực từ nguồn thu nhập có thể bù đắp cho độ trễ của nợ xấu. Một số ngân hàng có chuẩn bị bộ đêm cho các cú sốc trong các kịch bản tệ hơn.

VDSC kỳ vọng NHNN sẽ sớm có văn bản hỗ trợ việc giảm tốc độ chuyển nhóm nợ của dư nợ tái cơ cấu, giúp giảm áp lực lên ngành ngân hàng nói chung và nhằm đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu nội bảng dưới 3%. Nợ xấu dự kiến vẫn sẽ duy trì áp lực do độ trễ từ 0,5-1 năm. Với quan điểm kỳ vọng nhưng vẫn thận trọng, nhóm phân tích cho rằng Vietcombank và Techcombank là 2 ngân hàng hàng đầu có khả năng hấp thu tốt các cú sốc trong năm 2021. Trường hợp nền kinh tế tích cực cũng như áp lực từ dịch bệnh giảm, các ngân hàng này cũng sẽ có nhiều dư địa cho nguồn thu nhập bất thường.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM