Từ 21 ca mắc Covid-19 ở Thanh Xuân, CDC Hà Nội lo ngại phát sinh ổ dịch mới tiềm tàng ở cộng đồng

Hoàng Đan | 25-08-2021 - 09:43 AM

(Tổ Quốc) - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, điều lo ngại là việc phát hiện các ổ dịch mới ở cộng đồng và từ một ca mắc Covid-19 có thể phát hiện ra vài chục ca.

Nguy cơ hiện nay vẫn còn tiềm tàng trong cộng đồng

Sáng 25/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo, đến 6h sáng cùng ngày, phát hiện 4 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, 2 ca ở cộng đồng, 2 ca ở khu cách ly.

Còn trong ngày 24/8, Hà Nội ghi nhận 67 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 33 ca tại cộng đồng, 34 ca khu cách ly.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 2.681 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.354 ca, số mắc là người đã được cách ly 1.327 ca.

Đáng chú ý, trong 2 ngày 23 - 24/8, Hà Nội phát hiện tổng cộng 21 ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Để ngăn chặn dịch, quận Thanh Xuân đã thành lập khu vực cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, từ 14 giờ ngày 23/8 đến 14 giờ ngày 30/8 (7 ngày) gồm khoảng 700 hộ và hơn 2.000 nhân khẩu.

Liên quan đến tình hình dịch ở Hà Nội, trao đổi với PV, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, về mặt tổng thể, hiện nay tình hình dịch bệnh các khu vực ngoại thành của thành phố đã cơ bản được kiểm soát, ổn định; tuy nhiên, ở các quận khu vực nội thành còn nguy cơ.

Từ 21 ca mắc Covid-19 ở Thanh Xuân, CDC Hà Nội lo ngại phát sinh ổ dịch mới tiềm tàng ở cộng đồng - Ảnh 1.

Ông Khổng Minh Tuấn. Ảnh: Việt Hùng.

Đối với ổ dịch khu vực thuộc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), theo ông Tuấn, đây là ổ dịch mới, thời gian tương đối lâu, trải qua một số chu kỳ lây nhiễm chứ không phải mới.

Ông Tuấn phân tích, từ một ca bệnh "chỉ điểm" ban đầu, trong 2 ngày qua đã phát hiện ra "ổ dịch" này, với 20 ca dương tính.

"Điều đó chứng tỏ nguy cơ hiện nay vẫn còn tiềm tàng và chưa bóc tách được hết các trường hợp F0 ở cộng đồng", ông Tuấn nhận định.

Hà Nội đã triển khai 2 lần xét nghiệm diện rộng đối với các khu vực, đối tượng có nguy cơ, lấy và xét nghiệm hơn 1 triệu mẫu, nhưng vẫn chưa bóc tách triệt để được các trường hợp F0, ông Tuấn cho rằng, việc lấy mẫu được triển khai ở các khu vực nguy cơ và những trường hợp có nguy cơ trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện nay, có thể có những khu vực không nằm trong khu vực nguy cơ, nhưng vẫn phát sinh ca bệnh như khu vực thuộc phường Thanh Xuân Trung.

"Bây giờ, chúng ta vẫn chưa nắm bắt được hết được khu vực nào có nguy cơ, ví dụ như khu vực Thanh Xuân Trung vừa qua không nằm trong khu vực nguy cơ, không thuộc diện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng vì không có yếu tố liên quan đến dịch bệnh", ông Tuấn chỉ rõ.

Đối với các khu vực được xác định là nguy cơ, theo ông Tuấn, đã được lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng thì không e ngại.

"Điều lo ngại là việc phát hiện các ổ dịch tiềm tàng ở cộng đồng. Từ một ca có thể phát hiện ra một ổ dịch vài chục ca.

Do đó, mấu chốt nhất hiện nay vẫn là việc người dân có triệu chứng, thậm chí, không có triệu chứng nhưng cảm thấy sức khoẻ có vấn đề, nghi vấn liên quan đến Covid-19 cần phải khai báo ngay để được lấy mẫu xét nghiệm. Nếu có ca mắc mà không phát hiện kịp thời, để thành nhiều chu kỳ lây nhiễm sẽ rất khó xử lý", ông Tuấn nhấn mạnh.

Chưa cần thiết triển khai xét nghiệm Covid-19 cho từng người dân

Trước việc Hà Nội có nên có triển khai xét nghiệm toàn bộ thành phố, từng người dân để phát hiện nguy cơ dịch bệnh, ông Tuấn khẳng định, điều nay chưa cần thiết, bởi hiện nay, qua hai đợt xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng của thành phố rất thấp.

Các khu vực đang là ổ dịch như phường Văn Chương hay chung cư HH Linh Đàm đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp có liên quan.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng đặt vấn đề, hiện nay, một số người dân đang có tâm lý ngại khai báo do đang thực hiện giãn cách xã hội. Nếu khai báo đi chỗ này, chỗ kia sẽ dễ vi phạm quy định cách ly xã hội. "Đây cũng là một khó khăn để phát hiện các ca bệnh", ông Tuấn nêu.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh thêm, trong những ngày giãn cách xã hội còn lại, thành phố cần thực hiện nghiêm các quy định cách ly xã hội; nghiên cứu triển khai các biện pháp cần thiết để bóc tách triệt để F0 trong cộng đồng; nghiên cứu biện pháp nới lỏng phù hợp nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Trước đó, liên quan chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải trong buổi kiểm tra ngày 24/8 đã đề nghị quận Thanh Xuân phải điều tra, truy vết kỹ để phòng, chống dịch.

Cùng đó, thực hiện nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, cách ly người với người; kích hoạt và phát huy hiệu quả tổ Covid cộng đồng trong khu vực phong tỏa; tuyên truyền người dân ở trong khu vực phong toả thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để tránh phát sinh các ca F0.

Đại diện UBND quận Thanh Xuân cũng cho hay, quận đã tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ khu vực cách ly phong toả thuộc phường Thanh Xuân Trung, yêu cầu toàn bộ người dân ở trong nhà; thực hiện nghiêm gia đình cách ly với gia đình.

Đại diện quận thông tin, đã lấy 1.800 mẫu xét nghiệm; và đang tiếp tục lấy toàn bộ mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong khu vực phong toả.

Ngoài ra, bố trí phân công các chốt trực, đảm bảo 24/24 giờ hàng ngày quản lý, kiểm soát, đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại khu vực cách ly.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM