• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường ngày 26/4: Giá dầu lao dốc 4%, quặng sắt giảm 11%, vàng, kim loại cơ bản, cao su... đồng loạt đi xuống

Kinh tế 26/04/2022 06:07

(Tổ Quốc) - Chốt phiên giao dịch 26/4 lo lắng về việc phong tỏa Covid kéo dài tại Trung Quốc và khả năng tăng lãi suất của Mỹ khiến các mặt hàng lao dốc từ dầu, palađi, kim loại công nghiệp, quặng sắt, đến các mặt hàng nông sản như cao su, cà phê, đường…

Dầu giảm khoảng 4%

Giá dầu giảm khoảng 4% xuống mức thấp nhất trong hai tuần do lo lắng ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu bởi việc phong tỏa Covid-19 kéo dài tại Thượng Hải và khả năng tăng lãi suất của Mỹ.

Tình trạng phong tỏa Covid-19 của Thượng Hải đã kéo sang tuần thứ 4, khi các yêu cầu kiểm tra hàng loạt ở quận lớn nhất của Bắc Kinh làm dấy lên lo lắng rằng thủ đô của Trung Quốc có thể chịu số phận tương tự. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Chốt phiên 25/4 dầu thô Brent giảm 4,33 USD hay 4,1% xuống 102,32 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 3,53 USD hay 3,5% xuống 98,54 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 11/4 sau khi mất gần 5% trong tuần trước. Kể từ khi tăng lên mức cao nhất tính từ năm 2008 trong đầu tháng 3, giá dầu đã giảm khoảng 25%.

Cũng gây áp lực cho dầu mỏ, USD tăng lên mức cao nhất 2 năm so với rổ các đồng tiền chủ chốt bởi khả năng tăng lãi suất của Mỹ. USD mạnh kiến dầu mỏ đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền khác.

Trong khi đó, giá xăng của Mỹ giảm so với dầu thô, khiến lợi nhuận lọc dầu lên mức cao nhất kể từ khi đạt kỷ lục trong tháng 4/2020 khi giá dầu WTI đóng cửa ở mức âm.

Công ty NK Rosneft PAO của Nga không bán được dầu trong một cuộc đấu thầu lớn sau khi yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp, nghĩa là công ty dầu hàng đầu của nước này phải tìm cách chuyển thêm dầu thô cho khách hàng Châu Á thông qua các giao dịch tư nhân.

Tại Mỹ các quan chức cho biết sản lượng dầu và khí đốt trong nước đang tăng và sẽ tiếp tục tăng đề bù cho 1 triệu tới 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày đã bị mất khỏi thị trường sau xung đột của Nga và Ukraine.

Palađi giảm mạnh do lo lắng về nhu cầu của Trung Quốc

Trong phiên giá palađi có lúc giảm gần 13% do việc phong tỏa Covid-19 của Trung Quốc làm giảm triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu này, trong khi khả năng tăng lãi suất của Mỹ khiến vàng kém hấp dẫn.

Palađi giao ngay giảm 9,6% xuống 2.146,2 USD/ounce, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/3 tại 2.068,82 USD/ounce.

Các hàng hóa đều giảm do lo ngại về phong tỏa kéo dài tại Thượng Hải và khả năng tăng lãi suất của Mỹ có thể kìm hãm tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu.

Palađi được sử dụng để hạn chế khí thải trong chế tạo ô tô, đã giảm gần 40% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục trong đầu tháng 3 do lo ngại về xung đột tại Ukraine có thể làm giảm nguồn cung từ Nga, nhà sản xuất chủ chốt.

Vàng giao ngay giảm 1,7% xuống 1.897,01 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm gần 2% xuống 1.896 USD/ounce.

Chỉ số USD đạt mức cao nhất trong hai năm khiến vàng đắt hơn cho người giữ các đồng tiền khác.

Kim loại cơ bản giảm giá

Giá các kim loại công nghiệp sụt giảm do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu đồng thời do dự đoán Mỹ tăng lãi suất tích cực và chỉ số USD tăng.

Nhôm trên sàn giao dịch kim loại London giảm xuống 3.061 USD/tấn, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/2, trong khi đồng giảm xuống 9.756,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 9/2.

Sản lượng công nghiệp và đầu tư vào tài sản cố định ở Trung Quốc yếu hơn so với hai tháng đầu năm nay đã dấy lên lo ngại về nhu cầu kim loại tại quốc gia này. Các khảo sát trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tuần này dự kiến cho thấy hoạt động sụt giảm trong tháng 4.

Quặng sắt Trung Quốc giảm 11%

Giá quặng sắt Trung Quốc giảm gần 11% xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng, do thị trường toàn cầu sụt giảm và lo ngại về nhu cầu thép tại Trung Quốc.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 10,7% xuống 795 CNY (121,36 USD)/tấn, mức đóng cửa thấp nhất kể từ 23/3. Hợp đồng này theo xu hướng giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe giảm 8 USD xuống 143 USD/tấn trong ngày 22/4, theo công ty tư vấn SteelHome.

Các thành phần sản xuất thép khác cũng suy yếu, than luyện cốc giảm 5,6% xuống 2.860 CNY và than cốc giảm 7% xuống 3.617 CNY/tấn.

Thép thanh tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 4,7% xuống 4.778 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 4,5% xuống 4.889 CNY/tấn.

Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc cho biết tiêu thụ thép trong quý 1 giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhu cầu dự kiến phục hồi trong nửa cuối năm.

Cao su Nhật Bản thấp nhất 4 tuần

Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 tuần, theo xu hướng chứng khoán Tokyo giảm và thị trường Thượng Hải suy yếu.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 6 JPY xuống 250,3 JPY (1,95 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 29/3 tại 250 JPY/tấn trong phiên này.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa giảm 1,9%, giảm mạnh nhất trong hơn 6 tuần.

Giá cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 9 giảm 440 CNY xuống 12.665 CNY (1.933,41 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1/7/2021 tại 12.665 CNY cũng trong phiên này.

Đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,29 US cent hay 1,5% xuống 18,95 US cent/lb sau khi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3 tại 18,87 US cent.

Các đại lý cho biết đồng real của Brazil suy yếu và giá dầu thô giảm nghĩa là tỷ lệ phân chia giữa đường và ethanol tại Brazil khó có thể thay đổi nhiều so với niên vụ trước, giúp đảm bảo đủ nguồn cung đường.

Đà giảm của đường bị hạn chế khi nhà sản xuất nước giải khát Coca-Cola, một nhà tiêu thụ đường lớn đạt được doanh thu hàng quý nhờ tăng giá và nhu cầu phục hồi.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 9,4 USD hay 1,8% xuống 521,1 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 6,45 US cent hay 2,8% xuống 2,207 USD/lb.

Cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 50 USD hay 2,4% xuống 2.066 USD/tấn, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/3 tại 2.056 USD/tấn.

Một nhà môi giới cho biết lạm phát toàn cầu đang tăng, tăng trưởng của Trung Quốc giảm, xung đột tại Ukraine kéo dài hai tháng, nhu cầu trong những tháng tới một lần nữa là một câu hỏi lớn.

Đậu tương giảm, lúa mì trái chiều trong khi ngô tăng

Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm, dầu đậu tương thoái lui từ mức cao kỷ lục.

Lo ngại về phong tỏa Covid tại Trung Quốc khả năng làm giảm nhu cầu từ nước nhập đậu tương hàng đầu thế giới này là một yếu tố giảm giá.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 giảm 12-3/4 US cent xuống 16,75-1/4 USD/bushel. Hợp đồng này đã giảm dưới mức trung bình 10 ngày trong phiên này.

Dầu đậu tương giảm 0,43 US cent xuống 80,08 US cent/lb.

Triển vọng nhu cầu yếu đè nặng lên hợp đồng lúa mì mềm đỏ vụ đông, nhưng lo ngại thời tiết khô hạn tại đồng bằng miền nam nước Mỹ đang gây thiệt hại cho sự phát triển của cây trồng đã hỗ trợ lúa mì đỏ cứng vụ đông.

Lúa mì đỏ mềm vụ đông đóng cửa giảm 2-3/4 US cent xuống 10,72-1/2 USD/bushel. Lúa mì đỏ cứng vụ đông kỳ hạn tháng 7 tăng 5 US cent lên 11,54-1/2 USD/bushel.

Ngô chốt phiên tăng do nhu cầu xuất khẩu mạnh và lo ngại việc trì hoãn gieo trồng tại Midwest của Mỹ.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 tăng 9 US cent lên 7,98 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/4

Thị trường ngày 26/4: Giá dầu lao dốc 4%, quặng sắt giảm 11%, vàng, kim loại cơ bản, cao su... đồng loạt đi xuống - Ảnh 1.

Minh Quân

NỔI BẬT TRANG CHỦ