"Tại sao cứ chăm chăm vào việc phạt môi giới BĐS mà không để ý xem họ khó khăn điều gì”

Hạ Vy | 14-04-2022 - 07:55 AM

(Tổ Quốc) - Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam tại toạ đàm “Vai trò nhà môi giới BĐS trong xu thế mới” diễn ra mới đây.

Ông Lâm cho rằng, hiện nay, môi giới BĐS sai có thể phạt. Thế nhưng, gần như chúng ta đang chăm chăm vào việc đúng – sai của môi giới, rồi xử phạt nhưng lại không quan tâm đến việc họ gặp những khó khăn gì. Những nhà môi giới chuyên nghiệp, họ cũng đang gặp những vấn đề khó khăn trong nghề nghiệp của mình.

"Đúng là, chúng ta chỉ quan tâm việc môi giới làm đúng hay không, còn họ có khó khăn gì lại không thực sự được quan tâm", Phó chủ tịch Hội môi giới Việt Nam nhấn mạnh.

Chẳng hạn như, nhà môi giới thực hiện rất nhiều công việc và bỏ ra nhiều chi phí như chạy quảng cáo để bán dự án. Họ thực hiện rất nhiều thứ nhưng không được ghi nhận vào chi phí của họ. Thu nhập được 100 triệu nhưng chi phí môi giới bỏ ra khoảng 50-70 triệu. Nếu chúng ta cứ lấy ra tính thuế họ hết thì bất hợp lý, có rất nhiều nhà môi giới không đồng tình với cách tính đó.

"Muốn phát triển hoạt động môi giới bền vững thì trước tiên phải bình đẳng, hợp lý, công bằng mọi bên. Bên cạnh câu chuyện xử lý thì nên chăng tìm cách giúp đỡ môi giới BĐS…", ông Lâm bày tỏ quan điểm.

Tại sao cứ chăm chăm vào việc phạt môi giới BĐS mà không để ý xem họ khó khăn điều gì” - Ảnh 1.

Ông Phạm Lâm

Theo đó, phí đầu vào của nhà môi giới nếu có chứng từ hợp lý, hợp lệ thì có thể tính toán để khấu trừ vào phần thu nhập của họ và đánh thuế, xử lý thuế thu nhập đó là hoàn toàn hợp lý.

Ông Lâm cho rằng, ngay từ bây giờ cần phải có những giải pháp hợp lý để giải quyết những khó khăn trên cho Nhà môi giới, giúp họ có thể an tâm và tiếp tục cống hiến cho thị trường BĐS ngày càng sôi động và phát triển.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 1/2022, hàng loạt hành vi vi phạm của môi giới BĐS sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, tại điều 59 "Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ BĐS", phạt 40 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS làm sai lệch nội dung chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới BĐS; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS.

Phạt 120 – 160 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định;

Đối với cá nhân môi giới, theo Điều 60 "Vi phạm quản lý, ứng dụng, công khai thông tin nhà và thị trường BĐS" quy định phạt 60 - 80 triệu đồng đối với những hành vi: Không cung cấp, cung cấp không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn kê khai BĐS cho cơ quan quản lý thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định; Cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS của cơ quan nhà nước mà không được sự cho phép của cơ quan quản lý hệ thống thông tin BĐS…

Về nguyên nhân để ban hành Nghị Định này, được cho là, môi giới chính là đối tượng kích giá, thổi giá khiến giá BĐS tăng bất thường trên diện rộng thời gian qua.

Tại sao cứ chăm chăm vào việc phạt môi giới BĐS mà không để ý xem họ khó khăn điều gì” - Ảnh 2.

Chia sẻ trước đó, ông Phạm Lâm từng cho rằng, không đồng ý với quan điểm, cứ sốt đất là kêu do môi giới BĐS.

Chia sẻ trước đó, ông Phạm Lâm từng cho rằng, không đồng ý với quan điểm, cứ sốt đất là kêu do môi giới BĐS.

Theo ông Lâm, cứ mỗi lần sốt đất là thị trường "đổ lỗi" do môi giới BĐS. Quan điểm này là chưa hoàn toàn đúng. Môi giới là người trung gian giữa bên bán và bên mua. Nếu sốt đất, lực lượng này đóng vai trò tác động một phần chứ không phải hoàn toàn sốt đất là do môi giới.

"Môi giới BĐS là một thành phần cấu thành trong cơn sốt đất chứ nói môi giới gây nên sốt đất là không đúng", ông Lâm từng nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, cơn sốt đất diễn ra ở các địa phương, cục bộ hay toàn thị trường thời gian qua cần nhìn nhận vai trò của các bên. Đó là vai trò của bên mua (bên cầu). Nhiều nhà đầu tư kì vọng vào lợi nhuận khi đầu tư BĐS, môi giới là lực lượng giúp sức cho họ đạt được kì vọng này.

Bên đi mua, trong đó có nhiều nhà đầu cơ đi trước mong muốn có lợi nhuận, liên tục thúc đẩy sự tăng trưởng về giá bán, khiến mặt bằng giá có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Như vậy để thấy, không phải môi giới là lực lượng "khuynh đảo" thị trường, gây nên cơn sốt đất mà còn có sự tham gia của cả bên mua.

Cùng với đó, cơ quan ban ngành địa phương cũng có tác động vào các cơn sốt đất cục bộ diễn ra ở mỗi địa phương. Theo ông Lâm, nếu có cơ chế quản lý minh bạch, công khai thì rất khó diễn ra cơn sốt đất.

Ở vai trò là Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, ông Lâm cho rằng, cần nhìn lại ngành dịch vụ BĐS, trong đó có hoạt động môi giới BĐS. Nhiều quy định, thông tin liên quan đến lĩnh vực này cần minh bạch hoá, nhất quán để nhà đầu tư cũng như người mua ở hiểu rõ hơn về thị trường BĐS. Riêng hoạt động môi giới cần có mã số hành nghề, quy định trách nhiệm của môi giới trong việc tư vấn cho khách hàng. Cùng với đó, bản thân môi giới sống với nghề cần liên tục trau dồi kiến thức, am hiểu sâu rộng phục vụ khách hàng ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người làm môi giới bất động sản nhưng chỉ 10% trong số đó có chứng chỉ hành nghề. Điều này đã tạo bức tranh xám, không tốt cho thị trường vì đội ngũ chưa chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ chưa thể chuẩn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM