Đối mặt với "cơn ác mộng" 1000 tên lửa TQ: Đài Loan bừng tỉnh với tên lửa siêu thanh?

04-12-2019 - 07:29 AM

Trong các cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan ở quá khứ, Trung Quốc đã tấn công các vị trí phòng thủ của đối phương bằng đạn pháo, nhưng nay họ đã có thể thay chúng bằng tên lửa.

Tên lửa siêu thanh Đài Loan liệu có đủ sức phản công Trung Quốc?

Ngày 4/8/2019, truyền thông Đài Loan đưa tin Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Trung Sơn (NCSIST) đã phát triển thành công tên lửa hành trình siêu thanh Cloud Peak/Yun Feng/Vân Phong và đưa vào sản xuất hàng loạt.

Đây là kết quả của quá trình hơn 20 năm nghiên cứu, một quyết định quan trọng ngay sau Cuộc khủng hoảng eo biển năm 1996, một "đòn cảnh tỉnh" đối với Đài Loan.

Theo Viện nghiên cứu CSIC có trụ sở ở Washington DC, tên lửa Yun Feng có tầm bắn từ 1.200 đến 2.000 km. Sử dụng nhiên liệu rắn và động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet), tên lửa có thể đạt vận tốc siêu thanh là 1.030 mét/giây (gấp 3 lần vận tốc âm thanh).

Đài Loan được cho là đã chế tạo 20 tên lửa Yun Feng và 10 bệ phóng đặt trên xe tải. Yun Feng là một trong số rất ít vũ khí có thể tấn công các căn cứ không quân, cảng hải quân và căn cứ tên lửa của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở miền bắc và miền trung nước này.

Đối mặt với cơn ác mộng 1000 tên lửa TQ: Đài Loan bừng tỉnh với tên lửa siêu thanh? - Ảnh 1.

Với tầm bắn tối đa 2.000km, tên lửa siêu âm Yun Feng (Cloud Peak) có thể bắn tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Tiếp nối việc hoàn thiện tên lửa siêu thanh Yun Feng, Không quân Đài Loan và Viện hàn lâm khoa học Đài Loan cũng đang phát triển một tên lửa hành trình không đối đất mới với "trái tim" là động cơ General Electric J85 của Mỹ.

Là một động cơ phản lực đa năng nhưng nhỏ gọn (chỉ dài 1,15 đến 1,3 mét), J85 có khả năng tạo ra lực đẩy gần 3.000 pound (khoảng 1.360 kg) và là động cơ trên các máy bay chiến đấu F-5, máy bay huấn luyện T-38, máy bay cường kích A-37.

Không quân Đài Loan đã loại biên 300 chiếc F-5 và thay thế bằng F-16, Mirage 2000 và F-CK-1 khiến họ dư thừa một lượng lớn động cơ J85. Dựa vào việc "giải mã công nghệ", Đài Loan đang hi vọng "nhân bản" J85 để số lượng tên lửa có thể vượt qua số động cơ hiện có.

Theo truyền thông địa phương, tên lửa hành trình phóng từ trên không được phát triển có tầm bắn khoảng 750 dặm (1.200 km). Với tầm bắn này, tên lửa bắn từ Đài Loan có thể vươn tới các căn cứ tên lửa của PLA nằm ở miền bắc, miền trung và miền nam Trung Quốc.

Đối mặt với cơn ác mộng 1000 tên lửa TQ: Đài Loan bừng tỉnh với tên lửa siêu thanh? - Ảnh 2.

Ý tưởng lắp đặt động cơ J85 lên tên lửa hành trình của Đài Loan được lấy từ nguyên mẫu ADM-20, một tên lửa cận âm đóng vai trò "mồi nhử" phòng không đối phương của Mỹ.

Đối mặt với 1000 tên lửa Trung Quốc, nỗ lực của Đài Loan có phải là "muối bỏ biển"?

Cho tới khi Wan Feng và tên lửa không đối đất đang phát triển trở thành chủ lực của lực lượng tên lửa, Đài Loan vẫn tiếp tục vận hành hàng trăm vũ khí với tầm bắn đủ sức vươn tới lục địa Trung Quốc.

Không quân Đài Loan đã sửa đổi 127 máy bay chiến đấu ADIC F-CK-1 (Ching-kuo/Kinh Quốc) để có thể phù hợp với một vũ khí chính xác khác là bom liệng Wan Chien JSOW (Vạn Kiếm).

Wan Chien với tầm bắn 150 dặm (240 km) đã tăng cường đáng kể khả năng phản công vào các sân bay, bến cảng, các vị trí tên lửa và radar được sử dụng trong một cuộc xâm lược hoặc tập kích bằng tên lửa vào Đài Loan.

Đối mặt với cơn ác mộng 1000 tên lửa TQ: Đài Loan bừng tỉnh với tên lửa siêu thanh? - Ảnh 3.

Trong khi F-CK-1 có hình dạng khí động học tương tự F/A-18 Hornet thì bom liệng Wan Chien JSOW là sự kết hợp của bom liệng AGM-154 JSOW và Storm Shadow JSOW.

Vào tháng 1/2019, Đài Loan đã nhận được 2 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mk 41 từ Mỹ và đã mua giấy phép để sản xuất khoảng 59-60 ống phóng bổ sung. NCSIST cũng đang nâng cấp các tên lửa phòng không Tian Kung 3 (Thiên Cung 3) để phù hợp với Mk 41.

Hải quân Đài Loan đang có kế hoạch tích hợp các Mk 41 và Tian Kung 3 với Hệ thống chiến đấu hải quân Hsun Lian (Tấn Liên) mới tương tự như hệ thống Aegis của Hải quân Mỹ. Với hệ thống này, ống phóng Mk 41 có thể phóng tên lửa phòng không, chống hạm và tấn công mặt đất.

Hải quân Đài Loan đang trang bị khoảng 14 tàu chiến có thể tương thích với Mk 41 với mỗi tàu có thể trang bị khoảng 8 ống phóng. Chúng bao gồm 4 khu trục hạm lớp Kee Lung (khu trục hạm lớp Kidd của Mỹ) và 10 khinh hạm lớp Cheng Kung (khinh hạm lớp Perry của Mỹ).

Hải quân Mỹ từng triển khai ống phóng thẳng đứng trên các tàu chiến lớp Spruance, kích cỡ tương đương lớp Kidd, còn Hải quân Australia đã triển khai các ống phóng thẳng đứng Mk 41 lên các lớp Perry.

Đối mặt với cơn ác mộng 1000 tên lửa TQ: Đài Loan bừng tỉnh với tên lửa siêu thanh? - Ảnh 5.

Trước khi trang bị ống phóng thẳng đứng Mk41, Hải quân Đài Loan phải triển khai các ống phóng nghiêng trên sàn tàu chiến.

Nhưng dù Đài Loan có thể trang bị hàng trăm tên lửa (hiện tại là khoảng 200) thì cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan vẫn nghiêng về phía Trung Quốc.

Những thập kỷ gần đây, cùng với việc quy mô kinh tế Trung Quốc gấp 20 lần Đài Loan là tiền bạc chảy vào việc hiện đại hóa trong lĩnh vực quân sự. Mới đây, Trung Quốc cho biết đã triển khai hơn 1.000 tên lửa tấn công mặt đất hướng về Đài Loan.

Mặc dù đưa vào sản xuất hàng loạt tên lửa siêu thanh là một hình thức răn đe, nhưng nếu một cuộc chiến nổ ra số lượng tên lửa này sẽ như muối bỏ biển trước 1.000 tên lửa Trung Quốc, Đài Loan chắc chắn sẽ bị tàn phá nặng nề.

Tuy vậy, một cuộc xâm lược ồ ạt vào Đài Loan cũng vẫn là một thách thức đối với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phải giành chiến thắng rất nhanh hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị bao vây về chính trị và quân sự bởi Mỹ và phương Tây.

Hệ thống ống phóng thẳng đứng Mk 41 của Mỹ.