Phân biệt SUV, Crossover, MPV: Khách nhầm lẫn, hãng áp đặt ở Việt Nam

Phạm Cường | 11-10-2021 - 07:10 AM

(Tổ Quốc) - Không phải ai cũng có thể phân biệt đâu là một chiếc Crossover (CUV), SUV hay MPV. Việc các hãng xe khá phóng khoáng khi gán ghép danh xưng SUV vào mọi chiếc xe gầm cao cũng khiến người tiêu dùng thêm bối rối. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra sự khác biệt giữa 3 loại xe này.

Công bằng mà nói, người mua xe không có lỗi khi họ chưa thể phân biệt những điểm tương đồng và khác biệt giữa 3 kiểu xe kể trên. Một người sử dụng xe phổ thông sẽ khó phân biệt được đâu là xe CUV, đâu là xe SUV vì đơn giản là họ chỉ cần mua 1 chiếc xe để di chuyển chứ không cần tìm hiểu quá nhiều về xe cộ. 

Bên cạnh đó, có một số hãng xe đã “vô tình” gọi các mẫu MPV của họ là SUV nhằm tăng sức hấp dẫn của mẫu xe đó trong mắt người tiêu dùng. Điều đó tiếp tục khiến người tiêu dùng bối rối. Do đó, chúng ta cần biết cách phân biệt 3 định nghĩa CUV, SUV và MPV để có thể lựa chọn chiếc xe phù hợp nhất.

Phân biệt SUV, Crossover, MPV: Khách nhầm lẫn, hãng áp đặt ở Việt Nam - Ảnh 1.

Việc THACO gọi Kia Carnival 2022 là SUV đô thị đang gây ra nhiều tranh cãi về định nghĩa các dòng xe tại Việt Nam.

Phân biệt Crossover và SUV

“Vì sao tôi phải phân biệt CUV và SUV? Tôi chỉ cần một chiếc xe gầm cao và tiện dụng thôi mà?”. Đây là một câu hỏi rất hay và thực tế. Tuy nhiên, việc phân biệt đúng mẫu xe nào là CUV hay SUV sẽ giúp bạn chọn được chiếc xe thích hợp nhất. Nguyên nhân là dù cả CUV và SUV đều có thiết kế khỏe khoắn năng động như nhau nhưng trải nghiệm dành cho người lái và hành khách trên xe vẫn khác biệt rõ ràng.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Crossover và SUV là kết cấu khung gầm. Xe CUV có kết cấu khung gầm liền khối (unibody) nên sẽ nhẹ hơn, không gian nội thất rộng rãi, linh hoạt hơn và chiếc xe sẽ cho trải nghiệm gần với xe sedan truyền thống hơn. Với kết cấu unibody, toàn bộ khung xe sẽ nâng đỡ tải trọng của chiếc xe cũng như rung động mặt đường truyền lên qua hệ thống treo. 

Ngược lại với CUV, xe SUV có kết cấu khung gầm rời (body-on-frame). Đây là kiểu thiết kế xe truyền thống với toàn bộ hệ thống treo và hệ truyền động được gắn vào một bộ khung hình thang chạy dọc chiều dài xe, trong khi khoang cabin được tách rời và đặt lên trên chiếc khung này qua các khớp nối. Những mẫu SUV hiện nay thường chia sẻ khung gầm với các mẫu xe bán tải cùng kích thước. Kết cấu này có điểm trừ về trọng lượng xe nhưng lại khiến chiếc SUV khỏe khoắn và chịu lực vặn xoắn tốt hơn hẳn, đặc biệt là đi vào những cung đường địa hình hiểm trở như leo đá hay vượt sông suối. 

Phân biệt SUV, Crossover, MPV: Khách nhầm lẫn, hãng áp đặt ở Việt Nam - Ảnh 2.

Body-on-frame và unibody là thứ quyết định ranh giới giữa SUV và CUV.

Những chiếc CUV thường được trang bị động cơ nhỏ gọn và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với xe SUV. Chúng ta thường thấy những cỗ máy 4 xy-lanh dung tích từ 1,5 đến 2,0 lít được trang bị cho phần lớn các mẫu xe CUV bình dân và nếu chúng có tùy chọn động cơ lớn hơn thì sẽ chỉ là V6 khoảng 3.0 đến 3.5L. Tất nhiên, chúng ta tạm không tính đến các mẫu xe sang và siêu sang đến từ Đức, Ý hay Anh. Chính vì động cơ nhỏ và trọng lượng nhẹ (1 mẫu CUV thường nhẹ hơn ít nhất là 250 kg so với xe SUV gầm rời có cùng kích thước) khiến xe CUV tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường hơn so với SUV. 

Ngược lại, xe SUV có động cơ lớn hơn, từ I4 cho đến V8. Xe SUV được sinh ra để chạy trên địa hình khó nên chúng cần sức kéo lớn để không bị sa lầy. Bên cạnh đó, xe SUV cũng thường xuyên kéo hoặc chở đồ nặng nên những cỗ máy nhỏ gọn của CUV là không đủ đáp ứng.

Một đặc điểm nữa giúp chúng ta phân biệt xe Crossover và SUV chính là hệ dẫn động. Xe CUV thường có hệ dẫn động cầu trước hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian (All Wheel Drive – AWD). Trong khi đó, các mẫu SUV sẽ có hệ dẫn động cầu sau hoặc dẫn động 4 bánh bán thời gian (Four Wheel Drive – 4WD). Sự khác biệt này khiến CUV và SUV cho trải nghiệm lái khác nhau và thông thường, xe CUV sẽ phù hợp hơn với môi trường đô thị, trong khi xe SUV sẽ có dịp thể hiện khả năng khi chạy trên địa hình hiểm trở.

Như vậy, tổng hợp lại thì xe CUV đa dụng, êm ái và tiết kiệm nhiên liệu hơn SUV, rất phù hợp với nhu cầu của số đông người sử dụng xe. Dù vậy, xe SUV vẫn có chỗ đứng riêng và chúng dành cho những người thường xuyên đi địa hình khó và chở/kéo đồ nặng.

Phân biệt SUV và MPV

Gần đây, những chiếc MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander hay Suzuki XL7 đang có doanh số rất tốt nhờ sự đa dụng và mức giá hấp dẫn. Dù vậy, rất nhiều chủ xe hay thậm chí là nhân viên bán hàng đang “vô tình” gọi chúng là SUV. Đối với “người của hãng” thì họ có lý do để cố tình nhầm lẫn như vậy vì cụm từ SUV gợi đến sự phóng khoáng, cá tính, mạnh mẽ và nam tính – những tính chất được người mua xe tìm kiếm. Dù vậy, dưới đây là những đặc điểm giúp bạn phân biệt đâu là xe MPV, đâu là xe SUV.

Phân biệt SUV, Crossover, MPV: Khách nhầm lẫn, hãng áp đặt ở Việt Nam - Ảnh 5.

Thiết kế lai SUV khiến Suzuki XL7 dễ được nhiều người gọi là SUV dù bản chất là MPV.

Điểm khác biệt đầu tiên: xe MPV có kết cấu khung gầm liền (unibody) giống như Crossover, trong khi SUV có khung gầm rời (body-on-frame). Điều này khiến xe MPV có trọng lượng nhẹ hơn SUV dù kích thước tổng thể tương đương. Ví dụ: Kia Carnival có chiều dài lên tới 5,1 mét nhưng lại nhẹ hơn Ford Everest (4,9 mét) tới 420 kg! Cũng giống như việc so sánh CUV với SUV, xe MPV nhẹ hơn nên chỉ cần động cơ vừa đủ (tối đa là V6), trong khi rất nhiều xe SUV có động cơ V8 dung tích lớn. Trọng lượng nhẹ kết hợp với động cơ nhỏ giúp xe MPV thường tiết kiệm nhiên liệu hơn SUV.

Điểm khác biệt tiếp theo là thiết kế ngoại thất. Xe MPV thường có cửa trượt hai bên (trừ các mẫu MPV cỡ nhỏ như Xpander hay XL7) và có thiết kế 1 khoang (1 box) với thân xe vuông vức và nắp capô ngắn. Xe SUV có các cánh cửa mở sang ngang và mang thiết kế 2 khoang với nắp capô dài và khoang động cơ đặt tách biệt hẳn so với khoang cabin. Điều này khiến xe SUV trông nam tính và mạnh mẽ hơn, dù xe MPV sẽ tiện dụng hơn khi ra/vào xe với cửa trượt.

Phân biệt SUV, Crossover, MPV: Khách nhầm lẫn, hãng áp đặt ở Việt Nam - Ảnh 6.

Kia Carnival 2022 được THACO gọi là SUV đô thị nhưng chứa đựng rất nhiều tiêu chí của MPV.

Không gian nội thất là điểm khác biệt nữa giữa MPV và SUV. Nhờ thiết kế tận dụng tối đa không gian, xe MPV có khoang nội thất rộng rãi hơn bất kỳ kiểu xe nào khác. Ví dụ: xe MPV Chrysler Pacifica có chiều dài tổng thể 5.171 mm nhưng có khoang chứa đồ lên tới 3.978 lít khi gập 2 hàng ghế. Trong khi đó, Ford Expedition MAX – một trong những chiếc SUV thương mại lớn nhất thị trường, chỉ có khoang chứa đồ 3.440 lít khi gập 2 hàng ghế sau dù có chiều dài lên tới 5.635 mm. Các mẫu MPV nhỏ hơn cũng có khoang hành lý rộng rãi hơn hẳn so với các mẫu SUV cùng kích thước. Do đó, nếu muốn “chứa cả thế giới”, bạn nên chọn một chiếc MPV.

Cách tối ưu ghế ngồi trên Kia Carnival 2022 bản 7 chỗ

Những người yêu thích xe SUV vẫn có thể yên tâm trước làn sóng MPV vì xe SUV vẫn sở hữu những điểm hấp dẫn riêng mà xe MPV không thể có. Đó là khả năng chinh phục địa hình xấu với hệ dẫn động 4 bánh ưu việt và động cơ mạnh mẽ. Khả năng tăng tốc của xe SUV cũng vượt trội so với MPV và tất nhiên, ta không thể không xét đến những yếu tố về mặt cảm xúc. Rõ ràng là sở hữu và sử dụng một chiếc SUV sẽ “cool ngầu” hơn rồi!

Phân biệt SUV, Crossover, MPV: Khách nhầm lẫn, hãng áp đặt ở Việt Nam - Ảnh 8.

Hay được so sánh, và lấy ra làm đối thủ cạnh tranh với Suzuki XL7 nhưng bản chất Toyota Rush lại là SUV.

Kết luận

Mỗi chiếc xe đều có mục đích sử dụng cũng như “sở trường, sở đoản” riêng. Xe CUV rất đa dụng, êm ái và tiết kiệm nhiên liệu, xe MPV có không gian nội thất lớn nhất và xe SUV có thiết kế cuốn hút và khả năng vận hành mạnh mẽ. Nếu đang tìm kiếm một chiếc xe để phục vụ bản thân và gia đình, bạn nên căn cứ vào những điểm khác biệt nêu trong bài viết để lựa chọn một chiếc xe phù hợp nhất với nhu cầu bản thân. 

Phân biệt SUV, Crossover, MPV: Khách nhầm lẫn, hãng áp đặt ở Việt Nam - Ảnh 9.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM