PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 1.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 2.

-Singapore hiện là nước có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất Đông Nam Á. Là người đang sinh sống và làm việc tại đây, theo ông quan sát, tâm lý, niềm tin của người dân, doanh nghiệp đang như thế nào?

Đến ngày 27/4, số ca nhiễm Covid-19 tại Singapore là 13.624, cao hơn rất nhiều so với Indonesia – quốc gia có số lượng người nhiễm đứng thứ hai ở khu vực là 8.882. Tình hình số ca nhiễm ở Singapore dự kiến còn tăng ở mức 500 -1.000/người/ngày trong ít ngày nữa khi Singapore xét nghiệm tổng thể tất cả các khu có nguy cơ lây nhiễm. Sau đó, tình hình sẽ tốt lên căn bản và nhanh chóng.

Tuy các con số cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nhưng tâm lý và niềm tin của người dân và doanh nghiệp đều khá ổn. Việc đi lại và thể dục ngoài trời của người dân, hoạt động của hệ thống giao thông công cộng, mua sắm ở các chợ thực phẩm cơ bản vẫn bình thường. Điểm khác là Chính phủ ban hành và giám sát ngặt nghèo về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 3.

-Theo ông, đâu là những bài học đáng chú ý mà Singapore có thể rút ra từ thực tế này?

Mỗi quốc gia đều có thể thu được ít nhất một trong ba lợi ích quan trọng từ đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, dịch bệnh giúp mỗi quốc gia tìm được những tử huyệt mà lúc thường ít ai nghĩ tới.

Thứ hai, quốc gia đó có thể khẳng định hoặc bộc lộ điểm mạnh đặc sắc của mình. Lợi ích này đặc biết lớn với những đất nước mà trước nay thế mạnh này ít được thế giới biết đến.

Thứ ba, đại dịch cũng thôi thúc các quốc gia thực hiện những quyết sách và giải pháp tưởng như không thể làm được trong thời kỳ trước đó.

Với Singapore, lợi ích thứ nhất và thứ ba là rất lớn. Về lợi ích thứ nhất, họ nhận ra điểm tử huyệt trong cuộc chống đại dịch Covid-19 là mắc vào cạm bẫy năng lực.

Họ dựa vào cách làm đã thành công trong quá khứ để giải quyết bài toán mới. Cạm bẫy này thường bắt ta phải trả giá đắt trong trường hơp gặp phải biến cố "thiên nga đen" – là loại biến cố thường làm người phạm sai lầm rất lớn nếu suy đoán dựa trên các mô hình đã biết.

Sai lầm của Singapore là chủ yếu dựa vào các giải pháp đã giúp thành công trong chống dịch SARS năm 2003, do vậy không chú ý thích đáng tới cộng đồng 300.000 công nhân lao động nhập khẩu từ Nam Á sống trong hơn 40 ký túc xá tập trung. Các công nhân này khỏe nên nhiều người nhiễm mà không có triệu chứng lâm sàng nên vẫn đi làm, tụ tập trước khi được phát hiện.

Với lợi ích thứ ba, Singapore tuân thủ một nguyên tắc "thép" là luôn nhìn thẳng vào sự thật, dù phũ phàng đến đâu. Thất bại là liều thuốc rất quý để Singapore hiểu rõ mình đang ở đâu và cần phải làm gì trước những thách thức mới. Vì vậy, họ chắc sẽ có những bước tiến vượt bậc trong cải cách và phát triển trong thời gian tới.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 4.

-Vậy nhìn về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về công tác chống dịch của Chính phủ cho đến thời điểm hiện tại?

Việt Nam đã nổi lên xuất sắc trong nỗ lực chống đại dịch Covid-19. Thế mạnh tiềm tàng của khả năng phối hợp trong chỉ đạo của Chính phủ, sự gắn kết xã hội và ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân đã làm nên kỳ tích vừa qua.

Vì vậy, lợi ích thứ hai mà tôi nói ở trên là rất lớn với Việt Nam. Nó là một minh chứng có sức thuyết phục rằng đất nước có khả năng tiềm ẩn làm thế giới phải ngạc nhiên, vị nể, đặc biệt khi đứng trước những thách thức toàn cầu.

-Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định cơ bản dừng giãn cách trên toàn quốc và nhấn mạnh đến tinh thần chung sống an toàn với dịch. Ông đánh giá như thế nào về phương án này?

Đây là quyết định sáng suốt và dũng cảm. Chúng ta cần chuẩn bị cho cả việc duy trì hoạt động bình thường khi tình huống lây nhiễm tiếp tục xảy ra.

Chúng ta sẽ có những đội phản ứng nhanh, xử lý quyết đoán, để ca nhiễm cá biệt không ảnh hưởng đến hoạt động chung.

Thế hệ hôm nay cần có những bản lĩnh và ý thức trách nhiệm mà cha anh đã có trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt – không chỉ có thể sống chung và với bom đạn mà còn làm nên những kỳ tích trong tình thế đầy thách thức này.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 5.

-Ông từng đề cập đến việc phải phát huy sức mạnh cộng hưởng của chính quyền, người dân, doanh nghiệp mới có thể thúc đẩy được sự phát triển kinh tế. Nhìn riêng với những kết quả đạt được tính đến nay ở Việt Nam, sức mạnh này được phát huy như thế nào?

Sức mạnh một dân tộc trong công cuộc phát triển được quyết định bởi 3 động lực chủ đạo: xúc cảm, khai sáng, và năng lực phối thuộc-cộng hưởng.

Người Việt đã được tôi luyện trong lịch sử hàng ngàn năm đau thương và hùng tráng, sức mạnh của động lực xúc cảm rất lớn, nếu không nói là vô song.

Công cuộc cải cách trong hơn 3 thập kỷ qua đã nâng tầm khai sáng và khả năng phối thuộc - cộng hưởng của Việt Nam lên rất nhiều. Vì vậy, Việt Nam đang đứng trước những triển vọng rất lớn để tạo nên những biến chuyển ngoạn mục, làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới.

-Vậy cơ hội từ những sự kinh ngạc đó sẽ là gì?

Là đẩy nhanh công cuộc phát triển với một chiến lược đặc sắc, tạo nên sức mạnh trỗi dậy của dân tộc với sự cộng hưởng của ba thế mạnh: vị thế, tâm thế, và địa thế.

Phải nhấn mạnh lại là kể từ khi cải cách bắt đầu, chưa bao giờ Việt Nam được chú ý với thái độ vị nể như hiện nay. Do đó, mỗi cải cách tiếp theo nếu được thiết kế kỹ càng, hiệu ứng cộng hưởng này sẽ rất lớn.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 6.

-Và để tận dụng, chúng ta cần phải làm như thế nào?

Trong nỗ lực cải cách tôi cho rằng cần chú ý xây dựng hệ sinh thái phát triển sống động. Trong hệ sinh thái này có 3 mối quan hệ cần được đặc biệt chú ý. Đó là "tương sinh", "cộng sinh" và "ký sinh".

Tương sinh là mối quan hệ tương tác làm các thành viên đều được hưởng lợi từ sự mạnh lên của mỗi thành viên.

Cộng sinh là sự chung sống thuận hòa, các thành viên cần có nhau để cùng tồn tại cho dù lợi ích cộng hưởng không đáng kể.

Ký sinh là mối quan hệ mà một số thành viên hưởng lợi từ việc làm hại cộng đồng giống như loại ruồi muỗi.

Cải cách chiến lược cần đặc biệt chú trọng tạo môi trường và thúc đẩy để các quan hệ tương sinh bừng nở và phát triển. Đồng thời khuyến khích cộng sinh, và quyết liệt triệt giảm các quan hệ ký sinh.

Về thúc đẩy tương sinh, Việt Nam cần tạo những điều kiện đặc biệt để TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lớn mạnh vượt bậc trong các năm tới. Quan hệ tương sinh của hai thành phố này với các tỉnh và nền tảng phát triển của Việt Nam là rất lớn. Hai thành phố mạnh lên 1, Việt Nam mạnh lên 5-10 lần.

Với ký sinh, chúng ta cần hiểu dạng thức này tồn tại rất tinh vi và dai dẳng. Khó khăn trong cải cách của Việt Nam trong một số lĩnh vực mà ai cũng thấy cấp thiết không phải là do thiếu kiến thức hay năng lực mà là do có một bộ phận hưởng lợi từ nó.

Vì vậy, để triệt tiêu loại hình quan hệ tai hại này, chúng ta rất cần ánh sáng mặt trời của sự minh bạch và sự giám sát từ người dân, dù là trong xuất khẩu gạo hay mua thiết bị y tế.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 7.

-Trong quý I/2020, GDP Việt Nam tăng trưởng 3,82%. Ông nhìn nhận như thế nào về con số này?

Đây là một kết quả khá tốt so với các nước trong khu vực khi tăng trưởng Trung Quốc giảm 6,8%; Singapore giảm 2,2%.

Tuy nhiên, theo tôi, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II 2020 sẽ thấp hơn nhiều và có thể ở vào khoảng 1-3%.

Lý do chính của việc sụt giảm này là các ngành dịch vụ chiếm trên 20% GDP bị giảm rất mạnh, trong khi các ngày khác cũng bị chậm lại nhiều. Nếu giả sử 80% nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao là 5% và khu vực dịch vụ chiếm 20% tỷ trọng nền kinh tế này bị giảm 15% thì tăng trưởng quý II sẽ chỉ ở mức 80% x 5%- 20% x 15% = 1%.

Nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị cho một mức tăng trưởng thấp chưa từng thấy trong quý II trước khi kinh tế phục hồi.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 8.

-Việt Nam có thể tham khảo thêm những điều gì từ chính sách của Chính phủ Singapore hỗ trợ doanh nghiệp và người dân?

Tôi thấy có 3 cách tiếp cận khá hiệu quả. Thứ nhất, mức giảm thuế bằng 25% mức thuế vừa đóng và không quá 15.000 USD/doanh nghiệp. Nghĩa là hỗ trợ dựa trên đóng góp.

Thứ hai, quỹ cho vay của Chính phủ hoàn toàn thông qua ngân hàng. Chính phủ bảo lãnh tới 80% mức vay. Như vậy nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân hàng chịu 20%. Thêm nữa, các doanh nghiệp không phải trả gốc mà chỉ phải trả lãi (theo mức thị trường với ưu đãi không lớn) cho tới 31/12/2020.

Thứ ba, các doanh nghiệp vay phục vụ để chuyển đổi số được ưu đãi đặc biệt hơn. Với các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống muốn đầu tư bán hàng qua mạng thì có thể được hỗ trợ đến 90%.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được một tỷ lệ bao cấp đến 70% nếu sử dụng dịch vụ tư vấn, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nhân.

-Đã có ý kiến cho rằng mở cửa thị trường nội địa sẽ là gói cứu trợ lớn nhất cho Việt Nam. Quan điểm của ông?

Tôi đồng ý đây là một gói cứu trợ hiệu quả hơn nhiều so với các gói cứu trợ tài chính. Còn nói đến gói cứu trợ lớn nhất mà Chính phủ có thể làm được, theo tôi, là những quyết sách cải cách khiến thế giới kinh ngạc, lòng dân rung động, và làm dấy lên cao độ ý chí và ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

-Nhưng nếu mở cửa thị trường nội địa trong bối cảnh thế giới dịch bệnh vẫn phức tạp thì Việt Nam sẽ phải cân nhắc những gì?

Doanh nghiệp mạnh lên nhờ nhạy bén nắm bắt cơ hội, củng cố tốt nền móng, và có chiến lược phát triển thông thái.

Trong bối cảnh thế giới còn trong khủng hoảng, cơ hội bên ngoài còn hạn chế, các doanh nghiệp cần nhân dịch này nắm bắt triệt để cơ hội trong nước, gia cường nền móng phát triển. Đặc biệt là trong chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ người lao động, nâng cấp chiến lược kinh doanh. Họ cũng cần phương án ứng phó, duy trì hoạt động nếu đại dịch trở lại hoặc một đại dịch mới xuất hiện.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 9.

-Liệu có ví dụ tốt nào mà Việt Nam có thể tham khảo?

Hiện chưa có kinh nghiệm nào đủ rõ ràng để tham khảo. Chính vậy, nếu mạnh dạn tiên phong, khám phá phương cách phát triển bền vững trong đại dịch thì uy tín Việt Nam từ thắng lợi trong chống dịch vừa qua sẽ được nhân lên hàng trăm lần, tạo hiệu ứng thuận lợi rất lớn cho công cuộc phát triển sắp tới.

-Nhiều người kỳ vọng rằng đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quan điểm của ông là gì?

Tôi thấy đấy là cơ hội rất lớn mà chúng ta cần chiến lược đặc biệt để nắm bắt triệt để. Có 3 vấn đề lớn khi thiết lập chiến lược này.

Thứ nhất, Việt Nam cần được định vị có lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược". Điều này lớn hơn nhiều lợi thế về chi phí lao động, đặc biệt trong dài hạn.

Trong điểm nhấn này, cần đưa ra các thể chế ưu tú mà các doanh nghiệp FDI lớn, có uy tín đã được hưởng. Chúng ta cần để nhà đầu tư thấy được sự thật tâm, trân trọng, và ý thức chiến lược trong xây dựng nền móng cho hợp tác lâu dài.

Thứ hai, chúng ta cần tính rất kỹ đến thách thức trong cơ hội. Đơn cử như các KCN hậu dịch Covid-19 cần được xây dựng để hoạt động thuận lợi ngay cả khi có dịch bệnh. Trong thời gian tới, tăng hiệu lực bền vững sẽ quan trọng không kém tăng hiệu quả vận hành.

Thứ ba là phải có kế hoạch hành động đặc sắc, khiến nhà đầu tư thán phục. Đấy không phải những ưu đãi về thuế, hay giảm chi phí, mà là thể chế quản lý.

Khi đánh giá về ứng xử của các cơ quan công quyền, các nhà đầu tư ở một nước đang phát triển thường ở một trong hai trạng thái: nhẫn chịu (sacrifice) vì mình đang kiếm lợi ở đây hoặc ngạc nhiên hứng thú (surprise) vì thấy Chính phủ đưa ra quyết sách quá hay, thế giới nên đến học tập.

Bước đường đi lên của Việt Nam trong thu hút FDI trong thời gian tới không nằm nhiều ở ưu đãi đặc biệt mà ở số lượng ngạc nhiên mà Chính phủ và các địa phương tạo ra cho các nhà đầu tư.

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới! - Ảnh 10.

-Ông có đề xuất cụ thể gì cho Việt Nam?

Tôi xin đưa ra 3 đề xuất.

Thứ nhất, trong họp báo Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn nên có một mục nhỏ, giới thiệu cải cách mới nhất của Việt Nam. Biển Đông càng phức tạp, Việt Nam càng cần có nhiều cải cách dũng cảm và hội nhập thế giới với ý thức trách nhiệm cao nhất.

Chúng ta phải ứng xử làm sao để thấy Việt Nam càng mạnh lên khi tình thế càng khắc nghiệt. Đó là một đặc tính đặc sắc nhất của nhà nước kiến tạo phát triển.

Từ ngỡ ngàng ban đầu, báo chí quốc tế sẽ dần tin tưởng rằng chúng ta đang phất lên ngọn cờ cải cách. Sức mạnh của một quốc gia nằm ở khả năng tấn công vào điểm yếu của chính mình, trở thành ngọn hải đăng để thế giới hướng đến.

Thứ hai, một số tập đoàn lớn như Vingroup nên mở rộng sang lĩnh vực khát triển KCN không chỉ cho Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Xây dựng nền tảng phát triển có hiệu quả và hiệu lực lớn hơn nhiều so với làm sản phẩm đơn lẻ như ô tô, máy thở.

Cuối cùng, Trung ương và Quốc hội có thể lập ra một hội đồng tiếp nhận sáng kiến cải cách xây dựng Việt Nam 2045 để nhận ý kiến từ người dân, doanh nghiệp, địa phương.

Người tham gia hội đồng này không cần có vị trí trong hệ thống chính trị để đảm bảo khách quan, họ chỉ cần có uy tín về phẩm chất, trình độ là được.

Hội đồng này sẽ đánh giá các sáng kiến gửi đến, phân tích và trao đổi với Trung ương Đảng, Quốc hội, và Chính phủ các sáng kiến khả thi nhất. Hội đồng sẽ có báo cáo định kỳ hàng năm hoặc sáu tháng cho toàn dân. Nếu chúng ta thành công, lịch sử sẽ ghi lại nỗ lực này như một Hội Nghị Diên Hồng.

Ảnh: Vũ Minh Quân, Tuấn Hưng

-Nhiều lần nhắc đến tiềm năng của Việt Nam và khẳng định đất nước "không giàu mới lạ", nhưng với một sự cố thiên nga đen như Covid-19, liệu cơ hội của chúng ta có bị chậm lại?

Theo nguyên lý phát triển, một sự cố khắc nghiệt thường dẫn đến những tiến hóa lớn và những biểu tượng đại diện cho kỷ nguyên phát triển mới.

Việt Nam đang có những lợi thế đặc biệt để trở thành biểu tượng phát triển cho ba thập kỷ tới.

Đây vừa là vận hội dân tộc, vừa là cấp bách có tính sống còn vì chỉ sau 30 năm nữa chúng ta trở thành một dân tộc già như Nhật Bản và sức sống động sẽ giảm đi rất nhiều.

Cảm ơn ông!


Phương Ánh
Hoàn Như, Tuấn Mark, tổng hợp
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ30/04/2020