Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 1.
Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 2.

Thanh An: Thưa ông, người ta đang băn khoăn rằng liệu có phải ông Dũng Lò Vôi đang “bị sao đó”nên tự nhiên rút khỏi các vị trí quản lý của chính công ty mình?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Xã hội không có bổn phận nói tốt cho mình. Những điều tiếng tưởng xấu, ở khía cạnh nào đó, luôn mang lại một giá trị tích cực nhất định. Ai nói mình KHÙNG lúc đó chính là giúp một phần năng lượng để kích thích mình làm cho bằng được. Càng nhiều người nói bạn khùng, bạn càng có quyết tâm để thành công.

Tất cả việc lớn trong đời tôi làm được, đều là bởi nhờ người ta nói tôi KHÙNG.

Năm 1983 vừa đi bộ đội ở chiến trường Campuchia về, tôi bắt tay làm kinh tế bằng việc xây lò vôi, làm sơn. Nhiều người hồi đó hỏi tôi khùng à? Cuối cùng tôi nuôi được cả đơn vị, chia được tiền cho anh em. Với riêng cá nhân tôi, cái khùng ngày đó quan trọng vô cùng. Bởi vì ngay từ những đồng tiền đầu tiên ấy tôi đã dành dụm để xây trường học rồi. Trường mẫu giáo 19/8 được xây từ năm 1985, tôi lấy đúng ngày vào ngành công an để đặt tên.

Rồi năm 1992 tôi làm khu công nghiệp Sóng Thần 1. Trời ơi, cả đất nước nói tôi khùng quá trời khùng!

- “Khu công nghiệp là cái gì chứ?

- “Hả? Thằng này nó khùng, thần kinh hay gì gì đó?!”

Ngày tôi đào biển, đắp núi ở Bình Dương để người dân đồng bằng được tắm biển ngắm núi... người ta nói khùng là hoàn toàn không có gì sai.

Bây giờ tôi nói tôi dừng lại, không kinh doanh nữa. Người ta vẫn nói tôi khùng. Thiệt sự, có thể vài ba năm nữa, bạn và tôi sẽ chứng kiến làn sóng những người thành công dám quyết định dừng lại để mưu cầu những sự lớn hơn tiền bạc. Lúc đó, có thể người đời sẽ hiểu, vì sao ngày hôm qua ông Dũng làm như vậy.

Thanh An: Thời điểm này chắc ông sẵn lòng chia sẻ về sự KHÙNG của mình ở năm 1992 chứ?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Câu chuyện làm khu công nghiệp bắt đầu bằng những cái khó tôi đụng phải trong thực tế.

Năm 1991, nếu một doanh nhân muốn mở doanh nghiệp thì buộc phải đến cơ quan Trọng tài kinh tế. Đơn vị đó rất quyền lực. Và bởi vì lúc bấy giờ tôi là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước - công ty Thành Lễ - nên người bạn của tôi mới nhờ tôi cùng lên Trọng tài kinh tế đăng ký giấy phép kinh doanh. Tại đó, họ đòi hỏi hồ sơ phải có đất đai thế chấp. Tôi dẫn bạn tìm đến Phòng tài nguyên môi trường. Nhưng bộ phận này nói rất rõ, phải có giấp phép đăng ký kinh doanh thì mới chứng nhận về đất đai.

Điều gì đang diễn ra với doanh nghiệp vậy?”, bạn tôi thở hắt không ra hơi sau khi chạy quanh mấy vòng thủ tục hành chính mà vẫn không ra được cái giấy phép.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 3.

Tận mắt chứng kiến chuyện con gà - quả trứng lộn xộn như vậy, mình mới thấy, thực tế này nếu không được giải quyết thì mãi mãi Việt Nam không có doanh nghiệp tư nhân thực sự luôn.

Mình cứ nghĩ tại sao không có những khu vực đất đai, hạ tầng được xây dựng sẵn để doanh nhân đến thuê sản xuất, kinh doanh? Họ đến đó không phải mệt đầu ba cái chuyện đăng ký hay thủ tục hành chính gì cả. Và bởi vì doanh nghiệp đến thuê đất nhằm mục đích sản xuất công nghiệp nên khu vực đó gọi tên chung là khu công nghiệp (KCN) có được không?

Thực tế hồi đó tôi chưa hề đi tham khảo bất kỳ mô hình KCN nào ở nước ngoài. Chỉ là từ cái khó đến vô lý như vậy mình mới phải nghĩ ra bằng được giải pháp. Người Việt Nam mình hay lắm, cái khó ló cái khôn. Hồi tôi đề xuất làm KCN chính là vì khó quá mới khôn ra được.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 4.

Thanh An: Và “cái khôn” ấy đã được đón nhận như thế nào thưa ông?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Năm 1991 khi tôi trình dự án, Chính phủ mình còn mơ màng lắm lắm về khái niệm KCN luôn.

Nhưng rất may, thời điểm đó không chỉ mình tôi hay bạn tôi nhìn thấy sự vô lý đang trói buộc doanh nghiệp, đã có rất nhiều người phát hiện ra những khó khăn vô lý đó rồi. Và tự bản thân thế hệ của chúng tôi đều đang muốn thay đổi, giải quyết khó khăn này. Cho nên khi tôi thuyết phục thì Chính phủ đồng ý rồi Bộ Chính trị đồng ý. Nhờ đó tôi được làm thí điểm KHU CÔNG NGHIỆP ĐẦU TIÊN ở Việt Nam tại tỉnh Sông Bé (tỉnh Bình Dương ngày nay - PV) vào năm 1992.

Nhưng bạn nên nhớ tôi làm Sóng Thần năm 1992 thì đến 1995 đất nước mới ra được Nghị định 192-CP về ban hành quy chế khu công nghiệp. Tôi đi trước hành lang pháp lý 3 - 4 năm liền, cho nên ngay lúc đó người đời nói mình khùng là đúng rồi còn gì nữa. Tôi không quan tâm chuyện đó. Thứ tôi rất cân nhắc là điều khác kìa.

Bởi vì để làm được Sóng Thần nghĩa là tôi phải vượt qua biết bao nhiêu ràng buộc, bao nhiêu khuôn khổ pháp lý tại thời điểm đó. Lúc ấy KCN chưa hề có cơ chế, chưa hề có luật lệ. Nên mình làm mà lo lắm chớ bộ.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 5.

Thanh An: Những nỗi lo đó cụ thể là gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Theo Luật hiện hành là tôi đang cựa quậy. Luật mới để đảm bảo tôi làm đúng thì chưa có. Sự năng động sáng tạo của mình cũng chính là cố ý làm trái. Người ta chỉ cần nói một câu thôi, những việc ông Dũng đang làm chẳng khác gì cố ý làm trái. Tôi nguy to luôn. Ranh giới giữa anh hùng và tội đồ cách nhau có một sợi tóc.

May mắn cho tôi, thí điểm chứng minh được hiệu quả đến nỗi ngày nay, tất cả các tỉnh trong cả nước đều phát triển KCN. Nếu hồi đó mô hình ông Dũng đưa ra bất ổn thì tôi chính là người phạm tội cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi làm xong KCN tỉnh Sông Bé các chú các anh ở trung ương đề xuất tôi làm tiếp tại nhiều tỉnh thành, nhưng tôi chỉ nói: “Em không có sức”.

Tôi làm Sóng Thần là rút ruột rút gan tài năng, tâm huyết của mình ra để làm. Coi đó là hình mẫu sau này các tỉnh có thể căn cứ vào mà phát triển. Chứ không phải tôi làm KCN để rồi đi tỉnh này tỉnh kia một mình mình giàu có, tích bạc tích vàng. Không phải. Hồi đó đến giờ trừ Bình Dương, tôi không làm ở đâu hết.

Kỳ thực cuộc đời này, tôi thích làm những việc người ta chưa từng làm. Tôi ít dẫm lên bước chân hay con đường mòn người ta đi lắm. Kể cả bây giờ bảo tôi đi đấu thầu một con đường, cây cầu hay miếng đất để kiếm thêm đũi vàng đũi bạc tôi cũng không làm.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 6.

Thanh An: Nhưng vì sao lúc đó ông từ chối? Mô hình KCN ông xây ra đang sinh lợi rất lớn, nhiều doanh nhân đang khao khát có cơ hội được làm thưa ông?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Tại vì bản tính tôi không phải con người đó. Nếu bất kỳ việc gì đưa ra chỉ để kiếm tiền, tôi không làm. Chưa bao giờ bạn nghe hay thấy tôi làm một việc gì nhac nhác như vậy.

Trừ phi việc gì không ai làm, tôi muốn để lại cho đời thì tôi quyết tâm làm. Thành ra tôi kinh doanh không giống người ta.

Năm 1991, tỉnh Sông Bé mượn tôi làm Giám đốc Thành Lễ. Chỉ ngay trong năm đầu tiên thôi, từ một công ty nhà nước thua lỗ nặng nề tôi đưa Thành Lễ cán mốc lợi nhuận 28,8 tỷ đồng. Vượt xa mong đợi của tất cả mọi người.

Rồi từ đó, tôi tạo ra Sóng Thần 1 thành công đến mức, ngay sau khi hình thành đã lấp kín các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Rời khỏi Thành Lễ tôi gây dựng Sóng Thần 2, Sóng Thần 3; sau này là các khu dân cư ở Dĩ An, ở phố mới Bình Dương, ở Bình Phước... là bởi vì tôi muốn Việt Nam có cơ hội phát triển công nghiệp ở lúc dân mình chỉ biết sống bằng nông nghiệp, con em mình không có chỗ để kiếm công ăn việc làm.

Năm hơn 30 tuổi dưới tay tôi là ba mươi mấy ngàn nhân viên, giải quyết cho hơn 12 vạn người có việc làm. Đến bây giờ mô hình kinh doanh của tôi tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu triệu người lao động, nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều nhờ động lực phát triển này.

Coi như tôi đã hoàn thành xong mục tiêu của mình khi làm KCN. Làm xong mục tiêu nào, tôi dừng ở đúng thời điểm đó.

Ngày mới bắt đầu kinh doanh, tôi tham vọng làm ra thật nhiều tiền. Khi có thật nhiều tiền rồi, bộ não của mình phải lên dây cót để chữ “dừng lại” xuất hiện đúng lúc. Ngày đang tung hoành trên thương trường, nguyên tắc quan trọng nhất của tôi là ai cũng có thể làm bạn với mình. Và tôi tuyệt đối không làm phương hại đến ai.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 7.

Thanh An: Thưa ông, xây KCN, lấy đất của dân mà không làm phương hại đến ai đâu có dễ?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Bạn xuống Dĩ An, Bình Dương hẳn mấy ngày đi, đất bà con giá đáng 10 đồng. Tôi đi mua thử, giả sử có giá 20 đồng thì tôi đền bù ít nhất cũng phải 30 - 40 đồng. Vậy ai không vui?

Người dân giao tôi một mẫu đất, họ ra thị trường mua được 1,5 mẫu khác hoặc 1 mẫu đất khác mà vẫn dư tiền. Đố bạn tìm được một cái đơn người dân thưa kiện ông Dũng khi tôi đi đền bù?

Là bởi vì tôi làm theo triết lý rất đơn giản, khởi tự trong lòng mình thôi. Bí mật của đại thụ nằm ở hạt mầm bé tý xíu trong quả chứ không phải ở thân cây khổng lồ. Bí mật của ông Dũng nằm ở những điều ổng mang ơn và trả ơn chứ không ở dòng vốn dồi dào.

Mình giỏi hơn người nông dân đúng không? Mình có giải pháp để thay đổi công năng miếng đất đó cho hiệu quả hơn đúng không?

Để giải pháp đó thành công thì phải có cộng sự cùng thực hiện. Cuộc đời tôi mang ơn tất cả những người đã hy sinh cho ý tưởng của mình, dời nhà dời cửa, dời bàn thờ ông bà tổ tiên... giao đất cho mình. Vậy nên mình coi họ là người thân, người cộng tác với mình bằng chính miếng đất đó. Chia lãi trước cho họ một phần.

Toàn bộ khu cũ đó tôi thay đổi công năng của đất, đưa doanh nghiệp đến thuê làm nhà xưởng sản xuất, thu hút lao động rất nhiều. Vậy là anh cất nhà trọ cho công nhân thuê được. Từ ông chủ miếng đất trồng rau, nuôi bò nay anh làm ông chủ nhà trọ. Anh có thêm thu nhập và vẫn làm ông chủ.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 8.

Thanh An: Vậy là tôi đang ngồi trước ai đây, một doanh nhân thành đạt vừa từ giã sự nghiệp hay một nhà triết lý bắt đầu chia sẻ những quan niệm về sự sống?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi giống như một học sinh đang thực hành việc của mình đã làm, đã nói, đã viết.

Sau 40 năm kinh doanh tôi viết lại một quyển gọi là Luật nghiệp kinh doanh để lại cho đời đường đi nước bước của giới doanh nhân. Trong đó có chi tiết 64 quẻ kinh dịch cũng là 64 cảnh đời doanh nghiệp gặp phải. Với tôi, kinh doanh là đạo chứ không phải chỉ là một nghề. Đạo kinh doanh.

Trong kinh doanh có hai thế trận. Một thế trận ta có lời người có lãi, nương nhau để sống. Cái thứ hai là tư tưởng bá đạo, thôn tính, chà đạp, chỉ biết mình. Và cuộc đời luôn cho thấy, ngày hôm nay ta có thể dùng tri thức để móc túi thiên hạ thì ngày mai sẽ có người tri thức hơn móc túi mình. Mà móc nhiều hơn nữa. Móc cả vốn lẫn lãi nữa. Đó là luật nhân quả.

Kinh doanh hay làm nhà sư khi dựa vào nền tảng của luật nhân quả thì con người sẽ nhẹ nhàng bước đi. Kiếm được một đồng nhưng tối về ngủ rất ngon hay kiếm cả đống tiền, tối ngủ có khi lại giật mình. Đồng tiền mình kiếm từ chỗ tạo phước đức hay gây tội lỗi, điều đó rất quan trọng.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 9.

Thanh An: Ông đang hành xử như mình là một Phật tử?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi là phật tử tại gia. Đối với tôi TU là SỬA. Tại vì nhân chi sơ tánh bản thiện. Bây giờ người ta cần tu sửa bản thân để được trở về với chánh bản thiện ban đầu. TU không trói buộc trong đạo này đạo kia hay ông thầy này ngôi chùa nọ.

Vì thế, tôi có thể đến trước tượng Phật quỳ xuống, tự xin làm đệ tử của Phật, thành tâm xin một pháp danh để tu tại gia.

Trong Phật, Pháp, Tăng thì tôi chọn Phật, Pháp còn Tăng - tôi không lại gần được. Lạy cha lạy mẹ, lạy người lớn tuổi tôi làm được nhưng gọi một ông, lại còn nhỏ tuổi hơn tôi là thầy xưng con thì tôi không làm được.

Lý do vì tôi không biết ông Tăng đó tu thật như mình hay không? Trong cõi vàng thau lẫn lộn, tôi vẫn còn dốt lắm, trí tuệ chưa khai mở đủ để nhìn thấy ông đó tu hay không tu. Hơn nữa tôi có trải nghiệm thực sự. Ông sư đó ở trong chùa tu, tôi ở ngoài đời tu. Chưa chắc người trong chùa tu đắc đạo hơn, khai mở được trí tuệ hơn là người ở ngoài đời. Cho nên tôi không phản bác tôn giáo nhưng KHÔNG THEO MỘT CHƯ TĂNG NÀO.

Thanh An: Đó là lý do ông lựa chọn tự quy y?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Một người không được học hành cho tay vô lửa. Qua việc bị bỏng tay bản thân nhận được quả Tuệ: lửa có thể đốt cháy cơ thể con người. Trong khi đó một người suốt đời ăn học tới nơi tới chốn, tuân thủ lời khuyên không dám chạm tay vào lửa vì sợ bỏng. Hai người đều nhận quả Tuệ.

Chỉ có điều, quả Tuệ của người dù không học nhưng đã bị bỏng rồi là họ đã qua thực chứng - bỏ đau thương ra lấy hiểu biết. Còn người kia, mãi mãi mơ hồ không biết lửa gây bỏng đau đớn như thế nào. Nên trong xã hội này làm người đụng càng nhiều Tuệ càng rộng, đụng càng đau Tuệ càng sâu. Trải nghiệm chính là tài sản của bản thân mình.

Tôi không được may mắn trên con đường Văn Tuệ. Vì học chưa hết cấp ba, chưa có bằng phổ thông trung học đã đi bộ đội. Ra quân lại không có thời gian và điều kiện học tiếp. Nhưng so sánh cái người ta học với cái tôi thực hành ở ngoài đời, cái nào quan trọng hơn? Tôi chọn cái thực hành ở ngoài đời. Qua những lần đụng đó nghĩa là mình vừa làm vừa học, học bằng thực tế, nhận từ chân lý hàng ngày. Nếu bạn học lý thuyết mãi không đem ra thực hành thì đó chẳng qua là Tuệ nửa vời, vô dụng. Còn khi bạn dám hành động để xóa bớt khốn khó chính là bạn đã mang lại chân giá trị cho cuộc đời này.

Các ông thầy tu giảng dạy về tham sân si... nhưng dám chứng minh không? Dám đem hết những thứ ông ấy có ra để buông bỏ không? Rồi ai cũng nói vì dân vì nước. Có ai dám bán căn nhà của mình chia sẻ cho dân đói khổ không?

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 10.

Thanh An: Ông đã từng bán nhà để lo cho những người gặp khốn khó?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi vẫn đang bán tài sản để làm từ thiện, đem chia cho đời đây mà. Chuyện đơn giản này tôi làm nhiều lắm á. Nếu sống được khoảng 30 năm nữa thì mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản tích góp được đem chia cho đời.

Ngoài ra, từ 2014 vợ chồng tôi đã lập văn bằng cam kết lợi nhuận của công ty mỗi năm thu được bao nhiêu đều mang làm từ thiện hết luôn năm đó. Năm nào lãi ít thì mình bán nhà, bán tài sản ứng cho năm sau. Tôi đã làm, đã tuyên bố và nhất định không nuốt lời.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 11.

Tài sản của tôi nếu chỉ để lại cho con cháu thì quá thừa. Chúng không cần làm gì vẫn sống sung túc hết cả cuộc đời. Không biết chừng chính đồng tiền của tôi lại làm thui chột trí tuệ, thui chột luôn cả bản năng sinh tồn, bản năng tự vệ của dòng giống mình. Vì chúng sẽ chỉ trở thành đứa bé vô dụng chẳng có gì ngoài tiền.

Trong khi đó, một miếng đất của tôi có thể giúp các cháu có ngôi trường đến học. Một căn nhà của tôi có thể mang lại trái tim khỏe mạnh, bộ não tinh tường cho vài cơ thể đang thoi thóp. Đồng tiền của tôi xây cầu, làm đường, làm nhà máy nước sạch cho các vùng nông thôn nghèo.

Tất cả những điều chân thiện đó khi làm được gì cho đời mình cứ thầm lặng làm miễn sao cốt lõi cuối cùng cả xã hội có thể hưởng được thành quả. Tôi chọn gieo mầm quả ngọt cho đất nước, chính con cháu tôi cũng được hưởng lợi cùng.

Thanh An: Ông có nhớ mình đã xây bao nhiêu ngôi trường, bao nhiêu cây cầu, con đường hay cứu chữa cho bao nhiêu cháu nhỏ không?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi làm không công mà cũng không cần nhớ mấy chuyện đó. Đừng nghĩ rằng với người nghèo mình cho mình tính. Không, với người khó khăn mình cũng nên đối xử giống như đối với Trời Phật, như đối với cha mẹ mình. Coi chuyện chia sẻ phước đức như đi cúng giường hay bán rủi mua may là không đúng đâu.

Tôi chia sẻ với một sự vô tư. Tôi nói đàng hoàng đó. Để làm chi? Để người nhận không mắc nợ mình. Của cho là của nợ. Mình không cần người ta vì đó mà phải nhớ hay hồi báo. Cả đời tôi chưa bao giờ dám dùng chữ CHO.

Mổ tim các cháu cũng vậy. Hiện tại, mỗi năm các bệnh viện mổ giùm tôi cũng được 500 cháu. Đừng nói gia đình nghèo, bạn thử hỏi gia đình trung lưu có con bị tim bẩm sinh đi. Khi lên cơn rồi thì môi cháu nó tím tái hết, trong nhà lúc nào cũng cần người chăm bên cạnh. Vậy là mất đi một lao động rồi.

Giờ mình coi các cháu là con mình, là người thân của mình, mình gánh cùng họ nỗi khổ, mình san bớt cùng họ nỗi đau. Những đêm tụi nhỏ vô phòng mổ, mình ở ngoài thức chờ hồi hộp lo âu cùng cha mẹ chúng. Rồi đến ngày thấy lồng ngực nó thở nhẹ nhàng bình an, cảm giác hạnh phúc của cha mẹ tụi nhỏ mình cũng chính là người được vỡ òa vì sung sướng.

Đặc biệt, làm việc thiện, tôi cảm thấy rất an toàn.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 12.

Thanh An: Cảm giác an toàn này vì sao lại đặc biệt thưa ông?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Đã từng có lần tôi phát biểu trên báo chí, mơ ước sao đất nước Việt Nam mình một ngày nào đó lấy chỉ số hạnh phúc của người dân làm chỉ số quốc gia chứ không phải GDP này nọ đâu.

Kinh tế chẳng qua chỉ là phương tiện giúp con người duy trì sự sống, mục đích cuối loài người này mưu cầu luôn là hạnh phúc. Trong chỉ số hạnh phúc sẽ gồm có thu nhập, sức khỏe, giáo dục, ước mơ, tự do... Chưa chắc nhiều tiền đã hạnh phúc.

Có lần tôi xuống miền Tây, thấy người dân ở đó đang chết khát vì nước nhiễm mặn thì cũng giống như hồi tôi xây Sóng Thần 1, chỉ là vì nhìn thấy chuyện khó khăn mà phải nghĩ cách giải quyết thôi. Ngày xuống Gò Công Tây xây nhà máy xử lý nước chợt tôi nhìn thấy một bà già còng lưng xách can nhựa đi lấy nước sạch từ mờ sáng. Hỏi chuyện mới biết ở đây không chỉ thiếu nước mà còn thiếu cả phương tiện dẫn nước về cho bà con. Tôi bèn cho mua ống kéo nước từ nhà máy đến cửa nhà bà cụ. Lúc bà già bảy mươi mấy tuổi ra ngồi ngay cửa, run run tay mở vòi xả thấy dòng nước chảy mà bà mừng rơi nước mắt được thì bạn nghĩ sao?

Tôi chỉ nghĩ, nếu là mẹ mình khổ vậy mình đau lòng cỡ nào?

Cái tâm từ bi chỉ nói thì ai cũng nói được. Còn thực tế có mấy người dám mang tiền dành dụm trong két sắt nhà mình ra mua máy móc, mua xăng dầu, thuê công người... Những lúc xuống với bà con tôi chỉ mang đôi dép lẹp xẹp để đi lang thang với người dân ra đồng mà vui lắm.

Trên mạng người ta hay hỏi, tiền nhiều để làm gì? Mỗi người có một cách thụ hưởng tiền bạc. Người thích mua xe sang, người thích kiếm nhà sang. Người thích ăn sang mặc sang... Hổng lẽ ngày tôi ăn 10 con gà? Ăn vô cho bệnh chết chứ được cái gì. Rồi tôi đeo viên kim cương ra đường lắm lúc lại tạo phiền não cho chính mình. Hồi hộp sợ người ta xơi luôn cánh tay chứ sao nữa.

Cách thụ hưởng đồng tiền làm tôi sung sướng đó là cứ mỗi ngày tiền của tôi giúp cho một em bé được cứu sống. Tôi đang sung sướng tận hưởng tiền bạc bằng cách chia sẻ cho đời. Khi chia sẻ rồi thì mình nhẹ nhàng, ở trong nhà, ra đường hay có đi xa mãi mãi đều thấy thoải mái.

Của cải thực sự của con người một là PHÚC ĐỨC, hai là TỘI LỖI. Mình đến với đời này mang theo hai thứ đó và khi nhắm mắt ra đi cũng chỉ mang được theo hai thứ đó. Cho nên cảm giác an toàn và hạnh phúc lúc này của tôi thực sự rất đặc biệt.

Thanh An:  Một hành trình tích lũy và chia sẻ thật đặc biệt đã giúp ông tìm được cảm giác an toàn rất đặc biệt. Xin cảm ơn ông rất nhiều vì những chia sẻ chân thành này!

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Sống được 30 năm nữa, mỗi năm tôi sẽ bán đi một vài tài sản, chia hết cho đời” - Ảnh 13.
Thanh An
Hải Long
Trang Đinh
Theo Trí Thức Trẻ08/01/2021