Lợi dụng gây quỹ ủng hộ chống dịch Covid-19, nhiều kẻ lừa đảo lên mạng rao bán bức tượng lớn nhất thế giới với giá 4 tỷ đô

Nhật Thành | 07-04-2020 - 22:23 PM

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh 1,3 tỷ dân phải ngồi nhà do dịch bệnh Covid-19 thì số vụ lừa đảo trên mạng internet cũng đang gia tăng mạnh ở Ấn Độ.

Cảnh sát ở Ấn Độ đã tiến hành điều tra vụ lừa đảo trên mạng vừa xảy ra trong tuần này, một kẻ giả mạo đã cố rao bán bức tượng lớn nhất thế giới với giá 4 tỷ đô la Mỹ. Theo Reuters đưa, tên này lấy lý do là quyên tiền cho chính quyền bang Gujarat trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 để khiến những người nhẹ dạ cả tin chi tiền.

"Bức tượng Thống nhất" có chiều cao 182 m, gần gấp đôi chiều cao của tượng Nữ thần Tự do ở New York (Mỹ). Pho tượng với hình dáng của chính trị gia Ấn Độ Vallabhbhai Patel được dựng tại huyện Narmada thuộc tiểu bang Gujarat, Ấn Độ.

Ngoài vụ việc lừa bán bức tượng lớn nhất thế giới nói trên, cảnh sát Ấn Độ cho biết họ đã ghi nhận được số vụ phạm tội trên mạng đang gia tăng trong khi dịch bệnh Covid-19 khiến người dân nước này trở nên hoảng sợ.

Lợi dụng việc gây quỹ ủng hộ chống dịch Covid-19, một số kẻ lừa đảo đã lên mạng rao bán bức tượng lớn nhất thế giới với giá 4 tỷ đô  - Ảnh 1.

Bức tượng Thống nhất, một biểu tượng ở bang Gujarat, Ấn Độ

Với việc 1,3 tỷ người dân của Ấn Độ phải ngồi ở nhà, trong 4 tuần qua, số vụ lừa đảo trên mạng đã gia tăng mạnh, con số lên tới 86%. Và hình thức lừa đảo cũng rất đa dạng, từ việc lừa nạp tiền điện thoại miễn phí đến dụ dỗ đăng ký tài khoản Netflix không mất tiền.

Cảnh sát nói rằng những kẻ lừa đã cố tạo ra một phiên bản giả mạo của ứng dụng thanh toán "PM CARES Fund", điều này khiến nhiều người dân Ấn Độ đã mắc bẫy vì chúng trông hoàn toàn giống với bản gốc.

"Chúng tôi nhận được hơn 8.300 đơn tố cái từ người dân khắc Ấn Độ, họ đã bị lừa quyên góp hàng ngàn đô la vào những tài khoản giả mạo." - một quan chức cấp cao của bộ nội vụ nói, bên cạnh đó họ cho biết rằng quá trình thu hồi số tiền này cực kỳ khó khăn.

"Chúng tôi đã chặn toàn bộ các giao dịch bất hợp pháp, giả mạo PM CARES Fund và cũng giám sát kỹ để đảm bảo các giao dịch quyên góp đều được xác minh." - Dilip Asbe, CEO của tập đoàn thanh toán quốc gia Ấn Độ nói.

Hiện cả Netflix và công ty viễn thông Jio chưa có bình luận gì về hành động mạo danh tên công ty của họ.

Lợi dụng việc gây quỹ ủng hộ chống dịch Covid-19, một số kẻ lừa đảo đã lên mạng rao bán bức tượng lớn nhất thế giới với giá 4 tỷ đô  - Ảnh 2.

Có chiều cao 182 m, đây chính là bức tượng lớn nhất thế giới

Trong khi đó, CERT-In, một nhóm phản ứng khẩn cấp về máy vi tính thuộc ngân hàng dự trữ Ấn Độ gần đây cũng đã lên tiếng cảnh báo về hành vi lừa đảo trên mạng internet và kêu gọi các tổ chức tài chính nên đề cao cảnh giác.

"Cơ quan mật vụ Mỹ cũng đã cảnh báo nhiều quốc gia trong quãng thời gian đại dịch bùng phát, nhiều hoạt động diễn ra trên mạng hơn và tội phạm internet cũng đã lợi dụng điều đó để hành động, chúng đang tích cực khai thác những câu chuyện về dịch Covid-19 để thu lợi bất chính." - Nitin Bhatnagar, một quan chức cấp cao tại hội đồng tiêu chuẩn bảo mật PCI - cơ quan tiêu chuẩn toàn cầu của ngành công nghiệp thanh toán thẻ cho biết.

(Theo Reuters)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM